Nỗi tự ái của cô giáo trẻ khi trò học giỏi
- Tôi đã đi qua tuổi 24 của nghề dạy học. Em - cậu học trò của tôi ngày đó, giờ cũng đã bước qua tuổi 30.
HS lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Hai mươi năm trước, em là học trò chủ nhiệm của tôi, ở lớp mười hai. Đó là một lớp học tập trung nhiều học sinh khá giỏi. Ở một trường vùng quê ngày ấy, số học sinh giỏi mỗi năm không thực sự nhiều.
Có lẽ vì vậy, nhiều học sinh của lớp tỏ ra kiêu căng, tự phụ. Em nổi bật trong lớp về nét tính cách ấy. Nét ương bướng, ngạo mạn, bất phục thể hiện khá rõ trên gương mặt.
Những câu hỏi em đặt ra trong các giờ học vẫn hay làm một số giáo viên lúng túng. Trong suy nghĩ của nhiều thầy cô lúc đó, em hỏi để chứng tỏ mình giỏi, hơn là thực sự muốn tìm hiểu và khám phá.
Khi đó, tôi hãy còn là một giáo viên khá trẻ, về tuổi đời và cả tuổi nghề. Vốn sống, vốn trải nghiệm ít ỏi không đủ đểgiúp em hướng sự thông minh và nét cá tính ấy theo cách phát huy thế mạnh trong học tập, trong cuộc sống.
Thực sự, tôi chưa đủ bản lĩnh sư phạm để ứng xử với những dạng học sinh như em.
Em vẫn tỏ thái độ bất phục. Tôi vẫn khó chịu và có phần bất lực trước em.
Năm học kết thúc. Trong học bạ của em, tôi - giáo viên chủ nhiệm, đã đặt bút phê: học giỏi, thông minh, nhưng có nhiều biểu hiện tự cao.
BÀI VIẾT CỦA BẠN ĐỌC |
Thực ra, trước khi phê, tôi cũng có chút băn khoăn, do dự. Nhưng có lẽ, nỗi ấm ức, bực bội suốt một năm học đã lớn hơn chút tình thầy trò ít ỏi trong tôi.
Khi đã bình tâm nhìn lại mọi việc, tôi day dứt vì đã nặng tay với em. Nhưng đã muộn. Tôi không có cách nào xóa đi những lời phê ấy. Có lẽ, cầm học bạ trên tay, em giận tôi nhiều lắm.
Em vào đại học. Suốt thời gian ấy, tôi không có dịp gặp em.
Những năm sau đó, tôi thay đổi nhiều trong cách ứng xử với học sinh.
Trước những lỗi lầm của các em, tôi luôn cố gắng tìm hiểu nguyên nhân từ hoàn cảnh gia đình, điều kiện, tình huống dẫn các em đến phạm lỗi.
Tôi cố gắng lắng nghe ý kiến của các em để có cách xử lý phù hợp, làm sao để các em thực sự tâm phục, khẩu phục.
Khi các em có lỗi, tôi phân tích để các em nhận lỗi và sửa chữa. Tôi đã vững vàng hơn trong vai trò chủ nhiệm, đã ít nhiều là chỗ dựa tinh thần của một số học sinh .
Mấy năm sau ngày tốt nghiệp đại học, em đến nhà tôi mời đám cưới.
Tôi thực sự bất ngờ về điều đó. Đó cũng là dịp để tôi nói với em về sự băn khoăn, day dứt trong tôi vì lời phê học bạ năm nào. Em đã chững chạc hơn, điềm đạm hơn nhiều lắm.
Em bảo: "Hồi đó, em cũng có lỗi nhiều. Em trẻ con, nông nổi và háo thắng. Nhưng giờ, em hiểu và không trách gì cô. Em mời cô đến dự ngày vui là muốn từ nay, thầy trò mình vui vẻ với nhau, cô nhé".
Giờ đây, em đã có một công việc ổn định, một gia đình hạnh phúc, thậm chí là khá thành đạt. May mà, những lời phê của tôi đã không gây bức xúc, không đẩy em vào ngõ cụt của cuộc đời.
Tôi thầm cảm ơn em, vô hình chung, đã cho tôi một kinh nghiệm sâu sắc, trong cuộc đời dạy học.
Với riêng tôi, tôi tự nhủ, sẽ không bao giờ có sự lặp lại một lần nữa - sai lầm ngày xưa!
-
La Thị Linh Kiều (Tiền Giang)
***********************
Là giáo viên, đã từng hay đang là học sinh, hoặc là phụ huynh, hẳn bạn đã từng biết tới các tình huống sư phạm. Mời bạn đọc tham gia giới thiệu các tình huống ứng xử sư phạm ấn tượng mà mình đã từng biết, từng trải qua. Bài được chọn đăng sẽ có chế độ nhuận bút. Mời quý vị gửi bài viết theo địa chỉ email: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc: Ban Giáo dục, Báo Điện tử VietNamNet, 141, phố Bà Triệu, Hà Nội. Cảm ơn các bạn.