Bán mỏ vì lợi ích nhiệm kỳ
- Thảo luận ở tổ chiều 2/6 về Luật Khoáng sản, đại diện một trong những tỉnh cấp phép khai khoáng nhiều nhất, ông Đào Xuân Nay (Bình Thuận) cho hay, các giấy phép khai thác titan tại tỉnh ông đa số đều từ Hà Nội, do Trung ương giới thiệu về. Khai thác "lời" 100 tỷ đồng thì DN sẵn sàng chi 10 tỷ để được cấp phép.
>> Mỗi năm, VN mất 1 hòn đảo vì xuất bừa tài nguyên
>> Khoáng sản: Lợi ích nghiêng về người được quyền khai thác mỏ
>> Nghị trường và dấu ấn đại biểu
"Loạn" khai khoáng, cấp phép tràn lan, chỉ doanh nghiệp hưởng lợi, người dân gánh hậu quả còn địa phương không kỷ luật được ai... là những vấn đề mà đại biểu QH các tỉnh có nhiều khoáng sản như Bình Thuận, Cao Bằng, Nghệ An, vùng Tây Nguyên chỉ ra.
"Không làm gì được họ"
Bức xúc hơn cả là tình trạng "chạy dự án" và quan chức địa phương "bán mỏ" do lợi ích nhiệm kỳ.
ĐB Nguyễn Đức Hiền (trái): "Doanh nghiệp chỉ chạy tìm dự án".
Nói như ĐB Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi), nên đánh giá hiệu quả hoạt động của DN khai khoáng vì có không ít DN lập ra chỉ để lấy danh nghĩa "chạy hết lên huyện lên tỉnh đi dự án", chuyển nhượng dự án.
"Một số cá nhân giàu lên nhanh chóng... Tiền chảy vào túi cá nhân mà nhà nước không thu được gì, không làm gì được họ", Phó trưởng đoàn ĐBQH Nghệ An Nguyễn Hữu Nhị phàn nàn.
Theo ông, các mỏ khoáng sản đang được bán đi bán lại cho các cá nhân trục lợi để hưởng chênh lệch.
"Công ty khai thác đá Quỳ Hợp doanh thu hàng năm lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng nộp ngân sách chỉ 1 tỷ, chưa tính khoản hoàn thuế", ông Nhị phản ánh.
Như tính toán của ĐB Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang), chỉ cần 1 giấy phép chuyển đi là DN có 4 - 5 tỷ đút túi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Lê Quốc Dung cũng lo ngại: "Đằng sau 80% doanh nghiệp khai khoáng là nước ngoài. Vậy giữ tài nguyên đất nước thế nào?".
Đa số ĐB tán thành việc tập trung đầu mối cấp phép về cho Bộ TN&MT để tránh bài học về bùng nổ sân golf cũng như cho nước ngoài thuê đất rừng vừa qua.
Đấu giá thăm dò khai thác khoáng sản được nhiều ĐB cho là giải pháp hữu ích để giải quyết vướng mắc, hạn chế xin - cho. Tuy nhiên, quy định phải cụ thể hơn, nhất là thẩm quyền định giá.
"Bộ TN&MT định giá nhưng Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm thẩm định lại giá để tránh thất thoát. Cũng nên nói rõ trúng thầu bao lâu mới được chuyển nhượng", ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề xuất.
"Hoang tàn như mặt trăng"
Những hiện tượng "chảy máu khoáng sản", "than tặc", "vàng tặc"... không chỉ làm thất thoát tài nguyên đất nước mà còn xáo trộn đời sống người dân. Nói như ĐB Nhị, người dân sống ở những vùng có tài nguyên lại là những người nghèo nhất, khổ nhất.
ĐB Nguyễn Hữu Nhị (Nghệ An): ’Công nghệ khai thác mỏ thiếc Quỳ Hợp lạc hậu, cả vùng tan hoang".
Như "nghịch lý" mà ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên) nhắc đến, đó là người dân ở các khu vực có mỏ khai khoáng không mặn mà với việc mở một mỏ mới, vì ảnh hưởng đến môi trường, ô nhiễm nguồn nước, đường sá.
"Hậu quả nặng nề, mà lợi nhuận không được là bao", ông Tường kết luận. Thậm chí, tỉnh còn phải xuất tiền giải quyết các tệ nạn xã hội kèm theo.
ĐB Trần Đình Nhã (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhẩm tính, ở tỉnh này có đến 35% người dân cuộc sống khó khăn hơn khi chuyển đến nơi tái định cư. "Ở Nghệ An, ảnh chụp từ trên xuống nhìn hoang tàn như nhìn xuống mặt trăng", ông Nhã nói. Hay như phản ánh của ĐB Danh Út (Kiên Giang), người dân Hòn Đất không còn nước sinh hoạt sau khi DN vào khai thác mỏ đá.
Điều mà các ĐB quan tâm là làm rõ các quy định ràng buộc DN với cam kết bảo vệ môi trường, hoàn thổ.
Theo ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), "Luật cứ nói xen kẽ chính sách xã hội là khó khả thi, mà phải đưa ra nguyên tắc. Môi trường sống đang yên lành, anh vào khai thác thì phải có phương án bảo vệ, di dân, duy tu hạ tầng. Thiết chế phải rõ ràng".
Mặc dù luật sửa đổi quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân duy tu, bảo vệ cơ sở hạ tầng, nhưng theo ĐB Nguyễn Đức Hiền, phải bỏ chữ "khuyến khích" vì đây là một ràng buộc trách nhiệm.
Cách chức được ai?
Dự thảo Luật khoáng sản được sửa đổi lần thứ hai, tuy nhiên, nói như ĐB H’Luộc N’tơr, "tham gia 3 khóa Quốc hội, không khóa nào chúng ta không bàn về chuyện loạn khai thác khoáng sản... Đến bây giờ Chính phủ đã kỷ luật, cách chức được ai chưa?".
ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên): Các mỏ khai thác đều làm "gọi là".
Nguyên Giám đốc Sở TN&MT Đắk Lắk Trương Thị Xê chia sẻ, nạn khai thác cát ở Tây Nguyên khiến đất đai sạt lở nặng nề "nhưng khi còn làm giám đốc Sở, tôi không kỷ luật được ai".
Còn theo phản ánh của ông Dương Ngọc Ngưu (Thanh Hóa), ở những vùng có khoáng sản, xe chở khoáng sản xuất lậu ồ ạt nhưng "hỏi lãnh đạo một số tỉnh thì họ nói không biết, chỉ có một số biết".
Như vậy, những vấn nạn trong quản lý, khai thác khoáng sản hiện nay không chỉ xuất phát từ nguyên nhân nhà nước chưa có quy hoạch, địa phương không có kế hoạch mà còn do tình trạng "cha chung không ai khóc", trách nhiệm thiếu rõ ràng.
"Lấy tài nguyên đem bán kiếm lời, phần nhiều do Sở TN&MT làm, xã không biết gì. Xong thủ tục thì mời xã đến giao đất cho chủ đầu tư. Nhưng khi ô nhiễm, xã mời doanh nghiệp đến giải quyết thì doanh nghiệp không đến’, ông Danh Út than.
Trăn trở với hàng loạt hiện tượng "bất công" đang diễn ra trên tỉnh mình, ông Nguyễn Hữu Nhị kết luận: "Khoáng sản là sở hữu chung của dân, của quốc gia, nhà nước thay mặt đứng ra quản lý. Không thể có chuyện xin - cho ở đây. Người dân vùng có khoáng sản phải chịu đựng rất nhiều chứ không phải ai cũng được hưởng lợi".
Luật Khoáng sản sửa đổi sẽ tiếp tục được xem xét trước khi thông qua vào kỳ họp tới.
-
Lê Nhung - Cao Nhật - Xuân Linh
Ảnh: Lê Anh Dũng