,
221
1842
Trực tuyến
tructuyen
/chinhtri/tructuyen/
506074
Học Bác sử dụng người tài
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
,

Học Bác sử dụng người tài

Cập nhật lúc 17:33, Thứ Ba, 31/08/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Nhân dịp kỷ niệm 59 năm ngày Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập và 35 năm ngày Bác đi xa, VietNamNet mời bạn đọc tham gia bàn tròn trực tuyến "Học Bác Hồ sử dụng người tài" với các vị khách mời: nhà sử học Dương Trung Quốc, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng và bà Tôn Nữ Thị Ninh. Đó là những người đã từng có ý kiến trên nhiều diễn đàn về việc sử dụng người tài và được bạn đọc quan tâm. Mời quý vị tham gia.

... Ngày 27/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị cải tổ Uỷ ban dân tộc giải phóng vừa được Quốc dân Đại hội Tân Trào bầu ra trước đó thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà để mời thêm "nhiều nhân sĩ  tham gia Chính phủ đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà quốc dân giao phó". Đó là động thái đầu tiên có tính hành chính trong bài học dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh được ghi lại một cách chính thức. Còn những câu chuyện cụ thể trong việc sử dụng người  tài của Bác từ thủa khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, đến khi vận mệnh của chính thể ngàn cân treo sợi tóc năm 1946 và cho đến ngày Bác đi xa là bài học lớn cho những người cùng thời và hậu thế...

Bà Tôn Nữ Thị Ninh.

... Trong ký ức ngồn ngộn của mình, ông Vũ Kỳ rất ấn tượng về bức thư kêu gọi  những người tài giỏi ra giúp đỡ Chính phủ của Bác năm 1945 và  việc Bác cho đăng tin trên báo chí: sẵn sàng dành thì giờ tiếp 15 phút với bất kỳ ai để nghe kiến nghị, góp ý phê bình về các vấn đề quốc kế, dân sinh... Nhà văn Sơn Tùng, người cả đời đeo đuổi sự nghiệp viết chân dung Hồ Chí Minh bằng văn đã tâm sự với VietNamNet: "Phải là người có Tài, có Tâm, có Tầm văn hoá như Hồ Chí Minh mới  có thể làm được những việc phi thường như mời Bảo Đại, vị vua vừa thoái vị ra làm cố vấn Chính phủ mới, vời được chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng ra "ghé vai cùng gánh vác việc nước",  mời Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định ra thành lập Mặt trận Liên Việt... và kêu gọi được những trí thức người Việt trong nước và nước ngoài đi theo Chính phủ kháng chiến".

"Người tài không thiếu, chỉ sợ thiếu chỗ"
(VietNamNet) - Là người có quyền “làm nhân sự” nhưng cũng được “săn” với mức lương rất cao, TS. Nguyễn Sĩ Dũng “ứng xử” thế nào?
Ông Dương Trung Quốc.

Vậy bài học về sử dụng người tài của Chủ tịch Hồ Chí Mình tựu trung lại là gì? Nhân kỷ niệm 59 năm ngày Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập và 35 năm ngày Bác đi xa, chúng tôi đã đọc lại những tư liệu về Bác, ngẫm lại những chuyện đã nghe, đã đọc; đọc lại Di chúc của Người. Và thật lạ lùng, điều mà người ta vẫn nghĩ phải hết sức to tát hoá ra đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh lại rất giản dị: tất cả đều xuất phát từ tư tưởng xuyên suốt và thống nhất trong Người: tư tưởng Đại đoàn kết toàn dân. Tư tưởng đó đã làm nên sức mạnh của Hồ Chí Minh và thời đại của Người. Đặc biệt, việc vời sử dụng người tài của Người trong mùa thu năm 1945 và thời điểm 1946 nguy nan cũng như trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp càng thể hiện rõ điều này.

 

Bài học về việc sử dụng người tài của Bác Hồ đó được áp dụng như thế nào trong cuộc sống ngày hôm nay? Trong một bài viết gần đây trên VietNamNet, nhà sử học Dương Trung Quốc đã nhấn mạnh bài học "khéo" dùng người  tài của Bác ngót nghét 60 năm trứoc. Qua đó, ông Quốc đã gửi tới người đọc  thông điệp: việc nâng cao năng lực sử dụng người tài quan trọng hơn cả việc đào tạo người tài...

...Nhân dịp kỷ niệm 59 năm ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập và 35 năm ngày Bác đi xa, VietNamNet mời bạn đọc tham gia bàn tròn trực tuyến "Học Bác Hồ sử dụng người tài" với các vị khách mời: nhà sử học Dương Trung Quốc, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng và bà Tôn Nữ Thị Ninh. Đó là những người đã từng có ý kiến trên nhiều diễn đàn về việc sử dụng người tài và được bạn đọc quan tâm.

Mời các bạn theo dõi nội dung của bàn tròn trực tuyến với chủ đề: "Học Bác sử dụng người tài" trên VietNamNet chiều 31/8 do Tổng biên tập  Nguyễn Anh Tuấn dẫn.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:

 

- Kính thưa quý vị khán giả, các bạn xem Báo Điện tử VietNamNet!

Hôm nay, chúng ta gặp nhau tại đây trong không khí kỷ niệm  Quốc khánh 2/9, và đặc biệt là kỷ niệm 35 năm ngày Bác Hồ kính yêu đi xa. Cách đây ít giờ, chúng tôi  đến thắp hương tại khu tưởng niệm Bác trong Phủ Chủ tịch, vẫn nguyên vẹn một cảm xúc... Đó là một ấn tượng rất khó quên về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc chúng ta. Hơn lúc nào hết, trong những ngày này, chúng ta thấy những lời dặn của Bác trước lúc đi xa, những tư tưởng, những hoài bão, con đường mà Bác đã chọn cho dân tộc chúng ta càng sáng rõ; như suốt bao nhiêu năm qua, tư tưởng của Bác đã luôn  soi sáng cho dân tộc ta vượt qua bao khó khăn.

Chủ đề ngày hôm nay, chúng tôi mong muốn như là một buổi chúng ta bàn luận với nhau về bài học Bác sử dụng người tài như thế nào? Đó cũng là vấn đề mà xã hội đang rất quan tâm, thể hiện trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng trong tháng qua.

Tôi xin trân trọng giới thiệu các vị khách mời hôm nay là Nhà sử học Dương Trung Quốc, TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và  bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội. Trước tiên, xin các vị khách mời chia sẻ cùng độc giả VietNamNet cảm xúc của mình đối với Bác Hồ trong ngày hôm nay. Đầu tiên, xin mời chị Tôn Nữ Thị Ninh. 

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Điều sâu sắc nhất trong tôi là ngày Bác mất, tôi đang ở bên Pháp. Cũng chính ngày đó tôi bắt đầu tham gia phong trào người Việt yêu nước tại Pháp. Từ đó -1969 - đến nay, tôi luôn thấy là trong mỗi bước đi của dân tộc, đều có dấu ấn tư tưởng, tình cảm, và tấm gương sáng của Bác.

Cách đây ít ngày, tôi có làm việc với đoàn Hạ nghị sỹ Mỹ. Họ đã hỏi tôi một câu như thế này: "Bà thấy trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam, ai là người có ma lực thu hút những người xung quanh". Tôi trả lời: "Có chứ! Đó là Bác Hồ". Sau đó, tôi  đã thuyết trình về Bác Hồ với  6 nghị sỹ đó nghe và họ đã nghe một cách say sưa. Trong  tôi, người có sức thu hút đối với tất cả người dân Việt Nam, trong đó có tôi chính là Bác Hồ. Trong gương sáng đó, tôi thấy sức mạnh của Bác không chỉ ở bản thân Người mà chính là Bác đã đưa cả dân tộc cùng đi tìm con đường giải phóng và thống nhất đất nước. Thu hút và tập hợp được người tài - đó là cái TÀI của Bác. Cho đến bây giờ  bài học đó vẫn còn nguyên giá trị.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Bác Hồ đúng là một vĩ nhân của dân tộc ta. Trong mọi thời điểm, Bác luôn tập hợp xung quanh mình những người tài giỏi nhất của đất nước có trong lúc đó để giải quyết những vấn đề lịch sử vào thời điểm đó. Trong quá trình làm cách mạng - trong xây dựng chính quyền non trẻ hay trong bảo vệ đất nước khi có  chiến tranh - chúng ta thấy tập hợp bên cạnh Bác Hồ luôn là những con người tài giỏi có thể nói là nhất nước (Trong lĩnh vực tổ chức chính quyền, tiến hành kháng chiến, trong lĩnh vực chế tạo vũ khí). Tại sao Bác lại làm được điều đó? Ở đây có hai vấn đề : tấm gương của Bác - như chị Tôn Nữ Thị Ninh nói, là cái ma lực (charisma) - có lực hấp dẫn rất lớn. Cái thứ hai là Bác có con mắt rất tinh tường, nhìn nhận ra đúng người tài để đặt đúng vị trí. Cái đó cũng thuộc loại thiên tài mà những người vĩ đại, vĩ nhân trên thế giới đều có.  Người tài không phải là tự làm tất cả mọi việc khó mà là tìm đúng người, đặt đúng chỗ. Cái quan trọng là không có một người tài toàn năng tất cả, người ta có thể tài ở một lĩnh vực kiệt xuất nào đó. Cái giỏi của Bác là đặt đúng con người ở vị trí đó, ở thời điểm đó. 

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Chúng ta nhắc đến tấm gương Bác Hồ vào thời điểm kỷ niệm 35 năm Bác ra đi và cũng là chuẩn bị cho ngày kỷ niệm 60 năm ngày dựng nước, ngày thành lập chế độ của chúng ta. Người làm sử thì hay hồi cố, những gì đã có trong tâm thức thường hay được lặp lại vào những thời điểm có tính đặc biệt. Bác mất đã 35 năm và chúng ta đã tiếp tục con đường Bác vạch ra và đạt được những thành tựu rất to lớn. Nhưng vào thời điểm ở chính bước ngoặt lớn này của đất nước (tôi muốn nói bước ngoặt là khi chúng ta đang đứng trước cửa hội nhập), thì tôi lại cảm thấy thiếu một điều gì đó. Không biết các anh chị có tâm trạng như vậy không? Nhưng người làm sử không chỉ nhìn thấy những đỉnh cao phía  trước, mà đôi khi còn giật mình khi nhìn thấy những đỉnh cao ở phía sau... Để rồi, hồi tưởng lại giá như Bác còn sống thì chắc những vấn đề lớn của đất nước chúng ta hôm nay sẽ vượt qua một cách thành công hơn.

Gần đây chúng ta thấy, Đảng và Nhà nước đã quan tâm rất nhiều đến vấn đề sử dụng nhân tài và bồi dưỡng nhân tài. Cách đây 5 - 7 năm, tôi thấy vấn đề này chưa được đặt ra. Tại sao lại đặt ra vào thời điểm này?  Điều đó chứng tỏ đây đang là vấn đề bức xúc của xã hội, và gần như cũng biểu hiện sự trở lại của những giá trị ban đầu - những giá trị mà lâu nay, nhiều lúc chúng ta đã  buông lơi.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn
- Vâng, có lẽ nói đến Bác, thế hệ các anh, các chị được tiếp cận, được hiểu về Bác nhiều hơn... Khi Bác mất, tôi mới 7 tuổi, thấy mọi người đeo băng tang cũng khóc theo... Sau này, mỗi lần nghe nhắc đến Bác, nghĩ về Bác, xem những tư liệu về Bác hoặc nghe một bài hát về Bác đều cảm thấy xúc động.

Trong bàn tròn trực tuyến ngày hôm nay, một chủ đề  ban đầu có cảm giác rất khô khan thì chúng tôi không ngờ lại nhận được rất nhiều câu hỏi của nhiều thế hệ bạn đọc đến thế. 22 tuổi có, 25 tuổi có, 47 tuổi cũng có... Rất nhiều! Điều đó cho thấy thế hệ trẻ của chúng ta  rất quan tâm đến những vấn đề lớn của đất nước và Bác vẫn vẹn nguyên là một giá trị rất vĩ đại, rất thiêng liêng trong cuộc sống ngày hôm nay. Quay trở lại vấn đề sử dụng nhân tài, sử dụng người tài cho đất nước, chúng tôi muốn đầu tiên chúng ta chia sẻ sự nhìn nhận người tài của Bác, phân tích cách dùng người cụ thể của Bác.  Việc đầu tiên là giai đoạn năm 1945, 1946 -  giai đoạn đó đất nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn, có thể nói là "ngàn cân treo sợi tóc", thiếu thốn đủ bề. Thế thì Bác làm sao để huy động, tập hợp, có những giải pháp cụ thể nào để thu nạp, tập trung quanh mình một đội ngũ tinh hoa như vậy? Xin mời nhà sử học Dương Trung Quốc quay ngược thời gian, nhìn về thời điểm 1945, 1946 đó để làm rõ bài học dùng người của Bác. 

 

Ông Dương Trung Quốc: Năm 1945, trước khi Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, đất nước đang ở thời kỳ hết sức đen tối. Trải qua một thời gian dài chúng ta mất độc lập, là một thuộc địa, cả nền văn hoá chúng ta bị nô dịch. Vậy điều gì làm cả dân tộc chúng ta bừng tỉnh như vậy - nói như nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi là khi đó chúng ta "rũ bùn" đứng dậy và "sáng loà"?  Ngày nay, nhìn lại cả chặng đường dài, chúng ta ý thức được rằng điều làm nên sự thần kỳ đó là sức mạnh của đoàn kết dân tộc. Nhưng muốn đoàn kết thì phải có hạt nhân, phải có nhân tố dính kết cả xã hội; mà chúng ta biết, xã hội nào cũng phức tạp cả. Điều đó cho thấy vai trò to lớn của Bác Hồ.

 Vào thời điểm khó khăn như vậy, lấy đâu ra người tài để giúp nước? Nếu như nhìn vào bộ máy giáo dục - bộ máy sản sinh ra người tài của một đất nước thì chúng ta đều biết bộ máy giáo dục của chúng ta khi đó là nền giáo dục thuộc địa. Khi đó, chỉ có một số người được đào tạo ở các trung tâm quốc tế của cộng sản, còn lại đều qua các trường lớp đào tạo của thực dân. Như vậy thì chúng ta lấy đâu ra người tài để giúp nước? Tôi thấy trong nhận thức của Hồ Chí Minh có một nguyên lý rất quan trọng:  đã là người VN thì đều là người yêu nước cả. Đây là một mẫu số chung rất quan trọng.

Với niềm tin vào nguyên lý đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua  những rào cản mà không phải người cách mạng nào cũng dám làm như vậy về sử dụng người tài. Vì vậy mà trong một thời gian rất ngắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên một sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân - toàn dân theo đúng nghĩa của nó.

Tôi lấy một ví dụ, có ai ngờ một vị Chủ tịch nước của chúng ta, một nhà cách mạng chuyên nghiệp, một người Cộng sản đã không hề che giấu quan điểm chính trị của mình. Con người ấy từ chiến khu trở về Hà Nội đã đến ở một nhà giàu nhất của Hà Nội? Điều đó chứng tỏ Người đó có một niềm tin mãnh liệt như thế nào đối với người dân của mình. Nếu như một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp khác sẽ đến ở trong một khu của người dân lao động, ở trong những vành đai của người nông dân chứ không ai đi thẳng vào những chỗ như vậy. Chính niềm tin vào nhân dân của mình đã giúp Bác có thể tập hợp được hiệu quả nhất sức mạnh đoàn kết dân tộc, thu nạp người tài của dân tộc.

Quan niệm về người tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất thực tiễn. Người đưa ra một ý niệm "khéo" dùng người tài. Con người nào cũng có một năng lực nhất định, và cái quan trọng là phải nhìn thấy cốt lõi, khả năng của từng người. Nếu nhìn lại thời kỳ Cách mạng tháng Tám thì chúng ta thấy tất cả người dân đều phát huy được tài năng, sức mạnh của mình. Chúng ta có thể hiểu được quan niệm của Bác về sử dụng người tài qua nhiều văn kiện rất ngắn gọn của Người.

Từ thực tiễn đó, tôi nghĩ người tài đời nào cũng có, nhưng người biết dùng người tài không phải đời nào cũng có. Chúng ta may mắn là vào thời điểm quan trọng và khó khăn đó của lịch sử, dân tộc chúng ta có một người biết dùng người tài, và đấy chính là con người mà chúng ta thường gọi là Lãnh tụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: -  Anh Quốc có nói rằng hiện nay chúng ta đang thiếu người sử dụng người tài - điều này có vẻ hơi nặng. Không biết ý kiến của anh Nguyễn Sĩ Dũng về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi vẫn khẳng định người tài chúng ta không thiếu. Vấn đề chính là có một cơ chế,  một cách thức để người tài thể hiện được mình. Vì rằng mình chuyển từ một cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường thì rõ ràng nó cần thời gian để chuyển. Không phải mình muốn là mình có thể chuyển được ngay. Lấy ví dụ một đoàn tầu rất lớn nếu anh chuyển quay ngoắt nó sẽ đổ ngay, mà phải chuyển theo bước, theo vòng của nó. Xã hội loài người phức tạp hơn thế rất nhiều, nó phải qua rất nhiều bước. Chúng ta đang làm tất cả. Tôi lấy ví dụ không có cạnh tranh thì không nổi lên người tài. Nền kinh tế của chúng ta đang ngày càng xoá bỏ độc quyền một cách mạnh mẽ hơn.  Khi độc quyền bị xoá bỏ và cạnh tranh thực sự thì lúc ấy cơ chế sẽ đẩy người giỏi lên. Và có như vậy người giỏi mới có cơ hội để giỏi thực sự. Còn anh có bằng cấp, chức tước, bước vào một cuộc cạnh tranh, anh thua ngay thì đâu phải người giỏi. Tôi thấy có các yếu tố thuận lợi đang  hình thành ngày càng nhiều hơn để người tài được phát huy và bản thân tôi lạc quan về cái đó.

Nguyễn Vũ Hùng - Nam 27 tuổi - 104A, Bùi Thị Xuân, Tân Bình, HCM
- Câu hỏi xin dành cho cả ba người bà Tôn Nữ Thị Ninh, ông Nguyễn Sỹ Dũng và Nhà sử học Dương Trung Quốc. Trong quan niệm hiện nay, cả ba vị đều được coi là những nhân tài đang đóng góp sức mình cho sự phát triển của đất nước. Đến thời điểm này, nếu nhìn nhận lại quãng đường mà bản thân đã đi qua trong bao nhiêu năm để vươn lên như hiện nay, xin cho biết trở ngại nào lớn nhất mà mỗi người đều thấy đối với sự phát triển của bản thân? Mục tiêu của mỗi người trong tương lai (mục tiêu lớn nhất) trong việc tiếp tục phát huy tài năng của mình để đóng góp cho đất nước là gì?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Tôi nghĩ sẽ có nhiều cách định nghĩa về người tài, nhưng theo tôi, người tài trước hết phải có  hoài bão, có động lực mạnh mẽ, có sự thôi thúc là phải làm được một cái gì đó cho đất nước. Nhưng đồng thời tôi cũng muốn khẳng định luôn là, trong quá trình đó chính người tài luôn tìm được hạnh phúc cho bản thân thông qua công việc của mình. Cho nên tôi không nói là trong mọi sự nghiệp không có cái gì là của cá nhân cả. Tôi nghĩ rằng những người tài là những người cảm thấy rằng những người trên và cả những người ngang mình, cả những người dưới mình, cả người thân và những người xa hơn đều thấy được động lực tốt đẹp đó và ủng hộ họ. Nhất là những người có trách nhiệm quản lý, lãnh đạo mình và tạo điều kiện.

Thế nhưng cái chữ biết tạo điều kiện có thể hiểu theo nhiều góc độ khác nhau. Lướt qua một số câu hỏi của bạn đọc gửi về cuộc bàn tròn trực tuyến ngày hôm nay, tôi thấy có một bạn ở Úc  hỏi về vấn đề lương bổng... Tôi nghĩ chuyện này cũng không hề đơn giản. Bạn đọc này nói, ý là nếu khi lương không đủ để sống thì có nên tiếp tục làm "quan" hay không? Tôi nghĩ là một  vị "quan" có tài không thể cống hiến chỉ vì đồng lương; nhưng đương nhiên nếu anh đói, con của anh thiếu thốn thì khó làm một vị "quan" có hiệu quả. Cho nên cái vấn đề bổng lộc chỉ là thứ yếu - đối với một người làm quan có tài - quan trọng hơn là nếu vật chất đó thể hiện sự đánh giá đóng góp của người làm quan. Cái đó mới là quan trọng. Chứ còn bây giờ đất nước Việt Nam đang nghèo mà đòi hỏi lương phải như quan chức Singapore - theo quan điểm của ông Lý Quang Diệu là để chống lại nạn tham nhũng, phải trả lương cho Bộ trưởng cao hơn cả những người làm Tổng Giám đốc và chủ những doanh nghiệp tư nhân lớn, để không có cớ gì cho Bộ trưởng đó tham nhũng - thì chắc là rất khó.. Singapore đặt vấn đề như thế được nhưng tôi nghĩ Việt Nam ta thì chắc khó mà theo cái logic đó. Đương nhiên là đối với vấn đề người tài, tôi nghĩ là việc được tạo điều kiện để đóng góp hết sức mình và được thừa nhận đóng góp đó của bản thân mình là rất quan trọng. Không được tạo điều kiện hoặc không được thừa nhận đúng mức  đó là hai trở ngại lớn nhất chứ không phải vấn đề vật chất

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: - Với nội dung chúng ta đang tranh luận, tôi xin chuyển thêm câu hỏi của độc giả Đoàn Văn Sỹ, 32 tuổi Đồng Nai hỏi anh Dương Trung Quốc: Người tài mà Hồ Chủ Tịch sử dụng trong những năm đầu mới khai sinh Nhà nước năm 1945, 1946 tiêu biểu là ai, khéo sử dụng như thế nào? Bây giờ Đảng và Nhà nước ta có những chính sách gì khéo trong việc sử dụng nhân tài?

Ông Dương Trung Quốc:

Để trả lời câu hỏi này có lẽ tôi sẽ đọc cho bạn nghe một bài viết của Bác ngay từ những ngày đầu nước nhà mới độc lập. Bác viết trên tờ báo Cứu quốc ngày 4/10/1945 quan niệm về người tài như thế này: Việc dùng nhân tài ta không  nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe - (chữ khắt khe này có thể hiểu theo rất nhiều nghĩa mà trong một thời gian khá dài trong thời bao cấp người ta nhấn mạnh nhiều đến chủ nghĩa lý lịch) -  và có lòng trung thành với tổ quốc. Tài to ta dùng vào việc to, tài nhỏ ta cắt đặt vào việc nhỏ. Ai có năng lực về việc gì thì ta đặt ngay vào việc ấy".

Trở lại cái ý mà lúc nãy tôi có nói một vấn đề là hình như chúng ta thiếu một lãnh tụ thì tôi không ảo tưởng thời đại nào cũng có lãnh tụ cả. Lãnh tụ là con người xuất hiện vào những hoàn cảnh lịch sử không bình thường và chính thời đại ấy tạo ra  con người xuất chúng. Nhưng tôi thấy có di sản của Bác Hồ để lại cho chúng ta, hay nói rộng hơn là cách mạng để lại cho chúng ta, tức là cuộc Cách mạng tháng 8/1945 không chỉ giành độc lập cho dân tộc và thành quả sau này không chỉ đánh thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc mà điều hết sức quan trọng nó phản ánh đặc trưng của thế kỷ 20 này chính là xác lập được  một nền dân chủ. Điều này các bạn sẽ thấy nếu nhìn vào lịch sử thế giới, không phải  nhiều quốc gia làm được điều này - đó  nền dân chủ do Đảng cộng sản sáng lập. Cơ chế dân chủ này, nếu ta biết dùng nó, phát huy nó thì sẽ đào tạo ra nhân tài. Chắc chắn không ai ảo tưởng rằng sẽ có những con người xuất thế để trở thành lãnh tụ ở thời hiện đại này nhưng nền dân chủ sẽ tạo ra cơ chế và sử dụng được người tài. 

Lúc này anh Sỹ Dũng có nói việc chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường. Đó là một chuyển đổi hết sức khó khăn nhưng rõ ràng là nó giải phóng năng lực, giải phóng sự trói buộc. Cho nên, sự chuyển đổi  đó là sự tiến bộ. Chúng ta không thể coi kinh tế thị trường là một thử thách quá lớn hơn cả sự thuận lợi. Nhưng chính vì thế tôi nghĩ rằng di sản của Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta chính là nền tảng của dân chủ mà chúng ta phải phát huy nó để tìm ra và sử dụng nhân tài.

Còn vào thời điểm Cách mạng tháng 8 thành công thì như tôi nó chúng ta đã xác lập một nền dân chủ, xây dựng một xã hội công dân dù nó chỉ là những bước tiên khởi. Nhưng phải nói nó đã giải phóng năng lượng rất lớn cho cả dân tộc. Và với tầm nhìn, cách sử dụng nhân tài rất tài tình của mình, Bác đã tập hợp được năng lượng ấy cho mục tiêu của đất nước là giành độc lập và giữ độc lập ấy. Cho nên chúng ta thấy Cách mạng tháng 8 hầu như tất cả lực lượng xã hội đều tham gia và cuộc cách mạng diễn ra rất triệt để. Lật đổ chế độ thuộc địa, phong kiến nhưng ở đây không có cảnh một ông vua Lui XVI phải lên đoạn đầu đài. Thậm chí ông Bảo Đại nhân thoái vị và nhận vai trò một vị cố vấn tối cao của Chính phủ cách mạng. Một đội ngũ rất đông đảo không chỉ quan lại của triều đình mà nhiều người hoàng thân quốc thích cũng tham gia vào đội ngũ những người đi đầu trong cao trào cách mạng. Ví dụ như cụ Huỳnh Thúc Kháng chẳng hạn, là người yêu nước, có học, rất sớm đón nhận tư tưởng dân chủ với những người cùng thời như cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu. Cụ Huỳnh Thúc Kháng đến được với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cộng sự với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cái gì để Bác có thể mời được cụ Huỳnh Thúc Kháng cộng sự với mình? Nếu chúng ta đọc lại hồi ký của những người đương thời mà nói thì điều quan trọng nhất là cả 2 người đều có điểm chung là tinh thần yêu nước, trách nhiệm đối với dân tộc, cả hai đều là chiến sỹ đấu tranh cho nền dân chủ và độc lập của Tổ quốc. Cho nên cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có mặt và tham gia những việc hết sức quan trọng để bảo vệ thành quả cách mạng, đặc biệt là thời gian Bác Hồ sang Pháp vào giữa năm 1946. Tôi nghĩ đó là bài học rất lớn!

Bác đã không chỉ sử dụng những nhà yêu nước như cụ Huỳnh Thúc Kháng, mà kể cả những người nằm trong bộ máy chính quyền cũ như cụ Phan Kế Toại chẳng hạn, nguyên là Khâm sai đại thần của chính quyền phong kiến ở Bắc Bộ mặc dù cụ đã từ chức trước khi Cách mạng bùng nổ. Cụ cũng đã cộng sự với Bác Hồ và đã làm Phó Thủ tướng trong một thời gian khá dài. Hay những nhà trí thực mà thường họ rất e ngại dính líu đến chính trị như cụ Nguyễn Văn Kế. Khi Cách mạng thành công cụ đã tham gia chính quyền và giữ những vị trí hết sức quan trọng là Trưởng ban Thường trực Quốc hội ở khoá đầu tiên... Quan trọng nhất là  họ đều có mẫu số chung là tinh thần dân tộc; t được khởi động từ một con người có lòng tin vào đồng bào của mình. Đó chính là 2 yếu tố gắn kết với nhau để Bác thu hút người tài.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: - Người ta thường nói vui "có tài có tật". Chúng ta cũng không nên khắt khe quá đối với cái tật của người tài, nhưng thực tế là nhiều khi cái tật thường gây khó chịu. Vậy, là người chiêu nạp rất nhiều nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta đã có cách nào để chế ngự những cái tật của đội ngũ nhân tài. Xin mời anh Dương Trung Quốc?

Ông Dương Trung Quốc: Đây là  nghệ thuật dùng người mà Cụ Hồ đã dùng một ngôn từ hết sức rạch ròi là "khéo dùng người". Khéo dùng người tức là phát huy được sở trường, hạn chế được sở đoản của từng người. Các cụ nhà ta đã có câu "dụng nhân như dụng mộc".

Nhìn vào thời điểm Cách mạng tháng Tám và 2/9/1945, chúng ta có thể nói Bác là người có con mắt tinh đời. Tinh ở chỗ đã biết tìm cách gửi lòng tin vào những con người đặc biệt để họ có thể cống hiến cho đất nước. Nhân vật điển hình nhất là vua Bảo Đại. Ai cũng biết ông ta được đào tạo trong nền giáo dục của thực dân, và bản thân ông là vị vua của triều Nguyễn. Tại sao Bác vẫn sử dụng và thu hút Bảo Đại không những trở thành đối tượng không chống lại cách mạng mà còn phát huy được những mặt tích cực của mình cả về đối nội, cả đối ngoại nữa. Những hành vi khi đó của vua Bảo Đại cũng chứng tỏ ông ta là  người thức thời. Hành vi của ông thể hiện sự đáp lại đối với cách ứng xử đầy thiện chí của vị Chủ tịch nước.

Ông Bảo Đại trong một lần sang Italia - khi đó ông đã rất già rồi - được một số nhà báo phỏng vấn: "Vào cái thời điểm đó ông "trao lại" quyền lực cho Việt minh, cho Cộng sản thì bây giờ ông có cảm thấy ân hận không?". Ông Bảo Đại mặc dù là một người đã trải qua nhiều biến cố, thăng trầm nhưng khi đó đã trả lời như thế này: Vào thời điểm đó không có ai xứng đáng được trao lại vận mệnh của đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh cả... Ông ta còn nói rằng: Chính nền giáo dục của nước Pháp dân chủ đã làm ông thức tỉnh vào thời điểm đó rằng đất nước Việt Nam không phải của riêng ông. Và Bảo Đại không hề ân hận về việc này.

Đây chính là cách dùng người tài của Bác. Rõ ràng, dù cuộc đời ông Bảo Đại sau này ra sao thì câu nói của ông: "Thà là công dân của nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ" là một điểm sáng của cuộc đời ông ta. Điểm sáng này được cộng hưởng bởi không khí của cuộc Cách mạng và tất nhiên nhận được sự cổ vũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lê Hồng Hà, Nam, 24 tuổi Hương Khê, Hà Tĩnh - Tôi trân trọng với những gì Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng trả lời phỏng vấn  cách đây một năm ở cương vị lúc đó sử dụng người tài như là một phần của công việc.... Tiến sĩ cho cho rằng mình đã từng và đã học được Bác sử dụng người tài. Vậy tiến sĩ đánh giá như thế nào  khi tôi cho rằng nhiều người nói nhiều hơn là làm theo lời Bác nói?

 

Nguyễn Sỹ Dũng: Đúng là nói theo Bác dễ hơn làm theo Bác, tôi công nhận. Thực tế không phải người nào cũng có tầm của Bác, vĩ đại như Bác để có thể làm như Bác được... Trả lời phỏng vấn của tôi mà bạn nói được thực hiện một năm, lúc đấy tôi làm Giám đốc Trung tâm Thông tin Văn phòng Quốc hội. Thực chất có nhiều bạn phản đối chuyện tôi ví "người tài như vợ đẹp ai cũng thích". Phản đối tôi nhiều nhất là của một bạn gái. Bạn đấy nói: ''Tại ông chán vợ mới nói như vậy chứ người tài khác, vợ khác chứ''. Khi tôi nói vợ giống với người tài, tức là ''giống'' đã khác nhau nhau rồi, nếu không thì hai khái niệm đã là một chứ không phải ''giống'' nữa. Bỏ qua yếu tố về quyền được lựa chọn cũng giống như bạn gái đó  thấy một anh chàng đẹp trai và chỉ quan tâm rằng mình có tình cảm với ông ta là được, không quan tâm đến việc ông ta có chấp nhận mình hay không. (Nếu được như vậy thì tôi xin chúc bạn gái đó có được như vậy). Vì rõ ràng khi mình tuyển người tài ra thì mình phải biết mình hấp dẫn đến đâu. Nếu như tôi chỉ là một quan chức nhà nước, lương tôi chỉ trả như vậy mà tôi muốn lấy một tiến sỹ, một người tài giỏi có thể làm ra 15.000-20.000 USD/tháng thì rõ ràng không hiện thực.

Bây giờ nói là trong cuộc sống của tôi, tôi học theo Bác được đến bao nhiêu... Mình có vị thế quá nhỏ, với trọng trách quá nhỏ, quá khiêm tốn, quá phẩm cấp ở đây để mình nói học theo Bác được cái gì về dùng người. Nhưng trong phạm vi cụ thể, chẳng hạn như tôi làm giám đốc các dự án thì dứt khoát tôi thi tuyển, tôi công bố công khai trên báo. Người nào thi tuyển đạt điểm cao nhất, giỏi nhất tôi tuyển về. Đó là với các dự án tôi có quyền, tôi sẽ làm như vậy! Dứt khoát đăng báo là cái thứ nhất, dứt khoát tôi không tham gia tuyển mà thành lập một hội đồng tuyển độc lập, dứt khoát chấm điểm từ trên xuống dưới. Hiện tại những người làm điều hành dự án chỗ tôi đang phụ trách đây, có cô chỉ 24 - 25 tuổi đã làm manager của dự án. Đó là những người giỏi, đơn giản như vậy thôi!

Còn những người làm trong biên chế, tôi không có quyền chọn. Vả lại không phải chuyện quyền nữa, mình bao giờ được nhận một cơ quan thì mình thừa kế toàn bộ cái đó, không phải là có thể thay toàn bộ để nhận người tài. Người lãnh đạo đến sau phải kế thừa trách nhiệm đối với những công chức đã làm việc trước đó. Công chức ở ta, ở Úc hay các nước được bảo vệ bằng hệ thống pháp luật. Thậm chí tư nhân ở châu Âu có hệ thống Công đoàn, không phải anh muốn làm gì là anh làm được... Ở mức độ cao thì khó nhưng những cái gì mình làm được ở mức độ nho nhỏ, chút xíu trong phạm vi mình làm được thì tôi cũng đã cố gắng làm.

Vả lại nếu đúng ra trong xã hội thì vẫn cho như thế này. Trước hết, người tài là người phải biết thắng hoàn cảnh thì đó mới thực sự tài, còn khi anh đổ lỗi cho hoàn cảnh thì anh chỉ tài vừa vừa thôi. Cái thứ hai, những điều kiện cho người tài làm đang ngày càng có nhiều hơn. Tôi biết có rất nhiều bạn trẻ học thạc sỹ (master) ở Úc, Anh về mở DN ở đây. Tôi cam đoan những người mở DN ở Úc, ở Anh không thể giàu bằng các bạn đó. Những người một năm có thể xuất khẩu 27 triệu USD ở trên đất nước Việt Nam thì những người ở bên ngoài không theo được! Như vậy cơ hội cho người tài phát huy ở đây là có, mà có nhiều. Có nhiều bạn trẻ về sáng lập công ty máy tính, công ty kinh doanh rất thành đạt. Rõ ràng đó là những người tài! Và những người đó tiếp tục phải tài vì thị trường mở ra cạnh tranh, anh không tài công ty khác đánh anh đổ ngay. Môi trường này đang hình thành và ta phải bảo vệ môi trường cạnh tranh đó. Tôi đồng ý với rất nhiều bạn trẻ, vấn đề là phải có bình đẳng về cơ hội. Cơ hội đưa ra phải bình đẳng cho mọi người và người nào tài hơn sẽ hiện thực hoá được cơ hội đó. Bây giờ loạt các nơi chưa có bình đẳng về cạnh tranh, bình đẳng về cơ hội, còn có độc quyền trong kinh doanh thì mình phải tính.

Nước nào cũng thế thôi, đều chia thành hai loại quan chức. Một loại quan chức chính trị phải hoạt động theo kiểu chính trị thì anh mới lên được. Loại thứ hai là quan chức chuyên môn, quan chức hành chính thì anh phải thi tuyển. Thi tuyển là phải công khai! Anh đăng báo và anh thi! Tôi thấy rất nhiều cơ quan của Việt Nam đã bắt đầu làm như vậy. Tôi lấy ví dụ Bộ Ngoại giao, các Uỷ ban của Quốc hội đang làm như vậy. Đối với những công ty nhà nước bắt buộc cạnh tranh thì họ cũng đang đi tìm người tài. Còn nếu người ta độc quyền, người ta bao cấp không phải chịu trách nhiệm thì động lực để buộc có người tài là khó. Còn một yếu tố phải tính đó là lợi ích của người đứng đầu với lợi ích của công ty đó phải gắn kết với nhau. Còn nếu công ty đổ thì đổ còn ông ta vẫn giàu thì không được! Thì người tài ông ta không tuyển, ông ta cứ ngồi đó thôi! Muốn như vậy thì một loạt chủ trương đang đi theo, chẳng hạn như cổ phần hoá để gắn trách nhiệm cá nhân vào, làm rõ chuyện anh không thể ngồi đó mà anh đẩy người tài đi để anh ngồi. Tôi vẫn thiên về chủ quan: anh muốn chính sách này, chính sách kia không bằng khách quan anh tạo ra các điều kiện, các áp lực của cạnh tranh, áp lực của thị trường. Tôi cho rằng nhưng cái đó rất quan trọng và tôi ủng hộ.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Tôi cũng muốn tranh luận tiếp với anh Dũng về việc sử dụng người trẻ tuổi có tài. Một tiến bộ của xã hội chúng ta là tổ chức thi. Qua thời gian quan sát thực tế, tôi thấy đây là một công cụ không hề hiện đại tí nào. Nó tạo một cái bọc hiện đại nhưng bản chất rất cổ lỗ sĩ vì kết quả cuối cùng không được khả quan lắm. Thời tôi còn ở Bộ Ngoại giao tôi có góp ý mãi về vấn đề này nhưng không xong.

Ví dụ, tôi từng hướng dẫn một cô là thủ khoa mà tôi biết đấy là một người rất xuất sắc. Vậy mà khi tham gi thi tuyển, cô lại thi trượt. Vậy, trong trường hợp như thế đáng lẽ cơ quan tuyển dụng phải lấy ý kiến của người trực tiếp theo dõi, hướng dẫn người thi thì lại đi đánh giá họ qua một số bài trắc nghiệm máy móc. Tôi đã hỏi chuyện một số người tổ chức tuyển dụng cán bộ ngành ngoại giao của Canada rằng "quý vị chỉ lấy những người của trường đại học?". Họ nói không quan trọng, ai cũng có thể nộp hồ sơ. Thế nhưng, với họ quan trọng là người thi tuyển phải vượt qua bài phỏng vấn tình huống thực tiễn.

Nhiều lúc tôi thấy công cụ thi tuyển công chức của chúng ta hiện nay không đáng tin cậy. Chúng ta cần dựa vào những nhận xét thực tế hơn là cứ đánh giá qua những bài trắc nghiệm cứng nhắc, thậm chí nội dung không chuẩn xác.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Có vẻ như anh Nguyễn Sĩ Dũng đang muốn tranh luận lại. Xin mời anh?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Không, tôi  ủng hộ ý kiến của chị Ninh. Cách thức tổ chức thi tuyển của mình như thế này nó hình thức, tốn kém, không khéo lại có tiêu cực đứng đằng sau đó và nó vẫn mang tính hình thức. Vấn đề chính vẫn là cái người phải chịu trách nhiệm về vấn đề đó được quyền tuyển chọn. Lấy ví dụ như một công ty của nước ngoài đấy, cái ông Giám đốc đấy ông phải chịu trách nhiệm trước cổ đông, trước HĐQT thì ông ta có quyền tuyển toàn bộ cấp dưới, ông ta không tuyển đúng người sẽ mất chức ngay. Như vậy, rõ ràng vấn đề chính là không xác lập được chế độ trách nhiệm và cái người sử dụng lao động và người tuyển nó không có trách nhiệm tương tác gì với nhau thì rất khó.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: - Tôi xin chia sẻ với anh Sỹ Dũng và chị Ninh về vấn đề này. Tôi vừa là Tổng biên tập Báo, vừa là lãnh đạo một DN, tôi cũng có trách nhiệm phải  thực sự quan tâm đến những câu trắc nghiệm bài bản và phỏng vấn trực tiếp. Vòng đầu là những câu hỏi trắc nghiệm, còn vòng chung khảo trở đi tôi  trực tiếp phỏng vấn. Đó là cuộc đấu trí rất căng thẳng, sau mỗi lần như vậy về nhà tôi bã người ra. Nhưng mà có đấu trí, có đưa ra những câu hỏi thực tiễn cho con người trong vị trí đó triển khai như thế nào thì mới đánh giá được ứng viên vào vị trí đó có đủ khả năng thực hiện hay không! Qua đó cho thấy môi trường của chúng ta cũng đã bắt đầu tạo ra cơ hội cho những người có khả năng có năng lực, chưa nói đến tài năng, ít nhất trong khu vực DN dân doanh, cổ phần. Không biết các DN khác thế nào nhưng chúng tôi là một DN nhà nước  và tôi thực sự thấy rằng có đất, có chỗ cho tài năng phát huy.

Trong xã hội ta, đất nước ta đã có đất cho người tài nhưng có lẽ cũng còn nhiều băn khoăn ở khu vực này, khu vực khác, nhất là trong lĩnh vực quản lý nhà nước. Cơ quan quản lý nhà nước thì chưa rõ ràng  vấn đề này nhưng các DN trong cuộc chiến cạnh tranh buộc phải có cơ chế thu dụng nhân tài.

 

Ông Dương Trung Quốc: - Chúng ta đang bàn ở đây là vấn đề sử dụng người tài, phát huy người tài. Chúng ta không nói đến ai sử dụng người tài. Nhắc lại câu chuyện năm 19 45, khi đó chúng ta mới nói Nhà nước sử dụng người tài, Cách mạng sử dụng người tài. Bây giờ chúng ta sang một cơ chế khác trước, có những khu vực hết sức năng động đến nỗi "không tài không tồn tại được". Thế nhưng theo tôi vẫn còn có chỗ "không tài vẫn tồn tại được", đó là cơ chế nhà nước. Cái cốt lõi của nó chính là quan liêu. Ở đâu có quan liêu thì ở đó không còn người tài. Ngay trong những bài viết đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi đất nước thành lập, Người đã cảnh báo chính sách quan liêu sẽ tạo nên những mặt trái mà chúng ta phải đối phó với nó.

Vì thế nên dễ hiểu tại sao người tài phần lớn tập trung ở những khu vực mang tính cục bộ, khu vực tư nhân - nơi những cá thể phải cạnh tranh gay gắt, trong khi khu vực quan trọng nhất là khu vực nhà nước thì lại không có. Chính vì vậy, theo tôi vẫn phải có cạnh tranh trong khu vực nhà nước chứ, hoặc cũng phải có sự cạnh tranh giữa khu vực trong và ngoài nhà nứơc. Nếu không người tài sẽ ra rời khu vực nhà nước làm hết, bởi ở trong khu vực này họ không được tận dụng hết tài năng. Đến lúc đó người tài không chỉ muốn ra ngoài nhà nước mà cả ngoài đất nước - chúng ta không những chảy máu ra ngoài mà còn chảy máu tại chỗ cơ.

Chúng ta chỉ nói nhiều đến giá trị đánh giá người tài qua hệ thống giá trị quan chức - người tài giỏi thì có thể ở chức này, chức kia. Kèm theo đó là một hệ thống chính sách và một hệ thống quyền lực - quyền lực ấy được khai thác theo nhiều cách khác nhau.

Vì vậy, trách nhiệm ở đây là phải tạo cho người tài có đất dụng võ. Tạo sự cân đối về cơ hội dụng võ cho người tài giữa khu vực tư nhân và nhà nước sẽ giúp quốc gia có một sự phát triển cân đối. Một ví dụ khá nhạy cảm như, trong cơ chế của nhiều cơ quan nhà nước hiện nay, có nhiều vị trí mà người có khả năng đảm nhiệm phải có tiêu chuẩn là Đảng viên. Tiêu chí này có thể rất cần thiết đối với bối cảnh trước đây khi còn cuộc đấu tranh rất gay go, quyết liệt giữa ta và địch. Nhưng khi hoà bình rồi chúng ta có cần giữ nguyên quy chuẩn này không? Đây chính là một hạn chế không nhỏ đến ngay cả lợi ích của Đảng, Nhà nước - bởi đã bỏ lỡ cơ hội thu hút người tài ở một lực lượng nhân dân. Con người nào cũng có cái tài của họ cả, dù tài to, tài nhỏ. Ở đây chúng ta cứ  người tài là những người toàn tài, chứ không hiểu "tài" là năng lực nằm trong mỗi con người - như vậy còn quan trọng hơn. Chúng ta có những người toàn tài thì rất qúy, những siêu nhân thì càng quý, nhưng nếu biết vận dụng cái tài của toàn dân thì còn đáng quý hơn.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: - Anh đã là người tài chưa và đã được sử dụng hết khả năng của mình chưa?

- Tất nhiên mình nghĩ mình người tài thì mới có thể tồn tại được đến bây giờ. Tất nhiên, tài ở đây không có nghĩa là hơn người, mà là mình ứng xử đúng với vị trí của mình, với năng lực của mình. Tài ở đây là mình biết mình là ai.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: - Có một câu hỏi của một độc giả tên là Trần Viết Ly, 45 tuổi, công tác tại Ban Khoa giáo Trung ương. "Kính gửi ông Dương Trung Quốc, trong lịch sử dân tộc vào những thời điểm đặc biệt: có giặc ngoại xâm hoặc phục hưng đất nước, tổ tiên ta thường có kế sách chiêu dụng người tài..."

Ông Dương Trung Quốc: Đương nhiên câu hỏi này mở đầu đã nói đến trong hoàn cảnh không bình thường của lịch sử, tức là khi đất nước có những tổn thất to lớn nhưng tôi nghĩ cái quan trọng ở đây không phải là kế sách chiêu dụng người tài mà quan trọng hơn là, một phía nhìn ra cái tài của người khác và một phía mình phải thể hiện mình là người tài người ta mới đến với mình. Cho nên cái ngọn cờ tụ nghĩa nó quan trọng lắm. Không phải xã hội phương Đông mình đặt cái nhân trị lên cao đâu và luôn luôn nói đến việc dụng tài là phải đi với hiền tài nó mới hoàn chỉnh. Cho nên tôi nghĩ rằng không phải tự nhiên mà trong những câu chuyện nó trở thành kinh điển cái chuyện đi tìm người tài mới quan trọng chứ không phải là để người tài đến với mình. Tôi đọc ở đây một văn bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào tháng 11/1946, tức là lúc đất nước đang lâm nguy. Thì cụ viết thế này: "Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không  khắp đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo ngay cho Chính phủ biết". Như thế Chính phủ phải đưa ra một chính sách - nói đơn giản là một chính sách - để thu hút người tài chứ không phải để người tài đến theo một cơ chế xin - cho. Tôi lấy ví dụ không phải phát hiện người tài mà đánh giá những người có tài thực rồi, đối xử như có tài thực rồi. Chính tôi đã đóng góp trong QH về Luật thi đua khen thưởng, tại sao lại bắt những người đã từng có cống hiến phải làm bản khai mà các triều đại ngày xưa, sau mỗi biến cố lớn của dân tộc, bao giờ cũng phải đi tìm người tài để mà khen thưởng vì những người tài thực thường có đức và thường thì họ rất khiêm tốn. 

Cho nên toàn bộ cơ chế của chúng ta vẫn là cơ chế xin - cho: Nhiều khi chúng ta thấy Nhà nước ban cho những cái bổng lộc chứ không thấy rằng Nhà nước có trách nhiệm phải đi tìm những người tài. Vừa rồi, khi mà phát biểu ý kiến đóng góp cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà tôi là thành viên, tôi cho rằng bên cạnh những chức năng mà MTTQVN đã phát huy rất tốt vừa rồi, phải chăng có hai việc cần làm: Một là phải tìm ra những người tài đức. Hai là phải cầu người nói thật. Cầu người nói thật cũng là một cách để chúng ta phát hiện người tài. Chúng ta chưa có cơ chế cầu người nói thật và chúng ta chỉ mong sao mọi người nói những điều thuận thôi. Một điều rất cần thiết để tạo ra được sự nhất trí, một sự đồng thuận nhưng đôi khi mọi cái phát kiến, mọi cái sáng tạo đều bắt đầu từ những cái hết sức cá biệt. Ở đây, khi từ những cái đó mà tạo ra những người tài. Tôi nghĩ hiện nay chúng ta, bên cạnh những cái cố gắng rất nhiều, có lẽ không ai nghi ngờ cái lòng mong muốn của những người có trách nhiệm muốn người tài ra giúp nước nhưng hình như cái cách nhìn cũng chưa thực có thể thu hút được người tài. Mà trong khi đó thì điều kiện cho phép thì người tài hoàn toàn có thể phát huy ở những lĩnh vực khác, những không gian khác.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: - Như VNPT đã giao tôi phải  lãnh đạo doanh nghiệp VASC, Báo điện tử VietNamNet càng ngày càng phát triển tốt, hoàn thành kế hoạch hàng năm. Tôi nghĩ vấn đề ở đây là khi giao việc cho ai phải có định lượng trách nhiệm một cách cụ thể. Đảng cũng vậy, phải có định lượng cụ thể giao cho những vị làm quản lý nhà nước - là người của Đảng cử ra - thì từ đó, các Bộ ngành cũng phải có định lượng cụ thể, yêu cầu cụ thể, trách nhiệm cụ thể. Sau một năm, cũng như một DN thôi, các cơ quan có thể đánh giá lại kết quả 1 năm, 2 năm như thế nào. Thậm chí có thể miễn nhiệm rõ ràng, từ đó tác động những người lãnh đạo đó phải vận động tìm ra những người tài làm việc cho mình. Sau này, có thể VietNamNet chúng tôi  sẽ gửi lên lãnh đạo Đảng những kiến nghị về sử dụng người tài. Đảng chúng ta rất muốn sử dụng người tài nhưng lúc này, lúc kia có thể chưa có những biện pháp cụ thể hoá, hiện thực hoá  chính sách của mình...

Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Đối với vấn đề nhân tài, tôi vẫn cho rằng môi trường quan trọng hơn ưu đãi. Một môi trường cho người tài, theo tôi, yếu tố đầu tiên là phải có nhiều cơ hội. Nếu tất cả sự thăng tiến là dãy ghế xếp chiếc này cao hơn chiếc kia thì cơ hội rất chật hẹp trong hệ thống của ta. Và nếu mọi người cứ cho rằng làm quan là cách duy nhất để tiến thân thì con đường đó chật hẹp, chen chúc biết bao. Và con đường đó có quá nhiều ganh đua, mục đích phía trước của nó không sáng. Cái môi trường, như chị Ninh nói, nó phải tạo ra rất nhiều cơ hội cho con người. Nếu anh làm Bộ trưởng của ngày hôm nay, ngày hôm sau anh có thể làm chủ tịch của một tập đoàn tư vấn nào đó bởi vì rằng anh có trí tuệ siêu việt đáp ứng đuợc chức vụ đó. Và anh làm Bộ trưởng như ở Singapore đấy, anh nhận 2 triệu đô la Singapore một năm, anh làm Chủ tịch tập đoàn đó hay Chủ tịch hiệp hội Ngân hàng đó anh nhận 13 triệu đô la thì là cơ hội nó rộng mở. Bây giờ, rõ ràng cơ hội đó của mình so với các nước thì nó còn có ranh giới. Như lúc nãy tôi đã nói, hiện nay cơ hội của chúng ta cũng đã  mở ra nhiều hơn...Tôi có ông anh con bác ruột đã xin về hưu lúc 50 tuổi, bây giờ ông làm giám đốc một công ty và trở nên  giàu có vì sử dụng được khả năng của mình.

Nhưng mà thích làm quan cũng là nét tâm lý của dân tộc mình, mình phải thấy để vượt qua cái tâm lý đó. Muốn xã hội chiến thắng tâm lý đó, cần phải có thời gian. Những cái gì thuộc về tâm lý, thuộc về truyền thống thường là không thể giải quyết ngày một ngày hai được,

Điều thứ hai, tôi vẫn muốn nói quay trở lại  là phải có cạnh tranh. Thiết kế thế nào đó để trong hệ thống có cạnh tranh. Cạnh tranh và đào thải qua cạnh tranh sẽ  buộc phải đưa người tài lên.  Anh Dương Trung Quốc, rồi chị Ninh cũng nói là: vẫn còn có chỗ sự cạnh tranh chưa hoàn toàn mở ra được. Nói xa nói gần là trong cơ cấu của hệ thống công quyền còn có những mảng  khó thay đổi. Thế thì tôi vẫn thấy rằng là mình phải có những bước thay đổi dần ở đây. Ở trong  hệ thống công quyền, điều trước mắt là phải áp đặt chế độ trách nhiệm. Trách nhiệm chính trị và trách nhiệm hành chính đối với các quan chức chính là phải có trách nhiệm trước dân hoặc trách nhiệm trước Quốc hội. Vấn đề là anh có tài giỏi đến mức độ Quốc hội tín nhiệm anh hay không? Anh có tài giỏi đến mức độ dân tín nhiệm anh hay không? Mình vận hành cơ chế đó, những người tài sẽ nổi lên. Đối với các hệ thống hành chính nữa,  nên có sự tách bạch giữa quan chức chính trị với quan chức hành chính. Những quan chức hành chính theo tôi  thì chủ yếu vẫn là qua thi tuyển có hiệu quả cao...Nếu mình xác lập được cơ chế trách nhiệm đó thì việc tuyển chọn người tài sẽ dễ hơn.

Trở lại với vấn đề tài năng, người tài trong xã hội bây giờ nó rất khác. Không thể nào anh là đỉnh Chomolungma, là ngôi sao băng được. Trong thời  hiện đại với KHCN hiện đại, với cách làm khoa học hiện đại, làm nên được một điểm sáng nào đó bao giờ cũng là một tập thể. Và như vậy nếu trong xã hội mình, mình không tạo ra được cái gọi là tư bản xã hội hay là các mối quan hệ, các giá trị xã hội cần thiết để mà anh hợp tác và anh có lòng tin. Bây giờ chẳng hạn mua máy tính, nếu anh không tin vào thương hiệu, nếu anh không tin thì rõ ràng là giao dịch máy tính không thể xảy ra được, anh thử một năm cũng không hết các chức năng của nó. Một nhà khoa học của  ta giỏi chưa chắc tôn trọng người giỏi hơn mình nếu cùng ngành. Đó là tâm lý chúng ta thường thấy. Đó là tôi muốn nói rằng xã hội ta thiếu tư bản xã hội, hai người giỏi không thể hợp tác với nhau được. Tôi nói ví dụ như chuyện giải mã gen người - điều này cần hàng trăm người giỏi làm việc hàng chục năm. Nếu hàng trăm người giỏi đó không hợp tác được với nhau thì mình chả đi đến đâu cả. Và có lòng tin vào hợp tác là những cái mà thế hệ trẻ bây giờ đang lên, rất cần thiết để cho có điều kiện để mà có người tài. Cộng lại nữa, người tài không thể thiếu điều kiện vật chất, tức là phải có nguồn đầu tư. Mà nguồn đầu tư thì tôi vẫn cho là tư bản mạo hiểm rất là quan trọng. Tư bản mạo hiểm là nguồn đầu tư cho những ý tưởng sáng tạo. Tôi đang nói là các bạn trẻ từ nước ngoài học giỏi về xác lập công ty ở đây, mở các dự án làm ở đây, rõ ràng là phải có các điều kiện cần thiết. Thì các điều kiện cần thiết ngoài tư bản xã hội, ngoài môi trường nó thuận lợi, cơ quan công quyền không có gây khó khăn thì nguồn đầu tư mạo hiểm phải có. Và nó phải được cố gắng hình thành như thế nào trong đất nước mình, nếu không sẽ khó.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: - Tôi cũng chia sẻ một ý kiến thế này! Đồng quan điểm với anh Sỹ Dũng nhưng mà có một điểm là hiện nay chúng ta biết rằng khu vực kinh tế dân doanh là khu vực đang cạnh tranh rất khốc liệt và qua cạnh tranh đó cũng nổi lên những con người thành đạt. Đó là những người có tài, được tôi luyện một cách quyết liệt. Nhưng tôi chưa thấy có nhiều ĐB Quốc hội, hoặc là hàng ngũ cán bộ quản lý nhà nước, các cương vị quan trọng quản lý nhà nước xuất phát từ khu vực này.  Nếu thực sự là những con người có năng lực tốt, không chỉ kinh doanh giỏi mà quản lý nhà nước tốt, có kiến thức quản trị, điều hành  có thể đưa vào cương vị ở những bộ, ngành khác nhau. Các anh, chị thấy thế nào?

Ông Nguyễn Sỹ Dũng: Theo tôi không phải hoàn toàn như vậy! Tất nhiên nó cũng không xẩy ra thường xuyên như ở các nước. Ở ta, đã có Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển là từ Tổng giám đốc kinh doanh xăng dầu lên...

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn- Nhưng tôi nói là DN dân doanh...

Ông Nguyễn Sỹ Dũng: Thì đấy là đang xuất hiện những yếu tố, nói chung cái gì cũng có quá trình. Đúng là chúng ta chưa có nhiều trường hợp như vậy! Lĩnh vực này, Trung Quốc đã có những bước mở với tốc độ dài. Đối với các nước, tôi hiểu rằng từ bộ trưởng sang làm doanh nghiệp tư nhân, làm DN tư nhân rồi lại sang làm bộ trưởng ở nhiệm kỳ này, nhiệm kỳ kia là chuyện rất dễ. Đối với mình thì tôi nghĩ các bước cải cách bây giờ, theo đà này thì đối với chức danh còn phải tính vì  đó là chức danh chính trị. Vì thế, tôi vẫn muốn nhắc lại là nên chia chức danh chính trị và chức danh hành chính ra. Nếu là chức danh hành chính thì phải làm rất là sớm. Chức danh chính trị thì tôi biết nước nào cũng thế thôi! Đó là chức danh của Đảng mà đã giành được đa số phiếu của người dân.

 

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: - Tôi muốn quay trở lại vấn đề lúc nãy anh Quốc vừa nói. Trong xã hội của ta có  nhiều người tài không là Đảng viên nên họ nhiều khi không có khả năng được bố trí vào những vị trí xứng đáng. Chúng ta vẫn còn nhiều quy định cán bộ ở một vị trí nào đó phải là Đảng viên. Quy định này đã được thu hẹp lại nhưng hiện tại vẫn còn. Chúng ta có Bộ trưởng nào không phải là Đảng viên không? Phải là yêu nước thì tôi đồng ý, phải ủng hộ chế độ thì tôi đồng ý, nhưng có nhất thiết là Đảng viên hay không?

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:  Chị Tôn Nữ Thị Ninh là một trong những cán bộ có trọng trách có những ý tưởng  đề nghị Đảng bổ nhiệm những người không phải đảng viên làm Bộ trưởng. Tôi thì tôi nghĩ những người thực sự tài năng như vậy mà yêu nước, ủng hộ cho sự phát triển của đất nước, ủng hộ cho chế độ của chúng ta thì  tất nhiên Đảng đã phải kết nạp họ vào Đảng rồi...

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Riêng về điểm này tôi cũng hiểu cái logic của anh Tuấn nhưng mà tôi cũng quan sát trong cuộc sống hàng ngày và tôi tin rằng là anh Dũng là Đảng viên cũng sẽ đồng tình với tôi. Trong cái chính thể của chúng ta, có những người họ muốn đóng góp và họ hướng về Đảng nhưng mà cuộc sống nó phức tạp, nó đâu cứ phải luôn luôn đường thẳng và đơn giản. Thì có những hoàn cảnh là có thể dẫn đến việc người ta không thể hoặc không muốn vào Đảng. Có những tình huống rất là cụ thể mà tôi không thể tiên đoán hay là mô tả được cho nên cái xác suất cũng không loại trừ còn sót những người giỏi mà không phải là đảng viên, thậm chí tôi biết có những người họ không vào Đảng vì họ thấy có những người  xung quanh họ vào Đảng chỉ vì cơ hội. Đó là tình huống mà ý tôi muốn nói những người đó cái tư duy của họ rất gần với Đảng nhưng vì họ thấy xung quanh có một số trường hợp cơ hội, vào Đảng chỉ vì muốn tiến thân nên họ không vào. Đó là những lý do trong một hoàn cảnh rất là cụ thể...

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Tôi không ngờ có một buổi trao đổi sôi nổi từ nhiều phía. Từ phía các bạn đọc của VietNamNet, với hàng loạt câu hỏi mà chúng tôi xin lỗi là không trả lời hết được. Có những câu hỏi các bạn đưa ra không liên quan nhiều đến chủ đề trao đổi ngày hôm nay. Về phía các vị khách mời, chúng ta cũng thấy rất sôi đọng và ý kiến nhiều chiều khác nhau. Thế nhưng tựu chung lại chúng ta thấy giá trị rất lớn: đó là những di sản của Bác Hồ, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc chúng ta. Dân tộc chúng ta có hồng phúc có Bác Hồ, vị lãnh tụ thiên tài đã để lại cho chúng ta di sản vô giá, đó là di sản tập hợp đại đoàn kết toàn dân tộc, sử dụng người tài, phục vụ cho việc phát triển của đất nước, nhất là trong giai đoạn đất nước ngàn cân treo sợi tóc và khó khăn như vậy. Tư tưởng đó đã soi rọi cho chúng ta trong ngày hôm nay. Có lẽ chúng ta còn suy ngẫm nhiều, học hỏi nhiều! Mong rằng những bài học đó, những tấm gương đó, con đường Bác đã lựa chọn cho chúng ta thực hiện tốt thì đất nước chúng ta sẽ có những cơ hội, điều kiện phát triển rất  nhiều trong thời đại ngày nay.

Chúng tôi rất cám ơn quý vị đã quan tâm, theo dõi, mong gặp lại quý vị trong các chương trình tới. Cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình ngày hôm nay!

  • VietNamNet

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

Tin khác của 'Trực tuyến'

,
Quảng cáo
,
,
,