Lợi ích đang nghiêng về người được quyền khai thác mỏ

Cập nhật lúc 15:33, 02/06/2010 (GMT+7)

- "Lợi ích từ khoáng sản đang nghiêng về phía những người được cấp mỏ để khai thác hoặc chuyển nhượng... Người dân sống ở những nơi có khoáng sản lại đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường QH Nghiêm Vũ Khải nói.

Theo ông Khải, Luật khoáng sản lần này phải được sửa đổi một cách căn bản, tìm vào những khâu yếu nhất để khắc phục.

Mô tả ảnh.
Ảnh: Lê Nhung

Như phản ánh của VietNamNet và trên diễn đàn QH mới đây khi thảo luận về kinh tế - xã hội, các ĐBQH đã phản ánh tình trạng báo động đỏ về loạn khai thác khoáng sản như cấp phép ồ ạt, khai thác lậu...Từng đi khảo sát ở các địa phương, ông thấy đâu là khâu yếu nhất hiện nay mà luật Khoáng sản cần điều chỉnh?

- Ngay trong tờ trình về dự án Luật sửa đổi, Chính phủ cũng khẳng định là việc cấp phép cho các doanh nghiệp hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản đang còn nặng cơ chế “xin - cho” chứ không căn cứ vào điều kiện và năng lực, chưa ngăn được tình trạng đầu cơ. Điều này hoàn toàn đúng.

Thực tế này đã tồn tại cả chục năm nay, nhưng bây giờ mới được nhìn nhận trong một văn bản quan trọng như tờ trình QH.

Khâu yếu nhất theo tôi chủ yếu là ở việc định giá trị tài nguyên khoáng sản còn chưa phù hợp, từ đó chưa bảo đảm điều chỉnh hài hòa lợi ích và trách nhiệm của các bên liên quan trong quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản.

Tài nguyên đất, nước, rừng, khoáng sản đều là tài sản của toàn dân. Khi thẩm định giá trị, phải tính hết chi phí đầu vào như chi phí điều tra, khai thác, chế biến, chi phí hoàn thổ, bảo vệ môi trường, tu bổ hệ thống đường xá, tác động lên đời sống dân cư.

Nhưng hiện nay, giá trị tài nguyên chưa được tính hết, lợi ích trong khai thác khoáng sản đang được phân bổ không thỏa đáng giữa Trung ương, địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Lợi ích đang nghiêng về bên nào?

- Lợi ích đang nghiêng về phía những người được cấp mỏ để khai thác hoặc chuyển nhượng. Mặc dù họ nộp thuế, phí, giải quyết công ăn việc làm cho một số người dân địa phương, nhưng thực ra người dân sống ở những nơi có khoáng sản lại đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại.

Môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm, đất đai xâm hại, hạ tầng cơ sở bị xuống cấp... Chưa nói đến các tệ nạn xã hội như bạo lực, mại dâm, nghiện ngập kéo theo.

Khắc phục tình trạng bất bình đẳng này bằng cách nào, thưa ông?

- Quy định về đấu giá quyền thăm dò khai thác khoáng sản như dự thảo đề xuất là một điểm mới.

Đây là ý tưởng nhằm đưa hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trở thành hoạt động kinh tế, điều chỉnh việc phân bổ lợi ích, quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp, nhà nước và người dân.

Tuy vậy, các quy định về nguyên tắc và điều kiện đấu giá như dự thảo nêu ra là chưa đủ, mới dừng ở quy định khung, chưa đảm bảo chủ trương này có thể thực thi trong cuộc sống.

Muốn đấu giá thì đại diện chủ sở hữu (cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản) phải xác định được giá sàn sát thực tế. Giá đó phải bảo đảm lợi ích các bên, tính đúng, tính đủ để bù đắp các chi phí cần thiết. Tất nhiên phải để doanh nghiệp có lãi, khuyến khích những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, công nghệ khai thác chế biến hiện đại, quản lý tốt trúng thầu.

Mô tả ảnh.
Ẩnh: Lê Anh Dũng
Theo giải thích của ban soạn thảo, luật tập trung giao trách nhiệm thăm dò khoáng sản, quyền tổ chức đấu giá, quyền cấp phép cho Bộ TN&MT. Nhưng điều này liệu có làm nảy sinh tiêu cực và tái diễn tình trạng xin - cho giữa Trung ương với địa phương? Mặt khác, Trung ương cấp phép cho DN khai thác mỏ ở tỉnh thì kiểm tra, giám sát thế nào?

- Việc phân cấp như trong dự thảo Luật cần tính toán kỹ để quy định phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước về một loại tài nguyên không tái tạo này.

Tôi cho rằng cần mạnh dạn phân cấp cho địa phương, đa dạng hóa, xã hội hóa hoạt động khoáng sản. Cơ quản quản lý nhà nước TƯ cần tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Ngay cả đất đai là tài nguyên đặc biệt quan trọng mà vẫn phân cấp cho địa phương khá mạnh. Tỉnh được định giá đất hàng năm.

Còn việc một số địa phương quản lý chưa tốt thì phải chỉnh đốn, tạo điều kiện để làm cho tốt, chứ không phải vì thế mà TƯ “ôm hết”. E rằng như vậy thì TƯ sẽ không thể làm hết một cách hiệu quả; đồng thời không phát huy được vai trò, trách nhiệm của địa phương. Cần có sự phân công, phân cấp và phối hợp.

Nhưng vừa qua vẫn có nhiều tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản lên những vùng đã được quy hoạch đất nông nghiệp, du lịch chứ không tuân theo quy hoạch và cấp cho cả những DN không đủ năng lực?

- Công tác quy hoạch còn rất nhiều bất cập. Những hạn chế cơ bản, đó là do còn thiếu thông tin, độ tin cậy của thông tin thấp, dự báo chưa sát, thiếu tính gắn kết liên thông giữa các quy hoạch vùng, ngành và quy hoạch tổng thể.

Quy hoạch và kế hoạch phải đồng bộ, có cả yếu tố không gian và thời gian, thực hiện phải theo lộ trình, phương pháp và nguồn lực.

Nhưng việc triển khai thực hiện quy hoạch khoáng sản gần đây chưa tuân theo lộ trình, bước đi hợp lý. Người ta chọn những công đoạn dễ làm, có lợi trước mắt để thực hiện. Điều đó dễ dẫn đến phá vỡ quy hoạch, chệch mục tiêu ban đầu.

Đợt vừa rồi đi khảo sát về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về khoáng sản, trong đó có quặng bô-xít ở Tây Nguyên, titan ở miền Trung, chúng tôi nhận thấy có việc chồng lấn một số diện tích đáng kể giữa đất quy hoạch cho điều tra, khai thác khoáng sản với đất cho nông lâm nghiệp, đất cho quy hoạch du lịch, dân cư. Một số doanh nghiệp đã phải gánh chịu ảnh hậu quả khá nặng nề do sự chồng chéo này.

Kinh nghiệm này cần nghiêm túc đánh giá, đúc kết để hoàn thiện các quy định về quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản trong dự thảo Luật.

  • Lê Nhung

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác