Ứng xử thông minh của cô giáo "cò hương"
- Cô giáo dạy Địa lý của lớp tôi ngày ấy dạy rất giỏi về chuyên môn, nhiệt tình với các phong trào của đoàn và nổi tiếng là một người nghiêm khắc nhưng mỗi tội cô rất gầy.
Trong giờ học. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Cô lại tên là Hương nên chẳng biết từ bao giờ lớp nào cũng gọi sau lưng cô là cô “cò Hương”. Dẫu vậy trước mặt cô thì chưa ai dám tỏ ra vô lễ cả.
Nhưng rồi, có một sự kiện đã xảy ra, hay nói đúng hơn là một trò đùa dại dột của tôi và Chung đã khiến chúng tôi được một phen “hồn xiêu phách lạc”.
Hôm đó, sau tiết sinh học, chúng tôi nghỉ giải lao để chuẩn bị học tiết địa lý. Thay vì ra chơi, tôi và Chung lại thách nhau xem ai sẽ vẽ cò đẹp hơn.
Loay hoay một lúc thì cũng xong. Cao hứng, tôi còn chú thích bên dưới mấy chữ “cô Hương cò”!
Mải mê chiêm ngưỡng tác phẩm của mình thành thử chúng tôi không biết cô Hương đã đứng cửa tự khi nào.
Khi cô lên tiếng, hai thằng tôi mới cuống cuồng ù chạy về chỗ ngồi trong khi chiến tích vẫn con nguyên trên bảng.
Vừa bước vào lớp, nhìn lên bảng, cô chỉ hơi cau mày lại. Cả lớp im thin thít, trong khi tôi và Chung thì run nhong nhóc, bấm bụng phen này thì nghỉ học là cái chắc rồi.
Thế rồi, cô mở cặp, lấy một viên phấn rồi tiến về phía bảng.
BÀI VIẾT CỦA BẠN ĐỌC |
Sau đó, trên thân mỗi con cò cô lại viết một từ tiếng Anh là "pupil". Cả lớp lặng im, từng giây nặng nề trôi.
Rồi đột nhiên, cô bật cười thật to:
- Dù gầy gò thì cò vẫn là cò, còn bọn "pupil" chỉ là lũ tép riu! Và cò thì không bao giờ sợ tép riu cả!
Cô vừa dứt lời cả lớp tôi cười vang. Để cho lớp cười thoải mái một lúc cô bảo bàn trực nhật lên xoá bảng, sau đó cô tiến hành giảng dạy như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Hết giờ tôi và Chung biết thân phận, đứng sẵn ở cầu thang để nhận lỗi với cô. Vừa nhìn thấy chúng tôi cô đã bảo:
- Muốn mai này bơi ra được sông, được bể thì tép riu phải lớn thành cá to. Nếu không thì không chỉ bị cò ăn còn mà còn trở thành mồi ngon cho nhiều loài khác. Nhiệm vụ của các em là phải “phồng mang” ra mà ăn cho căng, cho nhiều kiến thức vào biết chưa? Lần này cô tha, về lớp học đi!
Cả tôi và Chung thở phào nhẹ nhõm và lí nhí hai từ lời cảm ơn cô không thành lời. Từ hôm đó trở đi, lớp tôi không ai còn gọi cô là cô "cò Hương" nữa và cái biệt danh đó dần cũng mất đi.
Cho đến hôm nay lớp tôi ai cũng thành đạt mỗi khi nhớ về cô chúng tôi lại tự nhủ trong lòng hai từ: Biết ơn.
Một người thầy tâm lý, hết lòng vì học sinh thân yêu!
-
Nguyễn Ngọc Sơn