221
454
Pháp luật
phapluat
/xahoi/phapluat/
778298
Nhân vật chạy án cho Dũng "tổng" tiếp theo nào nhập trại?
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Nhân vật chạy án cho Dũng 'tổng' tiếp theo nào nhập trại?
,

(VietNamNet) - "Phát pháo lệnh" đánh vào mảng tối "chạy án" cho Bùi Tiến Dũng trong vụ án PMU18 đã nổ. Sau Nguyễn Mậu Thôn, Lương Mạnh Hoa, tiếp theo sẽ là nhân vật nào bị CQĐT cho nhập trại?

Ngày 20/1/2006, Bùi Tiến Dũng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) đọc lệnh bắt khẩn cấp ngay tại trụ sở Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14), áp giải về khám xét nhà riêng tại số 14 ngõ 53 đường Trường Chinh (Hà Nội). Đây là căn nhà "chính thức" của Bùi Tiến Dũng, đăng ký về mặt quản lý hành chính.

Nguyên Tổng GĐ PMU18 bị bắt khẩn cấp ngày 20/1/2006. Đến nay CQĐT đang tiếp tục phanh phui những "mảng tối" liên quan đến các đối tượng từng tìm cách "chạy án" cho bị can này. Ảnh: Thế Vinh.

Có thể nói, việc C14 quyết định bắt giam nguyên Tổng GĐ PMU18 là một quyết định đầy táo bạo và cực kỳ bất ngờ, ngay cả với những người "trong cuộc". Bởi, theo tìm hiểu của VietNamNet, từ khi Bùi Quang Hưng bị bắt, Bùi Tiến Dũng đã biết gặp "đại nạn", nên tìm đường "lo lót" trước.

Ít nhất, việc Dũng vào TP.HCM với lý do "đi chữa răng" vài ngày trước khi ra trình diện tại Bộ GTVT bị xem là nhằm tổ chức "họp kín" với các chiến hữu nhằm tìm đường thoát thân. Được biết, hàng chục doanh nghiệp từng "đội ơn" Dũng, được "ban phát" tài lộc đã được triệu tập, nhận lệnh huy động mọi quan hệ để tiếp cận các cơ quan chức năng.

Thông tin ban đầu cho thấy, số tiền được huy động vào việc "chạy án" CQĐT xác định được đến nay đã lên tới... 10 tỷ đồng (tương đương 600.000 USD). Riêng khoản Bùi Tiến Dũng tự chi trong phi vụ "bất khả thi" này đã lên tới... 6 tỷ đồng. Dũng "tổng" đã phải bán, và đang rao bán, một số biệt thự trong số tài sản "tích cóp" nhiều năm qua, nhằm tự cứu mình.

Rất có thể, số tiền cụ thể chưa dừng lại ở con số đó, bởi với vị trí của Bùi Tiến Dũng, để tránh bị bắt, thì phải "chạy" bằng... mọi giá. Vì vậy, số thực chi và số tiền huy động đến nay thì chỉ những "anh em" với Bùi Tiến Dũng mới có thể biết được.

Sau khi vào trại giam T16, được biết, trong thời gian đầu, Dũng áp dụng chính sách "đổ bê tông": không biết, không nghe, không thấy..., bởi đang đặt trọn "niềm tin" vào các "đàn anh" có quyền lẫn nhiều đàn em đang ôm tiền chuẩn bị sẵn để "cứu giá" ở ngoài. Tuy nhiên, khi tất cả vẫn "nằm im thở khẽ" trước "tảng bê tông" C14 một thời gian dài sau đó, thì Dũng "tổng" lên cơn uất ức, khai... tuốt tuồn tuột.

Lời khai của Bùi Tiến Dũng hiện được xem là hoàn toàn "khớp" với tài liệu của CQĐT. Thậm chí, có những nội dung CQĐT hiện vẫn đang phải tiếp tục xác minh làm rõ...

"Róc từ ngọn" đường dây "chạy án"

Việc Lương Mạnh Hoa bị bắt vì tội "Môi giới hối lộ" (vốn là lái xe cho Bùi Tiến Dũng) được giới thạo tin xem là một động thái khá bất ngờ của CQĐT. Trước đó, Hoa đã bị khởi tố cho tại ngoại về tội "Đánh bạc". Khi khám nhà Hoa, tài liệu, tiền bạc thu được cũng không có gì nhiều. Việc bắt giữ, khám xét Lương Mạnh Hoa tại nhà riêng diễn ra khá nhanh.

Nguyễn Mậu Thôn được các điều tra viên C14 áp giải ra xe. Ảnh: Hà Trường

Nơi ở của gia đình Lương Mạnh Hoa nằm sâu trong một ngõ nhỏ tại phường Lê Đại Hành (Hà Nội). Là lái xe riêng của Bùi Tiến Dũng, được hưởng chút "bổng lộc rơi vãi", tài sản trong nhà Hoa cũng khá khiêm tốn, chỉ tạm đủ sống với 1 gia đình nhỏ (1 vợ, 1 con).

Thông tin ban đầu cho hay, Hoa bị CQĐT khởi tố thêm 1 tội danh vì đã cùng Vũ Mạnh Tiên (nguyên phó chánh văn phòng PMU 18, bị can đã bị bắt giam về tội "Đánh bạc") "ôm" 30.000 USD trao cho một nhân vật tại khách sạn Melia, Hà Nội nhằm "chạy tội" cho Bùi Tiến Dũng.

Cũng trong ngày Lương Mạnh Hoa, Nguyễn Mậu Thôn bị khởi tố, một nhân vật thứ 3 cũng bị VKSNDTC phê chuẩn lệnh khởi tố bị can tội "môi giới hối lộ". Đó là Tôn Anh Dũng (biệt danh Dũng Huế), lãnh đạo "thực quyền" của Công ty cổ phần Thái Bình Dương (trụ sở chính đóng tại 44A Yết Kiêu, TP. Huế), có tiền thân là công ty Tân Đất Việt.

Quang cảnh ngày C14 bắt giữ, khám xét nhà riêng Vũ Mạnh Tiên. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Được biết, Dũng "Huế" cặp kè khá thân tình với Bùi Tiến Dũng, thường khoe khoang là có "quan hệ rộng", thậm chí với nhiều cán bộ cấp cao trong các cơ quan chức năng. Thường xuyên xuất hiện tham gia cùng "đội tuyển tennis" với Bùi Tiến Dũng, Dũng "Huế" được "ưu ái" chia phần nhiều công trình của PMU18, hứng vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng.

Cụ thể, tại dự án QL1 (giai đoạn II-3), Công ty Thái Bình Dương là thầu phụ thi công tuyến T1, T5, kè sông (trị giá 10,5 tỉ đồng); tuyến tỉnh lộ 608 Vĩnh Điện - Hội An (trị giá 7,6 tỉ đồng) và tuyến Cầu Mống - Cống Đá dài 2,25km (trị giá 4,7 tỉ đồng).

Khi CIENCO 6 (nhà thầu chính) không đồng tình việc cho Công ty Thái Bình Dương làm nhà thầu phụ, ngày 12/1/2006, Bùi Tiến Dũng đã trực tiếp “ra tay” bằng 1 công văn gửi đích danh Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, cho rằng  CIENCO 6 cố tình gây bức xúc cho các thầu phụ (?!).

Việc ép thầu chính nhận thầu phụ này đã cho kết quả là Công ty Thái Bình Dương của Dũng "Huế" đã "có mặt" theo đúng "ý chỉ" sắp xếp của cấp trên.

Dũng "Huế" bị xem là nhân vật đã "ôm" 30.000 USD đi "lo liệu" cho Bùi Tiến Dũng trước khi  Dũng "tổng" bị bắt. Số tiền này Dũng "Huế" nhận từ Vũ Mạnh Tiên và Lương Mạnh Hoa.

Tuy nhiên, được biết sau khi nhận tiền, Dũng "Huế" đã vắng mặt ở nơi cư trú. Tại thời điểm bị khởi tố bị can, nguồn tin VietNamNet cho hay, Dũng "Huế" không có mặt tại Việt Nam do đang cùng vợ đưa con đi chữa bệnh tại Thái Lan.

Thông tin mới nhất cho biết, cuối tuần qua, được sự chấp thuận của CQĐT, gia đình Tôn Anh Dũng đã mang số tiền trên (được quy đổi ra tiền Việt) đến nạp lại cho Ban Chuyên án. Việc trở về đầu thú của Dũng "Huế" chỉ còn là vấn đề thời gian.

Còn những "mắt xích" nào nữa?

Trong những ngày qua, có thêm nhiều nhân vật đã tiếp tục đến CQĐT nộp lại khoảng 2 tỉ đồng, số tiền đã nhận từ tay đàn em của Bùi Tiến Dũng để "chạy" tội cho nguyên Tổng GĐ PMU18.

Ông Nguyễn Việt Tiến xuất trình tại Cục cảnh sát điều tra về trật tự an toàn xã hội (C14), 14/55 Hoàng Hoa Thám - Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải.

Hiện nay, cánh cổng C14 đang "mở cửa" cho các đối tượng đã ôm tiền nhằm chạy tội cho Bùi Tiến Dũng đến tự thú, bằng không sẽ ra quyết định xử lý hình sự. Hiện nay, CQĐT đã nắm khá chắc danh sách cũng như đường dây,"cửa chạy", mánh lới, thủ đoạn... của số đối tượng này.

Trong một diễn biến khác, có thông tin cho hay, CQĐT đã quyết định triệu tập một nhân vật có biệt danh Quyết "bạc". Quyết "bạc" khá nổi danh trong giới báo chí về tài "quan hệ", vốn trước đây công tác tại một cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT. Sau đó, có một thời gian công tác trong lĩnh vực báo chí, đã được cấp thẻ nhà báo.

Tuy nhiên, Quyết đã từng bị cơ quan an ninh bắt giữ, lãnh án 3 tháng tù về hành vi Giả mạo giấy tờ của cơ quan Nhà nước.

Hiện nay, Quyết "bạc" đang bị cáo buộc là đã đứng ra hứa "lo liệu" về mảng "báo chí, tuyên truyền" trong "phi vụ chạy án" bất thành cho Bùi Tiến Dũng. Số tiền "thuốc nước" ban đầu "tạm ứng" là 35 triệu đồng (?).

Một hướng điều tra khác đang được dư luận quan tâm là việc CQĐT triệu tập ông Nguyễn Văn Tùng sáng ngày 22/3 vừa qua. Ông Tùng hiện nay là chuyên viên, làm việc tại Ban Tổ chức Trung Ương Đảng (Ban TCTƯ), vừa chuyển công tác về đơn vị này.

Trước khi chuyển công tác về Ban TCTƯ, ông Nguyễn Văn Tùng (sinh năm 1966) công tác tại Vụ Pháp chế - Văn phòng Chính phủ, đã lấy bằng Cao học Luật. Trước đó, ông Tùng từng công tác tại VKSND tỉnh Vĩnh Phú (cũ).

Ông Tùng quê ở tỉnh Phú Thọ, là em ruột một cán bộ thuộc Văn phòng Chính phủ.

Được biết, CQĐT triệu tập ông Tùng nhằm làm rõ những lời khai của các đối tượng khác trong vụ án có liên quan đến ông. Nội dung làm việc cụ thể giữa CQĐT với ông Nguyễn Văn Tùng hiện đang được giữ kín.

VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin những diễn biến mới nhất của vụ án trong thời gian tới.

  • Hà Trường

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,