"Thầy càng dạy càng bớt trung thực đi...."
- Năm ấy, tôi giảng dạy văn ở một trường cấp ba có bề dày truyền thống hàng đầu tại thủ đô Hà Nội. Trường lớn, hầu hết các em học sinh đều ngoan, chăm học và học tốt.
Tôi thường tìm cách ra những đề bài làm văn để học trò có thể thực sự động não, động bút.
Lần ấy kiểm tra 15 phút tại lớp, tôi đã cho các em đề: “Cảm nhận của em về bài thơ sau đây…”.
Đó là bài lục bát mới ra mắt bạn đọc gồm khoảng hơn mười câu của một nhà thơ có vị trí cao hàng đầu trong thi ca đương đại viết dịp đầu năm mới, đăng trang nhất một tờ báo lớn.
Tôi chép toàn bài đó lên bảng. Khi về nhà, tôi háo hức đem tập bài làm ra xem ngay.
Để xem các học sinh của tôi có cảm, nghĩ gì mới; có bài nào viết hay.
Phần lớn các em đều khen câu thơ, ý thơ, âm điệu thơ.
Bất ngờ tôi gặp bài viết gọn của một em gái đã chê bài thơ đó lời gượng ép, cảm xúc có phần không thật…
Tôi đọc đi đọc lại bài làm đó, băn khoăn không biết nên đánh giá sao đây.
Thông thường thì bài như thế sẽ bị điểm xấu. Vậy cho điểm kém ư? Không ổn.
Vì tác giả bài làm đã viết rất thực lòng và đôi chỗ không phải không có lí. Mà văn chương rất cần sự chân thực.
Nhưng để điểm cao ư? Cũng không được. Sẽ có thể rất phiền. Và tạo tiền lệ cho các em học sinh phê phán này nọ.
Đây là điều mà nhà trường bấy giờ (và có lẽ cả bây giờ) chưa chấp nhận.
Tôi suy nghĩ lao lung mãi. Rồi quyết định không cho điểm bài ấy. Em sẽ làm một đề bài khác.
BÀI VIẾT CỦA BẠN ĐỌC |
Ngay sau đó tôi hẹn gặp học sinh này.
Tôi để em tự chọn thời gian, địa điểm.
Cũng hơi bất ngờ là em không chọn cách đến nhà thầy, hoặc ở lại lớp sau buổi học. Em muốn cùng thầy đi trò chuyện trên đường gần nhà em.
Tôi dạy lớp em đã hơn hai năm rồi nhưng không làm chủ nhiệm nên chỉ biết sơ rằng em là con cán bộ quân đội, nhà ở một phố lớn, đẹp, khá yên tĩnh.
Thầy trò gặp nhau, tôi tâm sự với em những suy tư của mình về bài em mới viết, nói rõ cách “xử lí” và đề nghị được giữ bài làm đó để kỉ niệm. Em không nói gì, ra vẻ đồng ý.
Nhân dịp, tôi hỏi thêm nhận xét của em về các bài giảng văn của thầy.
Rất bất ngờ, em nói luôn: "Thầy càng dạy càng bớt trung thực đi.
Ở lớp dưới giảng về văn học dân gian thì rất trúng, rất hay. Nhưng lên lớp trên, giảng về văn thơ cách mạng thì có phần gượng ép…
Thoáng thảng thốt trước nhận xét đó, tôi vẫn nhẹ nhàng giải thích cho em học sinh rất cá tính này hiểu và thông cảm.
Em lặng lẽ nghe, đôi lúc mỉm cười đồng cảm.
Về sau, nhận quyết định Bộ Giáo dục chuyển vào miền Nam, tôi không gặp lại, nhưng nghe nói em thành đạt, nên người tốt.
Nhiều năm, dạy học ở các trường chuyên Hà Nội, trường chuyên TP.HCM, gặp không ít tình huống sư phạm khó xử nhưng tôi nhớ nhất tình huống này.
Tôi không dám nghĩ đấy là giải pháp thông minh nhưng tôi đã ứng xử chân thành xuất phát từ thiện tâm của người thầy.
-
Trần Đồng Minh
**********************
Là giáo viên, đã từng hay đang là học sinh, hoặc là phụ huynh, hẳn bạn đã từng biết tới các tình huống sư phạm. Mời bạn đọc tham gia giới thiệu các tình huống ứng xử sư phạm ấn tượng mà mình đã từng biết, từng trải qua. Bài được chọn đăng sẽ có chế độ nhuận bút. Mời quý vị gửi bài viết theo địa chỉ email: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc: Ban Giáo dục, Báo Điện tử VietNamNet, 141, phố Bà Triệu, Hà Nội. Cảm ơn các bạn.