Dấu Chân Online 18: Chinh phục cao nguyên Mông Cổ (Phần IV)

Cập nhật lúc 10:44, 20/08/2010 (GMT+7)
Dấu chân Online
Mời bạn Click vào đây để nghe và tải file Audio Dấu Chân Online 18: Chinh phục cao nguyên Mông Cổ (Phần IV)
Đất nước Mông cổ hiện nay có địa hình núi cao ở phía Tây Nam và thoải dần về phía Đông Bắc. Phía nam ngăn cách bởi sa mạc Gobi, do vậy hầu hết hệ thống sông ngòi nơi đây đều có dòng chảy xuôi về hướng đông bắc mà Selenge là con sông hút hết các dòng nước còn lại để cung cấp nước cho hồ Bai kan. Phía tả ngạn của dòng sông Selenge là một hệ thống sông nhỏ hơn có tên là Onon. Vùng đất nằm giữa hai hệ thống sông này chính là nơi quê hương phát tích của một bộ tộc nổi tiếng, bộ tộc này đã sinh ra một người con của quê hương Mông cổ mà cho đến giờ, gần 1000 năm đã trôi qua, những người Mông cô vẫn tự hào về người con của mình, đó là Chingis Khan, Thành Cát Tư Hãn, người đã khiến Mông cổ từ một bộ tộc nhỏ bé trở nên một đế chế đã từng là vĩ đại nhất trong lịch sử. Khi xưa, người Mông cổ trải vó ngựa trên thảo nguyên mênh mông của họ để chinh phục thế giới và hôm nay đây, chúng tôi cũng lộc cộc trên những yên xe cào cào, đi lại những con đường mà vó ngựa Mông cổ đã bay qua, cố gắng cảm nhận được lý do vì sao, một bộ tộc nhỏ bé, trình độ văn minh hầu như vô cùng thấp so với những nước đã phát triển cùng thời như nước Kim ở phía Nam, Trung đông ở phía Tây, Châu Âu ở Tây bắc lại có thể mở rộng bờ cõi đến như vậy trong chỉ một vài chục năm. Có thể nói, suốt chuyến đi, chúng tôi cũng chỉ cảm nhận được một phần vô cùng bé nhỏ của câu chuyện cho đến một sự cố cuối cùng… Nhưng thôi, đó là câu chuyện của những ngày mai.
dauchan18_1.jpg
Chingis Khan, Thành cát tư hãn, người anh hùng dân tộc của Mông Cổ, mà người Mông gọi là " Người hùng của thiên niên kỷ (Ảnh: tác giả st)


Trời tối mịt khi đồng hồ chỉ 10 giờ. Trên cao xanh thăm thẳm, những ngôi sao lấp lóe. Dưới đây, một bãi cỏ mượt mà cạnh dòng sông nước chảy êm đềm, chúng tôi quây quần bên 3 cái lều được bao vòng quanh bởi 6 chiếc xe cào cào, cuộn chặt mình vào trong túi ngủ, trải mình qua một đêm thật yên bình. Không có những tiếng côn trùng rúc rich như ở ta, không có tiếng chó sủa vơ vẩn hay tiếng gà gáy cầm canh. Không gian xung quanh dường như tan biến, để lại trên bãi cỏ này chỉ có 6 chiến binh đang trải nghiệm con đường của những kỵ mã năm xưa. Giấc ngủ êm đềm cứ từ từ tràn vào từng túp lều, rúc vào từng túi ngủ, để rồi lúc bừng lên là những tia nắng ấm áp của một ngày mới, không gian mê nh mang chợt hiện ra ngay trước cửa lều. Bức tranh hoành tráng ấy của thiên nhiên đã bị màn đêm che khuất, giờ đây mở toang ra trước mặt chúng tôi. Đủng đỉnh đàn bò đi ăn sớm, lon ton bên cạnh là những chú cừu lông xoăn tít, tung tăng mấy chú dê con lạc mẹ, bắng nhắng vài chú chó chăn cừu, cố lùa cả đàn đi theo mấy cậu mã quan đã lộp cộp vó ngựa tít xa xa. Một ngày mới trên đồng cỏ bắt đầu.


Lùa cừu về chuồng. Xe máy vẫn chưa thể thay thế được ngựa

Mục dân Mông cổ với "phượt" dân Việt Nam, nhất định đòi đổi ngựa lấy cào cào


Sông Orhon, cũng như hầu hết các dòng sông ở Mông cổ, chảy hiền hòa chỉ như một con lạch nhỏ thường thấy ở Việt Nam. Tuy chỉ cách thành phố Darkhan chừng 20 km về hướng tây nhưng ở đây đã vắng vẻ và hoang dã lắm rồi. Không có cây cầu nào khả dĩ để vượt sông mà GPS lại chỉ đường phải băng qua sông. GURRR: nghĩa là cái cầu mà chúng tôi tra được trong từ điển Anh – Mông đơn giản trong điện thoại, tiếc thay mãi không ai chịu hiểu cho là chúng tôi muốn vượt sông. Cuối cùng, đành lấy giấy và vẽ hình con sông và những chỉ dẫn buộc chúng tôi phải ngược lên phía bắc chừng 5 cây để đến được cây cầu… Té ra nó không phải là cầu mà là phà, thảo nào không ai hiểu. Đây là một cái phà đặc biệt, nó không cần động cơ mà chỉ dùng hệ thống ròng rọc và dùng chính sức chảy của dòng sông để đẩy phà qua sông. Sau này, chúng tôi còn vượt qua khá nhiều sông ngòi trên đất Mông cổ nhưng không phải lúc nào qua sông cũng dễ dàng. Nửa số là cầu bê tông mới được xây dựng nhưng cũng có những cây cầu hoàn tòan bằng gỗ đung đa đung đưa, ọp à ọp ẹp phải oằn mình chở những chiếc xe tải hàng chục tấn đi qua.

Tháng 8 là tháng cuối cùng của mùa hè, và được coi là mùa mưa. Mông cổ là một đất nước khá khô ráo và ngay cả mùa mưa thì lượng nước mưa cũng rất ít ỏi, chỉ ở mức vài chục ml cho cả năm, Vì thế nên mùa mưa ở đây cũng chỉ như một vài cơn mưa nhỏ ở Việt nam. Mưa thường chỉ lắc rắc đủ làm ướt rượt thảm cỏ mềm mại hoặc làm cho con đường thêm một chút lầy lội, nếu gặp mưa thì chỉ cần tìm chỗ trú kín đáo chờ chừng vài mươi phút là trời lại sáng bừng. Nghe thì đơn giản vậy nhưng việc kiếm chỗ trú không hề dễ tẹo nào. Đồng cỏ bằng phẳng bát ngát ít có cây cối nên nhiều lúc chạy được đến chỗ trú thì cũng ướt hết cả rồi. Ở mỗi cánh đồng bằng phẳng, nếu có một cái cây mọc được cao cao thì hầu như mọi người đều coi đó là một nơi linh thiêng để cầu nguyện và gửi gắm những ước vọng của mình lên trời xanh. Sau đó, họ để lại một vật gì đó mà thường là một hòn đá nhỏ, một sợi dây vải màu hoặc một vài đồng tiền lẻ Lâu dần, những nơi đó sẽ trở thành những đống đá lớn mà người ta gọi là totem. Totem cũng hay nhìn thấy ở những đỉnh đồi cao hoặc trên một con đèo.


Totem - nơi thờ tự thần linh, có thể bắt đầu bằng chỉ một đống đá nhỏ thế này


Nhưng cũng có những đỉnh đồi được dựng lên một cách cẩn thận

Hoặc hoành tráng - trên những đỉnh đồi trên tuyến đường giao thông huyết mạch


Cơn mưa bất chợt ập đến trên cánh đồng... Chỉ một vài mảng mây xam xám lờn vờn trên không, xung quanh vẫn nắng chan hòa, thế rồi bỗng dưng mảng mây xám nhẹ ấy trùm lên ngay khoảnh thảo nguyên xung quanh bạn. Màu xám hiền hòa bỗng chuyển màu đen đe dọa, rồi nước rắc xuống. Không có chỗ trú, bạn đành cuống cuồng phóng tít trên thảo nguyên, mặc cho những giọt nước li ti đang phân phất đuổi theo mình. Thế rồi trên cái xanh ngắt mênh mông ấy, bạn nhìn thấy một chấm trăng trắng. Thở phào, có chỗ trú rồi, lại phóng tít mù để kịp đến trước khi mưa đuổi kịp.
Mời bạn Click vào đây để nghe và tải file Audio Dấu Chân Online 18: Chinh phục cao nguyên Mông Cổ (Phần IV)


Chấm trắng ấy là một cái ger, một cái lều Mông cổ rất đặc trưng và có từ ngàn đời nay. Ngay ở những thành phố lớn, nơi mà những ngôi nhà kiểu hiện đại đang xâm nhập vào cuộc sống dân đô thị, bạn vẫn có thể thấy những chiếc ger được dựng cạnh những tòa nhà 5-6 tầng. Còn ở miền quê, nơi có khoảng 2/3 dân sinh sống thì ger cũng chiếm tới phân nửa .

Đó là những Ger, những căn lều đặc trưng của người Mông cổ

Chăn nuôi vẫn là công việc bao đời nay của người Mông cổ


Chăn nuôi vẫn là công việc bao đời nay của người Mông cổ nên họ thường ít xây nhà ở những chỗ cốđịnh. Một năm, những người du mục này chuyển chỗ ở tới vài ba lần. Mùa đông, đàn gia súc được lùa về những bãi chăn thả kín gió, tuyết mỏng để lũ ngựa có thể dùng móng đập vỡ băng mà gặm được vài ngọn cỏ cằn cỗi, mùa xuân hè, mùa cỏ xanh mơn mởn, đàn gia súc lại di chuyển xuống những vùng đất màu mỡ hơn, nhưng thường rất lạnh vào mùa đông. Do vậy, xuân thu nhị kỳ, cứ mỗi năm, công cuộc chuyển nhà này lại được diễn ra ít nhất là 2 lần, thông thường cũng tới 3-4 lần. Nhà cửa do vậy phải gọn nhẹ, dễ tháo lắp, dễ vận chuyển.

Ngày xưa, một gia đình đặc trưng Mông cổ có một đàn gia súc, vài con ngựa, một cái ger, đôi khi họ còn đặt cái ger lên một chiếc xe bằng gỗ bánh cũng bằng gỗ để di chuyển cho dễ dàng. Thời Thành Cát Tư Hãn trong các cuộc Tây chinh Nam chiến của mình, Hãn cùng mang cả một bầu đoàn thê tử đi theo trên nhưng chiếc ger di động. Ngày nay, hình ảnh đặc trưng của một gia đình vẫn là chiếc ger, đàn gia súc nhưng bên cạnh có thêm một chiếc xe ô tô 12 chỗ hoặc một chiếc bình bịch. Họ vẫn chuyển nhà theo từng quý.

Để chống chọi với những cơn gió mạnh từ phương Bắc, nơi Siberi của Nga, hay với cái lạnh kinh người tới âm 40 độ vào mùa đông, ger là một cái lều hình tròn. Người ta quây một khoảng đất bằng một cái khung tròn từ gỗ nhẹ, sau đó quấn xung quanh bằng nhiều lớp nỉ lông cừu. Sau đó, dựng một lò sưởi giữa lều có cái ống khói cao vút lên. Mái của ger thường rất thấp để khỏi bị gió cuốn. Cửa ra vào của ger rất bé, chỉ vừa một người lách qua, và quay về hướng Nam để gió khỏi lọt vào. Một cái ger như vậy dựng lên chỉ trong vòng một ngày là xong. Có diện tích chừng 15 m2, một chiếc ger chứa toàn bộ một gia đình 2 thế hệ.


Bước vào trong chiếc ger, chúng tôi được một gia đình nho nhỏ Mông cổ tiếp đón. Chị vợ, đẹp và phúc hậu, nói được một chút tiếng Anh. Nhìn chị, dường như có cảm giác ta chợt gặp một người khách du lịch Nhật bản hay Hàn quốc đang lang thang hơn là nói chuyện với một người bản xứ. Đối lập là anh chồng thô ráp và hai đứa trẻ con tò mò nhìn người lạ.

Người ta quây một khoảng đất bằng một cái khung tròn từ gỗ nhẹ, sau đó quấn xung quanh bằng nhiều lớp nỉ lông cừu



Chính giữa là một chiếc lò sưởi, thứ vô cùng quan trọng trong những ngày đông giá rét.


Cuộc sống trong nhà xem ra có vẻ rất đơn giản. Chính giữa là một chiếc lò sưởi, thứ vô cùng quan trọng trong những ngày đông giá rét. Những nơi gần rừng, người ta đốt lò sưởi bằng củi, ngoài ra, phân bò phơi khô là nhiên liệu rất tốt cho lò sưởi và đun nấu. Xung quanh lò sưởi, cách chừng 1.5 mét là những chiếc giường đơn kê vòng quanh vách lều. Chẳng thấy tủ giả gì cả, tòan bộ đồ nội thất chỉ là chiếc lò sưởi và những cái giường. Khoảnh sàn bé teo giữa lò sưởi và giường là khu sinh hoạt chung của cả nhà. Trên vách, treo đầy những dây pho mát sấy để dự trữ cho mùa đông. Những miếng pho mát này rất rắn tựa như bánh sữa của ta, sấy khô ngâm trong muối, có vị mằn mặn, hơi tanh tanh khá là khó nhằn. Tuy nhiên, nó lại cung cấp rất nhiều năng lượng cho mùa đông lạnh giá và là thứ thực phẩm quan trọng. Gia chủ cũng rót mời khách phương xa một cốc koumiss, sữa gia súc, có thể là sữa ngựa đã để hơi chua chua. Hai món đặc sản là pho mát khô và sữa chua này không dễ xơi, nhưng lại là tình cảm quý của người Mông cổ dành cho khách phương xa. Có một câu hỏi nhỏ mà băn khoăn là với cái diện tích bé teo và mấy đứa con lộc ngộc kia, chuyện vợ chồng của họ chắc là ở ngoài rừng!?


Trên vách, treo đầy những dây pho mát sấy để dự trữ cho mùa đông.

Khác với dân ta, tài sản lớn nhất của người Mông cổ không ở trong lều, mà ở ngoài kia, đó là đất trời rộng lớn bao la, đó là cánh đồng mênh mông bát ngát, đó là đàn gia súc đang lang thang gặm cỏ, đó cũng là cái cốt cách phóng khoáng và lòng mến khách. Thế nên trong lều rất đơn sơ không thấy có gì đáng gọi là “ tài sản “ theo quan niệm của ta. Thế nhưng, tập quán chung của người Mông cổ lại rất hiếu khách. Bạn có thể vào lều mà không cần hỏi xin trước. Bạn có thể uống koumiss nếu khát, bạn có thể nghỉ ngơi nếu mệt. Chủ nhà dường như khi đi khỏi nhà đã sắp sẵn những thứ mà bạn sẽ cần dù rằng chẳng biết bạn có ghé thăm hay không. Nhưng ngoài kia, trên cánh đồng đủng đỉnh đàn gia súc ấy, có những luật lệ được xác lập từ thời Đại Hãn vẫn còn truyền đến giờ ( luật Yassa) , phân rõ rằng gia súc nhà nào thì nhà khác không được tơ tưởng, nó còn chặt chẽ tới mức nhiều lúc lạc đà lẫn sang còn không được cho uống nước để mà phải về nhà chủ cũ!

Cứ thế, bao năm nay, cuộc sống đơn giản, yên bình và đầy kiêu hãnh của mỗi người con Mông cổ đã trải qua

Cứ thế, bao năm nay, cuộc sống đơn giản, yên bình và đầy kiêu hãnh của mỗi người con Mông cổ đã trải qua, mặc cho mọi sự xoay vần, hôm nay, trên nét mặt của họ, vẫn còn nguyên nét khảng khái và bộc trực của những chiến binh Mông cổ năm xưa.
(Còn tiếp)
  • Blog Việt - Nhacvietplus thực hiện
Mời bạn click vào đây để tìm hiểu thông tin về bộ sách đôi
Mời bạn click vào đây để tìm hiểu thông tin về bộ sách đôi "Tựa vai và đưa tay đây mình nắm!" - "Những lá thư trong chai" sắp phát hành của Blog Việt

Dù bạn đang dùng dịch vụ Blog nào, Blog Việt vẫn là người bạn đồs ng hành cùng cộng đồng Blogger Việt. Hãy chia sẻ những bài viết và đường link blog hay bạn muốn chia sẻ tới chúng tôi như thường lệ bằng cách gửi theo mẫu sau hoặc gửi email về địa chỉ blogviet@vietnamnet.vn

a

Ý kiến của bạn

Các tin khác