Hãy nói không với doping!
19:18' 04/12/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Đã hơn 100 năm trôi qua kể từ kỳ thi đấu Olympic đầu tiên được tổ chức năm 1896 tại Athens (Hy Lạp), thành tích thi đấu thể thao quốc tế liên tục được nâng cao, kỷ lục thế giới liên tục bị phá vỡ. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích trung thực, vẫn còn không ít kỷ lục mang dấu ấn của bóng ma doping. Vậy doping là gì?

 

Thiên tài bóng đá Maradona đã tự huỷ hoại cuộc đời cầu thủ của mình vì doping.

Theo Uỷ ban Olympic Quốc tế (IOC), doping là "việc vận động viên quản lý, sử dụng các chất lạ đối với cơ thể hoặc các chất quen nhưng với số lượng nhiều bất thường, nhằm phục vụ mục đích duy nhất là nâng cao thành tích một cách giả tạo, thiếu công bằng trong thi đấu". Tháng 3/2003, tại Hội nghị của Cơ quan Phòng chống Doping Thế giới (WADA) tổ chức tại Copenhagen (Đan Mạch), danh mục mới về các chất cấm sử dụng trong thi đấu thể thao đã được ban hành, và sẽ được chính thức áp dụng từ ngày 1/1/2004. Theo đó, bất kỳ vận động viên nào bị phát hiện sử dụng một trong các chất nói trên trong thi đấu sẽ bị coi là vi phạm luật thi đấu thể thao và bị xử lý theo luật định, nhẹ thì huỷ thành tích thi đấu, nặng thì cấm thi đấu suốt đời.

 

Chất doping hoạt động theo cơ chế tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, gây hưng phấn cho não và cơ thể. Chẳng hạn, amphetamine, dextroamphetamine, and methylphenidate quyết định việc tiết ra các amin gene sinh học từ hệ thần kinh. Ngoài ra, chúng còn tác động lên thụ thể alpha và beta, làm tiết ra norepinephrine. Đây là chất làm tăng quá trình trao đổi chất, huyết áp, hoạt động thần kinh, dòng máu dẫn tới cơ bắp và tăng nhịp tim. Trong điều kiện tự nhiên, các phản ứng này tăng cường khả năng chiến đấu hoặc tháo chạy của cơ thể khi phải đối mặt với mối đe dọa hoặc căng thẳng. Khi sử dụng trong thi đấu thể thao, nó nâng cao cường độ hoạt động cơ thể, giúp cho vận động viên đạt được thành tích cao hơn bình thường. Tuy nhiên, nó cũng mang lại nhiều tác dụng phụ có hại cho cơ thể: phát ban ngoài da, thoái hóa dây thần kinh cột sống, khó ngủ, nôn mửa... Nghiêm trọng hơn, một số chất còn khiến cho vận động viên truỵ tim, đột quỵ ngay trong lúc thi đấu, dẫn đến tử vong.

 

Một trong những sự kiện đáng chú ý về doping là cuộc điều tra về những cái chết "đáng ngờ" của 70 cầu thủ bóng đá, chơi cho các câu lạc bộ hàng đầu Italia như Juventus, Roma và Milan từ năm 1960 đến năm 1996. Gọi là đáng ngờ, bởi vì các cầu thủ đều ra đi khi còn đang trẻ tuổi, sung sức, do những căn bệnh hiểm nghèo như máu trắng, ung thư và rối loạn hệ thần kinh. Từ những dữ liệu thu thập được, cùng với sự hỗ trợ của các góa phụ, cơ quan pháp luật Italia đã có thể đi đến kết luận: nguyên nhân cái chết là do sử dụng doping, cả vô tình lẫn cố ý. "Cậu bé vàng" của bóng đá Argentia, Diego Maradona, tự huỷ hoại sự nghiệp thi đấu của mình vì sử dụng doping. Gianluca Signorini, hậu vệ danh tiếng một thời của CLB Roma, nay phải sống nốt phần còn lại của cuộc đời trên xe lăn cũng vì doping. Và gần đây, giới thể thao lại tiếp tục xôn xao về nghi án doping của hậu vệ đội tuyển Anh Rio Ferdinand.

 

Thực ra, không phải là không có ý kiến ủng hộ việc sử dụng doping trong thi đấu. Theo họ, vì chúng ta đang sống trong một thời đại có những tiến bộ vượt bậc về y học, sử dụng doping trong thể thao là điều chấp nhận được, miễn là vận động viên thể hiện được khả năng của mình ở mức cao nhất. Tuy nhiên, họ không hiểu một điều: khác với các hoạt động văn hóa khác, thể thao - đặc biệt là thể thao thi đấu - có những đặc điểm riêng của nó. Trong âm nhạc, văn học hay hội hoạ, chúng ta không quan tâm đến việc tác giả đã làm gì hay làm như thế nào, cũng như họ đã ăn gì, uống gì, và mất bao nhiêu thời gian để cho ra đời tác phẩm. Thể thao hoàn toàn khác. Kết quả cuối cùng cực kỳ quan trọng, nhưng quá trình đi đến kết quả đấy cũng quan trọng không kém. Vì thế, chúng ta hiểu được tại sao hàng vạn người lại đến sân vận động để xem bóng đá chứ không ở nhà nghe radio thông báo kết quả trận đấu. Không ai có thể tưởng tượng được điều gì xảy ra khi các môn thể thao thi đấu diễn ra mà không có khán giả.

Chính vì quá trình đi đến kết quả cuối cùng của thể thao thi đấu có tầm quan trọng như thế, vận động viên phải tuân thủ các quy tắc đảm bảo tính công bằng, trung thực của thể thao. Hay nói cách khác, mức độ minh bạch và tính cạnh tranh cao của thể thao phải được chính các vận động viên tôn trọng. Khi sử dụng doping, vận động viên đã vi phạm tính chất công khai và minh bạch của thể thao thi đấu. Thể thao thi đấu làm mọi người say mê vì nó có nhiều diễn biến không thể đoán trước được. Khi sử dụng doping, có thể nói không ngoa rằng vận động viên đã biến thể thao thành một trò hề. Hãy nói không với doping để trả lại sự công bằng cho thể thao. 

  • Khánh Hà

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đại kiện tướng Kasparov - con người và sự nghiệp (20/11/2003)
Trung Quốc đi vào lịch sử chinh phục vũ trụ (22/10/2003)
Nobel 2003 - một tuần nhìn lại (12/10/2003)
Nobel Y học 2003 (07/10/2003)
Chuột nhân bản đầu tiên chào đời (26/09/2003)
Nhân bản thành công con ngựa đầu tiên trên thế giới (07/08/2003)
Ladan và Laleh Bijani - con người và số phận (10/07/2003)
Chinh phục Hoả tinh - dự án và tham vọng (09/07/2003)
Hội chứng viêm phổi cấp - SARS (07/04/2003)
Sao chổi - tảng băng trôi của vũ trụ (20/02/2003)
Tàu con thoi Columbia - nhiệm vụ và thảm kịch (18/02/2003)
Tiểu đường và các phương pháp điều trị (10/02/2003)
Tiểu đường và các phương pháp điều trị (02/01/2003)