"Tiết lộ" chuyện khổ luyện diễu binh Đại lễ

Cập nhật lúc 08:10, 14/10/2010 (GMT+7)

– Trong suốt quá trình tập luyện diễu binh, diễu hành phục vụ Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, có những câu chuyện thú vị bây giờ mới kể.

TIN LIÊN QUAN


>> "Bật mí" những thú vị về lễ diễu binh Đại lễ

>> Nghe giới trẻ kể chuyện "phượt" đêm Đại lễ

>> "Tường" Hoàng Thành tả tơi hậu Đại lễ

Phát ốm vì tập luyện

Với đoàn A10 Học viện Phòng không không quân thì những ngày tham gia tập luyện và được có mặt trong ngày diễu binh trọng đại 10/10 lịch sử là một kỷ niệm đặc biệt, không thể nào quên.

Thượng úy Đỗ Đức Nam (xã Hiếu Thiện, huyện Vũ Thư, Thái Bình) nhớ lại những ngày tập luyện và hoàn thành sứ mệnh được giao mà không khỏi tự hào.

“Chúng tôi phải tập luyện suốt 3 tháng vất vả, nhiều hôm trời mưa cũng như trời nắng đều phải đứng 4h đồng hồ, nói thật là rất mệt. Nhiều đồng chí đã không chịu nổi cảnh nắng gắt lăn ra ốm, thậm chí có đồng chí không kịp có mặt trong ngày Đại lễ đã bật khóc. Nhưng với những người lính chúng tôi, được tham gia và hòa chung cùng với thời khắc trọng đại lịch sử của dân tộc thì mọi mệt nhọc sẽ đều tan biến”, Thượng úy Nam cho biết.

Mô tả ảnh.
Vất vả tập luyện và háo hức đợi chờ lễ diễu binh nhưng cuối cùng đã có những chiến sỹ bật khóc vì sát đến ngày diễn ra lễ diễu binh thì bị ốm, đành lỡ hẹn với Đại lễ ngàn năm mới có một lần (Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng)

Trong ký ức của hơn 300 chiến sỹ A10 Học viên Phòng không không quân tham gia trong đoàn diễu hành, thì 3 ngày hành quân từ Sơn Tây về trung tâm Hà Nội cũng để lại nhiều cảm xúc.

“Chúng tôi hành quân 3 ngày xuống Hà Nội, ngày sơ duyệt (2/10), ngày tổng duyệt (7/10) và ngày làm lễ (10/10). Tất cả đều hành quân vào lúc mọi người đang chìm sâu trong giấc ngủ. Đúng 1h sáng đồng hồ báo thức là cả binh đoàn thức dậy hành quân xuống trung tâm Ba Đình.

Khi hành quân đến nơi ai cũng thấm mệt. Nhưng để hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt và và nghĩ đến cảnh được hòa chung cùng dân tộc tham gia Đại lễ lớn, tất mọi mệt nhọc đều tan biến”, Thượng úy Nam thành thật.

Trong câu chuyện tham gia ngày đại lễ của đoàn A10, việc Trung úy Tống Văn Bài bị đau chân trong ngày tổng duyệt mà vẫn cố bước những sải chân nghiêm trang như không hề hớm gì đã mang đến cho những người cùng tham gia buổi tổng duyệt nhiều cảm xúc.

“Em bị đau chân trước ngày tổng duyệt. Khi bắt đầu tập trung để tham gia đoàn tổng duyệt, chân đau nhức khiến em có cảm giác không thể bước nổi. Nhưng đến khi nghe hiệu lệnh tập trung, nghĩ đến cảnh được đứng trong hàng ngũ của đoàn, ngước cao đầu nhìn lên lá cờ Tổ quốc bay phấp phới giữa quảng trường Ba Đình và sự hân hoan của mọi người thì mọi đau đớn đều tan biến…”, anh Bài chia sẻ.

Khi được hỏi cảm xúc nào để lại nhiều ấn tượng nhất ngày Đại lễ, phần đông các đồng chí đoàn A10 Học viện phòng không không quân đều cho biết, đó là cảm xúc ấm áp, xúc động và tự hào khi diễu binh qua các đường phố Hà Nội, được chứng kiến cảnh mọi người dân hô hào tay cầm cờ chào đón nồng nhiệt.

“Đại lễ nghìn năm mới có một lần, còn với những người lính chúng tôi, cảm giác được chứng kiến người dân đứng xung quanh hô hào nồng nhiệt thì như được sống lại cảm giác oai hùng của cha ông trong thời kỳ hoàn thành sứ mệnh giải phóng dân tộc, dành lại độc lập tự do cho Tổ quốc”, một đồng chí của đoàn A 10 Học viện Phòng không không quân cho biết.

Trách nhiệm với cả Hà Nội lẫn miền Trung

Thượng tá Nguyễn Xuân Thanh, Chủ nhiệm đơn vị bay C16 - Đoàn B71 (Quân chủng Phòng không - Không quân) là người đã thực hiện những chuyến bay cứu lũ ở miền Trung và ngay sau đó là thực hiện nhiệm vụ bay A-10 trong Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Chia sẻ với báo TT&VH, Thượng tá Nguyễn Xuân Thanh cho biết mình là người trực tiếp điều khiển chiếc máy bay số 5, dẫn đầu tốp bay treo cờ Tổ quốc qua Quảng trường Ba Đình sáng 10/10. Đây là lần thứ 3 anh lái máy bay treo cờ kỷ niệm Quốc khánh đất nước.

“Nhưng lần nào cũng vậy, khi qua Quảng trường Ba Đình, đều cảm thấy một sự thiêng liêng và tự hào khó tả”, anh nói.

Mô tả ảnh.
Thượng tá Nguyễn Xuân Thanh trực tiếp điều khiển chiếc máy bay số 5, dẫn đầu tốp treo cờ Tổ quốc bay qua Quảng trường Ba Đình (Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng)

Trong khi đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện bay phục vụ A-10 trong Đại lễ 1.000 năm tại Gia Lâm, C16 được lệnh tổ chức bay cứu trợ tại miền Trung. Anh đã cùng đồng đội nhận lệnh cất cánh vào sân bay Đồng Hới để thực hiện nhiệm vụ cứu trợ. Các anh đã thực hiện được 4 chuyến bay thả mì tôm và nhu yếu phẩm cho đồng bào các huyện thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

Sau đó, tổ bay của Nguyễn Xuân Thanh nhận được lệnh bay chở Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đi thị sát tình hình lũ lụt tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Đến sáng ngày 8/10, tổ bay SAR-03 của anh đã thực hiện thành công chuyến bay chuyên cơ đưa Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trở về Hà Nội.

Kết thúc chuyến bay, tổ bay đã lập tức cơ động về sân bay Gia Lâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ A-10 phục vụ Đại lễ nghìn năm.

Anh bộc bạch với TT&VH: “Đây là những ngày không thể quên trong cuộc đời vì mình đã làm tròn trách nhiệm của người con với quê hương, cả với Hà Nội trong ngày Đại lễ và với miền Trung đang bị lũ dữ hoành hành”.

Cả đêm không ngủ vì Đại lễ

Các sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền như Bùi Đức Anh Linh (lớp Báo in K27A2), Nguyễn Phương Anh và Nguyễn Thúy Ngân (lớp Báo in K28A2) đã có nhiều cảm xúc, kỷ niệm khó quên và những chia sẻ thú vị về quá trình tập luyện, tham gia diễu hành trong Khối Báo chí dịp Đại lễ vừa qua.

Mô tả ảnh.
Không thể chờ đợi lâu hơn, các SV của Học viện Báo chí Tuyên truyền xúm lại để xem trực tiếp lễ khai mạc trên điện thoại di động (Ảnh: Hà Huy Phượng)

Theo yêu cầu của Ban tổ chức diễu hành Khối Báo chí, các bạn phải tập luyện tất cả 9 buổi, sơ duyệt 1 buổi, tổng duyệt 1 buổi và buổi diễu hành chính thức vào sáng 10/10.

Mỗi buổi tập thường kéo dài 2 giờ đồng hồ, riêng buổi tổng duyệt kéo dài hơn 3 giờ. Buổi diễu hành chính thức, có bạn đã xuất phát ở nhà từ 3h sáng vì lo tắc đường.

Chiều dài đoạn đường mà các bạn phải diễu hành từ điểm xuất phát tời điểm tập kết là khoảng 6km (Phan Đình Phùng – Lăng Bác – Nguyễn Thái Học – Kim Mã – Khách sạn Daewoo).

“Mệt nhưng khi thấy người dân hai bên cổ vũ mạnh mẽ, nhiệt tình, chúng em xúc động lắm và đoạn đường dài dường như ngắn lại” - Anh Linh, Phương Anh và Thuý Ngân hồ hởi chia sẻ những cảm xúc vẫn còn nóng hổi sau lễ diễu binh, diễu hành.

Mỗi bạn tham gia diễu hành được phát 3 thẻ tham dự (sơ duyệt, tổng duyệt, diễu hành chính thức) và 1 huy hiệu biểu tượng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội để gắn lên áo. Các bạn tham dự đều giữ lại để làm kỷ niệm, vì đây là dịp ngàn năm có một, không phải ai cũng có cơ hội được trải qua những cảm xúc thiêng liêng, hùng tráng như vậy.

Trong lúc Khối Báo chí chờ lệnh diễu hành tại đường Phan Đình Phùng thì giờ khai mạc Đại lễ đã điểm. Vì ở quá xa lễ đài nên không thể chứng kiến trực tiếp thời khắc Chủ tịch nước đọc bài diễn văn hào hùng, MC Kỳ Vọng (Đài THVN) đã nảy ra sáng kiến là bật ti vi bằng điện thoại di động để xem VTV truyền hình trực tiếp.

Các nhà báo trẻ và sinh viên báo chí có mặt đều xúm lại trước màn hình nhỏ xíu để tận hưởng tức thời không khí của buổi lễ.

“Chúng em đã có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ khi được tham gia tập luyện, diễu hành vừa qua. Người thân và bạn bè đã dõi theo trên tivi để “tìm” chúng em trong đoàn diễu hành. Được hòa mình vào đoàn diễu hành và đóng góp một phần thành công cho ngày Đại lễ đã làm chúng em cảm thấy thật vinh dự và xúc động” – anh Linh, Phương Anh, Thuý Ngân chia sẻ.

Tin liên quan

Các tin khác