Dấu Chân Online 17: Chinh phục cao nguyên Mông Cổ (Phần III)
Cập nhật lúc 09:32, 05/08/2010 (GMT+7)
Dấu chân Online
Hành trình đầu tiên là tới thành phố Darkhan, cách Ub hơn 200 km về phía bắc, là thành phố lớn thứ 2 của Mông cổ, non nửa đường từ UB đi đến biên giới Nga. Chỉ ra khỏi thành phố chừng 20 km đã là thảo nguyên mênh mông rồi. Con đường thẳng tắp như sợi chỉ xuyên qua thảo nguyên ngút ngàn tầm mắt. Đây là con đường huyết mạch bắc nam, nối với biên giới Nga nên khá tốt, đường nhựa phẳng lỳ, xe ô tô chạy vun vút, xe máy cũng chạy tít mù. Nek tính là chúng tôi chạy từ UB đi DK khoảng 2,5 tiếng (vì hắn bảo xe hắn - Lancruise 4500 - khoảng 1,5 tiếng )
Nếu nhìn từ Google Earth, những con đường cao tốc ở Mông cổ sẽ khác xa so với những gì chúng ta thường tưởng tượng về một con đường. Từ trên cao nhìn xuống, con đường cao tốc giống như bạn nhúng 5 ngón tay vào một bát bột màu rồi quẹt một đường 5 ngón ngoằn ngoèo trên một bức toan xanh lá mạ. Ngoại trừ một vài con đường huyết mạch Bắc – Nam và Đông – Tây, nối một vài thà nh phố lớn, còn lại đường ở đây hầu hết chỉ là những vệt bánh xe ô tô chạy trên trảng cỏ, ngoằn ngoèo đầy ngẫu hứng. Nhiều khi, chạy trên những con đường này, không chú ý kỹ có thể dẫn bạn tới những hướng hòan toàn khác mà khi bạn phát hiện ra thì đã đi cách điểm rẽ tới cả chục cây số rồi.
Những con đường kỳ lạ chỉ có thể có ở trên thảo nguyên - Ảnh: Tùng Tabalo |
May mắn là ngày đầu tiên, ngày thử sức thì đoạn đường tới Darkhan là một trong đoạn tốt đường tốt nhất tại Mông cổ. Thế nhưng, cũng mất tới 5 giờ để vượt qua chặng đường chỉ có hơn 200 km. Phần vì cảm giác chinh phục không gian rộng mở với những khung cảnh hoành tráng và mới lạ làm cho cả nhóm ê a với những cú phi cắt ngang dọc cánh đồng, phần vi cơn mưa chập tối với những cơn gió lồng lộng quét ngang dọc thảo nguyên và cắt nhịp hành trình khiến khi chúng tôi tới được Darkhan, đã tới hơn 10 giờ đêm.
Thành phố im lặng, im lặng và im lặng. Gần như không có cảm giác có thể thấy được một bóng người. Cái duy nhất khiến chúng tôi nghĩ là mình đã đến trung tâm Darkhan chỉ là mấy ngọn đèn đường vàng hiu hắt trong cơn mưa lất phất. Chạy vài vòng quanh khu trung tâm, c ố tìm được một ai đó để hỏi thăm, nhưng đáp lại vẫn chỉ là khung cảnh vắng lặng như một thành phố không có người. Nếu hôm qua ở Ulanbator , tuy cũng vắng vẻ nhưng vẫn cảm nhận được sức sống của thủ đô thì hôm nay đây, dường như Mông cổ thật sự mới bắt đầu...
Sáng sớm tinh mơ. Khách sạn nơi chúng tôi tá túc đêm qua nằm ở tầng 1 một khu tập thể kiểu Liên xô. Vẫn vắng vẻ như thế, dù bây giờ đã là 8 giờ sáng. Vào thời điểm này trong năm, ngày ở Mông cổ vô cùng dài, 6 giờ, trời đã tang tảng sáng để cho một ngày mới thật sự bắt đầu lúc 9, 10 giờ, khi mà các cửa hàng cửa hiệu mở cửa. Mấy quán ăn sáng phục vụ người nước ngoài gần chỗ khách sạn cũng chỉ sẵn sàng cho thực đơn sáng vào lúc 10 giờ. Ngày kéo dài tới tận 9 giờ tối, trời mới bắt đầu xâm xẩm và phía chân trời xa tít đằng đông, lúc này mới có một vài vì sao lấp lóe trên nền trời xanh thẫm. Thời gian biểu này rất thích hợp với nhóm Tây bắc, vốn quen ề à buổi sáng và sẵn sàng chạy khuya. Tuy thế, cũng chỉ có đêm đầu là chúng tôi chạy đêm, từ đêm sau, chập chập tối là đã phải kiếm chỗ dừng chân, lý do là vì đêm đến là bạn hoàn toàn mất phương hướng trên thảo nguyên, không một ngọn đèn, không một dấu vết người. Nếu bạn muốn cắm trại hay kiếm chỗ ngủ cũng cần phải dừng từ trước khi trời tối.
Mông cổ là một đất nước rộng lớn, với diện tích gấp 5 lần Việt Nam (khoảng hơn 1,5 triệu cây số vuông), nhưng dân số chỉ 3-4 triệu người, trong đó tới 1/3 ở thủ đô rồi. Khoảng 1,5-2 triệu người còn lại, sống rải rác trên diện tích chừng 1,5 triệu cây số vuông. Tính xem, 1 cây số vuông chỉ có một người, bất luận già trẻ lớn bé gái trai. 1 cây số vuông có một người, một em bé chẳng hạn, thì bạn có chạy cả ngày mới gặp vài ba nóc nhà, dăm bảy người là chuyện bình thường,
Vì lớn vậy, nên việc đi hết Mông cổ trong một vài tuần là chuyện không tưởng. Do vậy, hành trình của chúng tôi, khiêm tốn, cỡ khoảng 3.000 km, một vòng lên phía bắc, vòng xuống phía Nam rồi trở lại thủ đô. Tuy thế, hành trình này cũng là hành trình tiêu biểu mà Lonely Planet giới thiệu, để chỉ trong một thời gian ít ỏi là 2 tuần, ngõ hầu ghé qua được những điểm đến nổi tiếng nhất của đất nước mênh mông này. Khác với những gợi ý trên Lonely Planet, chúng tôi chỉ sử dụng con đường chính trong một số đoạn. Phần lớn, chúng tôi sẽ đi cắt ngang thảo nguyên theo những con đường tắt, nối ngang những điểm đến nổi tiếng. Chính những con đường cắt ngang này, mới thật sự đem lại những hình ảnh đầy cảm xúc về đất nước Mông cổ.
Tuy vậy, việc đi cắt ngang dọc Mông cổ không theo những tuyến đường chính thật không dễ dàng chút nào. Ngay trên trục chính, nơi mà việc lạc đường khỏi trục đường chính cũng là không khó hiểu, bởi những “đại lộ” Mông cổ rộng tới chục cây số. Việc hỏi đường là vô cùng khó khăn vì hầu hết người Mông cổ không nói được tiếng Anh, mà tìm được người để mà hỏi thì cũng phải chạy và cũng chả có cái mốc nào để biết là mình đang ở đâu, do vậy cách duy nhất là phải dựa vào bản đồ và GPS. Để chuẩn bị cho chuyến đi, chúng tôi đã tìm được những bản đồ hành chính và cả bản đồ địa hình tỉ lệ 1 triệu, khá chi tiết ở đây. Những bản đồ này đã được calib cẩn thận để có thể sử dụng với điện thoại có GPS Nokia E71, mà hầu hết cả đội đã trang bị và test thử kỹ càng từ trước. Ngòai ra, chúng tôi còn mang theo một cái netbook để có thể lập được hành trình và nạp cho GPS.
Ngay từ những ngày đầu tiên, việc tìm đường trên thảo nguyên đã khó khăn: mỗi người chỉ một hướng. Từ những ngày sau, hàng tối, tiền đội phải lập route trên máy tính, nạp vào từng GPS của mỗi xe, điểm hẹn gặp vào tối hôm đó để cả cả đội khỏi lạc nhau. Trên thảo nguyên, lạc là bình thường và không có tọa độ hẹn gặp chính xác vào buổi tối thì " loạn cào cào "
Khoảnh khắc trữ tình - điệu múa với những chú lạc đà trên đồng cỏ mênh mông |
Phút cô độc của người lữ khách (Ảnh: Tùng Tabalo) |
Bản đồ 1 triệu được dùng trong chuyến đi là bản đồ cũ, nhưng thông tin khá chi tiết và đầy đủ. Tuy rằng có tới 80 % những con đường mòn theo bản đồ là khá chính xác, nhưng phần còn lại thì hoặc là đã bỏ hoang nhiều năm, nên đường xá um tùm mất dấu vết, hoặc là vẽ không chính xác khiến lộ trình đôi khi bị lẫn lộn tùm lum. Mặt khác, những địa danh trên bản đồ có lúc cũng phiên âm không chính xác sang tiếng Anh khiến việc cố gắng mô tả điểm đến bằng thứ ngôn ngữ oẳn tà rằn vừa Anh, vừa Nga ( Tiếng Mông cổ dùng chữ Nga làm ký tự ), vừa tay vừa mồm, lại vừa bản đồ nhiều lúc làm hành trình trở nên rối như tơ vò. Vì thế, GPS là vô cùng quan trọng trong chuyến đi này, khi mà chúng tôi hầu như không có những định vị hoặc những con đường chính xác như những chuyến đi trong nước. Cũng khác với khá nhiều quyển guidebook, LP về Mông cổ luôn có tọa độ của các điểm đến quan trọng, có lẽ cũng vì sự khó khăn trong việc tìm đường và hỏi đường ở đây.
Bắt đầu từ Darkhan, chúng tôi rời bỏ đường lớn để theo đường tắt tới một địa danh nổi tiếng, Amabayasgalant Khiid
Đường trên bản đồ 1 triệu khá ăn khớp với thực tế, do vậy, sau khi thống nhất tọa độ điểm đến, cả bọn nhắm thẳng hướng tây, lao tới. Tuy là đi cùng đường nhưng tùy hứng mà chạy trên triền đồi rộng bát ngát. Nhìn thấp thóang ngay đấy mà có khi tiền đội cách hậu đội tới cả chục cây, hay cánh trái cách cánh phải dăm bảy cây là thường. Cỏ ràn rạt dưới bánh xe và những cuộn đất đỏ ươm màu mỡ tóe sang hai bên theo vệt xe lăn. Thi thoảng một chú chuột đồng hoặc sóc thò đầu lên khỏi ổ tò mò tròn mắt nhìn, rồi lại hốt hoảng cuống quýt ch ạy long tóc gáy khi xe lao tới gần. Trời cao xanh trong vắt không một gợn mây, phía dưới là những mảng xanh non mát mắt của đồng cỏ không một bóng người ngút tầm mắt. Chấm phá trong hai sắc xanh là nhũng vệt nâu thẫm của những vạt đất mà máy cày vừa lật lên.
Con đường tắt này ít người đi lại, ước tính theo bản đồ chừng 60km đến Ama Khiid. Với tốc độ trung bình khoảng 15 km/giờ chạy trên đồng cỏ, có thể chúng tôi sẽ đến được trong tối hôm nay. Thế nhưng ngay khi vừa rời khỏi Darkhan, những trục trặc nho nhỏ về xe cộ đã kìm chân cả nhóm lại mất nửa ngày để xử lý. Dù rằng cào cào khá là ổn định và đáng tin cậy trong các chuyến đi, nhưng những chú cào cào này đã nằm im khá lâu trước khi được chạy một chuyến dài thật sự nên cũng hơi bỡ ngỡ. Trong bộ chế của một chú, đặc kịt những bùn và đất mà phải mất cả buổi mới xử lý xong. Đó là may mắn chán vì kiếm được một hàng sửa xe ở đây khó bằng kiếm được một người Mông cổ ở Hà nội. Một chú khác thì kịp gãy lên gãy xuống một cái giá chở hàng đằng sau, sau vài phát lắc lư với đống đồ ngót 50 kg trên những chặng đường mấp mô. Vô cùng may mắn vì đây là những sự cố lớn nhất về xe cộ. Vì nếu hỏng xe trên đường thì chỉ có cách là thuê xe tải chở về Ulanbator.
"Mây che trên đầu và nắng trên vai " (Ảnh: Tùng Tabalo) |
Bỏ những con đường nhựa, bắt đầu vào đường thảo nguyên. Dưới lá cờ Việt nam đỏ thắm dán trên mũi xe, chúng tôi khám phá thảo nguyên, " Mây che trên đầu và nắng trên vai "
(Còn tiếp)
- Blog Việt - Nhacvietplus thực hiện
Dù bạn đang dùng dịch vụ Blog nào, Blog Việt vẫn là người bạn đồng hành cùng cộng đồng Blogger Việt. Hãy chia sẻ những bài viết và đường link blog hay bạn muốn chia sẻ tới chúng tôi như thường lệ bằng cách gửi theo mẫu sau hoặc gửi email về địa chỉ blogviet@vietnamnet.vn
Chép link sau vào chương trình đọc Feed (RSS) để cập nhật những bài viết mới nhất của Blog Việt ngay tại Blog của bạn: feed://vietnamnet.vn/blogviet/index.rss