Trung Quốc thay đổi kiểu tăng trưởng

Cập nhật lúc 05:47, 26/10/2010 (GMT+7)

Nền kinh tế lớn, phát triển nhanh nhất thế giới có vẻ đang dịch chuyển từ việc chỉ tập trung vào tăng trưởng nóng.

Tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại trong quý III. Ngày 20/10, nước này có một động thái gây ngạc nhiên khi bất ngờ tăng tỉ lệ lãi suất. Đây là quyết định được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đưa ra lần đầu tiên kể từ năm 2007 trong nỗ lực hạ nhiệt nền kinh tế quá nóng.

s
Công nhân trong một nhà máy dệt may tại tỉnh An Huy. Ảnh: EPA
Hội nghị Trung ương 5 khóa 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã nhất trí chuyển dịch cơ cấu kinh tế là nhiệm vụ ưu tiên trong 5 năm tới.

Trung Quốc đại diện cho một trong số ít nguồn tăng trưởng mạnh trong thế giới ngày nay. Khi tốc độ phục hồi kinh tế của nước này thông qua kế hoạch kích thích kinh tế đáng được hoan nghênh, thì sự phát triển của Trung Quốc lại không trợ giúp các nền kinh tế khác nhiều như mong đợi và rất nhiều đối tác thương mại muốn nhìn thấy sự thay đổi.

Nhiều nước lo lắng về chính sách tỉ giá của Trung Quốc. Họ than phiền rằng, việc nước này giữ giá trị đồng bản tệ ở mức thấp để hỗ trợ ngành xuất khẩu đã gây thiệt hại cho các quốc gia khác.

Cho tới hiện tại, cam kết của Trung Quốc trong việc nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy tiêu dùng và giảm thâm hụt thương mại vẫn chưa có những thay đổi cụ thể, tuy nhiên, đã có các dấu hiệu chứng tỏ quá trình chuyển dịch đang diễn ra.

Con số mới nhất cho thấy, mức tăng GDP của Trung Quốc đã chậm lại, đạt 9,6% trong quý III so với 10,3% trong quý II. Chính quyền đã đưa ra một dấu hiệu rõ ràng là, các chính sách nới lỏng tiền tệ quá mức được áp dụng trong thời gian khủng hoảng sẽ kết thúc khi quyết định tăng tỉ lệ lãi suất lần đầu tiên kể từ tháng 12/2007.

Quan trọng hơn cả, là sự chuyển dịch trong chính sách xuất hiện gần như ngay sau khi hội nghị CPC kết thúc. Hội nghị này đã nhất trí về những ưu tiên kinh tế và kế nhiệm chính trị trong các năm tới. Rất nhiều nhà quan sát đã nhìn ra cách tiếp cận mới của Trung Quốc. "Chúng tôi cho rằng, chính phủ sẽ chấp nhận mức tăng trưởng thấp hơn nhưng hướng tới mục tiêu quan trọng là cải tổ cấu trúc kinh tế”, Jun Ma, nhà kinh tế học của Ngân hàng Deutsche nói. Hiện nay, tỉ giá đồng nhân dân tệ Trung Quốc với USD đang gia tăng ở mức nhanh nhất kể từ 2008.

Hội nghị CPC đã kết thúc với kêu gọi “tăng cường thay đổi mô hình phát triển kinh tế quốc gia”, và “nhấn mạnh hơn vào việc đảm bảo cũng như cải thiện đời sống người dân, thúc đẩy công xã hội và luật pháp”. Cụm từ “thay đổi” đề cập tới các nỗ lực làm cho tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc ít phụ thuộc hơn vào xuất khẩu với phương Tây.

Hiện tại, chính phủ Trung Quốc đang đối mặt với thách thức nội địa trước những cái giá của gói kích thích kinh tế: không xác định được chất lượng các khoản nợ khổng lồ trong hệ thống ngân hàng nhà nước, bong bóng thị trường nhà đất gây nên sự bất mãn của cộng đồng cư dân thành thị.

Quan chức Bắc Kinh hy vọng, gia tăng chi tiêu tiêu dùng của một tầng lớp trung lưu đang phát triển sẽ cung cấp nguồn tăng trưởng ổn định hơn trong tương lai. Theo giới phân tích, một nền kinh tế có động lực từ tiêu dùng của Trung Quốc sẽ có mức tăng trưởng chậm hơn nhưng không cần các khoản kích cầu bơm vào hoạt động kinh tế từ chính phủ.

"Chú trọng nhu cầu trong nước là một chính sách vững chắc của chính phủ Trung Quốc, và là một chính sách toàn diện từ tất cả các hướng”, phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Yi Gang phát biểu tại cuộc gặp thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế trong tháng này. Ông cho hay, Trung Quốc sẽ hỗ trợ kinh tế có động lực từ tiêu dùng trong nước thông qua việc ủng hộ đô thị hóa; giảm bớt tình trạng mất cân bằng thu nhập, cải thiện an sinh xã hội, y tế và giáo dục, thúc đẩy cơ sở hạ tầng tại khu vực nông thôn - tất cả các bước đi đều đòi hỏi chính phủ chi tiêu nhiều hơn nữa.

Những ngôn từ trên được các quan chức sử dụng hiện nay vẫn thuộc về các vấn đề ưu tiên mà Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố trước đây. Tuy nhiên, thông cáo mà hội nghị CPC đưa ra về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo đã có những nền tảng mới, mục tiêu mới bao gồm bảo đảm hơn nữa nguồn thu nhập của quốc gia tới các hộ gia đình bình thường.

Việc đặt trọng tâm vào cải tổ toàn bộ cơ cấu của giới lãnh đạo Trung Quốc được dựa trên cơ sở niềm tin vào triển vọng kinh tế nước này, các nhà cố vấn chính phủ nhận định. “Chúng tôi không lo lắng về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong ngắn hạn”, Hồ An Cương, một nhà kinh tế học thuộc Đại học Thanh Hoa - người cố vấn cho chính phủ về các kế hoạch 5 năm nói. Tuy nhiên, hướng đi mới cũng thừa nhận rằng, Trung Quốc sẽ không duy trì được mức tăng trưởng 10% khi nhu cầu xuất khẩu sẽ không phát triển mạnh mẽ trong tương lai như từng có thời quá khứ.

"Dựa trên nguyên tắc này, dường như tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ nới lỏng. Tăng trưởng trong 10 năm tới có lẽ sẽ thấp hơn 10 năm trước”, Louis Kuijs, nhà kinh tế học của Ngân hàng Thế giới tại Bắc Kinh nhận định.

Các ưu tiên cho kế hoạch 5 năm tới mà giới lãnh đạo Trung Quốc đưa ra trong tuần qua sẽ “giúp chúng tôi điều chỉnh cơ cấu kinh tế ở mức độ nhanh hơn, gia tăng chất lượng và hiệu quả của phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân”, phát ngôn viên Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc Lai Vân nói. Kế hoạch 5 năm tới sẽ giảm nhẹ kiểu chỉ tiêu định lượng cũ, ông cho biết, và do đó sẽ giúp giảm bớt những tác động tiêu cực từng có trong quá khứ.

Những người hoài nghi thì cho rằng, những dữ liệu kinh tế mới nhất có rất ít minh chứng cụ thể chứng tỏ Trung Quốc đã chuyển dịch từ một chính sách kích thích tự do chi tiêu. Mức giảm trong tỉ lệ tăng trưởng tới nay còn quá khiêm tốn, với sản lượng công nghiệp vẫn tăng 13% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 9, sau mức tăng 13,9% tháng 8.

  • Thái An (Theo WSJ)

Tin liên quan

Các tin khác