Trung Quốc sẽ hướng tới công bằng và tăng trưởng toàn diện?
Ngày 15/10, Hội nghị Trung ương 5 khóa 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã khai mạc tại Bắc Kinh. Trong 4 ngày, các ủy viên Trung ương bàn kế hoạch phát triển 5 năm tiếp theo của nước này. Theo giới phân tích, có thể tại đây sẽ “hé lộ” nhân vật lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc.
Giới quan sát cho rằng, CPC sẽ xác nhận một mô hình kinh tế mới gọi là “tăng trưởng toàn diện" - không chỉ tập trung vào tăng trưởng GDP bằng mọi giá, mà tập trung tới phát triển cân bằng ở các lĩnh vực xã hội cũng như vùng miền khác nhau.
Ảnh: VOVNews |
Dù còn rất ít tin tức nổi lên trong những giờ đầu tiên của kỳ họp, nhưng Tân hoa xã cũng đã đề cập tới “công bằng” và “tăng trưởng toàn diện” sẽ là chủ đề kế hoạch 5 năm mới. Theo báo chí Trung Quốc, tăng trưởng toàn diện nghĩa là nỗ lực giải quyết khoảng cách thu nhập hiện đang ngày càng mở rộng tới mức độ nguy hiểm. Ngân hàng Thế giới năm 2009 cho hay, hệ số Gini - đánh giá mức chênh lệch thu nhập tại Trung Quốc đã ở mức cảnh báo. Những bất công về lao động xảy ra gần đây tại nước này đã khiến nhiều nhà máy nước ngoài phải đóng cửa và buộc chính phủ phải xem xét lại mục tiêu đặt ra trước đây là tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá.
“Tăng trưởng toàn diện đề cập tới việc phát triển ở những lĩnh vực khác, không chỉ có tăng trưởng kinh tế, mà còn chú ý tới ảnh hưởng môi trường và tác động tới cuộc sống của con người”, Rosealea Yao, nhà phân tích tại Dragonomics, một hãng nghiên cứu ở Bắc Kinh nói. “Bạn sẽ cần chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ xã hội”.
Chưa rõ là điều này có dẫn tới một mức độ tăng trưởng thấp hơn với nền kinh tế Trung Quốc hay không. Kinh tế nước này đã vượt quá 8% những năm gần đây. Tổng sản phẩm quốc nội tăng 90 lần kể từ khi ông Đặng Tiểu Bình bắt đầu công cuộc cải tổ kinh tế năm 1978, và năm nay, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới sau Mỹ.
Tuy nhiên, phần lớn tăng trưởng phụ thuộc vào giá lao động rẻ, mạng lưới an sinh xã hội sụt giảm trong ba thập niên, khiến hàng trăm triệu người Trung Quốc có ít cơ hội tiếp cận với hệ thống trợ cấp, lương hưu, và chăm sóc y tế, làm xói mòn nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Kế hoạch 5 năm mới sẽ được chính thức đưa ra cho tới khi Quốc hội Trung Quốc thông qua vào tháng 3 tới. Ngoài việc bàn thảo và thống nhất lần cuối cùng kế hoạch này, CPC dự kiến trong vài ngày tới sẽ đưa ra những tín hiệu rõ ràng hơn về thế hệ lãnh đạo mới của nước này sau khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nghỉ hưu năm 2012.
Theo giới phân tích, Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể được bổ nhiệm chức Phó Chủ tịch Ủy ban Quân ủy trung ương Trung Quốc - một bước đi nhằm tạo nền tảng quyền lực cho ông trước khi bước lên vị trí chủ tịch năm 2012. Các chuyên gia phân tích cho rằng, nếu ông Tập không có một vị trí trong quân ủy thì điều đó sẽ thể hiện sự bất đồng trong Bộ Chính trị Trung Quốc về thế hệ lãnh đạo tiếp theo của nước này.
Giới phân tích còn đề cập tới ông Lí Khắc Cường, ứng viên sáng giá kế nhiệm ông Ôn Gia Bảo. Ông Lí Khắc Cường đã nỗ lực làm việc để thu hút đầu tư nước ngoài vào Chiết Giang, Phúc Kiến. Ông là mẫu hình của chính khách ủng hộ kinh doanh. Trong những năm 1970, ông từng là làm nghề lao động chân tay trong một hợp tác xã nông thôn rồi trở thành lãnh đạo tỉnh ủy năm 2004.
Sinh năm 1955 tại tỉnh An Huy, ông Lí tốt nghiệp khoa luật đại học Bắc Kinh rất danh tiếng. Trong một bài phát biểu hồi tháng 2, ông nói Trung Quốc cần thay đổi cơ cấu kinh tế nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa, coi đây là cách kích thích kinh tế phát triển.
Vấn đề khoảng cách giàu nghèo ngày càng mở rộng làm gia tăng các bất ổn xã hội và đe dọa sức mạnh của CPC. Vì thế, kỳ họp lần này sẽ thảo luận về biện pháp cải tổ phân phối lại thu nhập và cải cách xã hội. Cùng thời gian đó, áp lực quốc tế cũng khiến Trung Quốc cần tập trung hơn vào tiêu dùng nội địa hơn là trông chờ vào xuất khẩu.
Kỳ họp CPC lần này được cho là khá quan trọng. Sau hơn ba thập niên tăng trưởng nổi bật, Trung Quốc đã trở thành một trong ba nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bất cứ thay đổi chiến lược nào trong chính sách kinh tế nước này cũng sẽ có ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới.
-
Thái An tổng hợp