15 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ:

Đại tướng Phạm Văn Trà và chuyến thăm Mỹ lịch sử

Cập nhật lúc 08:04, 05/07/2010 (GMT+7)

- Năm 2003 - 28 năm sau chiến tranh, Đại tướng Phạm Văn Trà khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng lần đầu tiên thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Washington DC. 15 năm bình thường hóa quan hệ song phương, quan hệ quốc phòng giữa hai nước đã và đang phát triển từng bước, chắc chắn.

>> Việt - Mỹ: Từ cựu thù đến đối tác

Mở đường

Thưa Đại tướng, Bộ Chính trị đã thống nhất như thế nào về thời điểm thực hiện chuyến thăm chính thức Mỹ đầu tiên của quan chức quốc phòng cao nhất Việt Nam?

Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ từ năm 1995. Năm 2000, phía Mỹ có hai chuyến thăm cấp cao đến Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng William Cohen (tháng 3) và Tổng thống Bill Clinton (tháng 11). Trong cuộc gặp gỡ giữa tôi với ông Cohen tại Hà Nội, hai bên đã trao đổi, đặt vấn đề về quan hệ, cũng biết nhau rồi.

Phía Mỹ khi đó mong chờ chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam sẽ mở đường cho chuyến thăm của lãnh đạo Nhà nước Việt Nam đầu tiên đến Mỹ. Thảo luận về lời mời của phía bạn, Bộ Chính trị thống nhất có lẽ để cấp Nhà nước đi trước rồi Bộ Quốc phòng đi sau. Song phía Mỹ vẫn đặt vấn đề mong muốn thu xếp chuyến thăm của tôi trước. Sau cùng, Bộ Chính trị thống nhất đây là lời mời của phía khách và Việt Nam đáp lễ theo tinh thần thiện chí.

Mô tả ảnh.
Đại tướng Phạm Văn Trà - Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau 28 năm kết thúc chiến tranh. Ảnh: LAD

Chuyến thăm khi đó đã được báo giới, các nhà quan sát cho là chuyến thăm lịch sử, một dấu mốc trong quan hệ giữa hai nước. Trong tiến trình bình thường hóa quan hệ nói chung, chuyến thăm có ý nghĩa thế nào?

Người Mỹ theo chủ nghĩa thực dụng, coi trọng quân sự như một lĩnh vực có ảnh hưởng đến chính sách cả đối nội và đối ngoại. Họ muốn quan hệ quân sự, trước hết để thông cảm với nhau, hiểu biết nhau, từ đó khai thông, mở đường sang cái khác. Tất nhiên chủ trương của mình Bộ Chính trị và Nhà nước quyết. Song với thời điểm khi đó, Bộ Chính trị quyết định thực hiện chuyến thăm theo lời mời của phía bạn.

Trước đó, kể từ khi bình thường hóa quan hệ cũng đã có một số hoạt động liên quan giữa hai bên, nhưng ở luồng ngoài, chưa phải tầm quan hệ chính thức giữa hai chính phủ trong lĩnh vực này. Chuyến thăm của tôi đánh dấu thời điểm hai nước bắt đầu thảo luận quan hệ ở tầm chính phủ.

Ấn tượng của Đại tướng về chuyến thăm đến Mỹ khi đó?

Đã có các cuộc thu xếp dành cho phái đoàn Việt Nam làm việc chính thức không chỉ với Bộ Quốc phòng, Bộ Cựu chiến binh mà cả Bộ Ngoại giao. Ông Colin Powell khi đó là Bộ trưởng Ngoại giao đã có tiếp xúc với tôi, từng là Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng.

Khi gặp gỡ, chúng tôi nói chuyện rằng có cùng nghề nghiệp với nhau, tham gia chiến trường, nhưng giờ hai bên có quan hệ ngoại giao thì trao đổi với nhau về mặt ngoại giao thôi. Có thể nói, phía Mỹ đã dành cho phái đoàn Việt Nam sự đón tiếp trọng thị cũng như có các cuộc trao đổi tốt đẹp.

Trong các cuộc tiếp xúc, họ dành nhiều câu hỏi thẳng thắn, rất thực dụng, cởi mở và tôi thích tinh thần đối thoại thẳng thắn như vậy.

MIA thực sự trở thành chìa khóa, tạo lòng tin để quan hệ chân thực
Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà tiếp đón Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld khi ông Rumsfeld tới thăm Hà Nội năm 2006. Ảnh: wiki

Một câu người Mỹ hỏi tôi: “Tại sao Mỹ lại thua Việt Nam?”. Tôi trả lời rằng, trong chiến tranh, bên mạnh sẽ thắng yếu, sĩ quan quân đội Mỹ được đào tạo bài bản hơn sĩ quan Việt Nam, nhưng trong thế trận, không phải học nhiều hay vũ khí nhiều mà giành thắng lợi, mà ai xử trí nhanh hơn, người đóì sẽ thắng.

Chìa khóa MIA

Đại tướng còn lưu tâm câu hỏi thực dụng nào khác của người Mỹ? Ông đã “đối thoại thẳng thắn” ra sao?

Họ đặt câu hỏi cho tôi một câu hỏi : “Chúng tôi muốn biết Việt Nam vẫn còn giữ người Mỹ còn sống, tù binh Mỹ còn sống không?”, thậm chí họ nói có thông tin cho rằng chúng ta vẫn giam giữ lính Mỹ trong lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi thẳng thắn trả lời Việt Nam không bao giờ giấu giếm như vậy. Hoàn toàn không còn người Mỹ là tù binh sống ở Việt Nam. Nếu các ngài biết thông tin ở đâu, đích thân tôi sẵn sàng đưa các ngài đến nơi để xác minh.

Tôi nghĩ đây là điều họ lấn cấn nhất khi đó, họ nghi ngờ song phía Việt Nam cũng thẳng thắn, xác thực điều này để người Mỹ hiểu Việt Nam. Trong chuyến thăm, tôi cũng đặt vấn đề tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) và coi đó là vấn đề nhân đạo, hậu chiến tranh. Việt Nam sẵn sàng cùng Mỹ tìm kiếm hài cốt lính Mỹ mất tích trong chiến tranh. Đó cũng chính là một trong những kết quả quan trọng nhất trong chuyến thăm của tôi đến Mỹ.

Khi đó, Mỹ cũng đưa ra yêu cầu đưa tàu vào lãnh hải Việt Nam tìm kiếm MIA song tôi cũng nói rõ quan điểm không đồng tình. Tôi nói Việt Nam sẵn sàng đưa tàu cho các bạn mượn để đưa máy móc hiện đại đến để khảo sát. Nếu các ngài đưa tàu Mỹ vào, treo cờ Mỹ, đi trên đất nước Việt Nam thì nhân dân chúng tôi không đồng tình. Chính phủ, quân đội cũng phải dựa ý của dân.

Chuyến thăm lịch sử năm 2003 của Đại tướng Phạm Văn Trà đánh dấu quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ thảo luận ở tầm chính sách
Chuyến thăm lịch sử năm 2003 của Đại tướng Phạm Văn Trà đánh dấu quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ thảo luận ở tầm chính sách. Ảnh: LAD

Cũng có ý kiến cho rằng tại sao Việt Nam không coi đó là điều kiện đòi bồi thường chiến tranh. Nhưng ta luôn xác định đó là vấn đề nhân đạo. Trong tiến trình 15 năm bình thường hóa quan hệ, MIA thực sự trở thành chìa khóa, tạo lòng tin để quan hệ chân thực. Nếu không có cái đó thì khó.

Quan hệ từng bước

Trong tiến trình bình thường hóa quan hệ 15 năm qua, so với nhiều lĩnh vực khác, rõ ràng quan hệ quốc phòng giữa hai nước phát triển chậm hơn, thận trọng hơn dù phía Mỹ đã chủ động nhiều. Vì sao, thưa Đại tướng?

Kết quả chung quan trọng nhất chuyến thăm Mỹ của tôi khi đó là hai bên hiểu biết lẫn nhau, cũng không phải là sớm hay muộn. Tôi nghĩ thời điểm diễn ra chuyến thăm khi đó là hợp lý. Quan hệ quân sự xét cho cùng không thể ào ào được, phải từng bước. Tôi công khai quan hệ với anh, có tin cậy thì anh và tôi có thể nói với nhau vấn đề hai bên cùng quan tâm. Hai bên đã hợp tác về rà phá bom mìn, MIA, trao đổi tùy viên quân sự, chất độc da cam, đào tạo sĩ quan… Nhịp độ như thế là phù hợp và mình quan hệ đã có bước phát triển tốt.

Việt Nam có hợp tác quân sự, quốc phòng với nhiều đối tác, trong đó có các đối tác, nước lớn. Dĩ nhiên trong bối cảnh thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, an ninh của Việt Nam không thể tách rời an ninh khu vực nói riêng và an ninh của thế giới nói chung. Hợp tác quốc phòng để thực hiện các mục tiêu quốc phòng của Việt Nam cũng như góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Các nước có quan hệ hợp tác với Việt Nam có những lý do lợi ích chiến lược của họ. Song Việt Nam phải giải bài toán giữ vững độc lập, tự chủ. Chỉ có độc lập, tự chủ như Bác Hồ nói thì mới chủ động giải quyết mọi vấn đề. Chứ không giữ độc lập, tự chủ, có lúc anh thiên về chỗ bên này, có lúc thiên về bên kia thì đất nước sẽ không ổn định. Đó không phải là bảo thủ. Việt Nam cân bằng tất cả các quan hệ cho phù hợp.

  • Xuân Linh

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác