,
221
7322
Kết nối bạn đọc
ketnoi
/blogviet/ketnoi/
1247254
Ngọn lửa nhỏ tri ân những thầy, cô giáo Xô Viết
1
Article
7021
Blog Việt
blogviet
/blogviet/
,

Ngọn lửa nhỏ tri ân những thầy, cô giáo Xô Viết

Cập nhật lúc 09:20, Thứ Sáu, 20/11/2009 (GMT+7)
,

Blog Việt

 

Lời tác giả: “Bài viết này như một ngọn lửa nhỏ mãi mãi tri ân những cô giáo, thầy giáo Liên Xô đã một thời dạy dỗ chúng tôi nên người. Các thầy các cô không chỉ trang bị cho chúng tôi những kiến thức của bậc đại học và sau đại học, mà còn dạy chúng tôi biết kính trọng dân tộc mình, biết yêu quê hương đất nước Việt Nam của mình, và dạy chúng tôi biết cách bảo vệ mảnh đất thiêng liêng ấy một khi có họa xâm lăng.

 

Ngọn lửa nhỏ tri ân các thầy cô cũng là cách mà chúng tôi đã học được từ những năm tháng ấy.  Chính các thầy cô - những người công dân Xô Viết, đã thắp lên ngọn lửa vĩnh cửu để tưởng nhớ những đứa con của mình vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường để bảo vệ mảnh đất của Tổ Tiên, và cũng là để bảo vệ loài người khỏi họa phát xit.

 

Các thầy cô yêu quý!  Các thầy cô mãi mãi ở trong tim chúng em...”

 

Bây giờ thì chúng tôi đã ở đây, ở ngay trên quê hương của Mẹ, và cũng là quê hương thứ hai của chúng tôi, sau mấy chục năm xa cách đầy thương nhớ.  Lòng rưng rưng, từng bước chân cũng rưng rưng trên mảnh đất thấm đầy kỷ niệm, ba chúng tôi khẽ khàng tiến vào khu chung cư mười một tầng đã thẩm màu rêu phong, nơi có căn hộ mà Mẹ đã sinh sống khi còn dạy tiếng Nga cho sinh viên ngoại quốc ở Trường chúng tôi.

 

Mẹ không còn ở căn hộ cũ. Người hàng xóm tốt bụng nhìn chúng tôi với ánh mắt ái ngại, hỏi han mấy câu sau đó cẩn thận chỉ đường cho chúng tôi đến nơi ở mới của Mẹ. Rời khu chung cư chúng tôi lên xe buýt số 124 đi về phía ngoại ô, theo sơ đồ mà người hàng xóm đã vẽ.

 

Xuống xe, một khung cảnh đẹp như trong tranh hiện ra trước mắt: cả một rừng cây xạc xào trong gió chiều, cả một thảm lá castan vàng xen lẫn màu đỏ thẫm của lá phong rơi phủ dầy trên mặt đất. Một chiều thu vàng lộng lẫy tưởng không bao giờ còn được gặp lại làm tâm hồn chúng tôi choáng ngợp. Rảo bước trên chặng đường non cây số phủ đầy lá thu vàng mà cứ ngỡ như đang đi trong mơ.

 

Mời bạn click vào đây để nghe ca khúc: Người thầy  - Ảnh minh hoạ: Snarflax
Mời bạn click vào đây để nghe ca khúc: Người thầy  - Ảnh minh hoạ: VnExpress

 

Khu vườn Mẹ ở đây rồi! Chúng tôi thầm cảm ơn người hàng xóm tốt bụng đã chỉ dẫn tỉ mỉ nên khỏi mất thời gian tìm kiếm. Im lặng. Chỉ có tiếng vi vu của gió chiều và tiếng lao xao của lá cây vườn. Hai cánh cửa sắt khép hờ không khóa, tôi nhẹ nhàng đẩy cửa rồi cả ba cùng bước vào.

 

Tôi bỗng thốt lên như không kìm nén được nữa: "Mama!". Vợ tôi thì thầm khe khẽ: "Mẹ! Mẹ!". Bé LiLi ngơ ngác nhìn quanh. Mẹ kia, lặng im nhìn chúng tôi với đôi mắt đôn hậu, như Mẹ đã ngồi vậy chờ chúng tôi từ lâu lắm rồi. Tôi biết,  Mẹ không còn đủ khả năng để bước ra ôm chầm lấy chúng tôi rồi hôn tới tấp lên trán lên tóc chúng tôi như mấy chục năm về trước, nhưng ánh mắt của Mẹ đã mách bảo chúng tôi rằng, hãy đến ngồi thật gần Mẹ, và kể cho Mẹ nghe thật nhiều thật nhiều... 

 

Nhìn ngắm Mẹ, tôi biết Mẹ lại sắp mắng yêu như mọi lần khi chúng tôi mang các món ăn Việt nam đến nhà để "biểu diễn cách ăn" cho Mẹ xem, rồi sau đó bày cho Mẹ cách cầm đũa để nếm thử. Lần này thì Mẹ để mặc cho chúng tôi muốn làm gi thì làm, muốn bày vẽ gì cũng được. Mẹ cúi nhìn chúng tôi rồi nở một nụ cười âu yếm, ngập tràn yêu thương và độ  lượng. 

 

Mẹ muốn biết cháu bé lên ba đang chạy lon ton đùa nghịch ngoài vườn kia tên là gì. Vợ tôi thưa với Mẹ, cháu tên là LiLi, LiLi Bùi, là con gái của Li Li Nguyễn. Mẹ "À" lên một tiếng như thể phát hiện ra điều gì đó thật thú vị rồi nhắc đi nhắc lại "LiLi,  LiLi...". Có lẽ Mẹ nhớ lại bức thư tôi viết cho Mẹ khi con gái đầu lòng của chúng tôi mới chào đời, tôi muốn đặt tên cho cháu là LiLi, tên một loài hoa đẹp, trắng muốt, thơm lừng. Tôi còn nhớ như in, khi học đến tên loài hoa này bằng tiếng Nga, mấy đứa học viên chúng tôi đã cãi nhau loạn xị, đứa thì dịch là hoa huệ, đứa bảo hoa loa kèn, còn Hà Duyên Minh thì gọi là hoa tuyết. Theo hắn, hoa tuyết mỗi năm chỉ nở một lần, lúc những trận mưa tuyết đầu mùa phủ trắng bìa rừng, loài hoa này sẽ chui đất mà lên, chui qua tuyết mà lên, rồi nở bung ra trắng muốt nhưng không có mùi hương. Chẳng biết hắn ta đọc được ở đâu mà cứ nói vanh vách, còn Mẹ chỉ tủm tỉm cười độ lượng: "Thôi thì cứ gọi chung là Lilia vậy!".

 

Mẹ băn khoăn khi thấy có bé LiLi đi theo chắc hai chúng tôi sẽ vất vả, chúng tôi phải phân tích để Mẹ hiểu là có bé LiLi đi theo rất vui, chính cháu đã làm cho chúng tôi quên hết mệt mỏi. Chúng tôi chỉ giấu Mẹ một điều là chúng tôi làm vậy vì muốn giữ lời hứa với Mẹ. Trước đây chúng tôi đã từng hứa "Có dịp sẽ đưa con gái sang để bà cháu được gặp nhau", nay LiLi Nguyễn bận công tác không đi được, chúng tôi quyết định mang bé LiLi Bùi sang thăm Cụ coi như giữ tròn lời hứa năm xưa.  Không nói, nhưng chúng tôi đọc được vẻ mãn nguyện hiện lên trên nét mặt hiền từ và phúc hậu của Mẹ.  

 

Vui nhất có lẽ là lúc vợ tôi bày các món đặc sản mang từ nhà sang để mời Mẹ thưởng thức. Cứ mỗi lần dâng một món lên cho Mẹ xem, Mẹ lại mỉm cười và nói "Nhớ rồi, Mẹ nhớ rồi! Ngon lắm ngon lắm!". Cả nhà cùng cười vui vẻ như sống lại với những kỷ niệm xưa chưa phút giây nào phai nhạt! Cuối bữa, nhớ lời Mẹ dặn, tôi hướng dẫn cho bé LiLi cách mang những thứ ăn còn ra đặt ở hàng rào và mép vườn để làm quà cho lũ sóc và bọn nhím rừng. Các mẩu bánh mì thì găm lên cành cây làm quà cho lũ quạ. Bài học tiết kiệm về tận dụng thức ăn thừa, lũ sinh viên chúng tôi học được từ Mẹ ngay từ những ngày chủ nhật và ngày lễ được đến nhà Mẹ ăn cơm gia đình.

 

Ảnh
Mời bạn click vào đây để nghe ca khúc: Người thầy  - Ảnh minh họa: Nguyễn Quang Thiều

 

Mỗi lần ăn xong, khi dọn bàn chúng tôi thường vứt bỏ những mẩu bánh mì không thương tiếc. Nhìn thấy, Mẹ bắt chúng tôi nhặt lên, bảo để sấy khô, khi ăn xúp nóng thả vào lại thành món khoái khẩu. Những lúc như thế, Mẹ thường cầm lên một mẩu bánh mì chỉ nhỉnh hơn hai ngón tay một tẹo, rồi bảo "Đây là khẩu phần giành cho một người ăn trong một ngày khi thành phố bị bọn phát xít bao vây". Những bài học về tiết kiệm như vậy thấm vào máu chúng tôi lúc nào không hay, và đến lượt chúng tôi tiếp tục truyền lại cho thế hệ con cháu của mình. Chắc Mẹ cảm nhận được điều đó, bởi vì chúng tôi chợt nhìn thấy những nét vui ánh lên trong đôi mắt hiền từ của Mẹ!

 

Giờ phút sắp phải xa Mẹ đã đến rất gần. Chúng tôi chỉ muốn thời gian ngưng lại đừng trôi để chúng tôi được ở gần Mẹ lâu hơn chút nữa. Chúng tôi ngồi sát vào bên Mẹ. Tôi ngoảnh sang vợ tôi nói "Bà nhắc khoác thêm áo ấm cho bé LiLi, gió chiều về dễ cảm lạnh". Vợ tôi mặt tái đi, thì thầm "Sao em không nghe Mẹ nói gì". Tôi nói "Hình như Mẹ đang khóc, hay Mẹ nghĩ đến giây phút chia ly?".  Tôi nhớ đã có những lúc chúng tôi khiến Mẹ phải khóc vì đã không làm theo lời Mẹ. Những lúc đó Mẹ buồn, Mẹ giận chúng tôi, Mẹ gọi điện thọai quốc tế chỉ để nghe giọng chúng tôi từ xa, khi chúng tôi cất tiếng gọi "Mama!  Mama!" là lại nghe tiếng nức nở ở đầu giây bên kia.

 

Mẹ giận chúng tôi cũng vì chúng tôi đã làm trái ý Mẹ.  Dạo đó, nhân có Phương Thái sang công tác, chúng tôi chung tiền rồi đổi ra ngoại tệ để Thái mang sang làm quà cho Mẹ, coi như hỗ trợ thêm để Mẹ dưỡng bệnh lúc tuổi già. Vậy mà Mẹ giận, nhất quyết không nhận, bắt Thái mang về bằng được. Khi nghe Thái nói "Thì coi như chúng con đi làm ăn xa nhà, giành dụm ít tiền thỉnh thoảng mang về mừng thọ bố mẹ vậy thôi", thì Mẹ khóc, Mẹ chỉ cầm một tờ tượng trưng cho các con đỡ tủi.

 

Có dạo, chúng tôi thường đón các đoàn trẻ em Trec-nô-bưn sang nghỉ và dưỡng bệnh tại Việt nam, tôi quen một bà bác sĩ đi theo đoàn. Khi về, tôi đưa địa chỉ của Mẹ và nhờ bà bác sĩ thỉnh thoảng ghé qua thăm Mẹ. Vậy mà, Mẹ lại gọi điện nhắc nhở chúng tôi "Thương mẹ, quan tâm đến mẹ  nhưng không được làm phiền người khác". Vậy đó, chiều theo ý người già thật khó biết bao! 

 

Nghĩ là Mẹ khóc, tôi nói với vợ lấy khăn tay thấm nước mắt cho Mẹ. Lau xong, vợ tôi khẽ quay sang tôi thì thầm "Mẹ không khóc đâu anh, hay Mẹ buồn điều gì?". Tôi bỗng nhớ lại lá thư Mẹ viết cho tôi khi Phương Thái từ bên Mẹ trở về, trong đó có câu "Vậy mà Mẹ cứ tưởng mình đã bỏ công gieo trồng những vườn cây không hoa trái". Câu nói đó làm quặn lòng người đọc. Có lẽ những ý nghĩ đó đã dằn vặt Mẹ suốt trong bảy năm bặt tin chúng tôi, bảy năm đằng đẳng kể từ cái ngày Liên bang Xô Viết sụp đổ. Và khi biết rằng chúng tôi vẫn luôn nhớ đến Mẹ, vẫn luôn quan tâm đến tuổi già của Mẹ, có lẽ Mẹ đã sống thêm cả chục tuổi! Và cũng bởi giờ đây Mẹ đã biết chắc chắn rằng, vườn cây mà Mẹ ươm trồng đã kết trái đơm hoa!

 

Cứ nấn ná không muốn rời xa... Trong lúc vợ tôi thay nước trong bình hoa cho Mẹ, tôi cùng bé LiLi tranh thủ lau sạch bụi trên phiến đá hoa cương đặt cạnh chỗ Mẹ nằm. Những ngón tay run run của tôi cứ muốn miết sâu mãi lên dòng chữ khắc chìm trên đó: "Mẹ kính yêu, xin Mẹ hãy yên nghĩ!  Chúng con yêu Mẹ và nhớ Mẹ biết nhường nào...". 

 

Phía dưới khắc nghiêng dòng tên với cỡ chữ nhỏ hơn: "Kôlia, Natasa, Xasa.  Dima, Tanhia, LiLia".  Chợt hiểu, ba cái tên cuối cùng là Mẹ thường âu yếm viết trong thư gửi cho chúng tôi, thay vì phải gọi Định, Thương, Li Li bằng tiếng Việt.

 

Tạm biệt Mẹ, Mẹ ơi! 

 

Nhất định rồi chúng con sẽ còn quay trở lại! 

 

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2009

 

Nguyễn Tấn Định - Dima.

 

 

 

Tôi viết về Thần Tượng - tham gia ngay để nhận giải thưởng và cơ hội gặp gỡ thần tượng âm nhạc của bạn! 

Dù bạn đang dùng dịch vụ Blog nào, Blog Việt vẫn là người bạn đồng hành cùng cộng đồng Blogger Việt. Hãy chia sẻ những bài viết và đường link blog hay bạn muốn chia sẻ tới chúng tôi như thường lệ bằng cách gửi theo mẫu sau hoặc gửi email về địa chỉ blogviet@vietnamnet.vn

 Chép link sau vào chương trình đọc Feed (RSS) để cập nhật những bài viết mới nhất của Blog Việt ngay tại Blog của bạn: feed://vietnamnet.vn/blogviet/index.rss

 

 

a
Ghé thăm FaceBook của Blog Việt

 

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,