Tào phớ - Trong trẻo món ngon Hà Thành
Cập nhật lúc 09:53, Thứ Tư, 14/07/2010 (GMT+7)
Blog Việt
Liệu có bao nhiêu gánh tào phớ trên mảnh đất này? Tôi không biết và có lẽ cũng chẳng mấy ai đếm được. Nhưng trong kí ức lộn xộn của riêng tôi, nhắc đến Tào phớ độc chỉ có một hình ảnh hiện lên rõ nét: “Bác phớ trắng”.
Ngày nhỏ, tôi sống trên một con phổ nhỏ lọt thỏm trong khu phố cổ. Những ngày nghỉ, khi bạn bè thi nhau nhảy dây đá bóng dưới vỉa hè, tôi thường kê ghế gỗ ngồi một mình trên ban công, nắm hờ thanh sắt và ngó xuống nhìn đường phố bằng đôi mắt bỡ ngỡ của con bé mẫu giáo. Thi thoảng, tôi chơi trò đếm hàng rong. Tôi đếm tất cả: bà Béo bán xôi ngồi ở góc đường đối diện; cô bán rau kĩu kịt gánh qua gánh lại mời mấy bác mải trông cửa hàng không kịp đi chợ sáng; ông bán Lục tào xá với Chí mà phù có cái nồi cũ kĩ buộc sau chiếc xe đạp cũng nhuốm màu thời gian; đôi ba tiếng rao chẳng rõ của một chị bán bánh cuốn nóng… Những chiếc đòn gánh cứ thế kĩu kịt qua lại. Những con người cứ lầm lũi trên từng con phố kiếm miếng ăn. Còn tôi vẫn cứ dựa mình vào thanh chắn ban công lẩm bẩm 1, 2, 3, 4…
Nhưng cứ tầm chín rưỡi mười giờ, thấp thoáng thấy một bóng trăng trắng ở đằng xa cùng tiếng rao quen thuộc, bao nhiêu con số đếm từ sáng bay biến hết thảy. Chạy một mạch xuống tầng trệt, tôi hí hửng cầm tờ giấy bạc bà nội cho í ới gọi “Bác phớ ơi…!”
Tôi quen "Bác phớ trắng" trong một vài mùa hè thuở 6,7 tuổi, đơn giản là con bé tí tẹo hay được nựng là “khách quen”. Cái tên “Bác phớ trắng” cũng là tôi tự đặt ra bởi gánh phớ màu trắng và chiếc áo bác mặc cũng màu trắng. Trong trí nhớ ít ỏi của con bé, ấy là một chiếc áo to rộng có hai túi bên vạt như của mấy ông bác sĩ, nhưng lại là cổ Tàu, và điểm một vài vết ố đậm nhạt. Chẳng hiểu sao đến lúc này tôi không hình dung được gương mặt bác, cũng không nhớ tóc bác bạc bạc trăng hay hoa râm, chỉ hiện lên rõ nhất trong tiềm thức chiếc áo trắng mà thôi.
Ảnh minh họa: Bạn đọc (st) |
"Bác phớ trắng" rao vững chãi ngân dài thành từng hồi đến nỗi tôi còn tưởng tượng ra nhịp điệu rõ ràng “Ai… phớ đây… phớ đây”. Cái thời cách đây hơn chục năm, đường phố ít ồn ào, có những lúc tiếng rao một đôi lần mà văng vẳng từ đầu đến cuối phố.
Gánh hàng của bác đơn giản như mọi gánh tào phớ ta có thể bắt gặp bất cứ đâu trên những ngõ ngách phố xá của đất kinh kì. Một bên là cái chạn gỗ hai tầng đóng đơn sơ để thìa, úp bát, đặt bình nước và một cái xô nho nhỏ rửa chén; bên kia là một cái nồi nhôm to đựng tào phớ. Không hiểu sao, lần nào cũng vậy, tôi luôn háo hức mỗi lần bác nhấc vung lên, háo hức ngó đầu vào nhìn màu trắng tinh khôi của thức quà ấy.
Ngày xưa, tôi từng nghĩ có một cây tào phớ để ngắt quả và nấu thành món ăn ngon lành này. Hồi nhỏ, ai cũng có những phát minh ngây ngô và đáng yêu đến tội. Mãi lúc 10 tuổi mới hay nó bắt nguồn từ đậu tương, cùng “họ” với sữa đậu nành hay những bìa đậu vuông vuông vẫn bán ngoài chợ. Người ta đem ngâm hạt đậu tương vào nước cho nở ra rồi đem xay nhuyễn. Nước với đậu lọc qua một tấm vải mỏng như chắt sữa để bỏ hết bã đi. Xong đâu đấy đem đun sôi sữa lên, đổ thêm chút bột năng rồi bàn tay khéo léo lại khuấy đều… khuấy đều… Cuối cùng đổ vào khuôn rồi đậy nắp chờ cho đậu đặc quánh lại là được.
Nhưng có phớ ngon chỉ là một nửa công đoạn mà thôi. Thức quà ấy còn đưa đẩy lòng người bởi cái nước đường từng gánh hàng nấu ra sao. Đường phải là đường thẻ, có thêm đôi ba lát gừng thơm đun sôi với nước trong thanh một màu ngà ngà. Không ngọt quá, không nhạt quá… kể cũng khó vì phải tùy tay người nấu có hợp khẩu vị người thưởng thức hay không.
Thích nhất là lúc nhìn bàn tay thoăn thoắt cầm chiếc thìa to bẹt hớt từng lớp phớ cho vào bát. Hồi ấy tôi đinh ninh cái thìa lạ lùng kia là cái nắp sắt của hộp sữa bột. Khéo léo, kĩ nghệ có lẽ cứ nhìn tay người bán mà ra. Đậu phải hớt thật mỏng mới đúng kiểu, thì khi ăn mới thấy hết cái thú trong trẻo của món ngon Hà Thành. Uyển chuyển lắm, mềm mại lắm bởi chỉ mạnh tay quá đà một chút thôi cũng khiến vỡ nát lớp đậu phía dưới, có khi hỏng cả nồi tào phớ ngon lành.
Ảnh minh họa: Bạn đọc (st) |
Không biết có phải hàng nào cũng thế không, nhưng trong chạn gỗ của “Bác phớ trắng” lúc nào cũng có một khay hoa nhài – loài hoa đã quyến rũ bao tâm hồn bởi mùi hương. Bác ngắt vài bông hoa nhài bỏ vào bình đựng nước đường cho thơm dìu dịu rồi nhẹ nhàng rót lên những lớp phớ mỏng tang như đặt nét vẽ cuối cho một bức tranh thủy mặc. Ấy là lúc nghệ thuật chuyển từ người bán sang người mua.
Ăn tào phớ cũng là một cách thể hiện cái thanh nhã của con người. Ngày nhỏ tôi luôn thích thú cầm thìa hớt từng miếng mỏng cho vào miệng cảm nhận miếng phớ tan trên đầu lưỡi để lại dư vị ngòn ngọt thơm thơm. Đến bây giờ vẫn vậy, ăn phớ phải chậm rãi tận hưởng cái thanh mát từ từ đẩy lui tia mặt trời gay gắt ngày hè. Tào phớ không dành cho người vội vã, càng không dành cho những ai cứ quấy nát vụn cả bát lên rồi húp sùm sụp. Nghĩ mà xem, thế thô lắm, vụng lắm, người Hà Nội chẳng mấy ai thưởng thức phớ như vậy cả.
Ảnh minh họa |
Lần cuối tôi nhìn thấy “Bác phớ trắng” là cách đây khoảng 5,6 năm, vô tình trong một ngõ nhỏ của Hà Nội cổ kính, vẫn bóng dáng chiếc áo trắng. Nay chắc bác cũng đã nghỉ bán. Chẳng hay còn ở mảnh đấy Hà Thành này không, chẳng hay còn nhớ con bé năm nào, cũng chẳng hay đôi chân còn quen lối dọc ngang những con phố xưa hay không… Chỉ biết tiếng rao còn văng vẳng đâu đây trong những khoảnh khắc tìm về thưở ấu thơ…
[Hà Nội nhớ - Tháng 6/2010]
- Gửi từ email Nguyễn Phương Anh - ngphuonganh.cindy@
TIN LIÊN QUAN |
---|
Dù bạn đang dùng dịch vụ Blog nào, Blog Việt vẫn là người bạn đồng hành cùng cộng đồng Blogger Việt. Hãy chia sẻ những bài viết và đường link blog hay bạn muốn chia sẻ tới chúng tôi như thường lệ bằng cách gửi theo mẫu sau hoặc gửi email về địa chỉ blogviet@vietnamnet.vn
Chép link sau vào chương trình đọc Feed (RSS) để cập nhật những bài viết mới nhất của Blog Việt ngay tại Blog của bạn: feed://vietnamnet.vn/blogviet
,