Phim chiến tranh không "đùng đoàng"
08:07' 05/08/2004 (GMT+7)

(VietNamNet)  - Không nhiều tiếng súng, chỉ có tiếng rì rào của những rặng trâm bầu xanh ngắt che bộ đội, liệu có làm nên một bộ phim chiến tranh?

Diễn viên Trịnh Kim Chi trong vai nữ anh hùng Ngọc Hiệp.

Câu trả lời là có đối với Rặng trâm bầu (đạo diễn Bùi Đình Thứ), bộ phim về một nhân vật có thật - nữ anh hùng Đoàn Thị Nghiệp ở Tiền Giang trong chiến tranh chống Mỹ.

Tuy chỉ là một phim video kinh phí khiêm tốn 400 triệu đồng, nhưng Rặng trâm bầu được chuẩn bị rất kỹ, kỹ đến độ những gì thể hiện trên phim hoàn toàn khác xa với kịch bản gốc! Kịch bản ban đầu có tên Để lại cho anh do Trần Quang Đạo sáng tác, dựa theo một bài báo của tác giả Trầm Hương. Đó là câu chuyện về nữ anh hùng Đoàn Thị Nghiệp do chính chồng bà kể lại. Do biên kịch là người miền Bắc, thể hiện chưa được rõ nét sắc thái Nam bộ, nên khi kịch bản được chuyển cho đạo diễn Bùi Đình Thứ, anh đã nhờ chính tác giả bài báo viết lại.

Tuy Trầm Hương đã đảo nhân vật chính từ người chồng sang người vợ, nhưng đạo diễn vẫn không hài lòng. "Kịch bản vẫn chưa thể hiện được đầy đủ, trọn vẹn vị trí, vai trò quan trọng của nhân vật nữ chính", đạo diễn cho biết. Được biên kịch Phạm Thùy Nhân góp ý, kịch bản lại đưa đến tay nữ biên kịch Bích Thủy của Hãng phim Giải phóng, lần này Để lại cho anh được viết lại lời thoại, sắp xếp chỉn chu hơn, song đạo diễn Bùi Đình Thứ xác định vẫn chưa thể yên tâm cầm nó đi làm phim được. Phải đến khi ông đạo diễn kỹ tính này đích thân xuống Tiền Giang để được nghe đồng đội cũ của bà Đoàn Thị Nghiệp kể chuyện, kịch bản được sửa lại lần nữa, đoàn phim mới lên đường.

Hành quân bên dưới rặng trâm bầu.

Dựa theo lời kể của những nhân chứng còn sống, bộ phim đã có những tình tiết trung thực, sống động về người nữ anh hùng một thời lửa đạn nay đã được tỉnh Tiền Giang tạc tượng. Chuyện bà đi lấy xác đồng đội bị địch đem ra nhử quân ta, chuyện tranh nhau với cấp dưới tung lựu đạn hy sinh để cứu đồng đội, chuyện bà bắt sống lính Mỹ ở căn cứ Đồng Tâm và cả chuyện bắt rắn hổ... Đặc biệt là phương pháp đánh giặc, thu phục kẻ địch rất riêng của bà. Tất cả đều được đưa vào phim. Đó chính là phần hồn của một bộ phim chiến tranh mà không cần nhiều đến tiếng gầm gào của bom đạn.

Một điều thú vị là trong kịch bản ban đầu không hề nhắc đến hình ảnh cây trâm bầu, thế nhưng trên phim thì trâm bầu xuất hiện khắp nơi. Đoàn phim đã đi khắp tỉnh Tiền Giang, tìm nơi mà trâm bầu chưa bị chặt bỏ để quay những cảnh bộ đội, dân quân hành quân ngang qua và đánh Mỹ trong rừng cây dại có sức sống mãnh liệt này. Cảnh bộ đội đào hầm bí mật trong rặng trâm bầu, dùng lá trâm bầu ngụy trang... đã được thực hiện tại một rặng trâm bầu dài cả cây số còn sót lại ở huyện Cai Lậy. Tên phim cũng được đổi từ đây, và được chính những nhân chứng khen ngợi vì đã nói đúng về hoàn cảnh chiến đấu của họ trong những năm tháng chiến tranh.

Vì là một bộ phim truyện, nên nguyên mẫu Đoàn Thị Nghiệp trên phim được đổi thành Ngọc Hiệp (diễn viên Trịnh Kim Chi) và được thêm thắt nhiều chi tiết hư cấu giúp tính cách nhân vật rõ nét hơn. Đây đã là phim thứ ba về đề tài chiến tranh cách mạng của đạo diễn Bùi Đình Thứ (sau Mặt trận không tiếng súngNhững ngôi sao biển). Anh tâm sự: "Tôi nghe các nhân chứng kể chuyện, lúc khóc, lúc cười và thấm chuyện phim vào mình. Tôi thực hiện bộ phim trong áp lực của các nhân chứng là phải làm đúng như những gì họ... kể, bởi vì nó đúng với những kỷ niệm mà họ có với người đồng đội đã hy sinh".

Rặng trâm bầu do Hãng phim Phương Nam, Phát hành phim Quân đội và Đài Phát thanh truyền hình Tiền Giang phối hợp sản xuất, sẽ được công chiếu tại các rạp nhân kỷ niệm Quốc khánh 2/9 năm nay, sau đó phát sóng trên truyền hình dịp 22/12.

  • Võ Tiến

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Hai nhân vật gánh "Mảnh trăng côi" (04/08/2004)
Eric Bana được chọn vào vai James Bond (03/08/2004)
Khởi động LHP Việt Nam XIV (03/08/2004)
"The Village" càn quét thị trường phim Bắc Mỹ (02/08/2004)
Tìm kiếm kỷ lục Guiness VN trên truyền hình (02/08/2004)
Công chiếu bộ phim về vị vua cuối cùng Bảo Đại (01/08/2004)
"Không phải mọi show 'Gặp nhau cuối tuần' đều hay" (31/07/2004)
Một ngày làm người khác (30/07/2004)
Gala cười 2004: Tái ngộ đầy ấn tượng! (30/07/2004)
Cuộc ra quân của những ca sĩ trẻ và mới (29/07/2004)
"Lò luyện" diễn viên tư nhân đầu tiên ở Việt Nam (29/07/2004)
Thực hiện bộ phim tài liệu lớn nhất từ trước tới nay (28/07/2004)
"Điện ảnh Mỹ chẳng có gì là ghê gớm" (27/07/2004)
Damon Supreme thế chỗ người máy "I, Robot" (26/07/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang