15 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ:

Việt - Mỹ: Từ cựu thù đến đối tác

Cập nhật lúc 14:16, 04/07/2010 (GMT+7)

- Một ngày đầu tháng 7/1995, chuông điện thoại của Phái đoàn Việt Nam ở LHQ rung lên. Đại sứ Mỹ Madeleine Albright gọi điện tới thông báo cho ông Ngô Quang Xuân, khi đó là Đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn một thông điệp: Tổng thống Bill Clinton đã quyết định thời gian cho vấn đề bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam.

Cho đến giờ, ông Ngô Quang Xuân - Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại QH vẫn nhớ rất rõ giai đoạn cuối nước rút chuẩn bị cho việc tuyên bố bình thường hóa quan hệ chính thức giữa Việt Nam và Mỹ. Lúc đó, cả thế giới đã theo dõi sít sao sự kiện này…

Thế giới tò mò hướng về…

Thời điểm ông bắt đầu nhiệm kỳ công tác Đại sứ tại Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (1993), có lẽ tiến trình đàm phán bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ gần như ở giai đoạn kịch tính nhất. Là Đại diện ngoại giao Việt Nam chính thức duy nhất tại Mỹ, khi đó, ông đã chứng kiến nỗ lực giữa hai bên quyết tâm mở ra một kỷ nguyên bang giao, chuyển từ cựu thù sang đối tác ra sao?

Vào thời điểm đó, sự nghiệp Đổi mới của Đảng và nhân dân đang đem lại sức sống mới. Chính trị, an ninh ổn định, kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và chúng ta bắt đầu xuất khẩu gạo... Dù còn rất khó khăn nhưng hai bên Việt - Mỹ đều mong muốn tích cực triển khai ngoại giao con thoi theo lộ trình từng bước, hướng tới bình thường hóa quan hệ.

Trong nhiều câu chuyện giữa bạn bè ngoại giao chúng tôi ở LHQ đến từ nhiều nước, vấn đề "quan hệ Việt - Mỹ đến đâu rồi?" thường đặt ra như một trong những tâm điểm. Tôi cũng nhấn mạnh với niềm tin vững chắc của mình vào trí tuệ và bản lĩnh, vào sự lan tỏa của chính sách ngoại giao hòa hiếu truyền thống Việt Nam... thì trong quan hệ với một cựu thù luôn đề cao chủ nghĩa thực dụng như Mỹ, hai nước sẽ tiến dần đến bình thường hóa quan hệ mặc dù phải cần thêm thời gian để vượt qua khá nhiều khó khăn, khá nhiều vấn đề nhạy cảm...

Mô tả ảnh.
Cựu Tổng thống Bill Clinton, người tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam và thực hiện chuyến thăm lịch sử Hà Nội năm 2000. Ảnh: VNN

Năm 1994, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Lúc đó, ông chứng kiến giới ngoại giao Mỹ và cộng đồng các nước ở LHQ phản ứng ra sao?

Bạn bè các nước, các nhà ngoại giao Mỹ tại LHQ đều theo dõi sít sao hoạt động của ngoại giao Việt Nam tại diễn đàn đa phương lớn nhất hành tinh này. Nhiều bạn bè tò mò, lo lắng cho chúng tôi vì chỗ dựa truyền thống vừa bị tan ra (Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu), Phái đoàn "một vấn đề" (one issue Mission - vì suốt cả thời gian dài ta phải tập trung đấu tranh với một liên minh bao vây phong tỏa về vấn đề Việt Nam giúp tiêu diệt nạn diệt chủng tại Campuchia) sẽ hoạt động như thế nào đây.

Những động thái đối với Việt Nam của chính quyền Bill Clinton từ Washington thường lan nhanh với cộng đồng quốc tế ở LHQ. Những phát triển mới từ lệnh cấm vận Việt Nam được dỡ bỏ khỏi các tổ chức hệ thống Bretton Wood (Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế…), đến việc hai bên chuẩn bị mở Văn phòng liên lạc tại hai Thủ đô... gây sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Đại sứ và các nhà ngoại giao Mỹ thân thiện hơn với chúng tôi, bạn bè các nước bày tỏ đoàn kết ủng hộ và vui mừng chia sẻ thành công. Đầu tháng 9/1994, tại cuộc tiếp với tư cách Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách sứ mệnh gìn giữ hòa bình, ông Kofi Annan nhiệt thành chúc mừng Việt Nam, ông rất tin Việt Nam và Mỹ sẽ sớm bình thường hóa quan hệ. Ông còn hóm hỉnh nói với tôi hy vọng đến một ngày, thế giới có thể sẽ nhìn thấy lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới của Việt Nam và của Mỹ đứng bên cạnh nhau…

Một năm sau đó, dấu mốc bình thường hóa quan hệ hai bên được tuyên bố chính thức. Không khí tại New York ra sao?

Một ngày đầu tháng 7/1995, chuông điện thoại của Phái đoàn Việt Nam ở LHQ rung lên. Thư ký báo cáo Đại sứ Mỹ muốn nói chuyện với Đại sứ Việt Nam và trao điện thoại cho tôi. Từ đầu giây bên kia, bà Đại sứ Madeleine Albright cất giọng chào vui vẻ và nói : "Tôi chính thức thông báo với ngài Đại sứ là Tổng thống Bill Clinton đã quyết định thời gian cho vấn đề bình thường hóa quan hệ…".

Mô tả ảnh.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải gặp Tổng thống George Bush tại Nhà Trắng.

Tôi hiểu đây là thông điệp chính thức phía Mỹ trao cho tôi để thông báo về Hà Nội (Vào lúc này cơ quan Việt Nam ở Washington đang ở cấp Văn phòng liên lạc).

Tất cả chúng tôi có mặt sẽ không bao giờ quên thời khắc quan trọng đó. Không xúc động dâng trào sao được với mốc son này! Chỉ cần vài giây phút thôi, nhiều người trong chúng tôi có thể dễ dàng trở về ký ức... Sự nghiệp chiến đấu gian khổ hy sinh của cả đất nước, của cả dân tộc, hàng triệu người đã ngã xuống, thành phố, làng mạc, các công trình, đường xá, cầu cống, đất đai và núi rừng... đã bị bom đạn Mỹ tàn phá, hủy diệt. Nhưng chúng ta kiên cường tồn tại và chiến thắng, để chúng ta đi đến những mốc son của lịch sử.

Ngày 12/7/1995, Việt Nam và Mỹ ký Hiệp định thiết lập quan hệ ngoại giao và bình thường hóa quan hệ. Tại LHQ, đi đến đâu, gặp ai, chúng tôi cũng nhận được lời chúc mừng nhiệt thành.

Giai đoạn ngờ vực sâu sắc

Sau tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ, hai bên có khó khăn để cho giai đoạn “bắt đầu” như thế nào khi mà người ta vẫn thường nói buổi đầu của lòng tin bao giờ cũng không dễ dàng? Việt Nam đã bắt đầu xúc tiến mở đại sứ quán ở Washington ra sao?

Quan hệ Việt Nam và Mỹ được tuyên bố bình thường hóa khi hai bên vẫn đang trong quá trình ngờ vực sâu sắc. Trong mọi giới ở Mỹ, ngay cả trong cỗ máy quyền lực của nước Mỹ là lưỡng viện Quốc hội vẫn còn tồn tại ba trường phái quan điểm về vấn đề quan hệ giữa hai nước: ủng hộ bình thường hóa, không ủng hộ bình thường hóa và "lừng chừng".

Đương nhiên, cùng với thời gian, tương quan lực lượng giữa ba trường phái này dần dần thay đổi theo hướng chuyển sang ủng hộ bình thường hóa và phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng mạnh mẽ hơn.

Trong bối cảnh đó, vai trò của hai "trụ cột" cho bình thường hóa quan hệ từ phía Mỹ - họ đều là cựu binh chiến tranh, một đại diện cho Đảng Cộng hòa là thượng nghị sĩ John McCain và một đại diện cho Đảng Dân chủ là thượng nghị sĩ John Kerry - đã trở thành chỗ dựa tin cậy của lực lượng ủng hộ. Hai thượng nghị sĩ gạo cội này cũng là chiếc cầu nối vững chắc cho cả quá trình bình thường hóa quan hệ của Mỹ đối với Việt Nam.

Chiến tranh đã chia rẽ người Mỹ và người Việt Nam. Chiến tranh cũng đã chia rẽ cộng đồng người Việt tại Mỹ. Vào thời điểm 1995, tuy chiến tranh kết thúc đã 20 năm, nhưng lực lượng chống đối bình thường hóa quan hệ hai nước trong họ còn nặng nề. Thường khi tôi được mời đến thăm làm việc hay nói chuyện tại các bang, các thành phố hay trường học, tôi đều đụng phải các cuộc biểu tình chống đối, dù đôi khi đó chỉ là những nhóm nhỏ dăm bảy người.

Mô tả ảnh.
Tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam - chìa khóa mở ra lòng tin giữa hai bên trong tiến trình bình thường hóa. Ảnh: VNN

Ngày 5/8/1995, Đại sứ quán của ta được khai trương tại Thủ đô Washington. Khách mời từ phía Mỹ của Đại sứ Lê Văn Bàng là đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao và một số chuyên viên. Tôi được mời đến dự với tư cách Đại sứ Việt Nam bên cạnh LHQ.

Nhóm người Việt chống đối biết được thời gian và địa điểm nên đã đăng ký biểu tình đúng vào thời điểm ta dự kiến bắt đầu sự kiện. Nhưng vào giờ chót, ta đã quyết định đẩy buổi lễ triển khai sớm hơn nên mọi việc diễn ra tốt đẹp, không xảy ra sự cố gì ngoài những tiếng la ó hỗn loạn của nhóm người biểu tình bên ngoài tòa nhà Đại sứ quán.

Mở cửa hẹp WTO và quan hệ cất cánh

Một trong những dấu mốc cũng khá nghẹt thở trong tiến trình 15 năm quan hệ, đó là khi Việt Nam vận động để Mỹ thông qua PNTR và kết thúc đàm phán song phương về WTO. Khi đó, ông đang là Đại sứ, Trưởng phái đoàn VN tại WTO. Ý chí của hai bên trong nỗ lực kết thúc đàm phán thông qua PNTR để mở đường kết thúc đàm phán song phương WTO ra sao? Khi đó, giới quan sát thậm chí còn cho rằng, nếu không kết thúc đàm phán song phương với Mỹ, cánh cửa vào WTO của Việt Nam sẽ trở nên rất hẹp?

Chúng ta coi trọng đàm phán song phương với tất cả 28 quốc gia và nền kinh tế thành viên WTO về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức này. Nhưng có thể nói mục tiêu kết thúc đàm phán với Mỹ là quan trọng nhất. Đến tháng 12/2005, khi chuẩn bị tham dự Hội nghị WTO hàng năm lần thứ 5 tại Hongkong, ta đã ký kết thúc đàm phán với hầu hết các nước, nhưng với Mỹ thì chưa và cũng bởi vậy nên một số nước "bạn thân" của Mỹ cũng tiếp tục dây dưa với những lý do chẳng đâu vào đâu vì họ đang phải chờ đợi.

Tôi đã nói với báo giới lúc bấy giờ là Mỹ cố tình "làm khó" cho Việt Nam. Sau đó, với những bước đi thiện chí được thể hiện qua đoàn đám phán Việt Nam, như chúng ta đã chứng kiến, phía Mỹ quyết định trao Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) và kết thúc đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO.

Cũng phải mất gần hết cả năm 2006 để chúng ta dồn lực kết thúc phần còn lại của quá trình 11 năm đàm phán, cả đàm phán song phương và đa phương, cho đến chiều thứ sáu ngày 13/10/2006, chúng ta mới thực sự kết thúc đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại lớn nhất toàn cầu này.

Theo ông, chặng đường 15 năm quan hệ giữa hai nước, Mỹ và Việt Nam hiểu nhau đến đâu? Lòng tin về lợi ích đối tác giữa hai bên có thể được đo đếm như thế nào?

Có lẽ cần nhiều thời gian để có thể trả lời đầy đủ câu hỏi này. 15 năm đối với mối quan hệ giữa hai quốc gia chỉ là một giai đoạn ngắn, nhưng cả Việt Nam và Mỹ đều đã cố gắng để làm được nhiều việc từ quan hệ cựu thù cho đến tầm quan hệ đối tác như hiện nay.

Cũng chưa thể nói quan hệ Việt - Mỹ đã toàn diện và hoàn thiện, vì vẫn còn đó trên bàn vấn đề da cam/dioxin. Nếu nhìn vào kết quả hết sức tích cực của hợp tác hai bên để giải quyết một vấn đề nhạy cảm như MIA - người Mỹ bị mất tích trong chiến tranh - thì tôi có cơ sở để tin rằng trong tương lai tới đây, phía Mỹ sẽ thể hiện thái độ nghiêm túc và thiện chí - như Việt Nam đã làm trong vấn đề MIA - để đưa ra các giải pháp hiệu quả hỗ trợ Việt Nam giải quyết vấn đề nhân đạo to lớn này.

Từ mức độ quan hệ thương mại rất thấp, đến năm 2005, kim ngạch thương mại hai chiều mới chỉ đạt hơn 1 tỷ USD, năm 2009 con số này lên tới 15,5 tỷ USD. Mỹ trở thành thị trường lớn nhất cho hàng hóa Việt Nam. Mỹ cũng là nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam năm 2009 và đứng hàng thứ 6 từ trước tới nay. Hai bên đã thiết lập được những cơ chế quan hệ hợp tác về giáo dục, khoa học kỹ thuật, bước đầu hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng và trên nhiều lĩnh vực khác.

Nhiều đoàn của Mỹ đang và sẽ sang Việt Nam để kỷ niệm 15 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Tôi đang cùng Ủy ban Đối Ngoại QH chuẩn bị đón hai thượng nghị sĩ có uy tín của QH Mỹ là Tom Harkin và Jim Webb sang Việt Nam vào đầu tháng 7. Những gì đạt được trong thập kỷ rưỡi qua sẽ là cơ sở tốt để hai bên tiếp tục các bước đi ngày càng đem lại kết quả thực chất để đưa quan hệ hai nước đến đồng thuận nhiều hơn, vì lợi ích không chỉ hai bên mà cả hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và quốc tế.

  • Xuân Linh

Ý kiến của bạn

Các tin khác