10 sự kiện CNTT và viễn thông VN 2003
20:18' 31/12/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh về Công nghệ thông tin và Truyền thông châu Á-châu Đại dương là sự kiện lớn nhất trong năm. Ngoài ra, việc giảm giá cước viễn thông, đường truyền tốc độ cao ADSL, Internet Phone được đưa vào sử dụng đã làm đời sống CNTT và viễn thông càng thêm sôi động.

1. Hội nghị Thượng đỉnh về Công nghệ thông tin và Truyền thông châu Á-châu Đại dương (ASOCIO ICT Summit 2003)

Lần đầu tiên Việt Nam đứng ra tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh về CNTT và truyền thông có tầm vóc liên châu lục. So với những lần trước (tổ chức tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khác), hội nghị này đạt kỷ lục về số lượng đại biểu (hơn 700 người, trong đó có khoảng 260 đại biểu ở 30 quốc gia và vùng lãnh thổ khác với nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách CNTT, lãnh đạo của các tập đoàn lớn về CNTT) và được đánh giá là thành công lớn.

2. Giảm 12 loại cước viễn thông


Vào ngày 1-4-2003, một đợt giảm cước trên quy mô lớn đưa 12 loại cước dịch vụ viễn thông và Internet của Việt Nam xuống mức bằng hoặc thấp hơn so với mức bình quân trong khu vực. Mức giảm bình quân cho từng loại cước dịch vụ nằm trong khoảng từ 10% đến 40%, trong đó cước điện thoại quốc tế, cước thuê kênh quốc tế, thuê kênh trong nước giảm mạnh. Để phổ cập Internet, cước điện thoại nội hạt áp dụng cho truy cập Internet chỉ còn 40 đồng/phút. Đợt giảm cước này đã tạo điều kiện cho các nhà cung cấp dịch vụ đưa ra nhiều dịch vụ mới với chất lượng cao, mức giá phù hợp hơn với người dùng.

3. Chương trình đưa Internet tới trường học

Cũng trong tháng 4-2003, Bộ BCVT và Bộ GDĐT đã ký thỏa thuận hợp tác đưa Internet đến tất cả các trường đại học, cao đẳng và trung học phổ thông trên cả nước. Tuy vẫn còn nhiều người chưa tin lắm về chất lượng thực sự của chương trình này, nhưng xét về ý nghĩa, “Đưa Internet tới trường học” là chương trình đánh dấu một bước tiến mới trong việc xã hội hóa tin học tại Việt Nam.

4. Khẩn trương tạo hành lang pháp lý cho thương mại điện tử

Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề án Luật Giao dịch điện tử để QH đưa vào kế hoạch làm luật. Giới doanh nghiệp hy vọng luật này sớm được soạn thảo để có thể được thông qua và thực thi vào năm 2005. Trong khi đó, Bộ Thương mại vào thời điểm cuối năm đã công bố dự thảo lần thứ 6 của Pháp lệnh về Thương mại điện tử (bắt đầu soạn thảo từ năm 1997) và các văn bản dưới luật, dự kiến trình Chính phủ đầu năm 2004. Tháng 12-2003, ngành Thuế chính thức cho phép hạch toán chi phí khi mua hàng qua Internet, tạo thêm tiền đề cho thương mại điện tử.

5. Vụ án “Đông Nam”

Đông Nam – đại lý cung cấp ĐTDĐ Nokia tại Việt Nam bị phát giác đã nhập lậu ĐTDĐ, gian lận trốn hơn 100 tỷ đồng tiền thuế cùng với nhiều sai phạm khác. Sự kiện này đã tạo ra hàng loạt thay đổi mạnh mẽ trên thị trường ĐTDĐ: Nhà nước tăng cường quản lý hơn nữa về nhập khẩu và kinh doanh ĐTDĐ. Thay đổi về tương quan thị phần giữa Nokia và Samsung. Giá ĐTDĐ thuộc loại “xách tay” tăng lên (do khó nhập lậu hơn), trong khi hàng “công ty” giảm đáng kể.

6. Thêm cổng viễn thông quốc tế, xóa bỏ độc quyền trong lĩnh vực BCVT

Ngoài Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), kể từ 27- 11, Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội (Vietel) trở thành doanh nghiệp thứ hai có cổng viễn thông quốc tế. Trước đó, vào ngày 29- 4, một số doanh nghiệp như: FPT, Vietel, ETC, Vishipel, SPT đã được Bộ BCVT cấp phép tham gia thị trường này. Việt Nam đã xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp trong lĩnh vực BCVT, đồng thời khẳng định hơn nữa việc bảo đảm các cam kết với quốc tế trong quá trình hội nhập.

7. Khai thác phần mềm nguồn mở và xây dựng hệ điều hành tiếng Việt

Xu hướng Việt hóa và xây dựng hệ điều hành (HĐH) thuần Việt đạt được nhiều tiến bộ hơn và các phần mềm Việt Nam cũng nở rộ hơn. Nếu năm trước, HĐH tiếng Việt Linux RedHat của CMC nổi đình đám trở thành một trong 10 sự kiện CNTT, sang năm 2003, hệ điều hành tiếng Việt Vietkey Linux 3.0 dựa trên HĐH nguồn mở Linux ngay sau khi được nhóm Vietkey công bố (4-9-2003) đã gây nên những tranh luận trên báo chí. Hơn 10 doanh ngiệp lắp ráp máy tính thương hiệu VN đã cái đặt các HĐH Linux tiếng Việt (như của Vietkey, CMC) và các phần mềm nguồn mở như một thái độ cổ vũ cho nỗ lực phát triển những HĐH thuần Việt.

8. Chương trình “Hiệp sĩ Công nghệ thông tin”

30 cá nhân tích cực đóng góp cho việc xã hội hóa tin học ở Việt Nam và hoàn toàn bất vụ lợi đã được tặng biểu tượng “Hiệp sĩ Công nghệ thông tin”.
Chương trình “Hiệp sĩ Công nghệ thông tin” lần thứ nhất với việc tôn vinh 30 cá nhân như vừa nêu đã khiến nhiều người quan tâm hơn đến CNTT và góp phần khơi gợi, động viên lớp trẻ nỗ lực cống hiến tri thức, kỹ năng cho việc phát triển CNTT trong cộng đồng.

9. ADSL tạo “cú hích” Internet, GPRS/MMS đa dạng hóa thông tin di động


VNPT bắt đầu cung cấp dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao ADSL (Asymetric Digital Subscriber Line - đường thuê bao bất đối xứng) với thương hiệu MegaVNN từ 1-7-2003. Với cước truy cập thấp: 1.400 đồng/phút và chỉ thu tối đa một triệu đồng/tháng (miễn phí phần vượt mức), Mega VNN trở thành dịch vụ được nhiều người có nhu cầu về Internet chọn sử dụng. Sau Mega VNN của VNPT, còn có FPT và Saigon Postel tham gia cung cấp dịch vụ ADSL. Sự xuất hiện của dịch vụ ADSL đã giúp tăng số lượng người sử dụng Internet do đây là loại hình dịch vụ có mức cước rẻ nhưng tốc độ truy cập Internet cao. Những tháng cuối năm, dịch vụ kết nối Internet không dây Wi-Fi cũng được chính thức cung cấp.

Tiếp sau việc Saigon Postel được cấp phép bắt đầu cung cấp dịch vụ ĐTDĐ sử dụng công nghệ CDMA mang thương hiệu S-Fone (1-7), công ty GPC (cung cấp dịch vụ ĐTDĐ VinaPhone) và VMS (cung cấp dịch vụ ĐTDĐ MobiFone) đã nâng cấp mạng lên thế hệ 2,5G (GPRS) và bắt đầu cung cấp dịch vụ nhắn tin đa phương tiện MMS.

10. Các doanh nghiệp được phép cung cấp dịch vụ điện thoại Internet (Internet Phone)

Kể từ 1-7-2003, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam được phép cung cấp dịch vụ điện thoại Internet. Đây là dịch vụ gọi điện thoại quốc tế qua môi trường Internet, với mức cước rẻ hơn dịch vụ điện thoại quốc tế truyền thống nhiều lần.

Quyết định này đem lại lợi ích nhiều mặt cho cả người dùng lẫn doanh giới. Thêm một sự kiện chứng minh quyết tâm xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp trong BCVT của Việt Nam.

  • VietNamNet
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
10 sự kiện khoa học tiêu biểu 2003 (31/12/2003)
Bí ẩn của những vòng tròn lạ trên các cánh đồng (30/12/2003)
Anh em nhà Wright và lịch sử hàng không thế giới (15/12/2003)
Bệnh tim và đột quỵ - Hai sát thủ đồng hành (11/12/2003)
Hãy nói không với doping! (04/12/2003)
Đại kiện tướng Kasparov - con người và sự nghiệp (20/11/2003)
Trung Quốc đi vào lịch sử chinh phục vũ trụ (22/10/2003)
Nobel 2003 - một tuần nhìn lại (12/10/2003)
Nobel Y học 2003 (06/10/2003)
Chuột nhân bản đầu tiên chào đời (26/09/2003)
Nhân bản thành công con ngựa đầu tiên trên thế giới (07/08/2003)
Ladan và Laleh Bijani - con người và số phận (10/07/2003)
Chinh phục Hoả tinh - dự án và tham vọng (09/07/2003)
Hội chứng viêm phổi cấp - SARS (07/04/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang