VN "dậm chân tại chỗ" về chỉ số phát triển con người
- Việt Nam đứng thứ 113 về chỉ số phát triển con người - mức xếp hạng được cho là "trung bình" và không cải thiện so với năm trước. Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) đặt câu hỏi về sự "dậm chân" này. Trong khi Lào, một quốc gia láng giềng, lọt vào danh sách các nước tiến bộ nhất.
"Trung bình"
Báo cáo Phát triển con người 2010 của UNDP, ấn bản lần thứ 20, công bố chiều nay (9/11) tại Hà Nội cho hay vị trí xếp hạng 113 về chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam vẫn tương tự như vị trí năm 2009, tiếp tục phản ánh tốc độ tăng chậm lại, vốn bắt đầu từ giữa những năm 2000.
Với tiêu đề "Của cải thực sự của quốc gia: Con đường đi đến Phát triển con người", báo cáo năm nay gồm những cách phân tích từ báo cáo đầu tiên, đồng thời nhìn nhận xu hướng phát triển con người trong 40 năm qua.
Phó Giám đốc UNDP tại Việt Nam Christopher Bahuet nói chỉ số HDI của Việt Nam phản ánh mức độ "trung bình". Ông đặt câu hỏi: "Tại sao Việt Nam đang ở xu hướng đi lên nhưng vẫn chỉ ở mức độ đó về HDI? Rõ ràng cần có những cải thiện tốt hơn".
Vị trí xếp hạng 113 về HDI của Việt Nam tiếp tục phản ánh tốc độ tăng chậm lại, vốn bắt đầu từ giữa những năm 2000. |
Ông Alex Warren-Rodriquez, kinh tế trưởng của UNDP tại Việt Nam cũng cho rằng, nếu những năm thập niên 1990, Việt Nam được coi là hình mẫu so sánh với các nước kém phát triển về chỉ số HDI tăng lên bền vững, thì hiện nay, việc chỉ số HDI duy trì đều cho thấy Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn, nếu không muốn đảm bảo một mức tăng trưởng được cho là chậm so với trước đây.
HDI được xem là công cụ đo lường tổng hợp về phát triển con người: sức khỏe, giáo dục, thu nhập... "Thu nhập" được đánh giá là khu vực mà báo cáo của UNDP cho thấy thành tựu khả quan nhất của Việt Nam.
Theo UNDP, trong 4 thập kỷ qua, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng gấp 5 lần. Việt Nam đứng thứ 8 trên thế giới trong danh sách các quốc gia đạt nhiều tiến bộ về thu nhập bình quân đầu người.
Hàng triệu người Việt Nam đã thoát khỏi nghèo đói về thu nhập. Nhưng, UNDP cho rằng, những tiến bộ đáng kể về thu nhập không đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia đứng đầu về những tiến bộ trong phát triển con người nói chung.
Thu nhập cao: chưa đủ
Một phát hiện quan trọng trong các báo cáo phát triển con người là thành tựu phát triển không chỉ được đo bằng mức độ thu nhập đơn thuần. Bản thân tăng trưởng kinh tế không tự động cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Đó là ý kiến của ông John Hendra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam.
Phó Giám đốc UNDP nói không nên chỉ dựa trên thu nhập quốc gia để đo lường sự phát triển của mỗi nước như vẫn làm từ trước đến nay mà còn cần tính đến tuổi thọ và tỉ lệ biết chữ. Như Trung Quốc, quốc gia năm nay tuy đứng đầu về thành tựu thu nhập, với mức tăng 21 lần trong vòng 4 thập kỷ qua nhưng lại không thuộc số các quốc gia đi đầu khu vực trong cải thiện tỉ lệ nhập học và tuổi thọ trung bình.
Ở Việt Nam, tuổi thọ trung bình đã tăng đáng kể từ 49 tuổi (năm 1970) lên đến gần 75 (vào năm 2010). 5 năm qua, số năm đi học dự kiến chỉ tăng rất ít, từ 10,3 năm lên 10,4 năm. So sánh với các nước trong khu vực, học sinh Việt Nam dự kiến tiếp tục đi học ít hơn 3 năm so với học sinh ở Thái Lan và ít hơn 2 năm so với Malaysia.
Ông Christopher Bahuet cũng nhấn mạnh tăng trưởng nhanh chóng không nên là mục tiêu chính sách duy nhất, bởi làm như vậy sẽ bỏ qua vấn đề phân phối thu nhập và không quan tâm đến sự bền vững của tăng trưởng.
Một trong những chỉ số mới của Báo cáo năm nay, đó là "nghèo đa chiều". Theo UNDP, ở Việt Nam, tỉ lệ nghèo đa chiều tương đối thấp song lại tập trung nhiều ở một số khu vực.
Na Uy là nước đứng đầu các quốc gia trên thế giới về chỉ số HDI. Tại Đông Á - Thái Bình Dương, Hàn Quốc đứng vị trí cao nhất, đứng thứ 12 thế giới và thuộc nhóm "phát triển con người rất cao". Thái Lan đứng thứ 92, Phillipines thứ 97...
Đáng chú ý, cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Indonesia nằm trong danh sách "10 quốc gia đứng đầu" có tiến bộ nhất về phát triển con người. Xu hướng HDI kể từ năm 1990 cũng cho thấy Bangladesh và Campuchia là những quốc gia đạt tiến bộ tốt nhất trong khu vực. - Báo cáo Phát triển con người 2010 |
-
Linh Thư