Cấp phép khai khoáng ở Cao Bằng: Tiền vào túi ai?
- Xung quanh tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi ở Cao Bằng, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Cao Bằng Triệu Sỹ Lầu nói, cơ quan quản lý làm chưa hết trách nhiệm còn doanh nghiệp chỉ nghĩ đến lợi nhuận.
Phó trưởng đoàn ĐBQH Cao Bằng Triệu Sĩ Lầu: Tỉnh giàu khoáng sản nhưng là một trong những tỉnh nghèo nhất. Ảnh: LN |
Tôi có một trăn trở là không hiểu tại sao Cao Bằng có nhiều khoáng sản vào loại nhất nước nhưng cũng là một trong các tỉnh nghèo nhất.
Vấn đề thứ hai làm tôi suy nghĩ là không hiểu tại sao thuế suất tài nguyên khoáng sản hiện nay đang quá rẻ mạt và hiện tại còn để cho DN tự khai doanh thu, tự nộp thuế. Nộp bao nhiêu thì biết vậy chứ nhà nước không thu được.
Tồn tại trong khai thác khoáng sản hiện nay là việc cấp phép tùy tiện, khai thác mỏ tùy tiện, trữ lượng, doanh thu không nắm được, phần thu về không đáng kể so với tiềm năng sẵn có.
Nhưng ở Cao Bằng đã có một quy hoạch hoặc chiến lược về khai thác khoáng sản đến nơi đến chốn chưa?
- Xu hướng của tỉnh cũng là muốn làm quy hoạch khai thác khoáng sản. Mà để quy hoạch thì phải thăm dò trước.
Nhưng các doanh nghiệp khi đi thăm dò đã khai thác luôn một số khoáng sản, nhà nước không quản lý được.
Nhưng tại sao việc tổ chức thăm dò để làm quy hoạch lại không phải do đích thân các cơ quan, ban ngành có trách nhiệm tiến hành mà lại giao cho doanh nghiệp?
- Thế mới gọi là quản lý lỏng lẻo.
Ông có định nêu vấn đề này lên diễn đàn Quốc hội không, hoặc phản ánh với lãnh đạo tỉnh để làm rõ các sai phạm và chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản ở Cao Bằng?
- Chúng tôi vẫn thường xuyên đề nghị tỉnh quản chặt và luôn quan tâm nắm vững tình hình.
Nhiều lần chúng tôi đã kiến nghị phải quản lý chặt chẽ nguồn khoáng sản địa phương. Việc quy hoạch phải được giao cho ngành tài nguyên môi trường quản lý.
Nhưng đến nay việc quản lý chưa hết trách nhiệm.
Dự thảo Luật khoáng sản sửa đổi sẽ bàn ở QH lần này cũng đặt ra nhiều vấn đề, nhưng tôi đang phải suy nghĩ để từ thực tế Cao Bằng nêu ý kiến.
Chẳng hạn theo hướng sửa đổi tới đây thì TƯ sẽ quản lý và cấp phép toàn bộ các mỏ to, trữ lượng lớn, mỏ nhỏ giao địa phương.
Tuy nhiên tôi vẫn e ngại một điều là TƯ cấp phép thì sẽ không thể xử lý được vấn đề "quặng tặc", nhất là các tỉnh sát biên giới, cũng như TƯ không thể quản lý được các đường mòn xuất lậu.
TƯ quản lý thì chính quyền địa phương xác định trách nhiệm như thế nào, hay lại xung đột?
Mà doanh nghiệp đặt lợi nhuận lên trên hết, không quan tâm và không có trách nhiệm xử lý hoàn thổ, xử lý môi trường.
Theo phản ánh của Chủ tịch huyện Nguyên Bình, đã có chuyện chạy dự án khai thác khoáng sản và mặc dù huyện, xã kịch liệt phản đối nhưng tỉnh vẫn kiên quyết yêu cầu địa phương bàn giao mặt bằng. Liệu có vấn đề gì ở đây, thưa ông?
- Đọc xong ý kiến Chủ tịch huyện Nguyên Bình trên VietNamNet tôi cũng rất thắc mắc.
Doanh nghiệp chiếm đất nông nghiệp của dân nhiều quá. Dân sống phụ thuộc vào đất, vào rừng mà bây giờ mất đất họ không thể làm ăn được.
Theo tôi, để cấp phép cho DN khai thác, tỉnh phải nghiên cứu toàn bộ khả năng khai thác, các vấn đề xã hội liên quan.
Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng: Ai giàu lên từ khoáng sản?
Ta đang nói với nhau là trữ lượng khoáng sản lớn nhưng cần làm rõ là tại sao các tỉnh có trữ lượng khoáng sản dồi dào nhất đa phần lại nghèo.
Bức tranh khai thác khoáng sản cũng không mấy sáng sủa ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. |
Vậy thì cần phải làm cho rõ ràng, minh bạch một điều là tiền khai thác khoáng sản này đi đâu, ai là người giàu lên từ tài nguyên khoáng sản.
Vậy, Luật Khoáng sản sửa đổi trình QH lần này phải làm những gì để sửa lại?
Đi khảo sát các tỉnh, trong đó có cả Cao Bằng, chúng tôi thấy bất cập không chấp nhận được. khai thác tràn lan, phần nào ngon, phần nào dễ thì khai thác lên, còn lại bỏ, trộn lẫn đất. Đáng lẽ khai thác 80% thì lại chỉ khai thác 20% rồi để đó.
Hoặc, khai thác kiểu xé lẻ. Đáng lý cấp phép cho 1 DN thôi, thì có khi một quả núi cấp phép cho tới 7 DN, mạnh ai nấy làm. DN có khi bán cho DN khác, thậm chí bán cho DN nước ngoài, bán tài nguyên vào tay người khác.
Đáng lẽ khi cấp phép cho 1 DN phải gắn cả khai thác và chế biến, làm đến đâu buộc họ hoàn thổ đến đấy. Có thể cấp giấy phép cho thăm dò khảo sát, sau đó tùy trữ lượng lại cấp phép khai thác. Mà muốn khai thác thì phải chế biến, ràng buộc điều này rõ ràng. Không cấp phép đồng loạt các mỏ mà phải cấp lần lượt, có kế hoạch.
-
Lê Nhung