Thực phẩm biến đổi gene - nên hay không?
13:34' 02/01/2004 (GMT+7)

Thực phẩm biến đổi gene là một vấn đề nóng bỏng của thế giới ngày nay. Các tổ chức môi trường phản đối một cách mạnh mẽ, trong khi hội nghị quốc tế liên tục được tổ chức nhằm tranh luận về các thế mạnh của thực phẩm biến đổi gene. Vậy, thực phẩm biến đổi gene là gì? Làm gì để phát huy thế mạnh của nó?

Chỉ cần biến đổi một gene,cây trồng sẽ có những tính năng vượt trội.

Hiện nay, thuật ngữ thực phẩm biến đổi gene (TPBĐG) được sử dụng rộng rãi, nhằm đề cập đến các loại cây trồng áp dụng kỹ thuật phân tử tiên tiến nhất làm thực phẩm cho con người và gia súc. Các loại cây này được biến đổi gene trong phòng thí nghiệm nhằm tăng cường những đặc điểm mong muốn, sức đề kháng đối với thuốc diệt cỏ và lượng chất dinh dưỡng. Trước đây, giới khoa học cũng đã tiến hành tăng cường các đặc điểm mong muốn bằng cách phương pháp gây giống. Tuy nhiên, mọi phương pháp gây giống hiện tại đều rất mất thời gian, và thường là không chính xác.

Ngược lại, công nghệ gene có thể tạo ra những giống cây mang đặc điểm mà chúng ta mong muốn với độ chính xác rất cao. Chẳng hạn, giới nghiên cứu di truyền học có thể tách một gene có tính năng chịu hạn hán rồi cấy vào một cây khác. Nhờ đó, cây mới được biến đổi gene cũng sẽ có khả năng chịu hạn hán.

Không chỉ có gene thực vật, gene phi thực vật cũng có thể được chuyển đổi. Ví dụ điển hình nhất là gene B.t. của ngô và một số loại cây khác. B.t. là tên viết tắt của Bacillus thuringiensis, một loại vi khuẩn tạo protein dạng tinh thể hết sức độc đối với con non của côn trùng. Gene protein tinh thể B.t. đã được chuyển đổi vào ngô, giúp cho ngô tự sản xuất được chất chống lại một số loại côn trùng.

Tình trạng cây trồng biến đổi gene trên thế giới

Hiện nay, trên thế giới đã có khá nhiều cây trồng được biến đổi gene. Chẳng hạn, cà chua được thay đổi đặc tính chín, đỗ tương và củ cải đường kháng thuốc trừ cỏ, ngô và bông tăng sức đề kháng đối với sâu bọ... Năm 2000, có 13 quốc gia tham gia canh tác cây trồng biến đổi gene, trong đó nước Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất: 68%. Argentina, Canada và Trung Quốc lần lượt chiếm tỉ trọng là 23%, 7%, và 1%. Các nước còn lại bắt đầu tham gia vào lĩnh vực mới mẻ này là Australia, Bulgaria, Pháp, Đức, Mexico, Rumani, Nam Phi, Tây Ban Nha và Uruguay.

Ngô là cây trồng được biến đổi nhiều nhất trên thế giới.

Trong số các loại cây được biến đổi gene, đỗ tương và ngô được trồng rộng rãi nhất (82%), sau đó là bông và khoai tây. 74% có tính năng kháng thuốc trừ cỏ, 19% kháng sâu bệnh, 7% vừa kháng sâu bệnh vừa kháng thuốc trừ cỏ. Nhìn chung, diện tích trồng cây biến đổi gene đã tăng lên 25 lần trong vòng 5 năm qua, từ khoảng 4,3 triệu ha năm 1996 lên đến 109 triệu ha năm 2000, gần gấp đôi diện tích nước Anh. Trong đó, khoảng 99 triệu ha thuộc về Mỹ và Argentina. 

Riêng ở Mỹ, số lượng đỗ tương được biến đổi gene năm 2000 chiếm khoảng 54% tổng số cây đỗ tương trên toàn quốc (năm 1996 chỉ mới 7%), bông 61%, ngô 25%.

Lợi ích của TPBĐG

Dân số thế giới hiện nay đã ở mức 6,3 tỉ người , và con số này có khả năng sẽ tăng gấp đôi trong vòng 50 năm tới. Do vậy, đảm bảo được đầy đủ thực phẩm cho lượng dân số khổng lồ này là cả một thử thách lớn cho toàn nhân loại. Thực phẩm biến đổi gene có khả năng sẽ đáp ứng được nhu cầu này trên một số phương diện:

- Kháng sâu bọ: Thiệt hại mùa màng do sâu bọ gây ra hết sức lớn, dẫn đến cảnh nghèo đói, cực khổ đối với nông dân các nước đang phát triển. Mỗi năm, để phòng tránh sâu bệnh, nông dân thường phải sử dụng hàng tấn thuốc trừ sâu hóa học. Thực phẩm bị nhiễm thuốc trừ sâu rất độc hại, gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, dư lượng rác thải nông nghiệp từ thuốc trừ sâu và phân bón cũng góp phần làm ô nhiễm nguồn nước, từ đó gây tác động không tốt cho môi trường. TPBĐG như ngô B.t. có thể giúp chúng ta loại trừ thuốc trừ sâu hóa học, nhờ đó hạ thấp giá thành nông sản.

- Chịu thuốc trừ cỏ: Để trừ cỏ cho một số loại cây trồng, sử dụng phương pháp thủ công như cày xới tương đối tốn kém nên nông dân thường phun một lượng lớn các loại thuốc trừ cỏ khác nhau. Tuy nhiên, phương pháp này cũng đòi hỏi nhiều thời gian và tiền bạc để đảm bảo rằng thuốc trừ cỏ không làm hại đến cây trồng lẫn môi trường. Do vậy, cây trồng sẽ được biến đổi gene để tăng sức đề kháng đối với thuốc trừ cỏ mạnh nhất. Nhờ đó, nông dân chỉ cần phun một loại thuốc thay vì nhiều loại như trước, giảm bớt tổn hại đến môi trường.

- Chịu dịch bệnh: Bệnh của cây trồng do rất nhiều loại virus, nấm và vi khuẩn gây ra. Các nhà sinh học thực vật đang cố gắng tạo ra những loại cây trồng biến đổi gene có sức đề kháng đối với mọi loại bệnh.

- Chịu lạnh: Sương giá đột ngột có thể phá huỷ những cây giống nhạy cảm. Một loại gene chống giá rét lấy từ cá nước lạnh đã được cấy vào một số cây trồng như thuốc lá và cà chua. Với gene này, cây trồng có thể chịu được nhiệt độ thấp mà trước kia chúng không thể nào chịu đựng được.

- Chịu hạn/chịu mặn: Vì dân số thế giới ngày một tăng cao, đất đai sử dụng cho mục đích làm nhà ở ngày càng lấn lướt đất đai nông nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu về đất đai, nông dân buộc phải canh tác ngay cả những vùng đất vốn không phù hợp với việc trồng cấy. Tạo ra cây trồng có khả năng chịu đựng thời kỳ hạn hán dài ngày hoặc lượng muối cao trong đất và nước ngầm sẽ giúp ích rất nhiều cho nông dân.

- Dinh dưỡng: Ở các nước thuộc thế giới thứ 3, suy dinh dưỡng là hiện tượng hết sức phổ biến vì người dân thường chỉ dựa vào một loại cây trồng duy nhất làm thức ăn, chẳng hạn như gạo. Tuy nhiên, gạo không chứa đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Nếu được chuyển đổi gene, gạo sẽ chứa nhiều vitamin bổ sung và khoáng chất hơn, đủ để bù đắp cho việc thiếu hụt chất dinh dưỡng. Chẳng hạn, tại các quốc gia đang phát triển, mù do thiếu vitamin A là căn bệnh rất hay gặp. Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học cây trồng Thuỵ Sỹ đã tạo ra được giống lúa "vàng" chứa lượng vitamin A cực cao và đang chuẩn bị tạo giống lúa chứa nhiều sắt. Tuy nhiên, do phong trào phản đối TPBĐG đang lan mạnh ở châu Âu, hai giống lúa này có rất ít khả năng đến được với các nước nghèo đói.

- Dược phẩm: Chi phí sản xuất thuốc men và vaccine thường rất lớn, hơn nữa điều kiện bảo quản ở các nước thứ ba lại không được tốt. Trong khi đó, các nước này lại có tỉ lệ bệnh tật rất cao. Do vậy, giới nghiên cứu quốc tế đang tìm cách sản xuất loại vaccine ăn được, có trong cà chua và khoai tây. Nhờ đó, chúng sẽ dễ vận chuyển, bảo quản và quản lý hơn vaccine tiêm truyền thống.

Bên cạnh đấy, cây trồng biến đổi gene không chỉ đơn thuần là thực phẩm. Chúng còn góp phần giảm bớt ô nhiễm đất đai và nước ngầm trên thế giới, đồng thời làm sạch đất bị ô nhiễm kim loại nặng.

Những ý kiến phản đối TPBĐG

Rất nhiều cây trồng đã được biến đổi gene.

Rất nhiều nhà hoạt động môi trường, tổ chức tôn giáo, nhóm vì lợi ích công cộng, hiệp hội chuyên nghiệp, khoa học gia và quan chức chính phủ tỏ ra lo ngại về TPBĐG. Họ lên tiếng chỉ trích ngành nông nghiệp vì mải mê chạy theo lợi nhuận mà quên đi những tai hoạ tiềm năng, cảnh báo chính phủ vì đã không giám sát chặt chẽ đối với lĩnh vực mới mẻ này. Thậm chí đến cả Toà thánh Vatican và hoàng tử xứ Wales cũng đóng góp ý kiến về vấn đề TPBĐG. Mọi ý kiến chống lại TPBĐG đều xoay quanh 3 vấn đề cơ bản: huỷ hoại môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và lợi ích kinh tế.

Huỷ hoại môi trường

- Đe dọa thế giới sinh vật: Năm ngoái, một công trình nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí danh tiếng Nature đã chứng minh rằng phấn hoa của ngô B.t. là nguyên nhân làm tăng tỉ lệ tử vong của sâu bướm chúa. Sâu bướm chúa không ăn ngô mà ăn lá bông tai, tuy nhiên gió sẽ mang phấn hoa ngô B.t. rắc lên cây bông tai khiến cho sâu chết sạch. Vấn đề là chúng ta không thể tạo ra được chất độc B.t. chỉ giết những côn trùng có hại, đồng thời bảo vệ côn trùng vô hại được. Cho đến nay, cuộc tranh cãi về ngô B.t. vẫn chưa ngã ngũ.

- Giảm hiệu quả thuốc trừ sâu: Do một số muỗi đã trở nên miễn dịch đối với thuốc trừ sâu DDT (nay đã bị cấm sử dụng), nhiều người tỏ ý lo ngại rằng côn trùng rồi cũng sẽ kháng được B.t. hoặc các loại cây trồng biến đổi gene để chống sâu bệnh.

- Chuyển gene sai mục đích: Một trong những điều khiến nhiều người lo lắng là cây trồng được biến đổi gene để chịu thuốc trừ cỏ và bản thân cỏ sẽ lai tạo với nhau, nhờ đó cỏ sẽ được mang gene kháng thuốc trừ cỏ. Tương tự, cây trồng biến đổi gene sẽ dần chuyển gene vượt trội sang cho các giống cây khác không được biến đổi.

Đối với cả 3 vấn đề nêu trên, có một số phương pháp giải quyết như sau. Do gene được chuyển từ cây này sang cây khác qua đường thụ phấn nên chúng ta có thể tạo cây không có phấn hoặc phấn không chứa gene biến đổi. Nhờ đó, quá trình thụ phấn sẽ không xảy ra, đồng thời côn trùng vô hại như sâu bướm chúa có ăn phải phấn hoa cũng không bị tổn hại.

Giải pháp khác là tạo vùng đệm xung quanh khu vực trồng cây biến đổi gene. Chẳng hạn, chúng ta trồng ngô không biến đổi gene quanh cánh đồng ngô B.t. nhưng sẽ không thu hoạch chỗ ngô trong vùng đệm đấy. Côn trùng có lợi hoặc vô hại sẽ được dồn sang vùng đệm, sâu bọ sẽ được phép phá hoại ngô không biến đổi gene. Do đó, chúng sẽ không có khả năng kháng lại thuốc trừ sâu. Hiện tượng truyền gene sang cho cỏ và cây trồng khác cũng không xảy ra nữa, bởi vì phấn hoa không thể theo gió vượt qua khỏi vùng đệm. Theo tính toán, vùng đệm thích hợp sẽ có chiều rộng khoảng 6-30m.

Ảnh hưởng đến sức khỏe con người

- Dị ứng: Rất nhiều trẻ em ở Mỹ và châu Âu đã bị các triệu chứng dị ứng nguy hiểm đến tính mạng do lạc và một số loại thực phẩm biến đổi gene gây ra. Có thể khi gene được đưa vào cây trồng đã tạo ra chất gây dị ứng mới lên những người mẫn cảm. Một dự án kết hợp gene của lạc Brazil vào đỗ tương đã bị huỷ bỏ vì chính quyền lo sợ rằng sản phẩm mới sẽ gây dị ứng. Để tránh ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng, giới nghiên cứu cần thử nghiệm nhiều hơn đối với TPBĐG.

- Hậu quả tiềm năng: Nhiều ý kiến cho rằng đưa gene lạ vào cây thực phẩm có thể tạo nên những ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe người. Chẳng hạn, gene cấy vào khoai tây để tăng khả năng tránh tuyết là một chất rất độc đối với động vật có vú, hoàn toàn không nên sử dụng loại khoai này làm thực phẩm. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới khoa học thì ngoài việc gây dị ứng, TPBĐG không nguy hiểm gì đến sức khỏe con người.

Lo ngại về mặt kinh tế

Phấn hoa có thể sẽ không đi đến địa chỉ cần thiết.

Đưa TPBĐG ra thị trường là một quá trình tốn kém và mất nhiều thời gian. Và tất nhiên, các công ty công nghệ sinh học - nông nghiệp luôn muốn đảm bảo lợi nhuận cho khoản đầu tư của mình. Rất nhiều công nghệ biến đổi gene thực vật mới và nhiều giống cây biến đổi gene đã được cấp bằng sáng chế, vì vậy hiện tượng vi phạm bản quyền là một vấn đề lớn của ngành nông nghiệp. Nhưng các nhà ủng hộ người tiêu dùng lại cho rằng, việc cấp bản quyền cho giống cây mới sẽ làm tăng giá hạt giống, khiến cho nông dân các nước thứ 3 không đủ khả năng mua hạt giống cây biến đổi gene. Do đó, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng trở nên rộng hơn. Hy vọng rằng, các tổ chức phi lợi nhuận sẽ hạ thấp giá cả hạt giống khi bán vào các nước nghèo.

Việc thực thi luật bản quyền là điều hết sức khó khăn, bởi vì nông dân cho rằng cây trồng của họ vô tình được thụ phấn cây biến đổi gene nhờ gió. Có một giải pháp được đề xuất: cấy "gene tự sát" vào cây biến đổi gene. Khi đấy, gene chỉ có tác dụng trong một mùa canh tác, và sẽ tạo ra những hạt giống không có khả năng nảy mầm. Để tiếp tục canh tác, nông dân cũng phải mua hạt giống mới hàng năm. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn bất khả thi đối với nông dân thế giới thứ 3. Vì vậy, công nghệ gene tự sát sẽ không bao giờ được đưa vào ứng dụng nông nghiệp.

Phản ứng quốc tế

Chính phủ các nước trên thế giới đang gặp phải khó khăn rất lớn trong việc thiết lập một quy trình quản lý cây trồng biến đổi gene. Tuỳ theo từng điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội của từng nước, mỗi chính phủ lại có một cách xử lý khác nhau. Tại Nhật Bản, Bộ Y tế và Phúc lợi tuyên bố rằng mọi sản phẩm TPBĐG bắt buộc phải được thử nghiệm kỹ càng trước khi đưa vào sử dụng. Hiện nay, việc thử nghiệm chỉ được tiến hành một cách tự nguyện. Các siêu thị của Nhật đang bày bán cả TPBĐG và không biến đổi gene, nhưng người tiêu dùng có xu hướng thích các loại rau quả tự nhiên hơn.

Chính phủ Ấn Độ chưa ban bố chính sách nào đối với TPBĐG. Lý do đơn giản là tại Ấn Độ chưa có loại cây trồng biến đổi gene nào được đưa vào canh tác và cũng chưa có sản phẩm TPBĐG nào được bày bán ở siêu thị. Tuy nhiên, Ấn Độ lại là nước ủng hộ mạnh mẽ việc nghiên cứu về cây trồng biến đổi gene. Chắc chắn là Ấn Độ sẽ chấp nhận TPBĐG, bởi vì nền nông nghiệp nước này cần phải áp dụng phương pháp mạnh để chống lại nạn đói triền miên, đồng thời cung cấp đủ thực phẩm cho dân số ngày càng tăng của mình.

Tại Brazil, một vài bang đã cấm hoàn toàn cây trồng biến đổi gene. Viện Bảo vệ Người tiêu dùng Brazil thậm chí còn phối hợp với tổ chức Hoà bình xanh đâm đơn xin cấm nhập khẩu TPBĐG. Tuy nhiên, nông dân Brazil lại tổ chức buôn lậu để đưa hạt giống lạc về, bởi vì họ sợ không cạnh tranh nổi với thị trường toàn cầu.

Ở châu Âu, những người phản đối TPBĐG đang hoạt động hết sức mạnh mẽ. Trong vòng vài năm qua, châu Âu đã gặp phải hai cơn ác mộng khủng khiếp về thực phẩm: bệnh bò điên ở Anh và thực phẩm chứa dioxin có nguồn gốc từ Bỉ. Hai vụ scandal này đã làm người tiêu dùng mất niềm tin vào TPBĐG. Trước sức ép của công luận, châu Âu buộc nhà sản xuất phải dán nhãn riêng lên TPBĐG.

Người tiêu dùng có quyền được biết mình ăn gì thông qua nhãn sản phẩm.

Bản thân việc dán nhãn cho TPBĐG cũng là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Nhìn chung, những người hoạt động trong ngành nông nghiệp đều cho rằng việc dán nhãn nên được thực hiện một cách tự nguyện và chịu sự chi phối của thị trường tự do. Nếu người tiêu dùng chuộng thực phẩm dán nhãn hơn không dán nhãn, họ sẽ tự điều chỉnh theo người tiêu dùng. Ngược lại, các tổ chức hoạt động vì lợi ích người tiêu dùng lại yêu cầu bắt buộc phải dán nhãn. Theo họ, con người có quyền được biết mình đang ăn gì, hơn nữa TPBĐG đã từng bị "phốt" khi không tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Vào tháng 1/2000, Hiệp định Thương mại Quốc tế về việc dán nhãn TPBĐG đã được ký kết. Hơn 130 quốc gia, trong đó có cả nước Mỹ - nhà sản xuất TPBĐG lớn nhất thế giới - có tên trong bản hiệp định này. Theo đó, các nhà xuất khẩu buộc phải dán nhãn tất cả các sản phẩm TPBĐG, còn nước nhập khẩu có quyền tự đánh giá nguy cơ tiềm tàng và trả lại TPBĐG. Bản hiệp định này có thể sẽ giúp cho nước Mỹ giải quyết nhanh hơn vấn đề dán nhãn TPBĐG trong nước.

Thay lời kết

TPBĐG có khả năng giải quyết phần lớn các vấn đề về đói kém và suy dinh dưỡng trên thế giới. Đồng thời, nó có thể bảo vệ, giữ gìn môi trường thông qua nâng cao sản lượng của cây trồng và giảm bớt sự phụ thuộc vào thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ hóa học. Tuy nhiên, TPBĐG cũng đặt ra nhiều thách thức cho chính phủ các nước, đặc biệt là về mặt kiểm định an toàn, chính sách quốc tế và dán nhãn thực phẩm. Biến đổi gene là xu hướng không thể tránh khỏi của tương lai, và chúng ta không thể làm ngơ trước một công nghệ có nguồn lợi ích khổng lồ như thế. Chỉ có điều, chúng ta phải hết sức cẩn thận để khong gây ra những tác hại ngoài ý muốn cho sức khỏe người tiêu dùng lẫn môi trường.

(Khánh Hà - Tổng hợp)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
10 sự kiện CNTT và viễn thông VN 2003 (31/12/2003)
10 sự kiện khoa học tiêu biểu 2003 (31/12/2003)
Bí ẩn của những vòng tròn lạ trên các cánh đồng (30/12/2003)
Anh em nhà Wright và lịch sử hàng không thế giới (15/12/2003)
Bệnh tim và đột quỵ - Hai sát thủ đồng hành (11/12/2003)
Hãy nói không với doping! (04/12/2003)
Đại kiện tướng Kasparov - con người và sự nghiệp (20/11/2003)
Trung Quốc đi vào lịch sử chinh phục vũ trụ (22/10/2003)
Nobel 2003 - một tuần nhìn lại (12/10/2003)
Nobel Y học 2003 (06/10/2003)
Chuột nhân bản đầu tiên chào đời (26/09/2003)
Nhân bản thành công con ngựa đầu tiên trên thế giới (07/08/2003)
Ladan và Laleh Bijani - con người và số phận (10/07/2003)
Chinh phục Hoả tinh - dự án và tham vọng (09/07/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang