Nhân bản thành công con ngựa đầu tiên trên thế giới
10:53' 07/08/2003 (GMT+7)

Các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm công nghệ sinh sản tại Milan, Italia, đã thành công trong việc nhân bản con ngựa đầu tiên trên thế giới. Con ngựa cái tên gọi Prometea này chào đời cách đây 10 tuần và dường như hoàn toàn khoẻ mạnh.

Để tạo ra Prometea, các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật chuyển hạt nhân, phương pháp dẫn tới sự ra đời của cừu Dolly - động vật có vú được nhân bản đầu tiên trên thế giới. Họ lấy tế bào da từ một con ngựa cái Ảrập thuần chủng, trưởng thành, rồi kết hợp ADN của tế bào đó với trứng đã được rút nhân của một con ngựa khác. Tiếp đến, phôi được cấy trở lại tử cung của con ngựa Ảrập sau khi được nuôi trong phòng thí nghiệm một vài ngày.

Trong số 841 phôi được tạo ra, chỉ có 8 phôi đực, 14 phôi cái phát triển tới giai đoạn ''túi phôi'' sơ khai nhất sau 7 ngày nuôi trong phòng thí nghiệm. 17 phôi được cấy vào tử cung của 9 con ngựa song chỉ có 4 ca mang thai. Prometea, chào đời sau 336 ngày, là ngựa con duy nhất còn sống sót.

Prometea nặng 36kg, được đặt tên theo Prometheus, nhân vật trong thần thoại Hy Lạp bị trừng phạt do ăn cắp lửa các các vị thần để tặng cho con người. Các cuộc kiểm tra ADN đã khẳng định Prometea có gene giống hệt mẹ của nó. Cesare Galli, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận xét sự ra đời và tình trạng khoẻ mạnh của Prometea làm họ ngạc nhiên.

Mẹ cho con ADN

Idaho Gem
Các động vật nhân bản trước đây, bao gồm cả cừu Dolly, nhận ADN từ một cá thể trưởng thành song lại được nuôi trong dạ con của động vật mang thai hộ, không có quan hệ gì với chúng (ADN được lấy từ động vật cần nhân bản rồi tiêm vào trứng đã được rút nhân của một cá thể cùng loài. Sau đó, phôi được cấy vào tử cung của động vật cho trứng - bà mẹ mang thai hộ). Điều đó có nghĩa là gene của động vật nhân bản hoàn toàn khác biệt với mẹ sinh ra chúng. Tuy nhiên, Prometea lại được nuôi trong tử cung của chính con ngựa đã cho nó ADN.

Thành công trên thách thức quan điểm rằng để một phôi thai sống sót, phôi đó cần được hệ miễn dịch của bà mẹ thừa nhận là khác biệt. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng bởi giờ đây giới khoa học đã nhân bản thêm một loài động vật nữa ngoài cừu, chuột, bò, dê, thỏ, mèo, lợn, và lừa. Nhân bản ngựa rất khó khăn mặc dù các chuyên gia đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu. Con la nhân bản có tên Idaho Gem chào đời đầu năm nay tại Mỹ, nhiều năm sau khi giới khoa học nhân bản thành công bò, dê và lợn. 

Galli cho biết, bằng kỹ thuật tạo Prometea, giới khoa học có thể nhân bản những con ngựa thiến đã đoạt giải vô địch trong các cuộc đua. Ông nói: ''Mọi người quan tâm tới việc nhân bản những động vật này bởi chúng không thể sinh sản do đã bị thiến khi còn trẻ''. Tuy vậy, các quy định hiện nay cấm ngựa nhân bản tham gia cuộc đua. Ngoài ra, không có gì đảm bảo rằng thế hệ ngựa nhân bản sẽ đoạt chức vô địch.

Sự kiện Prometea chào đời cũng làm dấy lên những lo ngại rằng phụ nữ có thể sinh ra bản sao giống hệt họ. Nếu kỹ thuật này thành công ở ngựa, nó cũng có thể hiệu quả ở người. Tuy nhiên, không nên lo lắng quá bởi nhân bản người là hành vi bất hợp pháp ở nhiều quốc gia.

(Minh Sơn - Tổng hợp)

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ladan và Laleh Bijani - con người và số phận (10/07/2003)
Chinh phục Hoả tinh - dự án và tham vọng (09/07/2003)
Hội chứng viêm phổi cấp - SARS (07/04/2003)
Sao chổi - tảng băng trôi của vũ trụ (20/02/2003)
Tàu con thoi Columbia - nhiệm vụ và thảm kịch (18/02/2003)
Tiểu đường và các phương pháp điều trị (10/02/2003)
Tiểu đường và các phương pháp điều trị (02/01/2003)