Tỉnh chỉ được cấp phép cho mỏ khoáng sản nhỏ lẻ
- Theo dự thảo Luật Khoáng sản sửa đổi, địa phương sẽ cấp giấy phép thăm dò, khai thác tại một số khu vực phân tán, nhỏ lẻ, than bùn, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Các khu vực còn lại do Bộ TN&MT cấp phép.
>> Nghị trường và dấu ấn đại biểu
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên. Ảnh: Lê Anh Dũng
Sáng nay (31/5), Quốc hội đã nghe báo cáo dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) và thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.
So với luật hiện hành, dự thảo sửa đổi đã bổ sung một số quy định chi tiết hơn về điều kiện cấp giấy phép, phân cấp giữa Trung ương và địa phương...
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Hà Văn Hiền, xung quanh việc phân cấp giữa Trung ương và địa phương, vẫn còn nhiều đại biểu cho rằng không nên đưa ra khái niệm "khu vực có tài nguyên phân tán, nhỏ lẻ" chung chung mà phải có danh mục loại khoáng sản, khu vực có khoáng sản cụ thể trước khi giao về cho tỉnh.
Hơn nữa, nên sớm công bố khu vực thuộc thẩm quyền quản lý, cấp phép, khai thác cho địa phương.
Theo thống kê của Bộ TN&MT, tính đến tháng 6/2009, các tỉnh đã cấp 3.882 giấy phép khai thác khoáng sản. Các tỉnh cấp phép nhiều nhất là Bình Thuận (200), Vĩnh Long (155), Yên Bái (152), Cao Bằng (142), Nghệ An (126)...
Nếu năm 2000, mới chỉ có 427 DN tham gia khai thác thì con số này đã tăng gấp ba vào năm 2009 (1.400 DN), nhưng chỉ có 150 do Trung ương cấp giấy phép.
Như vậy, từ khi Luật Khoáng sản phân cấp cho các tỉnh được quyền cấp phép (năm 2005), số DN được quyền khai thác khoáng sản tăng đáng kể. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ TN&MT, nhiều giấy phép do tỉnh cấp chưa đúng quy định. Hồ sơ cấp giấy phép sơ sài. Quá trình cấp phép chưa ràng buộc được trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, hoàn thổ.
Dự thảo luật đã bổ sung một số điều kiện cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản.
Chẳng hạn, DN muốn được cấp quyền khai thác,`phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, tài chính.
Có ý kiến cho rằng với các tổ chức, cá nhân khai thác ổn định, lâu dài trên một địa bàn, cần "siết" hơn nữa các điều kiện, tiêu chuẩn. Đó là phân kỳ cấp phép theo từng giai đoạn, từng khu vực để dễ bề kiểm soát. Nếu DN không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thì sẽ không cấp phép cho dự án tiếp theo.
Nhằm hạn chế tình trạng "chạy" dự án, chuyển nhượng, "sang tay" dự án nhằm trục lợi, Luật sửa đổi lần này cũng đưa ra một quy định ràng buộc, đó là chỉ các DN thắng thầu thông qua đấu giá công khai mới được quyền chuyển nhượng và phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước.
Quyền lợi của người dân nơi có các mỏ khoáng sản cũng được làm rõ hơn trong Luật sửa đổi.
Theo đó, các DN khai thác phải cam kết thực hiện phục hồi môi trường, đảm bảo cơ sở hạ tầng. Khoản thu từ khoáng sản sẽ được điều tiết để hỗ trợ phần nào cho địa phương.
Quốc hội sẽ thảo luận về dự án luật này tại Hội trường vào ngày 16/6.
Sáng nay, QH đã nghe hai dự án luật: Luật Thuế môi trường và Luật Thanh tra (sửa đổi). Theo Luật Thuế môi trường, có 5 nhóm hàng hóa được Chính phủ đưa vào diện chịu thuế môi trường: xăng dầu, than, môi chất làm lạnh chứa Hydro-clo-flo-cacrbon (dung dịch HCFC); túi nhựa xốp và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng.
Biên độ khung thuế với than là từ 6.000 đến 30.000 đồng/tấn. Riêng đối với xăng dầu, dự luật quy định mức thuế từ 1000 - 4000 đồng/lít, dầu diesel từ 500 - 2000 đồng/lít.
-
Lê Nhung