Chuyển nhượng khai khoáng: Thận trọng với "sân sau" các bộ

Cập nhật lúc 05:52, 24/07/2010 (GMT+7)

- Chuyển nhượng quyền khai khoáng sẽ là mảnh đất cho tiêu cực, tham nhũng. Làm thế nào hạn chế kiểu khai khoáng theo "chủ nghĩa thực dân"... Đây là những vấn đề đặt ra trong phiên thảo luận tại Ủy ba Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 23/7 về Luật Khoáng sản sửa đổi.

>> Nghị trường và dấu ấn đại biểu

Mảnh đất phát sinh tham nhũng

Dự thảo luật sửa đổi cho phép chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản với các dự án đã từng thông qua đấu thầu hoặc dự án đã có tỷ lệ đầu tư nhất định.

Mô tả ảnh.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước (phải): Không loại trừ dự án được chuyển sang doanh nghiệp "sân sau" của những bộ, ngành có quyền cấp phép. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ủy ban Kinh tế QH, cơ quan thẩm tra dự án luật cũng tán đồng cách làm này với lý do, các doanh nghiệp trúng thầu có thể vì điều kiện khách quan không thể tiếp tục làm dự án thì vẫn có quyền chuyển nhượng để thu hồi vốn. "Tất nhiên về nguyên tắc, luật không khuyến khích chuyển nhượng dự án để hạn chế tình trạng mua đi bán lại giấy phép, phát sinh tiêu cực", Ủy ban Kinh tế nhận định.

Tuy nhiên, đa số thành viên UBTVQH muốn luật cấm hẳn việc chuyển nhượng.

Nói như Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước, đây là mảnh đất phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

"Không loại trừ dự án được chuyển sang các doanh nghiệp "sân sau" của những bộ, ngành có quyền cấp phép", ông K’sor Phước cảnh báo. Thực tế, nhiều dự án khai khoáng "từ trên trời rơi xuống", hỏi tỉnh không biết, hỏi huyện không hay, hóa ra do các bộ cấp quyền.

Theo ông K’sor Phước, nếu doanh nghiệp vì khách quan mà không đủ điều kiện khai thác thì Nhà nước phải thu hồi.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Đào Trọng Thi cũng lo ngại, không loại trừ Nhà nước sẽ "hớ" vì các doanh nghiệp "xịn" tham gia đấu giá, trúng thầu, rồi lặng lẽ chuyển nhượng. "Tưởng giao mỏ vào tay doanh nghiệp chất lượng, hóa ra lại rơi vào tay một doanh nghiệp tồi", ông Thi phân tích.

Còn theo Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, việc Nhà nước bật đèn xanh cho doanh nghiệp chuyển nhượng giấy phép đã sinh ra một lớp người chuyên lo chạy chọt giấy phép, buôn bán dự án.

Đặt ra nhiều quan ngại như vậy, song các thành viên UBTVQH cũng để ngỏ khả năng ban soạn thảo không tiếp thu và vẫn giữ quy định về chuyển nhượng.

Trong trường hợp như vậy, cần quy định điều kiện cụ thể để được phép chuyển nhượng cũng như cơ chế kiểm soát chặt chẽ.

Khai thác tài nguyên kiểu... chủ nghĩa thực dân

Thảo luận về Luật Khoáng sản sửa đổi cũng là dịp để UBTVQH mổ xẻ những căn bệnh cố hữu lâu nay như bán thô, làm ồ ạt hủy hoại môi trường.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH Nghiêm Vũ Khải kể lại, trong một hội thảo mới đây, ông Lê Đăng Doanh đã dẫn lời một vị chuyên gia Nhật Bản cảnh báo "Việt Nam đang khai thác tài nguyên theo chủ nghĩa thực dân".

Cho rằng đây là nhận định đáng suy ngẫm, ông Khải phân tích, "tính thực dân" thể hiện ở cách làm vơ vét lấy được, đặt mục tiêu lợi nhuận là chính, không quan tâm lợi ích cộng đồng và người dân.

Ông Khải cũng đặt câu hỏi, phải chăng hầu hết các mỏ khai khoáng vừa qua đã cấp phép hết, sửa luật lần này chỉ để điều chỉnh cho các mỏ sắp được phát hiện.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận thì đề xuất cương quyết dừng ngay việc xuất khoáng sản thô vì "luật phải thể hiện trách nhiệm với thế hệ sau chứ không được quyền tận thu bằng hết".

Đáp lại đề xuất trên, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên khẳng định, ban soạn thảo sẽ thiết kế thêm một số điều khoản "chặn" tình trạng xuất khoáng sản thô cũng như tăng cường chế biến sâu trong nước.

Dự thảo sẽ còn được chỉnh sửa trước khi trình QH thảo luận, thông qua vào kỳ họp cuối năm nay.

Sau khi luật được ban hành, Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ xây dựng Chiến lược tài nguyên khoáng sản. Nhiều ĐBQH đề xuất chiến lược này phải được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, theo ông Phạm Khôi Nguyên, "chiến lược tài nguyên khoáng sản thì cũng như chiến lược các ngành nghề khác, xin cứ để cho Chính phủ tự phê duyệt".

  • Lê Nhung

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác