Năng động hơn qua các trò chơi dân gian
"Vui chơi không những giúp trẻ tăng cường sức khỏe mà mà còn có tác dụng hình thành nhân cách, cá tính, ý chí tình cảm của trẻ..." Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo Kỳ Anh (Hà Tình) Nguyễn Quốc Anh - trưởng nhóm sáng tạo nhận định như vậy khi bắt tay nghiên cứu "Chuyên đề phổ biến trò chơi dân gian vào các trường THCS".
Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được Bộ GD-ĐT khởi xướng từ năm học 2008-2009 đã thu hút được sự quan tâm của các trường từ vùng thuận đến vùng còn khó khăn. Đây là phong trào tiếp nối sau cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” được triển khai từ năm học 2007-2008.
Cuộc thi “Sáng tạo giáo dục” do Bộ Giáo dục và đào tạo giao cho Dự án Phát triển Giáo dục THCS II thực hiện phối hợp với Vụ Giáo dục Trung học, Tạp chí Giáo dục tổ chức được phát động vào tháng 11/2008 là một hoạt động nhằm hưởng ứng cuộc vận động và phong trào thi đua nêu trên.
Ban tổ chức đã nhận được hơn 300 đề tài tham dự từ khắp mọi miền đất nước. Trong đó, nhiều đề tài được đánh giá đem lại hiệu quả ứng dụng cao. Cụ thể là đề tài "Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh trong trường THCS", "Sơ đồ tư duy trong dạy và học" "Chuyên đề phổ biến trò chơi dân gian vào các trường THCS"...
Học sinh tham gia trò chơi dân gian. Ảnh Internet.
Tiến sĩ Trần Đình Châu, Vụ trưởng, Giám đốc Ban điều hành Dự án Phát triển Giáo dục THCS II, Uỷ viên Thường trực Ban chỉ đạo phong trào thi đua “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” của Bộ GD-ĐT nhận định: “Qua cuộc thi cho thấy tiềm năng sáng tạo trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các nhà trường là rất lớn".
Vui chơi giúp trẻ hình thành nhân cách
Sự bùng nổ của công nghệ số đã đưa con người tiếp cận với nền khoa học công nghệ nhanh hơn nhưng cũng không ít "cám dỗ". Kết quả khảo sát của Viện Xã hội học Việt Nam về game online công bố mới đây cho thấy thực tế đáng lo ngại khi tuổi 10 tuổi đã là "game thủ". Đối tượng "nghiện game" trong độ tuổi học tiểu học và THCS (từ 10-15 tuổi) chiếm tỷ lệ 26,3%. Từ "nghiện game" dẫn đến xao lãng việc học và xa đà vào thói hư, tật xấu.
Nhận thấy trách nhiệm của mình, ngành Giáo dục - bằng các cuộc vận động đã không ngừng tìm tòi đổi mới phương pháp để học sinh hứng thú hơn với bài học, vui hơn khi đến trường, được tiếp cận với những bài giảng "học mà chơi, chơi mà học".
Từ kinh nghiệm nhiều năm đứng lớp - Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo Kỳ Anh (Hà Tình) Nguyễn Quốc Anh đúc rút "vui chơi là hoạt động không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của trẻ. Vui chơi không những giúp trẻ tăng cường sức khỏe mà mà còn có tác dụng hình thành nhân cách, cá tính, ý chí tình cảm của trẻ...".
Với suy nghĩ đó, ông cùng mới một nhóm đồng nghiệp đang công tác tại Phòng GD-ĐT Kỳ Anh và một số hiệu trưởng, giáo viên các trường tiểu học, THCS trên địa bàn cùng bắt tay nghiên cứu chuyên đề "Giới thiệu, phổ biến trò chơi dân gian vào các trường THCS ở Hà Tĩnh".
Theo phân tích của nhóm, chuyên đề nhằm cung cấp các em những lối chơi, luật chơi trong những cuộc vui chơi của trẻ vùng Nghệ Tĩnh xưa kia, mà đến nay nhiều trò vui chơi dường như ít trẻ biết đến.
Chuyên đề này cũng nhận được đánh giá từ Ban Tổ chức là có tính ứng dụng cao, được thực hiện công phu.
15 trò chơi
Vẫn theo ông Nguyễn Quốc Anh, từ việc sưu tầm các trò chơi dân gian lưu truyền trong nhân dân cộng với việc tham khảo các tài liệu và các nghệ nhân, đến tháng 11/2009 đã tập hợp được trên 150 trò chơi các vùng miền. Sau đó lựa chọn ra 50 trò chơi biên tập thành Chuyên khảo trò chơi dân gian để phổ biến trong các trường học.
Qua lấy ý kiến bằng phiếu trắc nghiệm và ý kiến trực tiếp đã lựa chọn được 15 trò chơi có thể áp dụng thường xuyên vào các trường học, trong các giờ giải lao. Cụ thể là các trò chơi như: Nhảy dây, Mèo đuổi chuột, Kéo co, Đá cầu, Nu na Nu nống, Đánh thẻ (chơi chuyền), Ô ăn quan, Nhảy bao bố, Rồng rắn lên mây...
Ông Quốc Anh cho biết, 15 trò chơi nói trên đã được giới thiệu phổ biến thường xuyên trong các trường THCS ở Kỳ Anh - Hà Tĩnh.
Chơi kéo co trong trường học. Ảnh Internet.
Với trò chơi Đánh thẻ, bà Nguyễn Thị Thanh Mai - phó Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Tân (Hà Tĩnh) mô tả, với trò chơi này không đòi hỏi quá nhiều về không gian nên các em có thể chơi trong lớp hoặc ngoài sân trường, dưới các gốc cây...vào các giờ ra chơi hoặc trước khi vào học.
Đánh thẻ - trò chơi dành cho các bạn gái. Công cụ để chơi không quá cầu kì, gồm 10 que nhỏ có hình tròn, trơn dài khoảng 30-40 cm và một quả bóng tennis có thể nắm trong lòng bàn tay.
Hay trò chơi dân gian - Kéo co cũng rất phổ biến vì trò chơi này áp dụng cho tất cả mọi người từ trẻ em đến người lớn, bà Mai dẫn giải. Trò chơi này thường diễn ra vào các dịp lễ hội như: các ngày Tết, ngày khai giảng, các buổi cắm trại...Đồ dùng của trò chơi này cũng rất đơn giản - chỉ cần một sợi dây thừng chắc chắn và một chiếc khăn mầu.
"Trò chơi kéo co không chỉ giúp HS tăng cường sức khỏe mà còn rèn luyện tinh thần làm việc tập thể...", bà Mai nói.
Không chỉ có các trường THCS ở Hà Tĩnh lồng ghép trò chơi vào các giờ học ngoại khóa, mà nhiều trường ở Hà Nội và TP.HCM đã áp dụng.
Một trong những thế mạnh của Trường THCS Đống Đa (Hà Nội) là bồi dưỡng HS giỏi. Tuy nhiên, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khoá của trường cũng rất sôi nổi. Cô giáo Vân Hồng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mỗi tuần trường đều dành giờ ra chơi của 2 buổi học để tổ chức các trò chơi tập thể cho HS (các buổi khác thì các em được tập thể dục giữa giờ).
Tất cả giáo viên của trường tích cực tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm, trong đó nhiều sáng kiến được xếp loại cấp thành phố. Sự say mê và khả năng sáng tạo của đội ngũ giáo viên của trường được phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Đống Đa Tạ Ngọc Thắng ghi nhận.
Còn ở Hà Tĩnh, 15 trò chơi dân gian do nhóm giáo viên Phòng GD-ĐT Kỳ Anh (Hà Tĩnh) nghiên cứu đã được nhiều trường trên địa bàn đón nhận. Cụ thể là Trường Tiểu học Kỳ Khang 1, Trường THCS Kỳ Tân, THCS thị trấn Kỳ Anh, THCS Kỳ Sơn....
-
Nguyễn Hiền