221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1244533
Triều cường cao nhất năm, dân “ngụp lặn” trong nước
0
Article
null
TP.HCM:
Triều cường cao nhất năm, dân “ngụp lặn” trong nước
,

 - Triều cường lên đỉnh 1,53m (vượt mức báo động III), cao nhất từ đầu năm đến nay khiến người dân TP.HCM “ngụp lặn” trong nước. Nhiều tuyến đường bị ngập sâu, nước tràn lênh láng vô nhà. 

“Nâng nền sắp… đụng trần, vẫn ngập!”
 

Theo bản tin dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước triều đo được tại trạm Phú An và Nhà Bè vào 18h30 chiều 4/11 là 1,53m (vượt mức báo động III). 

Đợt triều cường cao nhất từ đầu năm đến nay đã gây ngập hàng loạt tuyến đường, nước tràn vào nhà dân lênh láng. 

Tại các tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Ngô Tất Tố, Phú Mỹ, Ung Văn Khiêm, D2, Nguyễn Thị Thập, Huỳnh Tấn Phát… đều bị ngập sâu trong nước. Nhiều khu vực ngập hơn 1m khiến nước tràn vào nhà dân. 

18h30 phút, cả nhà ông Đoàn Hữu Minh, nhà 47D đường Phú Mỹ, phường 22, quận Bình Thạnh hì hục kê dọn đồ đạc lên cao tránh nước ngập. Dù đã nâng nền cao hơn mặt đường khoảng nửa mét nhưng nhà ông vẫn bị ngập hơn 0,3m. 

Đồ đạc ngổn ngang trong nhà ông Minh, con gái ông chỉ biết nhìn nước lênh láng khắp nhà... Ảnh: Thái Phương

Ông Minh cho biết: “Mọi khi triều cường lên, có ngập nhưng nước chỉ xấp mặt đường chưa vô nhà. Không hiểu sao chiều nay nước lên cao quá. Đồ đạc trong nhà ướt sạch, mấy cái tủ bằng gỗ bị ngập nước chắc hư hết”. 

Theo quan sát của PV VietNamNet, hầu hết nhà trong các con hẻm dọc đường Phú Mỹ đều được nâng nền lên cao khoảng nửa mét so với mặt đường nhưng vẫn không tránh khỏi ngập nước. 

Nhìn cảnh nước ngập lênh láng, nhiều gia đình vừa hì hục tát nước vừa lắc đầu ngao ngán… “Mười mấy năm nay rồi cô ơi, cứ triều cường lên là đường ngập nước tràn vô nhà. Chẳng biết bao giờ mới thoát khỏi cảnh này” - chị Tâm, người dân phường 22, quận Bình Thạnh than. 

“Chụp hình rồi có hết ngập không? Nhiều năm nay cứ ngập là có báo chí đến quay phim, chụp hình nhưng rồi đâu lại vào đấy! Chúng tôi vẫn phải lội nước, tát nước bì bõm như thế này” - một người dân bức xúc. 

Còn ông Nguyễn Trung Thịnh, số nhà 31C/1 đường Phú Mỹ than thở, căn nhà ông nâng nền mấy lần nhưng vẫn không hết ngập. “Cách đây vài ngày, tôi thuê người tiếp tục nâng nền cao hơn nửa mét so với mặt đường, đã sắp đụng trần mà vẫn nước vẫn ào ào vào nhà như thế này!” - ông Thịnh vừa nói vừa chỉ đống đồ đạc được đưa vội lên cao. 

Ngán ngẩm sống chung với triều cường 

Trước đó, sáng ngày 4/11, mức triều lên cao 1,46m (vượt mức báo động II) đã làm vỡ một đoạn bờ bao, gây ngập nặng nhiều căn nhà ở phường An Phú Đông, quận 12. Dự báo, trong hai ngày tới triều cường vẫn ở mức cao 1,50m ngày 5/11 và 1,46m ngày 6/11 rồi mới bắt đầu rút xuống. 

Chiều 4/11, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP.HCM đã có công điện khẩn gửi các địa phương trước tình hình đợt triều cường lên cao vượt mức báo động III.

Theo đó, UBND các quận, huyện, đặc biệt quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, phải tổ chức rà soát tại các vị trí xung yếu ngay trong ngày khi mực nước triều dâng cao. Tập trung huy động lực lượng, vật tư (cừ tràm, phên tre, bao tải cát…), kinh phí và các nguồn lực khác tại những vị trí xung yếu có nguy cơ xảy ra tràn bờ, bể bờ bao để xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Nước tràn từ ngoài sông vào tràn vỡ bờ bao, ngập nhà dân ở phường An Phú Đông, Q.12. Ảnh: CTV

Ngoài ra, UBND các quận huyện cần chủ động trong công tác chỉ đạo xử lý khắc phục không để xảy ra ngập úng, gây thiệt hại cho người dân.

Trung tâm chống ngập nước thành phố cũng cho biết đã lắp đặt xong trên 250 van ngăn triều dọc cửa xả các kênh, rạch để chống triều cường. Trong thời gian tới trung tâm chống ngập sẽ tiếp tục lắp đặt thêm 200 van ngăn triều dọc tuyến kênh, tại các vị trí thường xuyên bị triều cường “tấn công”.

Được biết, hiện thành phố có 37 vị trí đê bao xung yếu có nguy cơ bể bất cứ lúc nào cần phải được gia cố lại nằm trên địa bàn các phường Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, Tam Phú, Linh Đông (quận Thủ Đức); phường An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân (quận 12); xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn); xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi); phường 28 (quận Bình Thạnh)… Tới thời điểm này vẫn còn 7/37 vị trí đang tiến hành triển khai… 

Trong khi đó, Dự án bờ hữu ven sông Sài Gòn lại đang tiến hành chậm chạp, chưa biết khi nào xong.

Và trong khi chờ đợi các dự án cấp bách gia cố đê bao xung yếu, lắp đặt van ngăn triều hoàn thành, người dân vẫn phải ngán ngẩm sống chung với triều cường, ngập nước và… chạy loạn mỗi lần bể bờ bao.

Một số hình ảnh PV VietNamNet ghi lại chiều 4/11: 

Người dân trên đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh tát nước ra khỏi nhà. Ảnh: Thái Phương 

 

Trẻ em cũng hì hục tát nước. Ảnh: Thái Phương 

Nước ngập sâu ngập bánh xe khiến người đi đường phải dắt bộ. Ảnh: Thái Phương 

Người dân thành phố đã quen với triều cường, ngập nước. Ảnh: Thái Phương 

Xe đạp cũng không thể đi được vì nước ngập quá sâu. Ảnh: Thái Phương 

Có nơi ngập sâu hơn 1m, lút cả bánh xe, dắt bộ cũng khó khăn. Ảnh: Thái Phương 

Trong lúc chờ các dự án chống ngập cấp bách, lâu dài hoàn thành, người dân đành chấp nhận sống chung với triều cường. Ảnh: Thái Phương 

  • Thái Phương
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,