Hồn treo cột buồm
(Blog Việt) - Không biết tự bao giờ mà câu nói “Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm" lại ăn sâu vào tâm trí của những người dân vùng biển ở miền Trung quê tôi đến thế. Có lẽ hơn ai hết, những đứa trẻ được sinh ra ở các xóm vạn chài ven biển đầy nắng gió nơi đây là những người đã sớm được nghe, được “ngấm” cái vị mặn mòi ấy mang đầy hương gió biển trong từng lời ru của người mẹ của mình bên vành nôi đang dập dìu trên sóng nước.
“À ơi , con ngủ đi con
Trời yên, biển lặng, cha con sẽ về”
Quả thật, chỉ có những người vợ của những người làm nghề biển mới thấu hết nỗi sự chờ đợi, trông ngóng ngày đêm khi mỗi lần nhìn những con thuyền lại ra khơi bủa lưới và mang theo trên mình những người đàn ông mà họ yêu thương nhất. Và rồi cứ mỗi khi đứng nhìn những người đàn ông ấy ra khơi thì câu nói “hồn treo cột buồm” kia cứ ám ảnh trong suy nghĩ, nỗi lo sợ của những phụ nữ này: họ sợ sóng to, gió lớn; sợ giông tố, bão bùng; sợ cái điều rui rủi, không may ấy sẽ bất chợt ập đến và cuốn đi mất niềm hạnh phúc đơn sơ của họ; sợ những con sóng vô tình sẽ mang theo người đàn ông mà họ yêu thương nhất – những người mà đối với họ là trụ cột của gia đình, là bờ vai vững chắc nhất để che chắn cho mẹ con họ trước bao nhiêu sóng gió cuộc đời.
Hình ảnh: Tác giả blog (st) |
Những tưởng cái khung cảnh bình yên ấy, vẻ đẹp nên thơ ấy sẽ được giữ mãi với thời gian. Nhưng rồi cho đến một ngày... Một ngày mà cái điều những người phụ nữ ở xóm vạn chài luôn ngày đêm lo sợ nay đã bất ngờ ập đến trên những mái nhà đơn sơ, nhỏ bé bên bờ biển.
Cái hung tin “Tàu đang gặp bão” như sét đánh đã nhanh chóng lan truyền đi khắp xóm. Thôi thì... Nào già - nào trẻ, nào gái - nào trai, dù người lớn hay con nít cũng đều chạy vội, chạy vàng ra đứng trước bờ biển trông như một đàn ong vỡ tổ. Tất cả mọi người đều cùng ngóng nhìn về một hướng nơi biển xa ngút ngàn đang nổi cơn từng cơn thịnh nộ giữa một màu xám xịt.
Kẻ khóc lóc, người tỉ tê... Kẻ kêu cha, người kêu ông… Kẻ cầu trời, người nguyện đất... Tất cả đã dường như tạo nên một thứ âm thanh nghe ai oán, xoáy vào tận vào sâu trong tim gan của mỗi người. Trong số đó, có lẽ niềm xót xa nhất là khi có ai đó phải chứng kiến tận mắt cảnh những giọt nước mắt tuôn tràn, những tiếng nấc nghẹn ngào, những vết cào bới ngoằn ngèo trên mặt cát bởi đôi bàn tay của những người vợ, người mẹ, người chị đang vùi mình trong cơn hoảng loạn và đau khổ.
Hình ảnh: Tác giả (st) |
Một ngày…Hai ngày…Rồi ba ngày… Tất cả mọi người đều ra đứng đợi chờ bên bờ biển.
Một tuần…Hai tuần…Rồi ba tuần… Biển vẫn thấy mọi người ra đứng ngóng trông.
Và cho đến một ngày, biển đã thôi còn nhìn thấy một ai trong số họ ra đứng đợi chờ nơi chốn cũ...
Giờ đây, niềm hy vọng mong manh đã dần lịm tắt. Những người dân xóm vạn chài quê tôi chỉ còn biết nuốt nước mắt, ngậm ngùi quay về lại ngôi nhà đơn sơ, nhỏ bé của mình trong một màu tang trắng. Cái không khí đông vui, rộn rã của xóm chài hôm nao nay đã được thay bằng một không gian u ám, buồn tẽ đến lạnh người.
Những tiếng mõ “cốc cốc”, những tiếng chuông “cong cong” cùng những lời tụng kinh cho những con người xấu số được ra đi thanh thản đã dần vang lên khắp xóm... Những tiếng khóc ai oán và kêu than rồi cũng lũ lượt lan đi khắp mọi ngôi nhà như muốn xé toạc màn đêm ...
Thi thoảng, có tiếng ai đó đang thở dài đến nẫu gan, nẫu ruột và hình như đang cố tình chép miệng thật to để tìm lại trong mùi gió biển cái vị mằn mặn, chan chát của của ngày nao...
Xa xa, bỗng chợt vang lên lời ru con nghe man mác, trầm buồn “Lấy chồng nghề ruộng em theo. Lấy chồng nghề biển, hồn treo cột buồm” sao như mặn đắng bờ môi…
Viết trong mùa bão sớm 2008. Quang Vũ
Về tác giả blog Quang Vũ: “Có hiểu được lòng nhau mới tới bờ tới bến”.
- Cảm nhận của bạn?
Ho ten: Phạm Tiến Thông
Dia chi: Thái Bình
Email: nuocmattinhyeu_8289@yahoo.com
Tieu de: Nỗi đau!
Noi dung: Nỗi buồn sự cô đơn buồn tủi và ảm đạm đã bao trùm lên tất cả khi chúng ta có người thân mãi mãi nằm lại nơi biển cả.Tôi thầm cầu mong cho tất cả mọi người được bình yên và hạnh phúc.
Ho ten: Nguyễn Hòang Thảo Vi
Dia chi:
Email: viviannguyenca@yahoo.com
Noi dung: Đó là nỗi đau thưong mất mác của người dân miền Trung đất nước VN quê hương tôi mà không có gì bù đắp được. Biết buồn khổ là thế nhưng người phụ nữ ở miền này nói riêng vẫn chấp nhận có 1 người chồng Hồn treo cột buồm .Có thể đó là cái hy sinh, cái đẹp chỉ có ở những người phụ nữ ấy luôn cam chịu sống với TY cao cả của mình mà không phải người phụ nữ nào cũng hy sinh được.
Chàng ơi cho thiếp theo cùng. Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam... Xin nghiêng mình cảm kích những người đã biết sống trong lũ mất mác đau thương là thế mà vẫn đến với nhau, yêu thương nhau là thế. Và cũng xin chia buồn cùng nỗi đau muôn trùng này của những người dân sống trong vùng bão quê hương của tôi. Đây là nỗi niềm trăn trở của chúng ta ,thế hệ đi sau biết thế mà vẫn chưa làm gì được để xóa đi câu nói ấy, xoa dịu đi nỗi đau mất mác ấy phải không anh?
Ho ten: Seta
Email: sanosuke_1211@yahoo.com.vn
Noi dung: Bài viết của bạn khiến mình nhớ đến những ngày gió lớn ở miền tTung, khíên mình như nhìn thấy được nỗi đau mất mát của họ! Bài viết có chất lắm! Cố gắng lên nhé!