Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sắp thăm Việt Nam
- Đại sứ Mỹ Michael Michalak xác nhận với VietNamNet thông tin Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ đến Việt Nam trong tháng 7 để tham dự các hoạt động song phương và dự Diễn đàn an ninh ARF.
Tại cuộc họp báo về kỷ niệm 15 năm quan hệ Mỹ - Việt chiều nay (29/6), Đại sứ Michael Michalak cho hay Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ có các cuộc gặp với quan chức Việt Nam để thảo luận tiến trình hợp tác giữa hai nước, trong đó đề cập đến nhiều khía cạnh hợp tác sâu rộng như thương mại, giáo dục, không phổ biến vũ khí hạt nhân...
Tuần tới, thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb, Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam Pete Peterson sẽ đến Hà Nội tham dự hội thảo nhìn lại tiến trình hợp tác giữa hai nước.
Đại sứ Michael Michalak cũng trả lời các câu hỏi của báo chí liên quan tiến trình hợp tác giữa hai nước trong 15 năm qua.
Đại sứ Mỹ Michael Michalak: Chúng tôi làm việc chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để thu xếp chuyến thăm chính thức của tàu hải quân Mỹ dự kiến tháng 8. Ảnh: XL |
Tuổi Trẻ: Xin Đại sứ cho biết quan điểm Mỹ mong muốn phát triển quan hệ hợp tác về quân sự giữa hai nước kể từ dấu mốc hai bên kỷ niệm 15 năm quan hệ song phương?
Tôi cho rằng hợp tác quân sự giữa hai nước đã phát triển tuyệt vời trong 15 năm qua.
Chúng tôi tin mối quan hệ quân sự mạnh mẽ sẽ đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực, giúp hai bên tham gia các hoạt động cứu trợ thảm họa, thiên tai và duy trì quan hệ quân sự tốt cũng giúp chúng tôi thực hiện chương trình trợ giúp quân sự, y tế, xây dựng trường học, chữa bệnh cho người dân ở Việt Nam.
Điểm nổi bật là chuyến thăm của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh năm ngoái và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng bày tỏ mong muốn tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) vào tháng 10 tại Hà Nội.
Tháng 7, Ngoại trưởng H.Clinton sẽ đến Việt Nam
Chúng ta có quan hệ quân sự mở rộng dựa trên việc đào tạo tiếng Anh cho sĩ quan quân đội Việt Nam, hợp tác tìm kiếm cứu nạn và hy vọng hai bên sẽ cùng tham gia các hoạt động chung như việc Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình.
Hai nước cũng hợp tác về quân y, về trợ giúp khi có thảm họa. Chúng tôi làm việc chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để thu xếp chuyến thăm chính thức của tàu hải quân Mỹ dự kiến tháng 8.
Lòng tin gia tăng
Lao Động: Đánh giá của Đại sứ về mức độ tin cậy giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Việt Nam hiện nay?
Trong 15 năm qua, lòng tin giữa hai nước đã tăng lên rất nhiều. Chúng ta không phải đã nhất trí với nhau về mọi vấn đề nhưng với những điều chưa thống nhất, chúng ta đã có thể ngồi lại, thảo luận thẳng thắn.
Các chủ đề thảo luận cũng đã được mở rộng, có sự tham gia của mọi bộ, ngành của Việt Nam.
"Mỹ thâm hụt thương mại 10-12 tỷ USD trong quan hệ thương mại với Việt Nam nhưng chúng tôi tin có thể tăng xuất khẩu gấp đôi sang Việt Nam thời gian tới. Thương mại là quá trình hai chiều. Nếu Mỹ tăng gấp đôi xuất khẩu thì ngược lại cũng có thể tăng nhập khẩu từ Việt Nam. Đó là tình huống hai bên cùng có lợi...".
Hai nước có nhiều quan tâm giống nhau, lợi ích chung, ví dụ như hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Á. Hai nước cũng quan tâm phải có một hệ thống giáo dục tốt, thúc đẩy hệ thống thương mại toàn cầu...
Nỗ lực giải quyết da cam/dioxin
AP: Cuộc đối thoại chung giữa Mỹ và Việt Nam cách đây vài tuần đã đưa ra kế hoạch hành động gây quỹ 300 triệu USD trong vòng 10 năm để giải quyết vấn đề da cam/dioxin ở Việt Nam, trong đó kêu gọi phía Mỹ đóng góp một nửa số tiền. Xin Đại sứ cho biết đã có đà chuyển động nào về việc này và liệu Quốc hội Mỹ có thông qua ngân khoản này không? Điều này diễn ra tình cờ hay có sự trùng hợp với kỷ niệm 15 năm quan hệ giữa hai nước?
Chúng tôi đang tiếp tục làm việc tích cực với Chính phủ Việt Nam để giải quyết những di chứng chiến tranh. Một vấn đề đạt nhiều tiến bộ nổi bật là tìm kiếm quân nhân mất tích (MIA). Hai bên đã hợp tác với nhau trong hơn 15 năm qua và đạt nhiều kết quả tốt. Tương tự về vấn đề rà phá vật liệu nổ sót lại (UXO).
Về chất da cam/dioxin, cuối tuần tới có sẽ có phiên họp tiếp theo của Ủy ban hỗn hợp JAC. Hai bên sẽ bàn sâu hơn kế hoạch khắc phục hậu quả ở Đà Nẵng.
Hôm qua, tôi đã chứng kiến lễ ký kết khoản tài trợ 5 triệu USD của Quỹ môi trường toàn cầu LHQ. Họ sẽ sử dụng khoản tiền tài trợ xử lý môi trường ô nhiễm ở sân bay Biên Hòa. Tôi cũng chứng kiến kế hoạch hành động của Nhóm đối thoại về da cam/dioxin... Tôi không biết rõ họ đang cố gắng làm việc với Quốc hội Mỹ để gây quỹ như thế nào để có thêm ngân sách. Dĩ nhiên tôi hoan nghênh có thêm tiền để giải quyết vấn đề.
Tân Hoa Xã: Quan điểm của Mỹ đối với vấn đề tranh chấp ở Biển Đông trong khu vực? Chúng tôi không đứng về phía nào với các tuyên bố chủ quyền đảo nhỏ ở khu vực Biển Đông. Nhưng chúng tôi quan ngại về tự do đi lại hàng hải và tự do hoạt động ở vùng biển đó tuân thủ theo luật quốc tế. ASEAN đã có Tuyên bố về cách ứng xử ở biển Đông (DOC) nhằm đa phương hóa việc giải quyết các tuyên bố tranh chấp chủ quyền và các bên cần sử dụng DOC để xử lý vấn đề. Trên hết, các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình, không sử dụng vũ lực. |
-
Xuân Linh