Dấu Chân Online 20: Chinh phục thảo nguyên Mông Cổ (Phần VI)

Cập nhật lúc 10:08, 08/09/2010 (GMT+7)

Dấu chân Online

Mời bạn click vào đây để nghe và tải file audio Dấu Chân Online 20: Chinh phục thảo nguyên Mông Cổ (Phần VI)

Bạn thân mến, chúng ta đang sống trong bầu không khí nóng bức ngột ngạt của những ngày đầu hè và tôi tin chắc rằng, tuy không nói ra nhưng trong mỗi người chúng ta luôn khát khao được tạm trốn khỏi cái thành phố đầy bụi bặm và nóng bức này, đi đến những nơi thật xa. Có thể là đắm mình trong làn nước trong vắt mát lạnh của biển xanh hay thả hồn phiêu du theo những cơn gió trên những cung đường xa xôi.

Và nếu ước muốn ấy không hay chưa thể trở thành hiện thực, bạn vẫn có một cách khác để ngao du theo cách riêng của mình, đó là lắng nghe chương trình Dấu Chân Online. Các bạn hay tạm gác bỏ những nóng nực và lo âu trong công việc hàng ngày đi nào và hãy cùng DCOL tiếp tục theo sát những con chiến mã của Taybacgroup trên chặng đường chinh phục thảo nguyên Mông cổ bao la ngút ngàn hoa cỏ. Và bây giờ, như đã hẹn là DCOL20: Chinh phục thảo nguyên Mông Cổ.

Sáng tinh mơ...

Vươn vai đứng trước những túp lều Mông cổ, hít một hơi sâu, hít cả thảo nguyên tít tắp trước mặt vào lồng ngực. Nắng nhẹ nhàng và dịu dàng cũng hừng lên ở đằng đông xa xa sau những bóng cây bạch dương. Gần tu viện có một xóm nho nhỏ, im lìm trong buổi sớm tinh mơ. Khác với các làng xóm ở ta, đầu làng bao giờ cũng có một cái chợ nho nhỏ, nơi mỗi buổi sáng bà con gặp nhau khề khà dăm câu chuyện trước khi ra đồng. Ở những xóm nhỏ, nơi dân cư Mông cổ sống tập trung hơn cũng ít thấy những chợ làng. Nơi trao đổi mua bán là một vài cửa hàng bách hóa nho nhỏ ở ngay nhà dân, cung cấp những nhu yếu phẩm cần thiết nhưng đơn giản cho cuộc sống du mục. Những của hàng đó cũng giống giống như các hiệu tạp hóa nhỏ ở phố huyện nhưng có đủ thứ từ kim chỉ, xà phòng đến ắc quy ô tô. Ngoài ra, mỗi làng đều có một “ trung tâm giải trí “ ở một quán nhỏ, nơi có một vài bàn bi-a, bán ít rượu Chingis hoặc những thứ tương tự, nơi mà thanh niên trong vùng gặp nhau, trò chuyện, uống rượu và bàn chuyện tán gái. Còn các cô gái, dường như họ chỉ loanh quanh với đàn ngựa, đàn bò của mình! Chỉ có ở những thị trấn lớn, mới có một cái chợ khả dĩ gọi là chợ. Tuy thế, dưới góc nhìn chúng tôi, những chợ đó cũng khá thưa thớt, chơi nhiều hơn mua bán và cũng không màu sắc như chợ vùng cao của ta.

Mời bạn click vào đây để nghe và tải file audio Dấu Chân Online 20: Chinh phục thảo nguyên Mông Cổ (Phần VI)



Ngày thứ ba trong hành trình bắt đầu. Mặc dù đã vạch lịch trình cho 2 tuần trên đất Mông cổ, hành trình thực tế của chúng tôi vẫn theo ý tưởng lang thang là chính, cứ chỗ nào đẹp là dừng chơi. Vì vậy, tuyến đi sẽ là tới Edernet, Bulgan và nếu có thể tới Moron, nhưng nếu có lỡ nhịp thì cũng không sao. Từ Darkhan tới đây, lịch trình vạch ra ban đầu là mất khoảng một buổi, tuy thế, vì chọn con đường “tắt” nên đã kéo dài tới 2 ngày cho hành trình này. Đúng là không phải bao giờ đường thẳng cũng là đường ngắn nhất! Nhưng cũng vì thế nên góc nhìn thiên nhiên của Mông cổ trở nên gần gũi và rõ ràng hơn trên bất kỳ tuyến đường chính nào.

Có một điều các bạn nên biết. Nội Mông thuộc Trung quốc còn Ngoại Mông là nước Mông cổ. Dân tộc Nội Mông cũng là dân Mông cổ, phong tục tập quán cũng như vậy nhưng do là đất Trung quốc nên cũng có nhiều khác biệt. Sau khi kết thúc cuộc hành trình, về đến Hà Nội chúng tôi có xem một chuơng trình ca nhạc của dân Mông cổ Nội Mông biểunhưng thật sự không thấy cái hồn Mông cổ trong đó mà nó giống hệt một cái chương trình ca múa của Trung quốc.

Mời bạn click vào đây để nghe và tải file audio Dấu Chân Online 20: Chinh phục thảo nguyên Mông Cổ (Phần VI)



Edernet là một thành phố khá lớn của Mông Cổ. Có điều là trên một số bản đồ in hoàn tòan không thấy thành phố này, khi so sánh các bản đồ mà chúng tôi đang dùng với nhau, chúng tôi đã rất ngạc nhiên vì có cái có cái không, tưởng như đây là một địa danh nhỏ nhưng hóa ra khi tới đây, nó là một thành phố lớn, thậm chí còn lớn hơn cả Darkhan. Có thể nói, đó là một thành phố được quy hoạch cẩn thận, đẹp đẽ, với quảng trường trung tâm và những con phố nhỏ vây quanh. Dân cư ở đây có khá nhiều người Nga hoặc là lai Nga. Trời biêng biếc lạnh, những tia nắng vàng óng , trên quảng trường nho nhỏ, những cặp nữ sinh váy ngắn tung xòe, cả đội duỗi thẳng chân ngồi ngắm các em gái Mông cổ thảnh thơi, thật là vô cùng thoải mái.

Mời bạn click vào đây để nghe và tải file audio Dấu Chân Online 20: Chinh phục thảo nguyên Mông Cổ (Phần VI)



Xa xa phía ngoài thành phố, cụm công nghiệp khai thác đồng vươn lên nền trời cao. Đây có lẽ là hình ảnh hiếm hoi của công nghiệp Mông Cổ. Nơi đây là một trong 10 mỏ đồng lớn nhất thế giới, và đem về tới 40% ngoại tệ cho Mông cổ. Thực tế, đây mới là thành phố lớn thứ hai của Mông Cổ, trong khi đó nhiều sách báo lại viết là Darkhan là thành phố lớn thứ hai. Vì những lý do bí mật kinh tế, Edernet đã từng là nơi bí mật không khuyến khích khách du lịch ghé thăm, do thế, nhiều bản đồ Mông Cổ đã từng không có địa điểm này. Dù sao, ghé thăm thành phố cũng lưu lại chúng tôi một chút kỷ niệm đẹp và nhẹ nhõm, trong một buổi chiều ấm áp và thư thái, nhất là sau mấy ngày đằng đẵng trên thảo nguyên, ở lều trại.

Một khu cắm trại nhỏ và duy nhất dành cho khách du lịch ngay gần khu núi lửa. Khi chúng tôi đến đây, trời đã khá tối và khó có cảm giác là có một khu du lịch. Không một bóng người qua lại giữa xung quanh rừng tối om om. Chỉ có những túp lều lặng lẽ và hiu quạnh. Khi chúng tôi thật sự ngán ngẩm nghĩ đến chuyện phải đi xa hàng chục cây số nữa để kiếm chỗ ngủ hay là dựng lều giữa rừng đêm nay thì nghe vẳng tiếng chó sủa ở ngọn đồi bên cạnh. Thở phào khi thấy một bóng đèn loang loáng đang cắt đồi sang bên khu cắm trại. Cuối cùng, hóa ra khu này chỉ có hai mẹ con vừa làm chủ vừa làm nhân viên và chả mấy chốc, những ánh lửa ấm áp lại sáng bừng lên trong các ô lều xinh xắn. Ngôi nhà gỗ bên kia, bà chủ đang nổi lửa cho bữa tối muộn và thoắt cái, những món ăn truyền thống Mông cổ được bày ra.

 
 



Đồ ăn Mông cổ khá đơn giản, loanh quanh có các món chế biến từ thịt bò, thịt ngựa, thịt cừu và dê. Rau khá ít. Những món dễ ăn với người Việt ta, có món khuushuur , tương tự như bánh gối nhưng nhân thịt rất nhiều. Món này có thể ăn hàng ngày và vị khá hợp. Một món dễ ăn khác là món súp sholte khool, một bát lớn súp với rau bắp cải, thịt bò thái nhỏ, khoai tây. Món này rất giàu năng lượng và chỉ cần mỗi bữa ăn được một bát là đã no cho cả ngày. Những món này là những món chủ đạo trong suốt hành trình 2 tuần của cả nhóm. Người Mông Cổ ăn phần lớn là thịt, để chống chọi với cái lạnh tê tái của mùa đông, để chống chọi với thiên nhiên hoang dã, để có sức lực mà cai trị những đàn gia súc rộng lớn. Người Mông cổ cũng không trồng rau dưa như vườn tược ở ta, xung quanh nhà chỉ là những cánh đồng cỏ. Mọi năng lượng, khóang chất, dinh dưỡng cần thiết cho con người đều đã có trong thịt, sữa, ngũ cốc.

 



Ở Mông cổ, thịt lợn và thịt gà rất khó kiếm, nếu có chắc chỉ ở các quán ăn đặc sản và giá cũng rất đắt. Ngay trên cả hành trình cũng rất hiếm hoi mới nhìn thấy một chú lợn ỉn. Đồ uống phổ biến ngoài sữa chua lên men say say như uống rượu, còn có trà sữa mằn mặn. Hàng ngày, trong các khách sạn và ger dành cho khách du lịch, thay vì một phích nước sôi để pha trà, người ta mang lên một phích trà sữa thêm chút muối. Trà sữa cũng có khẩu vị khác nhau tùy từng vùng, có nơi trà ít sữa nhiều, gọi là sữa trà mới đúng. Có vùng lại còn cho thêm bơ vào trà sữa.Tuy hơi ngang ngang khó uống nhưng cốc trà sữa nóng làm ấm người rất nhanh và giàu năng lượng, là thứ đồ uống quan trọng trong những chặng nghỉ sau một cung đường lạnh giá. Ngòai những món ăn chính, ở đây còn một món tuyệt ngon là kem que. Kem này nhập từ Nga, ăn vừa đủ ngậy, ngọt thanh, mát lạnh trong cái hanh hanh của khí hậu, là món đầu tiên mà cả bọn đi lùng mỗi khi tới một thị trấn.

 



Sì soạp một loáng, 6 cái bát to đùng đã vét sạch sành sanh. Khác với những ngày đầu còn rụt rè làm quen với đồ ăn đậm mùi bò ngựa cừu, giờ đây chúng tôi đã hoàn toàn thỏai mái với những món ăn Mông cổ, đơn giản, ít màu sắc, nhưng tràn đầy năng lượng.

Cũng nhờ những chiếc xe cào cào mà nhóm Tây bắc có thể đi theo những lộ trình oái oăm của những kỵ mã Mông Cổ, từ việc cắt ngang thảo nguyên đầy bụi rậm hay um tùm cỏ, từ việc leo vọt lên các triền đồi với độ dốc tới 20 độ, dựng ngược như những con dốc cao vút trên đường Tây bắc, lội bì bõm băng ngang những con sông nước ngập tới bình xăng, trèo từ thảo nguyên lên nền đường mới cao tới 1 mét, rúc vào những cánh rừng taiga bạt ngàn hay những vạt cây rậm rạp, len lỏi giữa đàn gia súc dê bò lổn nhổn hay cùng hợp lực lùa một đàn lạc đà chạy loanh quanh trên thảo nguyên, đuổi theo những chú chuột đồng thoăn thoắt, hay phóng phần phật tới 70 km/h rồi lại lao sầm xuống rãnh sâu tới nửa mét, đua với một con ngựa lạc bầy cong mông phi, bay theo cánh chim đại bàng râm một góc đồng cỏ...

 
 



Có những lúc 6 chiếc xe dàn hàng ngang rẽ ngang một cánh đồng ngút ngàn hoa dại hay kẹt bánh phun mù mịt trong một trảng cát, rồi mỗi khi lần lượt diễu phố, được đám trai phố phường ngoảnh mặt theo … ngưỡng mộ, đám gái đồng cỏ gửi cho nụ hôn gió. Có những lúc đứng trước thảo nguyên mênh mông, thẫn thờ nhớ vợ nhớ con nhớ người yêu bé nhỏ nơi quê nhà, lòng ước mong có họ trên cùng yên cào cào, hay những lúc đổ mồ hôi đẩy nổ, chỉ sợ có sự cố gì thì toi đặc, rồi những đêm cô đơn lạc đồng đội, tối mịt mùng, chớp rạch trời, đường mất hút …khiến chuyến đi thật sự vừa thử thách lại vừa khám phá, vừa kịch tính nhưng cũng rất nên thơ.

Có thể nói, cào cào sinh ra là để cho Mông cổ và thảo nguyên cũng là nơi mà cào cào thể hiện hết được sức mạnh của mình. Không gì bằng cảm giác tự do, phiêu bạt, phóng khoáng trên những chú cào cào dũng mãnh trên thảo nguyên, nơi mà bạn có phóng hết ga cả ngày cũng chỉ đi tới được đến đầu kia của đồng cỏ. Cũng không gì bằng cảm giác cô đơn, bé nhỏ, mất phương hướng, khi mà hết giờ này qua giờ khác, hết ngày này qua ngày khác, và có thể là hết tháng này qua tháng khác, bạn đồng hành của bạn cũng vẫn chỉ là chú cào cào quen thuộc. Không người, không gia súc, không ngựa, không ger, có khi thú hoang cũng chả thấy, bạn cứ thế lầm lũi và tự tin vào cảm giác phương hướng của mình mà lao tới.

Mời bạn click vào đây để nghe và tải file audio Dấu Chân Online 20: Chinh phục thảo nguyên Mông Cổ (Phần VI)

(Còn tiếp)

  • Blog Việt - Nhacvietplus thực hiện
TIN LIÊN QUAN

 

 

Mời bạn click vào đây để tìm hiểu thông tin về bộ sách đôi
Mời bạn click vào đây để tìm hiểu thông tin về bộ sách đôi "Tựa vai và đưa tay đây mình nắm!" - "Những lá thư trong chai" sắp phát hành của Blog Việt

Dù bạn đang dùng dịch vụ Blog nào, Blog Việt vẫn là người bạn đồng hành cùng cộng đồng Blogger Việt. Hãy chia sẻ những bài viết và đường link blog hay bạn muốn chia sẻ tới chúng tôi như thường lệ bằng cách gửi theo mẫu sau hoặc gửi email về địa chỉ blogviet@vietnamnet.vn

Chép link sau vào chương trình đọc Feed (RSS) để cập nhật những bài viết mới nhất của Blog Việt ngay tại Blog của bạn: feed://vietnamnet.vn/blogviet
a

Ý kiến của bạn

Các tin khác