Những "bóng hồng" EVN mày râu cũng phải ngước nhìn

Cập nhật lúc 12:25, 14/10/2010 (GMT+7)

Định kiến "Phụ nữ khó có thể làm tốt công tác kỹ thuật" bị nhiều “bóng hồng” EVN lật đổ bởi những thành công vang dội của các chị trong ngành kĩ thuật điện.

"Người phụ nữ vàng" của ngành điện

Mô tả ảnh.
AHLĐ Nguyễn Thị Nguyệt - người phụ nữ vàng của ngành điện
Nhắc đến người "phụ nữ vàng" ngành điện, Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Nguyệt, người ta nghĩ ngay đến một "cây thiết kế" hàng đầu trong lĩnh vực chế tạo máy biến áp của Việt Nam. Chính chị và các đồng nghiệp đã ghi tên Việt Nam trên bản đồ ngành kỹ thuật chế tạo máy biến áp trên thế giới.

Năm 1995, lần đầu tiên trong lịch sử của ngành, chị cùng cộng sự nghiên cứu và chế tạo thành công máy biến áp 110 kV. 8 năm sau đó (2003), họ lại cho ra đời những máy biến áp 220 kV.

Sau khi thiết kế chế tạo thành công MBA 220kV đầu tiên ở Việt Nam, chị đã vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Năm 2006, nhiều máy biến áp 500kV tại thủy điện Yaly bỗng nhiên hỏng hàng loạt. Nếu đem sang Nga sửa chữa sẽ phải đợi 8-9 tháng, riêng tiền vận chuyển cũng tốn trên vài tỷ đồng. Đó là chưa kể mỗi ngày, máy không hoạt động, thủy điện Yaly phải xả một lượng nước tương đương 2 tỷ đồng tiền điện.

Với kinh nghiệm nhiều năm về máy biến áp, chị Nguyệt và đội quân EEMC đã mày mò sửa chữa và 3 tháng sau máy biến áp 500 kV đã sửa xong với tổng chi phí 1,7 tỷ đồng.

Đến phòng nghiên cứu của công ty, rất dễ dàng nhận ra chị - "một bà già suốt ngày đo đo vẽ vẽ" như chị tự nhận. Công việc vất vả, yêu cầu kĩ thuật khó khăn mà Việt Nam lại quá thiếu tài liệu, thiếu thực nghiệm cũng như các nghiên cứu nhưng chị vẫn kiên trì đeo đuổi với niềm đam mê. Chị Nguyệt chỉ ước một ngày có 48h để có thêm thời gian nghiên cứu. Chiếc máy biến áp 500 kV "made in Viet Nam" ám ảnh chị ngay cả trong mơ.

Dành cả cuộc đời cho công việc nghiên cứu và sáng tạo, chị là người có khả năng truyền tới giới trẻ tình yêu, trách nhiệm, niềm tự hào với dân tộc, với quê hương, đất nước, với con người.

"Nữ thợ điện trèo cột giỏi nhất EVN"

Chẳng mấy “đấng mày râu” ngoài ngành nghĩ rằng phụ nữ lại có thể trèo cột điện như nam giới. Nhưng anh em “nam công” ở CNĐ Sông Mã thì quá quen với hình ảnh chị Tâm trèo cột điện và làm các thao tác chẳng khác anh em “thợ điện nam”.

Mô tả ảnh.
Nữ thợ điện trèo cột giỏi nhất Việt Nam Nguyễn Thị Tâm (bên phải).
Vào làm thợ điện ở tuổi 33, chị Nguyễn Thị Tâm (hiện đang là Giám đốc CNĐ Sông Mã) đã vượt qua mặc cảm phụ nữ không thể làm tốt công tác kỹ thuật điện như nam giới. Tự thấy mình không có sự nhanh nhẹn, tháo vát, sức khỏe như anh em nhưng lại có sự cần cù, chăm chỉ, chị đã chập chững từng bước đi đầu tiên trong nghề với sự hướng dẫn của đồng nghiệp. Dần dần chị đã tiếp cận được với công việc của người công nhân treo tháo công tơ, nhân viên thu ngân và tất cả các công việc khác.

Đến năm 2005 - 2006, khi ngành điện có chủ trương đưa công nghệ vào quản lý quy trình sản xuất kinh doanh, chị lại ngồi kì cạch học gõ từng phím, từng phím.

Lúc đi thu ngân, khi đi phát giấy báo, chị luôn để ý tới thái độ của khách hàng để hành xử cho thích hợp. Chị tâm sự: "Khách hàng thì mỗi người một tính, người nhẹ nhàng, người ăn to nói lớn, có lúc mình phục vụ chưa thỏa mãn nhu cầu của khách hoặc họ bức xúc về điều gì đó liên quan đên ngành mình, họ chẳng ngán còn chửi luôn cán bộ chi nhánh. Trường hợp ấy đâu có ít, mình phải lắng nghe, có kiến thức để giải thích cho khách hàng hiểu, thái độ mềm dẻo của mình sẽ xóa tan cơn giận dữ ấy."

Với tâm niệm " làm công nhân ngành điện không được phép ngại khó, ngại khổ, gia đình nào cũng có khó khăn nhưng mình phải khắc phục trở ngại để hoàn thành tốt về khối lượng, chất lượng, tiến độ và đạt hiệu quả cao", chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Năm 2007, chị được bổ nhiệm là Phó Giám đốc CNĐ Sông Mã và sau đó lại được bổ nhiệm lên chức Giám đốc.

Thành công của chị Tâm thấm đẫm mồ hôi của những năm phấn đấu, nỗ lực không ngừng. Chị chứng minh được một điều: phụ nữ chẳng thua gì nam giới trong ngành tưởng như chỉ nam giới mới làm được.

Nữ trực trạm trên vùng cao Tây Bắc

Trực trạm là một công việc khó khăn vất vả, yêu cầu trách nhiệm rất cao bởi chỉ một sơ xuất nhỏ có thể gây sự cố khó lường. Thế nhưng nữ kỹ sư người H’Mông Giàng Thị Dung đã đảm nhiệm trách nhiệm này gần 3 năm nay mà không để xảy ra bất kỳ sự cố nào cả cho người và thiết bị.

Mô tả ảnh.
Nữ trực trạm Giàng Thị Dung
Tốt nghiệp đại học kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên, chị vào làm việc tại Trạm biến áp 220 kV Yên Bái từ năm 2004. Với tinh thần học hỏi, cầu tiến, chị nhanh chóng bắt nhịp với guồng máy làm việc và chỉ chưa đầy 1 năm đã giành được chức danh trực phụ thông qua thi tuyển.

Từ lý thuyết trong nhà trường đến kinh nghiệm làm việc thực tế, cộng thêm với việc không ngừng trau dồi kiến thức, làm chủ thiết bị đã giúp chị leo lên vị trí trực chính sau 2 năm. Ở vị trí chịu trách nhiệm cao nhất về sự vận hành an toàn của một kíp trong ca trực trạm, chị Dung ép mình trong kỉ luật sắt để không có bất cứ sai sót gây ra sự cố ảnh hưởng tới người và thiết bị.

Năm 2009, chị là gương mặt được Truyền tải điện Tây Bắc đặt niềm tin cử làm đại diện tham gia hội thi Thợ vận hành giỏi trạm biến áp do Công ty Truyền tải điện 1 tổ chức. Chị đã xuất sắc vượt qua 50 đối thủ trong toàn Công ty, đạt giải Nhì, trước sự nể phục của những người tham gia cuộc thi.

6 năm làm việc là 6 năm chị nỗ lực phấn đấu. Thành công của một nữ kỹ sư làm công tác khoa học kỹ thuật như chị là tấm gương để chị em phụ nữ phấn đấu vươn lên làm chủ khoa học công nghệ.

  • Nguyễn Sơn

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác