Khai khoáng nhiều, thu ngân sách chẳng bao nhiêu!
- Chủ tịch MTTQ tỉnh Cao Bằng, ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội, bà Hoàng Thị Bình cho hay chủ trương của tỉnh là nghiêm cấm xuất lậu quặng, nhưng do đường mòn giáp Trung Quốc rất gần, "bên này Việt Nam, bên kia Trung Quốc nên quản lý cũng khó".
>> Cả nước dõi theo việc xử lý khoáng sản ở Cao Bằng
>> Cao Bằng báo cáo về khoáng sản chậm nhất ngày 10/6
Bài 1: Nín thở theo chân ngựa thồ quặng lậu vượt biên
Bài 2: Xâm nhập chợ quặng lậu vùng biên
Bài 3: Những vùng đất chết khi chưa kịp... "sống"
Bài 4: "Tùng xẻo" cả đất nông nghiệp để đào vàng
Bài 5: Tiết lộ động trời chuyện "chạy" dự án ở Cao Bằng
Bài 6: Quyết tâm "xẻ thịt" cả "Đà Lạt của vùng Đông Bắc"
Bài 7: Xin được "chỉ mặt", "ăn tát" để đào bới lòng đất?
Bài 8: Tối hậu thư để khai sinh thêm một "vùng đất chết"
Clip 1: Trắng đêm theo ngựa thồ quặng lậu vượt biên
Clip 2: Chợ quặng lậu "hiên ngang" họp giữa ban ngày
Clip 3: Đi qua những "vùng đất chết" miệt biên viễn
Bà Bình cho hay sau khi VietNamNet vào cuộc, Cao Bằng đã chỉ đạo rất quyết liệt việc xem xét các điểm khai thác khoáng sản trái phép và gây ô nhiễm môi trường. Tỉnh ủy đã ra chỉ thị 59 về ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Ô nhiễm môi trường đầu nguồn rất nghiêm trọng
- Chỉ đạo quyết liệt, hành động có như vậy không, thưa bà?
Tôi đã đi theo đoàn giám sát của HĐND tỉnh do Phó Chủ tịch HĐND Hoàng Trung Phong làm trưởng đoàn đến huyện Thạch An, làm việc ở ba xã Canh Tân, Minh Khai, Quang Trọng, đi qua các điểm khai thác cát ở lòng sông.
Ba doanh nghiệp được cấp phép khai thác vàng ở địa bàn Thạch An, đến giờ phút này kể cả các doanh nghiệp được cấp phép khai thác đến năm 2012 cũng đã ngừng hoạt động.
Chủ tịch MTTQ tỉnh Cao Bằng, ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội, bà Hoàng Thị Bình. |
Qua đi thực tế, tôi thấy hậu quả ô nhiễm môi trường đầu nguồn rất nghiêm trọng và nguy cơ sạt lở rất lớn. Có cử tri phản ánh đời sống nhân dân rất khó khăn vì nước các mỏ này thải ra chảy vào ruộng nó cứng hết.
Hiện nay đất canh tác rất ít vì Cao Bằng là tỉnh miền núi, chỉ có 8-9% diện tích tự nhiên là đất canh tác thôi, còn lại chủ yếu là đồi núi.
Có thể nói, hiện nay vấn đề giải tỏa đã rất ổn, tất cả các hầm khoan vào công binh đánh sập hết, di dời toàn bộ, đóng cửa mỏ.
Thực ra tôi cũng thấy có điều gì đó băn khoăn của các đồng chí lãnh đạo ba xã ấy. Họ nói dù đã làm rất nhiều lần rồi nhưng nhờ chỉ đạo quyết liệt, hy vọng là đợt này có thể chấm dứt được.
Thực ra cũng băn khoăn về doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Bảo Phát đã đầu tư ở đấy 18 tỉ đồng. Vừa qua đi kiểm tra, họ có gây ô nhiễm môi trường nhưng cũng đã xây hai cái đập, rồi đầu tư toàn bộ đường điện vào đấy, đầu tư rất lớn.
- Thế còn với người dân?
Đất canh tác của dân, họ đào lên, dù mỗi nhà được một chút, nhưng cũng chỉ đủ tiền mua cái xe máy là hết. Đất đó khả năng canh tác lại, khả năng hoàn thổ rất khó vì nó nham nhở như hố bom.
Cũng có ý kiến đề xuất phải rà soát, yêu cầu hoàn thổ, nếu không thì Nhà nước thu lại. Sau đó điều chỉnh lại sổ đỏ, và đất đó sẽ giao lại cho những nhà thiếu đất canh tác.
Nhà nhà làm quặng... để rốt cuộc "vàng chẳng có, đất canh tác không còn, lấy gì mà ăn" như cách mà bà Bình mô tả ở Cao Bằng |
Nhưng có gia đình cũng khổ, vì làm xong toàn sỏi, đất màu trôi hết rồi. Bây giờ làm gì, lấy gì mà ăn, vàng chẳng có, đất canh tác không còn.
Bắc Kạn lại giáp Cao Bằng. Vừa qua đã có cuộc họp giữa lãnh đạo hai tỉnh và cán bộ các huyện, xã hai bên, giải quyết làm sao để Cao Bằng không xả nước thải sang Bắc Kạn và ngược lại.
Giám đốc sở Tài nguyên - Môi trường khẳng định họ khai thác nhưng không dùng hóa chất, không ảnh hưởng đến chất lượng dòng nước đâu. Thế nhưng chúng tôi đi giám sát thì thấy và nhiều nhà khoa học cũng khẳng định vàng mà đào ở núi, nếu không dùng hóa chất thì không thể lấy được vàng.
Chính vì thế mà ruộng mới hỏng như vậy. Hiện nay thì nước vẫn đục.
Luật hở nên cấp phép cũng nhiều!
- Thực ra khi cấp phép, các dự án khai thác đều phải theo quy hoạch, Cao Bằng có quy hoạch này không?
Điều này trong Luật Khoáng sản quy định rất rõ là những mỏ nhỏ lẻ, chưa có trong quy hoạch, tất nhiên là không thể chi tiết được từng mỏ. Đây cũng là một kẽ hở của luật. Thế nên vừa qua cấp phép cũng nhiều.
Khi chúng tôi đi giám sát, riêng khai thác cát sỏi phải nói là rất ô nhiễm. Cấp phép quá hạn cả rồi. Đi kiểm tra, chúng tôi thấy sỏi vẫn còn chất đống, lở hết cả hai bên sông.
Địa điểm này có tên là suối Nùng, thuộc xã Thể Dục, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Nhưng giờ đây khó ai còn dám gọi đó là suối nữa? |
- MTTQ tỉnh Cao Bằng có nắm được con số thu ngân sách từ khai thác khoáng sản không?
Khoáng sản nhiều nhưng thu khoáng sản thì ít. Tôi chưa cập nhật cụ thể là bao nhiêu nhưng con số thu là rất ít.
Cái thứ hai là dân kêu ô nhiễm môi trường, đường sá hỏng quá, dân thì không được lợi, việc tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương cũng không được nhiều.
- Vừa nãy bà nói đến công tác hoàn thổ. Theo điều tra của VietNamNet thì công tác hoàn thổ hầu như không có, trong khi các dự án đều có phải làm việc này?
Việc hoàn thổ, thứ nhất là đối với đất hai bên bờ sông của những nhà dân, đấy là khai thác trái phép rồi, vì vậy người nào có điều kiện thì làm, ví dụ những người trúng vàng. Nhưng hầu hết người ta không hoàn thổ.
Còn các doanh nghiệp thì như Bảo Phát đang trong quá trình khai thác cũng chưa có gì, chỗ đấy rất dốc, rất nguy hiểm, nguy cơ sạt lở rất nhiều.
Thực trạng môi trường tại điểm khai thác cao lanh thuộc xã Phan Thanh (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), thượng nguồn rừng phòng hộ Phia Oắc, Phia Đén, nơi nhóm PV VietNamNet đã thực hiện loạt phóng sự điều tra vừa qua |
- Còn chuyện xuất lậu khoáng sản, tỉnh mình có nắm được tình hình xuất lậu khoáng sản không?
Việc xuất lậu khoáng sản, vừa rồi báo chí phản ánh thì tất nhiên là có. Chủ trương của tỉnh là nghiêm cấm xuất lậu quặng, nhưng do đường mòn giáp Trung Quốc rất gần, bên này Việt Nam, bên kia Trung Quốc nên quản lý cũng khó.
Trách nhiệm của chính quyền địa phương là rất lớn trong việc làm sao nghiêm cấm việc xuất lậu quặng.
- Luật Khoáng sản sửa đổi theo hướng phân cấp mạnh cho địa phương vì Trung ương không thể "ôm" hết được. Với kinh nghiệm ở Cao Bằng, bà thấy phải kiểm soát thế nào để không còn chuyện bán lậu tài nguyên? Khi có sai phạm thì ai là người chịu trách nhiệm, ông Chủ tịch tỉnh hay giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường?
Theo tôi, trước hết phải có quy hoạch tổng thể về khoáng sản trong cả nước, vì chuyện xảy ra không chỉ của riêng Cao Bằng. Cần có phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương - địa phương trong quản lý và điều hành.
Tôi nghĩ rằng phải làm rõ trong quản lý nhà nước. Có sai phạm thì rõ ràng phải chịu những hình thức kỷ luật cao nhất.
-
Vân Anh