221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1256157
Mệt mỏi với triều cường
0
Article
null
TP.HCM:
Mệt mỏi với triều cường
,

- Cuộc chiến giữa con người với "bà thủy” ở TP.HCM ngày càng tỏ ra không cân sức, đã có phương án đặt ra là tìm cách thích nghi để chung sống với triều cường?

Cứ triều cường là… bể bờ bao!

Trận vỡ bờ bao bằng bê tông tại khu vực rạch Võ, khu phố 8, phường Hiệp Bình Phước sáng 4/1 khiến một số nhà dân khu vực rạch Võ vẫn còn bị ngập nước, sinh hoạt của người dân chưa thể trở lại bình thường.

Đến trưa ngày 5/1, ông Nguyễn Thế Hiệp, nhà số 30/10 khu phố 8, phường Hiệp Bình Phước cho biết toàn bộ nhà bếp, khu vực sau nhà và sát bên cạnh là nhà cô con gái vẫn còn ngập nước. “Tôi dựng căn nhà tạm cho cô con gái mới lập ra đình về ở. Vậy mà cứ mưa lớn, triều cường là nước lại vào nhà lêng láng. Riết rồi nó không dám ở đây nữa phải lên nhà ba mẹ ở nhờ” - ông Hiệp nói.

Trưa ngày 5/1, căn nhà của ông Hiệp vẫn bị ngập trong nước. Ảnh: Thái Phương

Không chỉ nhà bị ngập mà ao cá sau nhà cả ngàn con cũng trôi theo đợt triều cường sáng 4/1. Nhìn đàn cá tung tăng khắp sân, sau vườn rồi chui cả vào… nhà mà xót ruột. Chỉ cần nhìn kỹ chỗ ngập nước kia là có thể thấy cá trong ao nhà tôi bơi tung tăng. Giờ ăn thì lấy cần, vợt vớt lên ăn chứ bắt chúng xong cũng chẳng biết thả đi đâu vì ao vẫn bị ngập, ông Hiệp vừa nói vừa chỉ tay vào chỗ ngập nước bên hông nhà.

Tại khu vực đoạn đê bao bê tông tường chắn bị vỡ sáng 4/1, một số công nhân đang tiếp tục đắp bùn, gia cố cừ tràm rồi kè tấm đan bê tông khắc phục sự cố.

Đoạn đê bao bê tông bị vỡ sáng 4/1 vẫn đang được khắc phục bằng bùn đất, cừ tràm... Ảnh: Thái Phương

Ông Nguyễn Văn Ngà, cán bộ giao thông thủy lợi phường Hiệp Bình Chánh cho biết đoạn đê bao bê tông tường chắn bị vỡ ở rạch Võ, khu phố 4 được xây dựng từ năm 2006. Khi đó, đoạn đê bao bê tông này không được đóng cừ tràm ở dưới chân bảng đáy phía dưới (giống như móng nhà - PV) khiến nước triều dâng cao, chảy mạnh làm đê bị vỡ.

Trong ngày hôm nay (5/1), phường đã cho người đi phát quang xung quanh hệ thống đê bao, kiểm tra các vị trí xung yếu có nguy cơ bể, gia cố lại. Đồng thời, UBND quận cũng nhất trí phương án sẽ lắp đặt cống ngăn triều ở đầu rạch Võ đề phòng khi nước triều dâng cao, ông Ngà nói thêm.

Được biết, đến thời điểm này đã có khoảng 3km đê bao bê tông trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh được đưa vào sử dụng.

Theo quan sát của chúng tôi, hệ thống đê bao bằng bê tông này gồm những tấm đan bê tông 2m x 1m, bề dày khoảng 10cm rắp nối với nhau. Dù đê bao được dựng bằng bê tông nhưng chỉ “mỏng manh” đơn giản như thế này, một số đoạn tấm đan còn bị nứt liệu có chống chọi lại sức nước mạnh khủng khiếp từ “bà thủy” khi triều cường dâng cao?, một người dân khu phố 8 lo ngại.

Người dân phải “sống chung với triều cường”?

Trong cuộc chiến với “Thủy Tinh” từ xưa đến nay, nhiều người vẫn quan niệm chống tuyệt đối: Phải xây dựng đê bao kiên cố quanh thành phố mới đủ sức ngăn triều, ngăn lũ từ thượng nguồn xả về…

Thế nhưng một thực tế là người dân đang phải chịu đựng nỗi khổ ngập nước mỗi lần triều dâng dù hệ thống đê bao không ngừng được xây dựng, gia cố. Một ví dụ nhỏ là đoạn đê bao rạch Võ vừa bị vỡ được xây dựng thí điểm từ năm 2006 với cao trình 1,8m. Mỗi năm mực triều cường tăng dần lên khiến hệ thống đê bao này không còn phù hợp.

Chẳng hạn đợt triều cường cao kỷ lục 1,56m hồi tháng 11 không vỡ nhưng nước dâng cao tràn bờ vẫn gây ngập nhà dân. Và hiện nay các công trình tường chắn bê tông đang thi công đều có cao trình 2,2m, ông Ngà cho biết.

Nhìn vào hệ thống đê bao bằng bê tông "mỏng manh" như thế này nhiều người không khỏi lo ngại liệu nó sẽ chống chọi được những lần "bà thủy" ghé thăm tiếp theo? Ảnh: Thái Phương

Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP.HCM, năm 2009 thành phố xảy ra 4 đợt triều cường lớn là bể 39 đoạn bờ bao với chiều dài 295m. Trong đó đợt triều cường cao kỷ lục 1,56m vào đầu tháng 11/2009 gây thiệt hại nặng nề nhất, làm bể 26 đoạn bờ bao, ngập 61ha trên địa bàn quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Củ Chi, Nhà Bè.

Trước tình hình này, Tiến sỹ Hồ Long Phi, ĐH Bách Khoa TP.HCM cho rằng tư tưởng chống tuyệt đối với thiên nhiên dường như đã không còn phù hợp, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp như hiện nay. “Người dân đừng bao giờ hy vọng có giải pháp tuyệt đối chống lại triều cường mà phải thích nghi và tìm cách sống chung với nó. Chống lại thiên nhiên là cuộc chiến không cân sức nên quan trọng là phải nghiên cứu kết hợp hài hòa mối quan hệ giữa việc chống tuyệt đối hay thích nghi một phần” - ông Phi nói.

Và trước khi các chuyên gia tìm được phương án thích nghi với "bà thủy", người dân thành phố đành phải tiếp tục chịu cảnh tát nước mỗi đợt triều cường như thế này. Ảnh: Thái Phương

Theo đó, những khu vực có địa hình thấp trũng cần hướng người dân tìm các biện pháp thích nghi như khu vực Cần Giờ nên phát triển đê chắn sóng, chắn gió bảo vệ khu trung tâm thành phố…

Thực tế, mỗi năm ngân sách thành phố rót hàng chục tỷ đồng cho công tác chống sạt lở bờ sông, gia cố hệ thống đê bao từ cách làm đơn giản, tạm bợ… vỡ đâu đắp đó cho đến xây kè bê tông, làm các dự án lập hệ thống đê bao kiên cố. Thế nhưng cứ mỗi lần triều cường, mưa lớn là người dân lại sống trong cảnh ngập lụt, hoa màu mất trắng… tiền tỷ trôi sông. “Thay vì tìm cách chống "bà thủy", thành phố nên dùng số tiền gia cố, đắp đê vỡ hỗ trợ cho người dân xây nhà để thích nghi, “sống chung với triều cường”, ông Phi nêu quan điểm.

Chuyện nên sống chung với triều cường hay tìm cách chống tuyệt đối nó đang được các chuyên gia nghiên cứu kỹ lưỡng rồi mới đưa ra phương án cuối cùng. Và đến khi tìm ra được cách chung sống hài hòa với thiên nhiên, người dân thành phố đành chịu cảnh nước tràn ào ạt vào nhà, ngập lênh láng khi "bà thủy" “ghé thăm”…

Hiện có 128 công trình bờ bao phòng chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2009-2010 với kinh phí hơn 282 tỷ đồng được UBND TP.HCM phê duyệt. Đến nay chỉ mới có 9/128 công trình hoàn thành, đang triển khai 17 công trình. Đồng thời, mới chỉ 102/144 công trình bờ bao phòng chống triều cường, bờ bao kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2008 được hoàn thành trong năm nay.

  • Thái Phương
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,