Bài 1:

Nín thở theo chân ngựa thồ quặng lậu vượt biên

Cập nhật lúc 06:52, 12/05/2010 (GMT+7)

Để xâm nhập đường dây vận chuyển quặng lậu bằng ngựa sang bên kia biên giới (Trung Quốc) theo đường tiểu ngạch, nhóm phóng viên VietNamNet quyết định chọn phương án làm phu áp tải ngựa để tận mắt chứng kiến đêm kinh hoàng nhưng cũng đầy sôi động của con đường đưa quặng lậu vượt biên tại một huyện miền núi thuộc tỉnh Cao Bằng…

[video(16004)]

Xem videoclip trắng đêm theo ngựa vượt biên thồ quặng lậu tại đây

Mò kim đáy bể

Mặc dù được một tay anh chị trong giới thu mua quặng lậu (quặng của người dân khai thác trái phép) khẳng định, vẫn còn những đường dây đưa quặng lậu vượt biên bằng phương thức vận chuyển thô sơ: dùng ngựa thồ, thế nhưng, đích xác ở địa điểm nào, thì phải tự lần tìm.

Thông tin trên giống như một sự thách đố, bởi rà soát những điểm “khả nghi” và kiểm chứng thông tin bằng nhiều kênh khác nhau mà chúng tôi có thể móc nối được, thì những điểm nghi vấn có đường dây vận chuyển quặng lậu bằng cả ngàn ngựa thồ, chỉ là câu chuyện của quá khứ vài ba năm trước.

Thời điểm hiện tại, những điểm này đã được dẹp bỏ hoặc đang “ngủ” để chờ cơ hội.

Mô tả ảnh.

Con đường mòn tiểu ngạch được dân thu mua quặng lậu khai thông để đưa sang bên kia biên giới bằng ngựa thồ về đêm.

Buổi chiều vùng biên thêm tê tái bởi sau gần 2 ngày trời lang thang dò tìm các điểm xã vùng biên của huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) - những xã mà khả năng cao nhất có thể có những con đường tiểu ngạch xuất quặng thô sang Trung Quốc – bị thất bại, chúng tôi gần như ngã lòng và kiệt sức vì mệt mỏi.

Thế nhưng, trong khoảnh khắc tưởng như bỏ cuộc, chúng tôi quyết định bám đuôi một chiếc xe máy chở vài bao tải cáu bẩn bùn đất ì ạch chạy trên con đường liên huyện từ Trùng Khánh sang huyện Trà Lĩnh. Linh tính mách bảo, đó là chiếc xe chở quặng lậu đang đi tới điểm tập kết!

Người thanh niên điều khiển chiếc xe chở quặng như nhận thấy sự đeo bám của chúng tôi, luôn tìm cách cắt đuôi ở những khúc cua. Vượt quãng đường dài gần 20km sang đến địa phận huyện Trà Lĩnh, chiếc xe máy rẽ theo hướng vào xã Tri Phương.

Lại một chặng rượt đuổi trên con đường cấp phối của một địa danh xa lạ, cuối cùng người thanh niên cũng tấp xe vào một ngôi nhà cấp 4 nhỏ bé nằm lẻ loi bên đường, bốn bên là núi đá sừng sững.

Hai người đàn ông chạy ra, trợ giúp anh thanh niên dựng xe rồi mau mắn khuân mấy bao tải quặng nặng nề vào bên trong nhà kho được dựng bằng gạch ba-vanh và phủ bạt xanh. Mọi việc diễn ra khá mau lẹ. Nhiều anh mắt nhìn chúng tôi dò xét nghi ngờ. Có cả ánh mắt không che dấu sự thách thức, hăm dọa.

Mô tả ảnh.

Xóm Nà Dốc (xã Tri Phương, huyện Trà Lĩnh) - nhìn ngược từ phía con đường mòn. Đây là điểm tập kết quặng và cũng là "cung đường" vận chuyển quặng lậu bằng ngựa thồ sầm uất về đêm.

Cùng với Quang Trung, Tri Phương là xã vùng sâu – xa nhất của huyện Trà Lĩnh nằm tiếp giáp với huyện Trùng Khánh. Đây cũng là hai xã có đường biên tương đối dài, địa hình núi đá rất thuận tiện cho dân buôn quặng trái phép khai phá những đường mòn để đưa quặng lậu vượt biên.

Ý định thâm nhập vào xã Tri Phương để tìm manh mối của đường dây chở quặng lậu bằng cả ngàn ngựa thồ của chúng tôi được manh nha khi vùng biên bắt đầu chuyển sang chiều. Những tia nắng hình rẻ quạt hắt ngược phía trời Tây, dù vẫn vàng như mỡ gà nhưng vẫn không làm chiều vùng biên bớt hoang lạnh.

Mô tả ảnh.

Những ngôi nhà dọc hai bên trục đường chính vào xã là các điểm thu gom quặng của dân mua quặng lậu.

Mấy ngày qua, tại đây trời mưa nên số lượng quặng bị ứ lại. Đêm nay sẽ là buổi vận chuyển quặng lớn bằng ngựa thồ sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, tại địa bàn xã Tri Phương. Đó là thông tin quý giá mà chúng tôi có được từ một người phụ nữ đi kiếm củi từ trong rừng đi ra.

Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ mới là những câu chuyện!

Trắng đêm theo chân ngựa

Sau khi chắc chắn Tri Phương là địa điểm “tuồn” quặng thô bằng hàng ngàn lượt ngựa mỗi đêm sang biên giới Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, chúng tôi quyết định lên phương án thâm nhập vào đường dây tải quặng bằng ngựa thồ.

Dò dẫm và lần mò, cuối cùng chúng tôi cũng thuyết phục được một người đàn ông đang cột ngựa ven đường để đêm nay được “thay” ông áp tải ngựa chở quặng thuê sang vùng biên với điều kiện, chúng tôi cho ông một số tiền và hoàn trả tiền công chủ quặng trả theo mỗi chuyến tải hàng.

Người đàn ông này cho biết, chừng 19h tối là thời điểm đường dây chở quặng bắt đầu hoạt động.

Mô tả ảnh.

Theo chân ngựa đưa quặng lậu sang vùng biên.

Bữa cơm tối tạm bợ dằn bụng. Mượn bộ quần áo lao động của ông khoác lên người. Thêm một chiếc mũ vải sùm sụp. Một chiếc đèn pin có quai chằng sau gáy để gắn lên trán, hệt như đèn pin của công nhân mỏ. Dặn dò chúng tôi cách thức điều khiển ngựa cùng một vài câu tiếng dân tộc…, chúng tôi lên đường.


Trời tháng tư tối sẫm. Con đường vùng biên vẽ một vệt sẫm đen dưới đêm. Địa điểm tập kết quặng có tên Nà Dốc, cách trụ sở UBND xã Tri Phương chừng hai cây số. Từ đây, quặng được đưa lên ngựa sau khi đóng vào các bao tải, mỗi bao ngót nghét một tạ.

Số quặng này được các tư thương vận chuyển từ các điểm thu gom nhỏ lẻ bằng xe máy, hoặc thuê xe tải Jiulong 3 – 4 tấn chở quặng đến.

Mô tả ảnh.

Con đường mòn bé tẹo và đầy đá hộc chỉ đặt vừa đúng... bàn chân ngựa. Nếu đi hai chiều, sẽ rất khó khăn để tránh nhau...Một ngựa khỏe thồ được chừng 4-5 tải quặng, tương đương trên 2 tạ. Không ít người dân thồ quặng qua biên giữa ban ngày.

Được biết, trong thời điểm Cao Bằng mạnh tay siết chặt quặng lậu xuất thô qua biên, Tri Phương là đường đi gần như duy nhất và sầm uất nhất. Quặng được tập kết từ các xã khác thuộc Trà Lĩnh đi vào, từ Trùng Khánh, Nguyên Bình, Phục Hòa, Khau Liêu, Thông Huề… đi sang.

Thậm chí, vẫn không hiếm gặp những xe tải biển 89, 99, 97 từ Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Kạn… phủ bạt kín mít ì ạch trên những con đường cấp phối của Trùng Khánh, Trà Lĩnh… và được người dân cho biết, 99% những xe đó chở quặng!

Người đàn ông đưa chúng tôi tới một điểm đóng quặng để xếp lượt. Tại đây, nhấp nhổm vài chục ngựa thồ cũng đang đứng để xếp quặng lên yên ngựa. Những đống quặng to như những đống đá ban ngày được phủ bạt kín, bây giờ được kéo bạt ra và người ta xúc vào bao tải.

Mỗi con ngựa thồ khỏe được 4 bao, trên dưới hai tạ. Con yếu hơn chừng một tạ rưỡi. Tiền công vận chuyển chủ quặng trả cho chủ ngựa là 20 đồng (tệ) cho một tạ quặng.

Mô tả ảnh.

Mỏm núi nham nhở các hố quặng, trơ màu đất gan gà và nền đá tai mèo xám xịt.

Được dặn trước là phải tuyệt đối giữ im lặng trong suốt cả cuộc hành trình, chúng tôi đứng khuất vào tảng đá ven đường quan sát, đợi “ông chủ” làm thủ tục. Theo quy ước ông chủ ngựa đưa ra, tôi là “thằng cháu” của ông bị câm, không biết nói, đêm nay thay ông theo ngựa thồ quặng qua biên vì ông bị ốm.

Mọi việc trót lọt và suôn sẻ. Đàn ngựa thồ 3 con của chúng tôi được xếp quặng lên lưng. Kế bên, những con ngựa khác cũng đã có hàng. Cả đàn ông, phụ nữ…, ai ai cũng vừa mải mốt lại vừa bình thản, mải mốt đưa ngựa vào xếp quặng rồi bình thản đi theo sau chân ngựa, chủ yếu là để sang bên kia biên giới nhận tiền công của chủ quặng.

Bởi, những con ngựa miền núi đã quá quen đường. Chúng có thể tự theo chân nhau đi đúng con đường mòn tới đầu bên kia, rồi đợi người ta lấy quặng ra và lùa về, chúng sẽ tự động tìm đường về đến đầu bên này. Đó là hình thức vận chuyển quặng lậu sang Trung Quốc của cả ngàn con lồ (lừa) của xã vùng biên Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh) vài ba năm trước.

Chúng tôi được giao quản lý 3 con ngựa thồ của ông chủ ngựa, hòa vào đoàn người – ngựa lầm lũi bước đi trong đêm. Trừ ánh sáng yếu ớt của bóng điện chạy máy phát điện mini nhờ nhờ ở những điểm tập kết quặng, ánh sáng duy nhất xuyên thủng bóng tối vùng biên là những ánh đèn pin đeo trên trán của các “phu” áp tải ngựa loang loáng trong đêm và rung rinh theo nhịp chân bước.

Những điểm tập kết quặng tại xã Tri Phương.

Những điểm tập kết quặng tại xã Tri Phương.

Thi thoảng, vài chiếc xe gắn máy gằn gọc vượt lên trên rồi táp vào lề đường. Đó là “người nhà” của các chủ thu mua quặng đứng ra canh chừng, sợ chủ ngựa “ăn bớt” quặng dọc đường.

Có tới cả trăm người dân cùng hàng ngàn lượt ngựa thồ tham gia vận chuyển quặng đêm nay. Những ánh đèn pin trong đêm luôn giống nhau. Những con ngựa thồ lầm lụi cũng làm một công việc giống nhau: cõng vài ba bao tải quặng trên lưng, lầm lũi đi hết con đường mòn.

Không ai nói với ai điều gì. Tất cả là im lặng. Chỉ có tiếng người quát con ngựa lơ đãng đi chệch đường. Tiếng ngựa hí. Tiếng chó sủa nhóc nhách và dấm dẳng. Tiếng bàn chân người, móng ngựa vấp phải đá hộc trên đường, chưa kịp xuýt xoa kêu đau lại nối nhau đi tiếp.

Phía bên kia con đường chúng tôi đi, những chuyến ngựa đã trả hàng về không, đủng đỉnh đi về để tiếp tục nhận thêm quặng cho chuyến áp tải mới.

Con đường tử thần

Từ điểm “nhận hàng” đi chừng vài chục phút thì hết đoạn đường bằng cấp phối. Dưới ánh đèn pin loang loáng vô tình hắt lên không trung, một khoảng sẫm đen án ngữ ngay yết hầu của con đường mà chúng tôi đang đi. Tim đập loạn nhịp vì hồi hộp và căng thẳng.

Mô tả ảnh.

Để có được 20 tệ/1tạ cho một chuyến chở quặng thành công, không dễ. Con đường dốc ngược và chênh vênh rất dễ khiến ngựa bị lật hàng và ngã xuống vực. Đó là chưa nói tới việc, việc vận chuyển diễn ra về đêm, và chỉ có ánh đèn pin mờ mờ như đom đóm soi đường.

Đoàn ngựa thồ của người phụ nữ trung tuổi áp tải ngựa đi trước chúng tôi bỗng đi chậm lại, rồi lặng lẽ ngoặt sang tay trái, men theo con dốc để lao vào khoảng sẫm đen mà chúng tôi vừa nhìn thấy. Sau khi định hình, tôi mới nhận ra đó là một quả núi. Từ đây, đi thêm vài trăm mét nữa là sang địa phận Trung Quốc.

Điểm tập kết quặng phía bên kia biên giới, cách cột mốc chừng vài trăm mét. Tuy nhiên, đây mới thực sự là một con đường mòn đúng nghĩa, vì nó men theo sườn núi và là… con đường đá hộc.

Khi mắt đã bắt đầu quen dần với bóng đêm, và kinh nghiệm đã có được sau chặng đường trước đấy, tôi cúi đầu để cho chiếc đèn pin đeo trên trán quét một lượt vào con đường mòn mà chú ngựa thồ của tôi vừa rẽ vào. Một bên là núi. Một bên là khoảng sâu hõm xuống mà tôi dè chừng đó là vực. Nhưng không phải như thế.

Mô tả ảnh.

Cột mốc 757 đánh dấu địa phận Việt Nam và địa phận Trung Quốc tại xã Tri Phương, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng.

Mô tả ảnh.

Điểm thu mua quặng phía bên kia Trung Quốc mà chúng tôi ghi được từ vị trí cột mốc 757.

Tôi yên tâm hơn khi nhận thấy bên dưới là những cây ngô đang lên cao ngang người. Tuy nhiên, cũng không thể không tập trung vì chân liên tục vấp phải đá hộc, lại phải tránh đường cho những đoàn ngựa đi ngược chiều, có những đoạn quá hẹp phải dừng lại và nép vào một tảng đá thò ra bên mé đường, nhường đường cho các “đồng nghiệp” đã hoàn tất một cuộc hành trình áp quặng.

Tất cả mọi người vào đến đoạn đường mòn này đều phải đi chậm, dò dẫm từng bước, kể cả những người dân bản địa đã quen đường. Con ngựa chở nặng, lại phải vượt dốc, phì phò thở. Đưa tay vuốt lên mình ngựa, bàn tay ướt rượt mồ hôi ngựa có mùi hôi và khai, tôi mới chợt nhận thấy sống lưng mình bắt đầu thấm lạnh, còn mồ hôi nãy giờ rịn ra thấm ướt lưng áo, khiến lớp vải của chiếc áo thô nhơm nhớp bó sát người.

Mô tả ảnh.

Một người dân đã hoàn thành chuyến chở quặng từ Trung Quốc quay lại Việt Nam.

Qua vài ba khúc cua thì nhận thấy ánh sáng hiện ra phía bên kia sườn núi. Điểm tập kết quặng bên kia biên giờ đã hiện ra. Chừng vài phút sau, đoàn ngựa do tôi áp tải cũng về đích. Những người lạ mặt vội vã ra bốc hàng, đưa lên chiếc cân bàn, ghi chép vào cuốn sổ rồi đưa cho tôi 40 tệ Trung Quốc tiền công 2 tạ quặng của chú ngựa do tôi điều khiển.

Bên cạnh chúng tôi, những phu áp tải cũng nhận tiền công, rồi vội vã theo ngựa quay trở lại về Việt Nam, tiếp tục những chuyến hàng mới.

Trời khuya đen đặc. Trăng thượng tuần như một mảnh lân tinh bé xíu đứng ngạo nghễ và đơn độc trên tít đỉnh núi mà chúng tôi vừa đi qua. Lúc này là 3h sáng.

Mô tả ảnh.

Một điểm khai quặng lậu tại xã Tri Phương.

Ước tính, một đêm chỉ với khoảng ngàn lượt ngựa đi – về, Tri Phương đưa sang Trung Quốc mỗi đêm phải vài chục tấn quặng thô, chủ yếu là quặng mangan. Làm một phép nhẩm tính sơ sơ, nếu con đường tiểu ngạch này hoạt động liên tục với tần suất như kể trên, mỗi năm, Cao Bằng để “chảy máu” một lượng khoáng sản không hề nhỏ.

Mệt mỏi rã rời. Chúng tôi lộn trở lại con đường vừa đi qua trong tâm trạng nhẹ nhõm và không kém phần phấn khích. Sáng hôm sau khi có điều kiện quay trở lại con đường đêm qua theo ngựa thồ quặng vượt biên, chúng tôi hãi hùng vì con đường mòn nhỏ xíu và đầy đá hộc.

Chỉ cần một chút sơ sẩy, cả người và ngựa rất dễ bị lật nhào sang mé đường, dù chỉ sâu chừng 2 mét, nhưng nếu “dính” phải đá hộc, chắc chắn chúng tôi sẽ không có đường về…


Cao Bằng là địa phương có nguồn quặng rất phong phú với trữ lượng lớn: mangan, thiếc, chì, kẽm, vàng.... Mỗi địa phương lại tập trung một loại quặng nhất định. Toàn tỉnh có 142 mỏ và điểm quặng, 22 loại khoáng sản khác nhau, trong đó có những mỏ quy mô lớn tập trung nhiều ở các huyện Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Nguyên Bình…với trữ lượng và chất lượng tốt.

Khu vực xã Tri Phương (huyện Trà Lĩnh) là nơi có trữ lượng quặng mangan rất lớn. Ngoài các doanh nghiệp được tỉnh Cao Bằng cấp phép khai thác thì người dân nơi đây cũng tự mình xới tung những quả đồi để tìm mangan rồi bán cho đầu nậu. Sau khi đã tập kết đủ số lượng mangan nhất định, các chủ đầu nậu lại tìm cách vận chuyển qua biên giới để bán cho tư thương Trung Quốc

  • Nhóm PV điều tra
    (còn tiếp)

Ý kiến của bạn

Các tin khác