Gia đình Clinton và 15 năm quan hệ Việt - Mỹ

Cập nhật lúc 20:44, 22/07/2010 (GMT+7)

- Là khách mời danh dự của lễ kỉ niệm 15 năm quan hệ Việt - Mỹ do Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt và Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã có dịp ôn lại sự thay đổi nhanh chóng trong một thế hệ của mối quan hệ ấy, gắn với không ít kỉ niệm của chính gia đình bà.

>> Mỹ muốn nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam
>> Chùm ảnh: Ngày đầu Hillary Clinton ở Hà Nội

10 năm trước, đệ nhất phu nhân Hillary Clinton đã cùng chồng và con gái đến Hà Nội, trong chuyến thăm lịch sử đầu tiên của nguyên thủ Mỹ tới Việt Nam sau chiến tranh.

Trước đó 5 năm, năm 1995, chồng bà, Tổng thống Clinton đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, bên cạnh hai thượng nghị sĩ John McCain và John Kerry, những người nối nhịp cầu quan hệ hai nước.

Sự có mặt của bà Ngoại trưởng tại lễ kỉ niệm 15 năm quan hệ Việt - Mỹ vì thế rất đặc biệt với chính gia đình Clinton.

Ảnh: Lê Anh Dũng
Ảnh: Lê Anh Dũng

Trước khi nâng ly sâm panh cùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, đông đảo quan chức và doanh nghiệp Việt - Mỹ chúc mừng 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai nước, bà Clinton chia sẻ về một buổi lễ trọng đại khác, của gia đình bà: Tuần tới, cô con gái Chelsea Clinton sẽ lên xe hoa.

“Chúng tôi đang chuẩn bị cho đám cưới của con gái. Thời điểm này có quá nhiều sự kiện đang diễn ra trên thế giới, và tôi thì đang tập trung sự chú ý tại Việt Nam. Ngay khi kết thúc chuyến đi, tôi sẽ trở về Mỹ và tham dự sự kiện trọng đại với bất kì gia đình nào: lễ cưới cô con gái”.

Bà Clinton nhớ lại, vào thời điểm năm 1995, hai nước Việt - Mỹ đã cùng nhau hoàn tất nhiều việc. “Chúng ta đã nỗ lực to lớn để tái thiết mối liên hệ và sự can dự ngày càng gia tăng trên các lĩnh vực đa dạng: y tế, nhân quyền, năng lượng, an ninh, quốc phòng và tất nhiên, thương mại, đầu tư”.

"Chúng ta cũng hợp tác cùng nhau trong công việc đau đớn và nhọc nhằn, để tìm kiếm và xác định những hài cốt của binh sĩ Mỹ và Việt Nam mất tích trong chiến tranh và đã mang lại niềm an ủi cho nhiều gia đình của cả hai nước".

Là đoàn nguyên thủ đầu tiên của Mỹ tới Hà Nội, “chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra”.

Thế nhưng, “đến đâu chúng tôi cũng nhận được sự chào đón nồng nhiệt: Từ sân bay vào trung tâm thành phố, chúng tôi đã thấy người dân từ hai bên đường chào đón...”.

“Đó là biểu hiện cụ thể nhất của tình hữu nghị giữa hai quốc gia”, bà nói.

Mô tả ảnh.
Ảnh: Lê Anh Dũng

Điều đáng kể, theo bà Clinton, là “chỉ trong một thế hệ, mà hai nước đã chứng kiến những bước tiến lớn như vậy”.

Ở nhiều nơi trên thế giới, việc kết thúc một xung đột không dẫn tới hợp tác vì nền hòa bình bền vững. Những căng thẳng và thù hận vẫn tiếp diễn, thế hệ này qua thế hệ khác, để lại sự hoài nghi cho thế hệ trẻ về tương lai của mối quan hệ. Hầu hết các tiến trình bị đóng băng, không mang lại lợi ích cho bất kì ai.

“Tôi dành nhiều thời gian với tư cách Ngoại trưởng Mỹ để đi đến các nước, khi các bên thất bại trong việc gác lại quá khứ và tương lai bị lụi bại”.

Bà tự hào, Việt Nam và Mỹ đã chọn một con đường, một cách thức khác.

35 năm trước, Việt - Mỹ kết thúc một cuộc chiến để lại quá nhiều đau thương cho cả hai nước, và cuộc chiến vẫn còn sống trong kí ức của người dân hai bên.

“Bất chấp những nỗi đau, hai nước quyết tâm xây dựng nền hòa bình bền vững và hợp tác. Ngay cả trong những lĩnh vực hai nước khác biệt, hai nước vẫn nỗ lực đối thoại”, bà nói.

“Đối thoại về khác biệt chưa bao giờ dễ dàng, nhưng nó đáng giá tới từng nỗ lực nhỏ nhất... Không thể đòi hỏi thay đổi quá khứ, nhưng chúng ta có thể hướng tới tương lai”, bà Clinton nhấn mạnh.

15 năm qua, Việt Nam và Mỹ đã cùng nhau làm được nhiều việc có ý nghĩa trong quan hệ hai nước. Trao đổi thương mại trước 1995 chỉ chưa đầy 50 triệu USD nay đã đạt 15 tỷ USD. Nước Mỹ đã đứng thứ 6 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam... Hai nước đang đàm phán Hiệp định đầu tư song phương TIFA và Việt Nam tham gia đàm phán TPP với tư cách là thành viên liên kết.

Từ chỗ có rất ít các cuộc tiếp xúc, hiện nay, trao đổi cấp cao nhất của lãnh đạo diễn ra thường xuyên. Trong 4 năm 2005 - 2008, đã có 4 chuyến thăm cao cấp. Quan hệ hai nước ngày nay, theo Ngoại trưởng Mỹ, “là minh chứng cho việc hòa bình không chỉ hiện hữu trên giấy, mà trong chính đầu óc của người dân mỗi nước”.

Nó là kết quả “ý chí của hai bên quyết tâm gác lại quá khứ, hướng tới tương lai để hợp tác cùng nhau, xây dựng một tương lai chung tốt đẹp hơn”.

Từ hợp tác song phương, hai nước cũng mở ra hợp tác trên diễn đàn đa phương, tại Hội đồng Bảo an LHQ. Bản thân sự có mặt của Ngoại trưởng Clinton tại Hà Nội cũng là minh chứng cho mối hợp tác Việt - Mỹ trong cơ chế Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) - Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm ghi nhận.

Vẫn còn những việc gây bất đồng giữa hai nước, nhưng chúng ta đều hiểu rằng khi có hợp tác và tình hữu nghị, có thể xử lý tốt.

Bà Clinton cho hay, Việt Nam và Mỹ “chuẩn bị nâng quan hệ lên tầng nấc mới, dựa trên sự hợp tác và tình hữu nghị giữa hai nước”.

Với tư cách Ngoại trưởng Mỹ, bà “cam kết” về tương lai tốt đẹp của hai nước.

“Chúng ta hãy hứa với nhau, cùng hợp tác, thúc đẩy quan hệ lên tầng nấc cao hơn, tiếp tục đối thoại, hợp tác, chứ không phải chia rẽ, xa cách”.

  • Phương Loan

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác