10 sự kiện khoa học tiêu biểu 2003
15:12' 31/12/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Trong năm 2003, giới khoa học trên thế giới đã gặt hái được nhiều thành công trên mọi lĩnh vực từ y học, hoá học, sinh học, vật lý, khảo cổ cho tới vũ trụ. Những thành tựu này không chỉ nâng cao hiểu biết mà còn cải thiện cuộc sống của con người. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc 10 sự kiện tiêu biểu trong năm.

Nobel 2003

Nhà khoa học Paul C. Lauterbur người Mỹ và Peter Mansfield người Anh đã đồng giành Giải Nobel Y học 2003 do những khám phá về kỹ thuật hình ảnh cộng hưởng từ (MRI). Phát hiện đó đã dẫn tới sự phát triển của MRI hiện đại trong y học - phương pháp cung cấp hình ảnh 3 chiều về các cơ quan bên trong cơ thể con người.

Giải Nobel Vật lý 2003 thuộc về ba nhà nhà vật lý Alexei A. Abrikosov thuộc Phòng thí nghiệm quốc gia Argonne (Mỹ); Anthony J. Leggett thuộc ĐH Illinois (Mỹ) và Vitaly L. Ginzburg thuộc Viện vật lý P.N. Lebedev (Nga). Họ đã có những đóng góp mang tính quyết định liên quan tới hai hiện tượng trong vật lý lượng tử: tính siêu dẫn và siêu lỏng.  

Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thuỵ Điển quyết định trao Giải Nobel Hoá học 2003 cho hai nhà khoa học người Mỹ Peter Agre, thuộc ĐH Johns Hopkins và Roderick MacKinnon thuộc Viện Hóa học Howard Hughes do làm sáng tỏ cách muối (ion) và nước được vận chuyển vào và ra khỏi các tế bào trong cơ thể. Khám phá này đã mở đường cho một loạt các nghiên cứu về hoá sinh, sinh lý học và di truyền liên quan tới các kênh vận chuyển nước ở vi khuẩn, thực vật cũng như động vật có vú.

Giải Nobel Kinh tế được trao cho hai nhà khoa học Mỹ Robert F. Engle, 60 tuổi, thuộc ĐH New York và Clive W. J. Granger, 69 tuổi, thuộc ĐH California do đã đưa ra các phương pháp phân tích số liệu kinh tế theo chuỗi thời gian. Nghiên cứu của họ mang tới cho các nhà kinh tế những công cụ mới để đánh giá rủi ro.

Nhân bản thành công ngựa và chuột

Hai con chuột đầu tiên được nhân bản.

Các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu nông nghiệp quốc gia Pháp đã nhân bản thành công cả chuột cái lẫn chuột đực. Như vậy, loài gặm nhấm này đã chính thức gia nhập danh sách các động vật được nhân bản từ tế bào trưởng thành. Việc nhân bản chuột không phải nhằm mục đích hoàn thiện kỹ thuật nhân bản người. Thành công này sẽ giúp giới khoa học dễ dàng tạo ra những con chuột bị mắc các căn bệnh giống như ở người, phục vụ quá trình nghiên cứu nhằm tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả hơn, cụ thể là thử nghiệm thuốc và liệu pháp mới.

Con ngựa nhân bản đầu tiên trên thế giới được đặt tên là Prometea. Đây là thành quả của các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm công nghệ sinh sản tại Milan, Italia. Bằng kỹ thuật tạo Prometea, giới khoa học có thể nhân bản những con ngựa thiến đã đoạt giải vô địch trong các cuộc đua.

Phóng phi thuyền thám hiểm Hoả tinh

Hoả tinh.

Hoả tinh luôn gây tò mò và quyến rũ con người bởi nó là hành tinh duy nhất trong Thái dương hệ mà tại đó có khả năng tồn tại sự sống, trong quá khứ hoặc có lẽ là cả hiện tại. Do đó, thiên thể này là ứng cử viên hàng đầu được người trái đất tới khám phá và sinh sống trong tương lai. Để chuẩn bị cho kế hoạch đầy tham vọng song cũng nhiều rủi ro đó, Mỹ và châu Âu đã phóng tổng cộng 3 phi thuyền thám hiểm Hoả tinh trong năm nay. Tất cả sẽ tới đích trước tháng 1/2004: Phi thuyền Mars Express, Spirit và Opportunity.

Tạo loại lúa cho thu hoạch nhiều năm

Cánh đồng lúa thử nghiệm.
Loại lúa này do các nhà khoa học Trung Quốc phát triển. Đây là giống lúa dễ trồng, có thể giúp hàng triệu nông dân khắp thế giới tiết kiệm công sức. Nó sẽ tiếp tục mọc trong nhiều năm liên tiếp sau mỗi vụ thu hoạch cũng như chịu lạnh, khô hạn rất tốt.
Năng suất của giống mới đạt tới 7.500 kg/ha và 9 đặc tính của nó thoả mãn được một số tiêu chuẩn của loại gạo chất lượng hảo hạng tại Trung Quốc. Giới khoa học Trung Quốc đã mất hàng chục năm nghiên cứu lúa dại mọc trên diện tích 0,3 ha tại một khu bảo tồn quốc gia để tìm kiếm gene kháng lạnh. Loại lúa dại đó có thể chịu được nhiệt độ -12,8oC, vượt xa các giống lúa kháng lạnh và khô hạn khác. 

Bí mật ướp xác của người Ai Cập

Một xác ướp Ai Cập.

Bằng cách sử dụng kỹ thuật phức tạp, các chuyên gia thuộc ĐH Tuebingen, Đức, đã tìm ra chất bảo quản xác ướp của người Ai Cập cổ xưa là guaiacol, được lấy từ cây tuyết tùng. Khám phá trên sẽ làm các nhà nghiên cứu Ai Cập ngạc nhiên bởi trước đó họ nghĩ rằng người Ai Cập cổ đại sử dụng dầu ướp chiết xuất từ cây bách xù. Nhóm nghiên cứu cũng đã thử nghiệm các chất chiết xuất từ cây bách xù song kết quả là chúng không chứa chất bảo quản guaiacol.

Biến chuột thành nhà máy sản xuất kháng thể

Hai con chuột này có thể tạo ra nhiều kháng thể trong một thời gian ngắn.

Đây là thành tựu của các nhà khoa học Mỹ. Những con chuột của họ có thể tạo ra các kháng thể chống lại bất kỳ một protein nào họ muốn trong thời gian ngắn. Họ bổ sung một số yếu tố để làm phương pháp hiệu quả hơn nhiều, trên thực tế là kích thích hệ miễn dịch của chuột để chúng tạo ra nhiều kháng thể. Kháng thể là những chất phản ứng được sử dụng phổ biến nhất để đo các protein ở người. Cho tới nay, việc tạo các kháng thể rất phức tạp và tốn kém. Các kháng thể trên thị trường ngày nay chỉ nhằm vào khoảng 4.000 protein - một nhóm nhỏ trong số hàng trăm nghìn protein ở cơ thể con người.

Ngạc nhiên thú vị quanh việc giải mã NST Y

Nghiên cứu kỹ lưỡng nhiễm sắc thể Y - nhiễm sắc thể làm cho nam giới khác nữ giới ở cấp cơ bản nhất - cho thấy nó không yếu đuối như các nhà khoa học vẫn nghĩ. Trên thực tế, nhiễm sắc thể nhỏ bé này mang nhiều gene hơn và phần lớn những gene đó dường như dành cho quá trình tạo tinh dịch. N
hiễm sắc thể Y có một cơ chế sửa chữa đặc biệt, giúp nó có các gene khoẻ mạnh dành cho quá trình sinh sản của con người. Nó cũng trao đổi gene hạn chế với nhiễm sắc thể X song tự sửa chữa là chính.

Tế bào năng lượng hiệu quả nhất thế giới

Tế bào quang điện mới.

Cuộc đua nhằm phát triển nguồn năng lượng mặt trời chi phí thấp đã trở nên quyết liệt hơn khi Spectrolab, một công ty con của Boeing tại California, Mỹ, tuyên bố đã chế tạo thành công tế bào quang điện hiệu quả nhất trên thế giới. Nó có thể biến 36% tia mặt trời thành điện so với tỷ lệ 10-15% của các tế bào năng lượng mặt trời bằng silicon hiện nay. Công nghệ trên có thể giải quyết được tình trạng thiếu năng lượng ở một số vùng trên thế giới, đặc biệt là ở những nơi không có lưới điện.

Thiên hà và lỗ đen, vật nào có trước?

Trung tâm Ngân hà.

Giới thiên văn học vừa phát hiện các thiên hà và lỗ đen trung tâm của chúng phát triển với tốc độ ngang bằng nhau. Khám phá này đặt dấu chấm hết cho cuộc tranh cãi kéo dài nhiều năm về việc thiên thể nào xuất hiện trước. Đại đa số các thiên hà chứa một lỗ đen ở trung tâm - vùng không gian dày đặc tới mức nó nặng gấp mặt trời của chúng ta hàng triệu lần song chỉ lớn hơn vài lần. Lực hấp dẫn của lỗ đen cực lớn, giống như một lỗ tháo nước khổng lồ, hút bụi và mọi thiên thể ở gần để gia tăng khối lượng.

Biến tế bào gốc phôi chuột thành tinh trùng, trứng

Tinh trùng.
Một nhóm các chuyên gia thuộc Viện khoa học đời sống Mitsubishi Kagaku, Tokyo, đã thành công trong việc biến tế bào gốc phôi thai chuột thành tinh trùng. Đây là một bước đột phá nữa tiếp sau sự kiện các nhà khoa học Mỹ biến loại tế bào tương tự thành trứng. Trứng và tinh trùng nhân tạo sẽ mang lại lợi ích cho những nam giới và nữ giới vô sinh.

(Minh Sơn - Tổng hợp)

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Bí ẩn của những vòng tròn lạ trên các cánh đồng (30/12/2003)
Anh em nhà Wright và lịch sử hàng không thế giới (15/12/2003)
Bệnh tim và đột quỵ - Hai sát thủ đồng hành (11/12/2003)
Hãy nói không với doping! (04/12/2003)
Đại kiện tướng Kasparov - con người và sự nghiệp (20/11/2003)
Trung Quốc đi vào lịch sử chinh phục vũ trụ (22/10/2003)
Nobel 2003 - một tuần nhìn lại (12/10/2003)
Nobel Y học 2003 (06/10/2003)
Chuột nhân bản đầu tiên chào đời (26/09/2003)
Nhân bản thành công con ngựa đầu tiên trên thế giới (07/08/2003)
Ladan và Laleh Bijani - con người và số phận (10/07/2003)
Chinh phục Hoả tinh - dự án và tham vọng (09/07/2003)
Hội chứng viêm phổi cấp - SARS (07/04/2003)
Sao chổi - tảng băng trôi của vũ trụ (20/02/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang