Chinh phục Hoả tinh - dự án và tham vọng
18:41' 09/07/2003 (GMT+7)
Hoả tinh.

Hoả tinh luôn gây tò mò và quyến rũ con người bởi nó là hành tinh duy nhất trong Thái dương hệ mà tại đó có khả năng tồn tại sự sống, trong quá khứ hoặc có lẽ là cả hiện tại. Do đó, thiên thể này là ứng cử viên hàng đầu được người trái đất tới khám phá và sinh sống trong tương lai. Để chuẩn bị cho kế hoạch đầy tham vọng song cũng nhiều rủi ro đó, Mỹ và châu Âu đã phóng 3 phi thuyền thám hiểm Hoả tinh trong năm nay. Tất cả sẽ tới đích vào tháng 1/2004. 

Vào lúc 0h45 (ngày 3/6, giờ Hà Nội), tên lửa Soyuz-Fregat của Nga đã rời sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan, mang theo phi thuyền Mars Express và robot tự hành Beagle 2. Đây là phi thuyền đầu tiên của châu Âu chinh phục Hoả tinh. Sự kiện này đánh dấu một kỷ nguyên mới trong chương trình thám hiểm các hành tinh của châu lục này.

Phi thuyền Mars Express.

3 ngày sau khi rời trái đất, Beagle 2 đã tách khỏi những chiếc chốt gắn chặt nó với phi thuyền Mars Express. Vào lúc 9h54 ngày 25/12 (giờ Hà Nội), Mars Express sẽ thả Beagle 2 xuống một vùng lòng chảo trên bề mặt Hoả tinh. Vùng này có lẽ đã từng chứa nước và sự sống. Cùng ngày hôm đó, Mars Express sẽ đi vào một quỹ đạo hình elíp. Thời gian hoạt động của Mars Express trong quỹ đạo này sẽ là 2 năm.

Robot tự hành trên có kích cỡ chỉ bằng một chiếc bánh xe đạp. Nó sẽ đào bới đất đá để tìm kiếm dấu hiệu hoá học của sự sống. Mục đích khoa học chính của Mars Express là sử dụng thiết bị radar dò tìm các hồ nước khổng lồ mà người ta cho rằng nằm bên dưới bề mặt Hoả tinh. Mars Express cũng sẽ chụp một số hình ảnh về Hoả tinh và tiến hành khảo sát địa chất. Mars Express và Beagle 2 sẽ trả lời một câu hỏi lớn: Liệu có hoặc từng có sự sống trên Hoả tinh hay không?

NASA vào cuộc

Phi thuyền Spirit đã rời Florida vào hôm 10/6 và hiện đang bay trong không gian, hướng tới Hoả tinh với tốc độ hơn 30 km/s. Opportunity - phi thuyền thứ hai thăm dò Hoả tinh của NASA - cũng rời trái đất trên tên lửa Boeing Delta II vào lúc 9h18 (ngày 8/7 - giờ Hà Nội) sau 5 lần hoãn do trục trặc kỹ thuật và điều kiện thời tiết không thuận lợi.

Phi thuyền Spirit.

Spirit và Opportunity sẽ hành động như các nhà địa chất. Trong suốt 3 tháng thám hiểm Hoả tinh, hai phi thuyền sinh đôi sẽ di chuyển bằng cách lăn trên bề mặt hành tinh Đỏ 40m mỗi ngày. Nhiệm vụ của chúng là tìm kiểm những dấu hiệu hoá chất nhằm khẳng định nước đã từng tồn tại với số lượng lớn trên bề mặt Hoả tinh. Dữ liệu sẽ được truyền về trái đất.

Giới khoa học hy vọng dữ liệu thu được sẽ giúp họ xác định liệu hành tinh này có lẽ đã từng hỗ trợ sự sống hay không. Spirit sẽ hạ cánh xuống hố Gusev - một lòng hồ cổ, nằm cách đường xích đạo Hoả tinh 15o về phía nam. Người anh em sinh đôi Opportunity của nó sẽ hạ cánh tại Meridiani Planum - một vùng đồng bằng có những lớp đá cổ. Hai địa điểm cách nhau gần 1/2 vòng Hoả tinh.

Các kỹ sư NASA chọn hai địa điểm hạ cách trên bởi chúng đủ an toàn, nghĩa là bằng phằng, gần như không có các tảng đá, bụi và ít gió. NASA có thể thay đổi địa điểm hạ cánh khoảng 1 tháng sau khi phóng phi thuyền nếu dữ liệu cho thấy tốc độ gió tại 2 địa điểm trên vượt quá 20 m/s. Cho tới nay mới chỉ có 3 phi thuyền của NASA hạ cánh thành công xuống Hoả tinh: hai phi thuyền Viking năm 1976 và Người tìm đường Hoả tinh.

Thủ tục hạ cánh của mỗi phi thuyền cũng giống như thủ tục của Người tìm đường Hoả tinh. Một chiếc dù sẽ hãm tốc độ của phi thuyền. Tiếp đó, tên lửa sẽ khai hoả để giảm tốc phi thuyền hơn nữa và các bao khí sẽ phình ra để làm cho việc tiếp đất nhẹ nhàng. Khi tới bề mặt, phi thuyền sẽ nảy khoảng 12 lần và có thể lăn xa tới 1km. Khi nó dừng lại, bao khí sẽ xẹp và co vào. Cánh phi thuyền sẽ mở ra, để lộ robot tự hành.

2 robot có kích cỡ bằng một chiếc xe đạp 4 bánh và có khả năng di chuyển với tốc độ khoảng 1 cm/s. Chúng hoạt động bằng năng lượng mặt trời, có thể di chuyển tới các vị trí cách xa nơi hạ cách 300m trong hành trình 90 ngày. Sau đó, pin của chúng sẽ suy biến và các tấm pin mặt trời bị phủ đầy bụi.

Nozomi - phi thuyền đầu tiên của Nhật Bản

 

Phi thuyền Nozomi của Nhật Bản đã được phóng vào ngày 4/7/1998. Trị giá 80 triệu USD và nặng 540kg, Nozomi được thiết kế để nghiên cứu khí quyển và tầng điện ly của Hoả tinh. Nó mang theo 14 dụng cụ khoa học của 5 quốc gia, bao gồm một quang phố kế Neutral Mass của NASA.

Giới khoa học sẽ so sánh dữ liệu do Nozomi thu thập được từ dụng cụ này với kết quả của phi thuyền Pioneer Venus do NASA chế tạo. Pioneer Venus cũng sử dụng một thiết bị tương tự vào những năm 1960. Bằng cách so sánh, họ hy vọng sẽ hiểu rõ hơn về sự tương tác giữa khí quyển của các hành tinh với tầng điện ly và gió mặt trời.

Điều không may là phi thuyền đã sử dụng quá nhiều nhiên liệu trong một lần sửa chữa quỹ đạo. Do đó, nó phải bay theo một lộ trình loanh quanh mới có thể tới được Hoả tinh. Nozomi sẽ tới hành tinh này vào đầu năm 2004, muộn hơn 4 năm so với dự kiến. Nó sẽ bay vòng quanh Hoả tinh theo quỹ đạo hình bầu dục.

Một tin không vui nữa đối với Nhật Bản đó là lửa mặt trời đã làm hỏng hệ thống thông tin và và điện trên boong của Nozomi. Hệ thống sưởi ấm không còn hoạt động. Nếu không đuợc sửa chữa, nhiên liệu của phi thuyền có thể đóng băng khi nó di chuyển ra xa dần mặt trời. Nó sẽ không thể khai hoả tên lửa trên boong để tiến vào quỹ đạo quanh Hoả tinh.

Hoả tinh

Hoả tinh là hành tinh thứ tư trong Thái dương hệ từ mặt trời. Nó được đặt tên theo Thần chiến tranh của La Mã. Một năm trên Hoả tinh bằng 687 ngày trên trái đất. Khoảng cách tối đa của nó với trái đất là 378 triệu km. Nhiệt độ mùa hè là 27oC, mùa đông là -133oC. Hoả tinh có 2 mặt trăng (vệ tinh tự nhiên). Khối lượng bằng 1/10 trái đất.

Bầu khí quyển của Hoả tinh mỏng hơn so với khí quyển trái đất và thành phần chủ yếu là carbon dioxide (CO2). 0,13% là oxy. Trọng lực của nó cũng chỉ bằng một phần nhỏ trọng lực trái đất. Mặc dù vậy, Hoả tinh vẫn giống trái đất hơn bất kỳ hành tinh nào khác trong Thái dương hệ. Cả hai hành tinh có vỏ cứng, lõi đặc và được cấu tạo từ các vật liệu giống nhau mặc dù thành phần có thể khác nhau.

(Minh Sơn - Tổng hợp)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Hội chứng viêm phổi cấp - SARS (07/04/2003)
Sao chổi - tảng băng trôi của vũ trụ (20/02/2003)
Tàu con thoi Columbia - nhiệm vụ và thảm kịch (18/02/2003)
Tiểu đường và các phương pháp điều trị (10/02/2003)
Tiểu đường và các phương pháp điều trị (02/01/2003)
Tro ve dau trang