Phán quyết cuối cùng về vụ kiện cá tra, cá basa:
DOC đã sử dụng 4 yếu tố bất hợp lý
11:31' 24/06/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Qua phân tích cách tính thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra, cá basa filê đông lạnh của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC), ngày 23/6, Bộ Thủy sản khẳng định, DOC đã sử dụng 4 yếu tố hết sức vô lý. Theo đó, họ đã bỏ qua tính chất liên hoàn trong quy trình sản xuất của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, dùng thủ thuật để làm xiếc số liệu nhằm đẩy mức thuế chống bán phá giá lên cao, từ 36,84 đến 63,88%.

4 yếu tố phi lý

 
DOC đang đi ngược lại xu hướng tự do hoá thương mại.

Thứ nhất, DOC đã bỏ qua tính chất liên hoàn trong quy trình sản xuất của các DN Việt Nam, từ khâu ương trứng, nuôi thương phẩm đến khâu chế biến cá filê. Thay vào đó, họ chỉ sử dụng giá trị thay thế của cá nguyên con tại công đoạn filê là 1,23 USD/kg, như đã làm khi ra quyết định sơ bộ (sau đó, chính DOC đã phải điều chỉnh). Giá trị này do Hiệp hội các nhà nuôi cá nheo Mỹ (CFA) cung cấp, lấy từ báo cáo tài chính của một công ty chế biến cá của Bangladesh. Mặc dù không bác bỏ thực tế sản xuất liên hoàn của các DN Việt Nam, nhưng DOC lại viện lý do không tìm thấy DN tương ứng nào của Bangladesh thực hiện sản xuất liên hoàn như Việt Nam để biện minh cho cách tính giá thành từ cá nguyên liệu. Đây là sự ngụy biện hết sức trắng trợn nhằm áp đặt mức thuế cao với các DN, bất chấp thực tế sản xuất tại Việt Nam.

Thứ hai, trong quyết định sơ bộ, DOC đã khấu trừ vào chi phí sản xuất giá bán da cá, đầu cá, khi doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm này, với giá xuất thực tế sang các nước. Tuy nhiên, tại phán quyết cuối cùng, DOC đã thay đổi phương pháp tính khi không tính giá xuất khẩu thực tế da cá, đầu cá. Thay vào đó, họ sử dụng giá trị thay thế căn cứ vào giá của Bangladesh cho các phụ phẩm này. Kết quả, giá trị phụ phẩm được bù trừ trong trong chi phí sản xuất của từng DN chỉ bằng 1/2 giá trị bù trừ được sử dụng trong quyết định sơ bộ. Sự sửa đổi này có tác động đáng kể, làm tăng thuế suất so với quyết định sơ bộ.

Thứ ba, DOC đã tính thuế suất cụ thể cho từng DN, bằng cách so sánh chi phí sản xuất với giá bán tại Hoa Kỳ dựa trên tổng trọng lượng, bao gồm cả nước để sử dụng mạ băng thành phẩm. Cách tính này cũng đã thay đổi so với phương pháp tính tại quyết định sơ bộ trước đó, khi DOC áp dụng chi phí và giá được chuyển đổi sang trọng lượng tĩnh để tính thuế suất chống bán phá giá.

Thứ tư, tại quyết định sơ bộ, DOC đã tính giá trị thay thế đối với chi phí quản lý, chi phí bán hàng chung, hành chính và lợi nhuận chủ yếu dựa trên số liệu báo cáo tài chính năm 2001-2002 của một công ty thuỷ sản Bangladesh. Trong quyết định cuối cùng, một lần nữa, DOC lại sử dụng báo cáo tài chính của công ty này, song lại tính bình quân số liệu đó với số liệu trong báo cáo tài chính năm 2000 của một công ty thuỷ sản Bangladesh khác. Sự thay đổi phương pháp tính này là sai lầm, vì nó đi ngược lại tập quán của DOC khi tính bình quân các dự liệu báo cáo tài chính từ hai giai đoạn báo cáo khác nhau.

Ngoài ra, Bộ Thuỷ sản cũng khẳng định, bằng nhiều thủ thuật về số liệu khác, DOC đã bỏ qua nhiều thông tin từ phía các DN Việt Nam, cố tình áp đặt mức thuế cao.

Trước đó, ngày 20/6, đại diện lãnh đạo Bộ Thủy sản đã có cuộc gặp với Tham tán kinh tế Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam để phản ứng về quyết định cuối cùng của DOC. Vị Tham tán này cho biết, Đại sứ quán Hoa Kỳ rất phiền lòng về mức thuế cao do DOC đưa ra, đồng thời, đề nghị Việt Nam nhanh chóng có các phản ứng mạnh mẽ và nêu các lý lẽ để DOC xem xét lại mức thuế này.

Ngày 23/6, Bộ Thuỷ sản đã có công văn báo cáo  Chính phủ về tình hình vụ kiện bán phá giá cá tra, cá basa. Theo đó, Bộ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và ngân hàng sớm có cơ chế hỗ trợ người dân và DN giải quyết những khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu cá thời gian tới. Bộ Thuỷ sản cũng nhấn mạnh,  thời gian qua, Bộ cũng như Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã chủ động mở thị trường xuất khẩu mới, cũng như phát triển thị trường nội địa.

Song, để giảm đến mức thấp nhất tác động của vụ kiện đến người nuôi cá cũng như các DN, ngày 27/6 tới, tại TP.HCM, Bộ sẽ họp với lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, các bộ ngành liên quan, các DN chế biến và xuất khẩu cá để bàn biện pháp giảm thiểu tác động của vụ kiện, đề xuất cơ chế quản lý sản xuất, các chính sách và biện pháp hỗ trợ người nuôi, các DN.

"Chúng tôi không nhằm bán cá tra, basa vào Mỹ"

"Chúng tôi không nghĩ rằng, thị trường Mỹ là cái đích để tiêu thụ sự dư dôi sản lượng cá tra, basa" - TS. Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Thư ký VASEP, đã khẳng định tại phiên điều trần của Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC), Washington DC., ngày 17/6. Dự kiến, trong năm 2003-2004, lượng cá tra, basa xuất sang các nước khác sẽ vượt trội so với thị trường Mỹ. Theo ông Dũng, không chỉ xuất sang Hoa Kỳ, sản phẩm cá tra, cá basa Việt Nam đang có mặt tại 26 thị trường khác. Quý đầu năm nay, lượng xuất khẩu cá tra, cá basa của Việt Nam sang các thị trường này đã vượt xa so với lượng cá xuất sang Mỹ.

Trước khi vụ khiếu kiện xảy ra, VASEP và các DN thành viên đã tăng cường nỗ lực tìm kiếm thị trường ở các quốc gia khác, giảm thị phần các sản phẩm cá tra, basa tại Hoa Kỳ. Song, ông Dũng cho rằng, điều trớ trêu là các chiến dịch tuyên truyền ồn ào của nguyên đơn (tức Hiệp hội các nhà nuôi cá nheo Mỹ - CFA) liên quan đến cá tra, basa và luật ghi nhãn cá catfish Mỹ, khiến cho cá tra, cá basa được quan tâm nhiều hơn trên thế giới - đây thực sự là một sự quảng bá vô giá. Điều này giúp Việt Nam tăng lượng xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường khác.

Do vậy, các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam không bị lệ thuộc vào việc xuất khẩu filê cá tra, cá basa đông lạnh vào thị trường Hoa Kỳ để tồn tại. Ngược lại, trước khi BTA được ký kết, Việt Nam chỉ có thể xuất rất ít sang thị trường Mỹ, trong khi các sản phẩm cá tra và basa đã được xuất khẩu rất thành công sang thị trường Australia, Hongkong, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và các nước châu Á, từ lâu trước khi chúng xuất hiện ở Hoa Kỳ.

Ngoài ra, cá tra và basa tiêu thụ rất mạnh tại thị trường nội địa, với nhu cầu lớn và ngày càng tăng. Điển hình như Công ty Agifish với trên 50 sản phẩm GTGT để tiêu thụ trong nước và xuất sang các nước, ví như các sản phẩm ăn liền, thực phẩm phối chế gốc cá tra, cá basa hun khói.... Mức tiêu thụ các sản phẩm trên tính trên đầu người tại Việt Nam cao hơn nhiều mức tiêu thụ cá nheo tính trên đầu người tại Mỹ. "Vì lẽ đó, chúng tôi không nghĩ rằng, thị trường Mỹ là cái đích để tiêu thụ sự dư dôi sản lượng", ông Dũng nhấn mạnh.

Hiện nay, mức huy động công suất chế biến của các DN sản xuất filê đông lạnh cá tra, cá basa tại Việt Nam hiện ở mức cao, và sẽ còn cao trong nhiều năm tới. Báo cáo của chính USITC cho thấy, trong suốt giai đoạn điều tra, mức huy động năng lực sản xuất của các DN đã đạt đến 84-86%. Nhìn chung, các DN sản xuất filê đông lạnh cá tra, cá basa Việt Nam không có xu hướng giữ lượng hàng tồn kho lớn.

Do vậy, bằng quyết định bảo hộ bất công và sai trái này, một lần nữa, DOC đã đi ngược xu hướng tự do hóa thương mại, điều mà Hoa Kỳ nhiều lần khuyến cáo. Dường như một lần nữa, họ muốn tái lập chính sách cấm vận, ít nhất đối với một mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam.

Trước đó, luật về ghi nhãn cá catfish đã có hiệu quả như dự kiến. Cá tra, cá basa đã và đang được chào bán riêng rẽ, hoàn toàn khác biệt với cá nheo Mỹ, kết quả là ngành công nghiệp cá nheo của Hoa Kỳ đã được phục hồi. Vì vậy, VASEP khẩn thiết đề nghị USITC để luật ghi nhãn tiếp tục phát huy đầy đủ hiệu lực trong việc điều tiết thị trường. Để thực hiện điều đó, không cần đến thuế chống bán phá giá.

  • Hà Yên
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Sẽ thu hồi đất nông, lâm trường sử dụng sai mục đích (24/06/2003)
Sở hữu tài sản không đảm bảo visa du học (24/06/2003)
Xây dựng khu liên hiệp nhựa ở Long An (24/06/2003)
DN được ''vay'' hạn ngạch dệt may 2004. (24/06/2003)
Dự án Dung Quất: Có thể sẽ mời nhà thầu mới (24/06/2003)
Truy thu thuế cơ sở kinh doanh xe máy vi phạm về giá bán (24/06/2003)
Doanh nghiệp có thể vay 85% giá trị hợp đồng khi nhập khẩu từ OECD (23/06/2003)
6 tháng, xuất khẩu thuỷ sản đạt gần 1 tỷ USD (23/06/2003)
Việt Nam tổ chức Triển lãm Nông nghiệp ASEAN (23/06/2003)
Dân có thể góp ý về Luật Đất đai qua mạng (23/06/2003)
Sử dụng quỹ chống kinh doanh trái pháp luật: Thiếu thống nhất và dễ tuỳ tiện (23/06/2003)
Cần Thơ xuất 5 mặt hàng thuỷ sản mới (23/06/2003)
"GDP vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải đạt 14-15%" (23/06/2003)
Mở rộng KCN Điện Nam - Điện Ngọc thêm 300ha (23/06/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang