15 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ:

Ký ức cựu ĐS Mỹ Pete Peterson về buổi đầu thử thách

Cập nhật lúc 06:11, 11/07/2010 (GMT+7)

- Cho đến giờ, cựu Đại sứ Pete Peterson vẫn nhớ hình ảnh người Hà Nội đi loại xăng đan sản xuất trong nước giá rẻ phổ biến, những cửa hàng bán xăng dầu lẻ "mỗi chai một lít"... thời điểm năm 1997, khi ông đến Việt Nam với tư cách Đại sứ Mỹ đầu tiên. Nhưng những hình ảnh phổ biến đó chỉ còn trong ký ức. Chặng đường 15 năm quan hệ Việt - Mỹ đã qua, kể từ lệnh cấm vận chính thức dỡ bỏ...

Quyết định "mạo hiểm"

Ông Peterson trở lại Hà Nội những ngày này theo lời mời của Bộ Ngoại giao Việt Nam, tham dự cuộc hội thảo nhìn lại tiến trình 15 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.

Không khó để hẹn gặp ông trước qua thư điện tử. Vẫn là khách sạn Hilton Hà Nội, địa chỉ lưu trú quen thuộc mỗi khi ông trở lại trong nhiều năm qua. Một nhân viên lễ tân người Việt ở khách sạn khi muốn biết danh tính khách hẹn gặp với phóng viên xác nhận vui vẻ: "Ồ, ông Peterson, cựu Đại sứ Mỹ phải không?". Nghe kể điều này, ông cũng vui vẻ: "Tôi cũng không nhớ mình đã ở đây bao nhiêu lần mỗi khi trở lại Hà Nội. Tất cả đã quá quen thuộc".

Tất cả trở nên quen thuộc không phải là một lộ trình được sắp đặt dễ dàng đối với người cựu binh Mỹ từng tham chiến trong chiến tranh và bị bắt giữ 6 năm rưỡi ở nhà tù Hỏa Lò, khi cách đây 13 năm, ông đến Hà Nội với tư cách Đại sứ Mỹ đầu tiên sau chiến tranh.

Gần 2 năm sau khi hai nước tuyên bố thiết lập quan hệ bang giao năm 1995, Mỹ mới chính thức mở tòa Đại sứ tại Hà Nội. Trước đó, ngay chính trong lòng nước Mỹ, quyết định dỡ bỏ bao vây, cấm vận Việt Nam và tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước không phải là điều được đa số ủng hộ, nhất là khi bóng quá khứ chiến tranh vẫn phủ quá lớn.

Mô tả ảnh.
Cựu Đại sứ Peterson và thượng nghị sĩ John Mc Cain ở Hà Nội. Ảnh: Reuters

Nhớ lại những năm đầu 90, làm việc trong Hạ viện và tham gia nhóm các nghị sĩ vận động cho vấn đề Việt Nam, ông Peterson đã gặp những cản trở thực sự khi môi trường chính trị ở nước Mỹ lúc đó không ủng hộ "một tấm giấy thông hành" cho quyết định "mạo hiểm" này.

Năm 1994, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ bao vây, cấm vận đối với Việt Nam. "Đó là quyết định lịch sử. Không ai dám viết điều đó xuống giấy trong bối cảnh lịch sử giữa hai bên trước đó. Thật là một quyết định rủi ro biết bao cho ông ta khi không ai dám chắc rõ viễn cảnh của quyết định đó ra sao và ông sẽ quyết tâm thúc đẩy việc đó đến đâu. Nhưng đó là quyết định cần thiết đảm bảo cho việc đưa Mỹ và Việt Nam lên đường ray chạy, chính thức bình thường hóa quan hệ", ông Peterson nói.

Liệu tôi có được chấp nhận?

Sau những cuộc bỏ phiếu khó khăn trong Quốc hội phê chuẩn ông chính thức đến Hà Nội với tư cách Đại sứ Mỹ đầu tiên, ông Peterson phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn. Băn khoăn lớn nhất, đó là liệu người dân Việt Nam có "chấp nhận" ông.

Với ông, đó thực sự là thời gian thử thách: "Làm thế nào tôi có thể nói với các cựu binh Việt Nam rằng Mỹ có những quan tâm để quay trở lại bắt tay, hợp tác với Việt Nam sau khi chính chúng tôi đã mang binh lính, bom đạn đến đây và Việt Nam đã phải chịu tổn thất hy sinh của hàng triệu người? Liệu họ có thấy tôi đáng tin không?".

Mô tả ảnh.
Cựu Đại sứ đến thăm Trường đào tạo nghề Việt - Mỹ. Ảnh: Trường đào tạo nghề Việt - Mỹ

Cho đến giờ, cựu Đại sứ vẫn nhớ hình ảnh người Hà Nội đi loại xăng đan sản xuất trong nước giá rẻ phổ biến, những cửa hàng sửa xe đạp dã chiến ở mọi góc phố, hay các cửa hàng bán xăng dầu lẻ "mỗi chai một lít" bán ngay đầu đường thời điểm năm 1997. "Chẳng có gì hiện đại vào thời điểm đó, kể cả khi so sánh với thời điểm khoảng từ 1991 đến 1993 trước đó mà tôi có dịp đến Hà Nội cũng không khác nhiều", ông nói.

Nhưng đó thực sự là nhiệm kỳ đáng nhớ khi ông có thể đặt chân tới 58 tỉnh, thành để gặp gỡ mọi người dân Việt Nam. Ông cũng giống người Hà Nội, đi lại làm việc bằng phương tiện xe đạp, rồi chuyển qua xe máy. Từ bước gặp gỡ để gây dựng lòng tin, nhiệm kỳ của ông được đánh dấu một mốc quan trọng khi hai bên chính thức ký kết Hiệp định thương mại song phương (BTA), chìa khóa đầu tiên mở cửa quan hệ kinh tế - thương mại phát triển nhanh chóng sau này.

Từ giai đoạn đầu tiên thử thách, trong tiến trình bình thường hóa quan hệ, Mỹ đến nay đã trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Vấn đề hậu chiến tranh như da cam/dioxin được giải quyết theo tinh thần hợp tác, xây dựng giữa hai bên với dự án đáng chú ý là tẩy độc dioxin sân bay Đà Nẵng theo nguồn ngân sách do Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Hàng loạt nhà đầu tư lớn của Mỹ hiện diện tại thị trường Việt Nam...

"Những thay đổi trong quan hệ hai nước 15 năm qua thực sự ấn tượng sâu sắc", ông nói. Việt Nam đã không còn là "chiến tranh". Việt Nam là một "quốc gia". Vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nổi bật như tham gia ghế ủy viên không thường trực HĐBA LHQ và hiện là Chủ tịch ASEAN. Sự nhìn nhận từ chính nước Mỹ về Việt Nam không còn hẹp như trước. Cộng đồng người Mỹ gốc Việt thế hệ đầu tiên cũng đã thay đổi cách nhìn về Việt Nam khi chứng kiến những thay đổi, phát triển sâu rộng trong nước.

"Vẫn còn có những thách thức trong quan hệ hai nước nhưng không nên quá kỳ vọng mọi thứ hoàn hảo trong cùng lúc. Một số vấn đề tranh chấp thương mại như cá da trơn, dệt may... sẽ được giải quyết. Mỹ cần xuất khẩu nhiều hơn sang Việt Nam. Không có gì có thể vội vã. Chúng ta đã tạo ra bàn đạp lớn và hai bên đã nỗ lực để thiết lập vị trí quan hệ hiện nay. Quan hệ hai nước cần được thế hệ trẻ tiếp nối", ông Peterson nói.

  • Xuân Linh

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác