Công cuộc làm mới mình tại EVN

Cập nhật lúc 09:56, 13/10/2010 (GMT+7)

Lấy đổi mới và sáng tạo làm động lực phát triển, tập đoàn EVN đang thực hiện công cuộc cải cách toàn diện, tạo dựng thị trường cân bằng quyền lợi giữa người dùng & tập đoàn, xây dựng văn hóa EVN bền vững.

Truyền thống sáng tạo, dám nghĩ dám làm

Từ một gia tai nghèo nàn lạc hậu, với vẻn vẹn chỉ có 31,5 MW công suất và sản lượng khoảng 53 triệu kWh/năm, đến nay, ngành điện Việt Nam đã có tổng công suất cả nước 19.378 MW (EVN 69,68%) với sản lượng điện thương phẩm ước đạt 73 tỷ kWh, đáp ứng cơ bản nhu cầu điện cho phát triển kinh tế và điện sinh hoạt cho nhân dân.

 

Mô tả ảnh.
Đường dây cao thế 500 kV

Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững, ngành điện là ngành kinh tế kĩ thuật đầu tiên lập kế hoạch phát triển dài hạn, mở rộng mạng lưới điện theo quy hoạch dài hạn. Trong công cuộc mở rộng mạng lưới điện, không thể không nhắc tới hai công trình 500kV mạch 1 và mạch 2.

Tại thời điểm 1992, miền Bắc dư thừa điện, còn miền Trung và miền Nam lại trong cảnh thiếu điện trầm trọng. Phương án xây dựng đường dây 500 kV để chuyển tải lượng điện thừa sẽ tiết kiệm hơn phương án xây nhà máy điện tại chỗ trong điều kiện phải hoàn thành trong hai năm. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia kĩ thuật nước ngoài cùng với quyết tâm và nỗ lực không mệt mỏi của công nhân, kĩ thuật viên ngành điện, đúng đến 27/5/1994, đường dây 500kV mạch 1 dài 1487km, 3436 cột đã đóng điện vận hành.

10 năm sau đó, vào năm 2004, Việt Nam quyết định tự thiết kế, xây dựng đường dây 500kV mạch 2. Không còn các chuyên gia nước ngoài hỗ trợ thiết kế, giám sát nhưng chỉ sau 1 năm, công trình 500kV mạch 2 dài 1596,3km với 3729 cột đã hoàn thành và đưa vào vận hành.

Hai công trình này đã trở thành hai mạch xa lộ truyền tải điện Bắc Nam, giúp khai thác tối ưu các nguồn điện trong hệ thống, thể hiện tinh thần dám nghĩ dám làm của CBCNV ngành điện.

Cải cách hướng tới xây dựng thị trường điện

Năm 2006, tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN chính thức ra mắt, đánh dấu bước ngoặt trọng đại, đưa ngành điện trở thành một tập đoàn kinh tế. Lúc này yêu cầu mới đặt ra là phải cải cách thị trường điện trong nước. Theo kinh nghiệm quốc tế, cạnh tranh tạo ra áp lực tăng năng suất tới 60% và giảm chi phí khâu phát điện tới 40%. Tuy nhiên, cải cách thị trường điện là một quá trình, tùy thuộc vào điểm xuất phát của mỗi nước bởi nóng vội sẽ thất bại.

Mô tả ảnh.
Đưa điện về vùng cao phục phụ đồng bào

Việt Nam vẫn đang trong tình trạng thiếu điện nên cơ chế thị trường không thể tự vận hành giá theo nguyên tắc chung. Bởi vậy, phải xây dựng được lộ trình cải cách thích hợp.

Là nòng cốt của ngành công nghiệp điện, EVN mà trước đó là Tổng công ty điện lực Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu phát triển điện từ năm 2004. Chuẩn bị cho bước gia nhập thị trường, EVN xây dựng hệ thống công nghệ thông tin để quản lý chuyển tải, hệ thống thanh toán; xây dựng mức giá; tìm cách tiết kiệm chi phí... Trở thành "bà đỡ" của quá trình thị trường hóa ngành điện giúp thị trường điện đứng vững và chuyển thành công sang thị trường cạnh tranh là "sứ mệnh" mà Chính phủ giao cho EVN trong giai đoạn mới này.

Song song với việc đầu tư, mở rộng điện lưới quốc gia, EVN bắt đầu tham gia vào các ngành nghề kinh tế khác như viễn thông, ngân hàng... và bước đầu đạt được những thành quả nhất định.

Bên cạnh nhiệm vụ kinh tế, EVN cũng không quên trách nhiệm cộng đồng khi đưa dòng điện quốc gia thắp sáng 100 % số huyện, 97,2% số xã và 94,67 % số hộ dân nông thôn trên cả nước. Năm 2009, lần đầu tiên người dân nông thôn được bình đẳng với khu vực đô thị về giá mua điện sinh hoạt. Người nghèo được hưởng giá điện ưu đãi thấp hơn giá sản xuất, được bù giá 30 - 40% so với giá bán điện bình quân trong 50kwh đầu tiên.

Xây dựng văn hóa tập đoàn bền vững

Coi đội ngũ CBCNV là nguồn tài sản quý, là nguồn lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy tập đoàn phát triển, EVN đang tích cực xây dựng và triển khai văn hóa doanh nghiệp. Trong đó chú trọng văn hoá ứng xử giữa CBCNV với khách hàng, giữa cấp trên với cấp dưới ; nhằm làm cho bộ máy doanh nghiệp chỉnh chu, quy củ; hoạt động kinh doanh có hiệu quả, củng cố niềm tin người tiêu dùng.

Mô tả ảnh.
Nụ cười thân thiện - một nét văn hóa EVN.

EVN đã mời PGS TS Nguyễn Mạnh Quân - Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tư vấn thẩm định tài liệu Văn hóa EVN và xác định 5 giá trị cốt lõi:

1. Triết lý hành động Quản lý bằng giá trị
2. Phương châm quan hệ với khách hàng, đối tác, cộng đồng, chính phủ  Quản lý bằng lời hứa
3. Phương châm quan hệ với người lao động, đồng nghiệp, chủ sở hữu  Quản lý bằng sự cam kết
4. Phương châm “tự quản lý”  Quản lý bằng sự tử tế
5. Phương châm điều hành tổ chức Quản lý bằng nề nếp

Trong tập đoàn, các hoạt động thi đua, khen thưởng với tiêu chí khen đúng mức, đúng đối tượng được đẩy mạnh giúp EVN nhân rộng được điển hình. Phong trào "Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất" đã thu được hàng ngàn sáng kiến được áp dụng vào sản xuất, làm lợi hàng chục tỷ đồng.

Các hoạt động văn hóa như hội thi Văn hóa Doanh nghiệp trong nữ CBCNVLĐ, “EVN vòng tay nhân ái” giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn trong tập đoàn... thường xuyên được tổ chức.

Từ năm 1995 đến nay, EVN đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào các quỹ tấm lòng vàng, quỹ xoá đói giảm nghèo, quỹ giúp trẻ em nghèo vượt khó, khắc phục hậu quả lũ lụt... và đang phụng dưỡng suốt đời gần 300 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hỗ trợ gần 280 tỷ đồng cho 3 huyện nghèo của tỉnh Lai Châu là Phong Thổ, Than Uyên và Tân Uyên phát triển kinh tế-văn hoá-xã hội một cách bền vững.

Phát biểu về công cuộc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, một đại diện EVN cho biết: "Việc cụ thể hóa văn bản văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn là sự cố gắng nỗ lực cụ thể hóa văn hóa doanh nghiệp thấm nhuần vào tư tưởng cán bộ công nhân viên công ty. Mặc dù, trong thời gian qua ngành Điện đã có nhiều đổi mới trên mọi lĩnh vực, nhưng một bộ phận rất nhỏ CBCNV vẫn còn tư tưởng độc quyền, hách dịch, vòi vĩnh khách hàng, làm mất lòng tin, ảnh hưởng đến môi trường “Văn hoá doanh nghiệp EVN”. Một bộ phận CBCNV đối với cấp trên thì xun xoe bợ đỡ, đối với dưới thì hống hách, cửa quyền. Tôi tin rằng, khi guồng máy văn hóa doanh nghiệp EVN với những quy tắc chuẩn mực vận hành trơn tru, thì những “con sâu làm rầu nồi canh” này sẽ bị bắn ra ngoài quỹ đạo."

  • Nguyễn Sơn

Ý kiến của bạn

Các tin khác