Bình thường hóa quan hệ Việt- Mỹ: Đại lộ đầy chông gai

Cập nhật lúc 14:19, 15/07/2010 (GMT+7)

Trò chuyện với Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Bộ trưởng Quốc phòng - một trong những nhân vật chủ chốt nhất “kiến thiết" việc bình thường hoá quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ hơn 20 năm trước.

>> 15 năm Việt - Mỹ: Nhìn lại để mạnh bước hơn nữa
>> Bang giao Việt - Mỹ thực ra là quan hệ đối tác chiến lược

>> Đàm phán Việt - Mỹ: Chuyện bây giờ mới kể
>> BTA và cơ hội bị bỏ lỡ

- Đại tướng Lê Đức Anh kể:

"... Thực hiện đường lối Đổi mới được đưa ra tại Đại hội VI, năm 1986, của Đảng, chúng ta tiến hành bình thường hoá quan hệ với một số nước, trong đo có hai nước lớn là Trung Quốc và Mỹ. Lúc đó tôi đang làm Bộ trưởng Quốc phòng và được Bộ Chính trị giao cho việc tìm cách nào đó để phá thế bao vây cấm vận của Mỹ. Tôi nói việc này của Bộ Ngoại giao chứ đâu phải của Quốc phòng, nhưng anh Tô và cả anh Thạch (tức nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch - ST) và các anh khác đều nhất trí cử tôi nghiên cứu cách làm việc này.

Mô tả ảnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chúc mừng sinh nhật Đại tướng Lê Đức Anh, tháng 11/2008. Ảnh: VNN
… Lúc đó giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không có một kênh tiếp cận nào cả nên rất khó làm. Vả lại, chiến tranh mới kết thúc hơn 10 năm, sự hận thù vẫn còn sâu sắc lắm. Không thể tiếp cận với nhau bằng chính trị, kinh tế thì phải tìm ở lĩnh vực khoa học - kỹ thuật vậy.

Cuối cùng ta đã chọn được một người làm khoa học kỹ thuật là bác sỹ Nguyễn Huy Phan ở Quân y viện 108. Anh Phan là phẫu thuật viên chỉnh hình rất giỏi, khi đi dự Hội nghị Y học ở Paris, anh có thuyết trình về phẫu thuật bộ phận sinh sản thì các đồng nghiệp Mỹ rất thích.

Họ mời anh Phan đi thăm Mỹ để thuyết trình rõ hơn vấn đề khoa học này. Sau đó, anh Phan có mời một số bác sỹ Mỹ sang thăm Việt Nam và rồi các bác sỹ của hai bên lập ra Nhóm bác sỹ hỗn hợp về "phẫu thuật nụ cười" cho trẻ em Việt Nam bị hở "hàm ếch".

- Vậy bác sỹ Phan có biết công việc có tính “sứ mệnh" của mình không, thưa Đại tướng?

Tất nhiên là biết nhiệm vụ của mình chứ. Tuy nhiên, công việc của anh Phan là tuyệt mật, tôi chỉ báo cáo Bộ Chính trị thôi.

…Trong quá trình làm việc, anh Phan có nêu với các đồng nghiệp Mỹ về các quân nhân Mỹ bị mất tích trong khi tham chiến tại Việt Nam và phía Việt Nam có thể giúp tìm kiếm. Câu chuyện này được báo cáo về Mỹ, cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đều rất phấn khởi. Phía Hoa Kỳ cử hai Thượng nghị sỹ là John MacCain và John Kerry sang Việt Nam tìm hiểu.

…Bàn về "người Mỹ mất tích" trong chiến tranh là chủ đề rất nhạy cảm lúc bấy giờ. Người Mỹ vậy, còn người Việt Nam mất tích thì sao? Phía Mỹ lại còn nói Việt Nam vẫn giấu tù binh Mỹ còn sống. Khi thượng nghị sỹ J. Kerry sang, tôi đã đích thân dẫn ông ta đi thăm những nơi mà phía Mỹ nghi là Việt Nam còn giấu tù binh là quân nhân của họ. Những nơi đó rất nhạy cảm. Ông Kerry được chứng kiến tận nơi các địa điểm đó và xác nhận không hề có chuyện giấu tù binh.

…Sau đợt đó thì hai nước mới bắt đầu bàn đến chuyện bình thường hoá quan hệ. Và anh Thạch là một trong những người hăng hái nhất.

Bình thường hoá quan hệ với Mỹ là chuyện khó ngay từ trong nội bộ ta lúc bấy giờ. Cán bộ và nhân dân ta chưa đồng tình. 20 năm chiến tranh tàn khốc còn để lại bao vết thương trên cơ thể đất nước và trong tâm lý mọi người. Lúc đó mà nói đến chuyện lập quan hệ ngoại giao với Mỹ là bị quy kết liền.

Anh Phan không tránh khỏi và anh Thạch cũng bị một chút. Anh Phan bị đơn vị cho nghỉ việc và tước bỏ các quyền lợi, các danh hiệu. Đặc biệt là thời kỳ tôi bị xuất huyết não phải nằm viện giữa nhiệm kỳ Chủ tịch nước, anh Phan chỉ còn biết khóc bởi bất lực. Ra viện, trở lại Phủ Chủ tịch, tôi đã khôi phục lại danh dự cho anh Phan, tặng Huân chương cho anh, nhưng lúc đó anh đã suy sụp, đổ bệnh và qua đời.

...Nhiều người cho tôi là "thân Trung Quốc", rồi sau khi xảy ra chuyện ta khai thông quan hệ với Mỹ như thế thì lại cho tôi là "thân Mỹ". Tôi chỉ cười. Nhưng từ đây tôi mới rút ra một điều rằng, quan hệ của ta với Trung Quốc và với Mỹ là hai mối quan hệ ngoại giao quan trọng nhất của nước Việt Nam. Các nước lớn thì thường vừa đấu tranh vừa hợp tác với nhau. Còn ta là nước nghèo và so với họ thì là nước nhỏ, nên trong quan hệ với mỗi nước đó ta cần suy nghĩ rất kỹ, và dĩ nhiên phải đứng trên lập trường lợi ích dân tộc của ta.

Khi tôi làm Bộ trưởng Quốc phòng rồi Chủ tịch nước, tôi đã xử lý công việc như vậy. Bây giờ quan hệ giữa nước ta với Trung Quốc và với Mỹ phát triển mạnh như thế này, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển đất nước Việt Nam và hoà bình phát triển ở khu vực thì phải thấy rằng các quyết sách của Bộ Chính trị 15 - 20 năm trước là vô cùng sáng suốt...

- Thưa Đại tướng Lê Đức Anh, với gần chục tỷ đôla đầu tư của Mỹ và hàng chục tỷ đôla thương mại với cả Mỹ và Trung Quốc, với hàng chục hàng trăm đoàn thăm viếng lẫn nhau mỗi năm, hàng chục nghìn lưu học sinh Việt Nam du học ở mỗi nước, nhiều người trong số đó về nước đã thành đạt..., có thế ví quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc và giữa Việt Nam với Hoa Kỳ ngày nay đang đi trên những đại lộ thênh thang. Nhưng 15 - 20 năm trước, “đại lộ Việt Nam - Hoa Kỳ" là một “đại lộ lối mòn" đầy chông gai và bất trắc mà những người mở đường đã phải vượt qua với cái giá phải trả của cả chính bản thân mình. Mong rằng thế hệ ngày nay đi các trên đại lộ thênh thang đó cần ghi nhớ truyền thống quý báu của dân tộc về “ăn quả nhớ người trồng cây". Đại tướng có đồng ý với nhận định này không?

- Đúng thế đấy. Chuyện đã lâu, nay nhân dịp kỷ niệm 15 năm này tôi mới kể để mọi người biết. Còn quan hệ Việt - Mỹ hiện nay và triển vọng thì nhường lời cho các đồng chí đương chức.

- Xin cảm ơn Đại tướng, chúc Đại tướng luôn mạnh khoẻ!

  • Sơn Thủy (Báo Thế giới & Việt Nam)

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác