Dân có thể góp ý về Luật Đất đai qua mạng
15:29' 23/06/2003 (GMT+7)
 (VietNamNet) - '' Góp ý qua mạng Intemet cũng là một kênh. Nói chung những việc QH bàn đều là v iệc của dân, rất ít những vấn đề cơ mật. Vì thế chúng ta hoàn toàn công khai không chỉ trong nước mà cả thế giới'', Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã nói như vậy khi trao đổi cùng các phóng viên báo Tuổi Trẻ, Tiền Phong, VietNamNet VNExpress bên hành lang phiên họp của Ủy ban Thường vụ tháng 6.
 
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An: các cơ quan liên quan cần gợi ý nội dung còn mắc mớ.

Chủ tịch Nguyễn Văn An cũng nói: '' Chúng tôi hoan nghênh các cơ quan báo chí đăng tải những dự thảo luật, đặc biệt lưu ý những đối tượng mà luật điều chỉnh. Thật ra, ngay từ khi cơ quan nhà nước ''nhúc nhích'' soạn thảo người dân cũng biết rồi và mọi người đều có quyền góp ý kiến. Như thế chỉ có tốt và người dân sẽ nắm chắc hơn các điều luật khi nó đi vào cuộc sống''.

- Thưa Chủ tịch, QH đã dự kiến tháng 9 tới sẽ tiến hành trưng cầu ý dân đối với Dự án luật hết sức quan trọng là Luật đất đai và Bộ Luật Tố tụng hình sự. Kế hoạch này sẽ triển khai ra sao để có thể lấy ý kiến đầy đủ, rộng rãi nhất từ người dân. Nội dung trưng cầu gồm cả dự luật hay chỉ tập trung một số vấn đề ?

- Thường vụ QH, Văn phòng QH sẽ phối hợp Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố toàn văn hai dự án này. Nhân dân có thể tham gia đóng góp ý kiến toàn bộ những vấn đề quan tâm, không hạn chế gì cả. Nhưng các cơ quan liên quan bao giờ cũng gợi ý một số nội dung đang còn mắc mớ để việc góp ý có trọng tâm. Chúng ta thực hiện lấy ý kiến toàn dân song khâu tổ chức cũng phải theo hệ thống vì thời gian có hạn.

- Một trong những đổi mới tạo nét nổi bật của Kỳ họp Quốc hội vừa qua đã được thể hiện ở nội dung chất vấn. Đại biểu thật sự tranh luận qua lại với các thành viên Chính phủ. Liệu cách làm ấy sẽ còn tiếp tục tại các kỳ họp tới?

- Theo tôi, vẫn có thể lặp lại bởi còn tuỳ cách ứng xử lúc cụ thể của người điều hành phiên họp. Và không phải chỉ hai cách làm vừa nêu, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tới đây còn phải tiếp tục đổi mới hơn nữa để thực chất hơn, đúng tầm hơn. Hướng sau này Hội đồng dân tộc và các Ủy ban cần làm sâu hơn để các bộ phải ''tường trình'' thật kỹ về những vấn đề do các cơ quan của QH đặt ra. Đến khi ra hội trường cũng cần rút kinh nghiệm. Vừa rồi các bộ trưởng được dành hơn một tiếng đồng hồ. Không nước nào làm thế. Thường người ta chỉ để mỗi thành viên chính phủ 30 phút thôi. Thời giờ còn để làm nhiều việc. Nếu không, anh cứ ngồi '' hỏi để biết'' thì đến bao giờ? Cho nên anh chỉ được hỏi những vấn đề lớn và tôi cũng chỉ có nửa giờ để giải đáp. Như vậy sắp tới chất vấn ở QH sẽ phải ngắn hơn, chất lượng hơn, nâng việc giải trình, chất vấn của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban lên cao hơn.

- Chúng ta có thể sắp xếp các vấn đề theo thứ tự ưu tiên để chất vấn và làm sáng tỏ sự việc hơn không, thưa Chủ tịch?

- Chúng tôi vẫn hay nhắc các đại biểu khi hỏi thêm thì đi thẳng vào những vấn đề đang chất vấn. Thế nhưng một số ý kiến lại cứ hỏi rộng ra. Đoàn chủ tịch có nhắc cũng rất tế nhị rằng vi ti vi đang tường thuật trực tiếp. Trong khi những người muốn tiếp tục tranh luận chưa nhiều. Với kỹ thuật bây giờ, anh có thể bấm nút đăng ký hỏi tiếp nếu cảm thấy không hài lòng câu trả lời của bộ trưởng đối với câu hỏi trước đó của anh... 

- Suốt khoá điều hành, đổi mới các hoạt động của QH vừa qua, điều gì khiến Chủ tịch hài lòng nhất? 

- Tôi chưa hài lòng cái gì cả. So với yêu cầu mình làm được còn ít quá. Không chỉ cá nhân tôi mà ngay cả QH cũng còn phải phấn đấu lớn lắm. 

- Trong đó những băn khoăn nào lớn hơn cả, thưa Chủ tịch?


- Công tác làm luật đòi hỏi yêu cầu lớn lắm, cả chất lượng lẫn số lượng. QH phải làm sao ta xây dựng được một hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ và ổn định hơn. 

Lo lắng thứ hai là cuối năm nay QH sẽ quyết việc phân bổ ngân sách. Đây là nội dung thực quyền nhất, làm chủ đích thực nhất của QH. QH tất cả các nước đều làm việc này. Ngân sách Nhà nước là tiền của dân (đóng thuế), là mồ hôi của dân, chi tiêu thế nào phải được giám sát. Việc quyết ngân sách chính là quyền lực của QH, của dân. Quyết chung chung thì không vấn đề gì lớn nhưng quyết những con số cụ thể, rồi giám sát cụ thể thì ''găng'' lắm. Bởi xét cho cùng, tất cả các tổ chức từ cơ sở trở lên nếu có tiêu cực đều do chi tiêu sai trái mà ra.

Băn khoăn thứ ba: QH vừa thông qua Luật hoạt động giám sát của QH, một cơ sở pháp lý hết sức quan trọng nhưng vấn đề là thực hiện thế nào? Tôi bây giờ lo lắm. Các anh bảo không có luật hậu quả pháp lý chẳng rõ, nay luật đã ra đời anh không thể vẫn như ngày xưa được nữa. Ngay cuối năm nay sẽ phải xem lại. Trong công văn tôi mới ký đây, Thường vụ QH đã ra đề nghị Hội đồng Dân tộc và các ban, đoàn đại biểu QH và từng đại biểu QH chuẩn bị triển khai ngay Luật giám sát, không cần đợi thêm gì nữa cả.

- Xin cảm ơn ông!

  • Hồng Phúc - ghi
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Sử dụng quỹ chống kinh doanh trái pháp luật: Thiếu thống nhất và dễ tuỳ tiện (23/06/2003)
Cần Thơ xuất 5 mặt hàng thuỷ sản mới (23/06/2003)
"GDP vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải đạt 14-15%" (23/06/2003)
Mở rộng KCN Điện Nam - Điện Ngọc thêm 300ha (23/06/2003)
Đà Nẵng đã có quyết sách đúng phát triển các khu công nghiệp (23/06/2003)
"DOC không công bằng với chính người tiêu dùng Mỹ" (23/06/2003)
Hà Nội cấp đất cho DN phải di dời khỏi nội đô (23/06/2003)
Xuất khẩu chè vào châu Phi đạt giá kỷ lục (23/06/2003)
Thị trường cho du lịch Việt Nam: Lời giải còn treo (23/06/2003)
VCBS bảo lãnh phát hành 70 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (22/06/2003)
Đà Nẵng đón tàu du lịch quốc tế đầu tiên trở lại (22/06/2003)
Để hàng vào Mỹ được thông quan (22/06/2003)
Còn khoảng cách giữa kích thước cái bánh ODA và những gì Việt Nam có thể nhận (21/06/2003)
Đã bán hết 81 lô đất ở Texas (21/06/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang