- GS, PGS là 1 nhiệm vụ ở cơ sở ĐH cụ thể, chứ đâu phải "giá trị quốc gia" đến mức phải để Bộ trưởng GD-ĐT bổ nhiệm?". GS Hoàng Tụy thất vọng khi cầm trên tay bản quy định mới về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm GS, PGS ban hành ngày 31/12/2008. Trao đổi với VietNamNet, ông cho rằng đây là "cải tiến nửa vời, có nhiều điều không hợp lý, không hiệu quả".
"Nửa vời!"
GS Hoàng Tụy. Ảnh: Lê Anh Dũng
Thưa GS, ông thấy quy định tiêu chuẩn, bổ nhiệm GS, PGS mới ban hành có điều gì đáng lưu ý?
- Tôi thất vọng vì quy định mới này có nhiều điều không hợp lý, không hiệu quả, vẫn theo kiểu quản lý tập trung quan liêu. Đã bao nhiêu năm nay, chúng ta nói rằng, bất cập của quản lý giáo dục là không chịu phân cấp, nhưng nói mãi rồi mà có thấy thay đổi đâu.
Vậy chuyện phân cấp đã được "nói mãi" thế nào?
- Trong việc này, chúng tôi đã đề nghị cần xem GS, PGS là 1 nhiệm vụ ở cơ sở ĐH cụ thể chứ không phải là phẩm hàm trừu tượng. Nếu cần thì Nhà nước chỉ quản ở mức tối thiểu thôi. Trên mặt bằng tối thiểu, từng cơ sở ĐH sẽ quyết định công nhận GS cho mình.
Tức là, sau 7 năm từ khi thực hiện quy chế về công nhận GS, PGS; sau 5 năm thảo luận sửa đổi quy định, sau 4 năm từ khi GS và các cộng sự kiến nghị chấn hưng GD, sau 3 năm từ khi có nghị định đổi mới toàn diện giáo dục ĐH, quy định về GS, PGS lần này vẫn không có gì mới hơn?
- Cơ bản không khác trước. Chỉ khác ở chỗ tách việc công nhận với bổ nhiệm. Theo quy định cũ thì Hội đồng chức danh GS Nhà nước (HĐCDGSNN) công nhận xong là ứng viên nghiễm nhiên thành PGS, GS. Còn quy định này, sau khi được công nhận, ứng viên phải có một cơ sở ĐH đề xuất bổ nhiệm thì ứng viên mới có thể thành PGS, GS.
Trong điều 17 ở phần "trình tự bổ nhiệm chức danh" có quy định rõ: cơ sở ĐH có nhu cầu GS, PGS thì sẽ thông báo công khai, nhận hồ sơ của ứng viên, sau khi ứng viên đạt tiêu chuẩn, trường lại đề xuất bổ nhiệm. Như vậy, quy định mới đã gắn trách nhiệm cho cơ sở ĐH rồi đấy chứ?
- Việc sửa đổi nửa vời chính là ở chỗ này. Trường đề xuất, nhưng chức danh GS vẫn do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT bổ nhiệm.
Trong khi đó, ở Úc, Mỹ, Nhật, GS trường nào là do hiệu trưởng trường đó bổ nhiệm. Ở châu Âu phần lớn cũng vậy. Chỉ có ở Pháp, vốn là chế độ quản lý tập trung, vẫn do Chính phủ bổ nhiệm. Nhưng thực ra, cơ sở gần như quyết định vì họ đã chọn, nhà nước sẽ theo đề nghị của họ.
Thêm nữa, đúng ra, Nhà nước chỉ quản ở mức tối thiểu thì ở đây - là HĐCDGSNN - lại xét tiêu chuẩn "tối đa".
Chỉ nên quản mức tối thiểu
Có thể hiểu quy định để quyền bổ nhiệm cho Bộ trưởng là nhằm ngăn chặn khả năng giao thẳng về cho trường ĐH thì sẽ có nơi vì nể, vì quan hệ, trường công nhận "bừa" nên loạn GS; PGS, hoặc có nơi chưa đủ năng lực để thẩm định và bổ nhiệm, dẫn tới kết quả có "GS, PGS ăn non"?
- Nhà nước chỉ kiểm soát mức tối thiểu thôi. Dưới mức đó thì không là GS trường nào cả, còn từ mức đó trở lên, được phong GS hay không là do cơ sở quyết định. Phải để cơ sở chịu trách nhiệm. Khi họ buộc phải có trách nhiệm và xuất phát từ nhu cầu thật sự, thì sẽ biết GS thật là thế nào. Chứ để Bộ bổ nhiệm, thành ra GS, PGS là "giá trị quốc gia".
Cũng như bằng tiến sĩ, phải để cho trường tự cấp. Bằng tiến sĩ trường này rất tốt, trường kia rất thấp thì cũng phải chấp nhận, chứ đâu có cái kiểu tiến sĩ cấp quốc gia, "cá mè một lứa". Như thế, làm sao tăng tính chịu trách nhiệm của cơ sở ĐH được.
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm trao giấy chứng nhận chức danh cho các GS được công nhận năm 2005. Ảnh: HA
Cụ thể, Nhà nước kiểm soát mức "chất lượng GS tối thiểu" như thế nào?
- Người nào muốn được làm GS, PGS ở bất kỳ cơ sở đào tạo nào đều phải đưa hồ sơ lên cho hội đồng nhà nước xét.
Tổ chức này chỉ làm việc xem xét về mặt khoa học xem anh có đạt mức tối thiểu hay không, chứ không xét cụ thể cho trường nào cả.
Ở đây, việc xét đầu tiên lại là ở HĐCDGS cơ sở. Thẩm định ở trong nội bộ thì làm sao đủ người chuyên môn mà làm được? Lại còn quy định "mỗi hồ sơ đăng ký phải được ít nhất 3 GS hoặc PGS cùng ngành chuyên môn xét công nhận".
Xong rồi, đưa lên hội đồng ngành, liên ngành, rồi hội đồng nhà nước. Càng lên hội đồng cao, càng không đủ người có khả năng để thẩm định. Quá trình có vẻ tập trung nhưng thực ra là quan liêu, không sát sao gì cả.
Tôi thấy thật buồn cười vì người làm quy định này chẳng hiểu gì về giáo dục ĐH tiên tiến cả.
- GS nói "người làm quy định chưa hiểu thực tế giáo dục ĐH ở các nước" có võ đoán hay không?
- Tôi đã tham gia thẩm định GS, PGS ở nước ngoài nhiều lần. Gần nhất, cách đây 2 năm, tôi thẩm định 1 hồ sơ GS cho Học viện Công nghệ Georgia ở Atlanta. Đó là 1 trường ĐH lớn thuộc loại top 10 ở Mỹ về công nghệ. Họ gửi hồ sơ cho tôi, kèm theo "những điều muốn về tiêu chuẩn GS của trường". Người thẩm định xét tiêu chuẩn. Còn được GS hay không là do trường công nhận.
Còn chuyện 1 hội đồng không đủ năng lực thẩm định, tôi lấy ví dụ, ở khoa toán của 1 trường ĐH hay viện nghiên cứu toán học, 1 nhà khoa học không thể am hiểu hết các chuyên ngành nhỏ.
- Ở trên GS có nói "các hội đồng càng lên cao, càng không đủ người có khả năng để thẩm định. Như vậy tức là không cần thiết phải có HĐ ngành, liên ngành và HĐCDGSNN?
- Theo tôi, hội đồng ngành, liên ngành hoàn toàn không cần thiết. Còn HĐ cơ sở thì nước nào cũng có.
Khi thẩm định, tổ chức này sẽ gửi hồ sơ ứng viên cho các chuyên gia, nhưng không phải chỉ trong cơ sở ấy. Nếu trong nước chưa đủ thì gửi ra ngoài nước.
Hội đồng nhà nước để xét "chuẩn tối thiểu" là 1 tổ chức, chứ không mang tính chất của HĐGSNN như ta đang có. Các thành viên sẽ kiểm tra khả năng khoa học ở mức tối thiểu, tức là xem anh có bằng tiến sĩ không, bằng đó giả hay thật. Đây là việc hành chính, có thể làm được.
Còn thẩm định công trình khoa học thì không nhất thiết phải là cái ông trong hội đồng ngành, liên ngành.
Tất nhiên, việc xét trên hồ sơ cũng sẽ có nhầm lẫn. Nên ở một số nước, còn yêu cầu ứng viên đến trường ĐH trình bày trước một hội đồng GS để xác nhận anh có đủ trình độ hướng dẫn nghiên cứu khoa học. Việc này, trường ĐH nào cũng làm được.
Nhưng liệu có thể lấy nhận xét trong ngành mà GS am hiểu là ngành Toán để lấy làm kết luận cho các lĩnh vực khác?
- Lĩnh vực toán còn tương đối dễ vì đánh giá dễ khách quan. Trong vật lý cũng vậy, không phải nhà vật lý nào cũng biết hết mọi vấn đề của lĩnh vực mình. Hơn nữa, ngày nay, xu hướng phát triển của khoa học là liên ngành.
"Tái diễn nguy cơ đội ngũ GS không đúng chuẩn"
Theo ông, hậu quả của việc đổi mới nửa vời này là gì?
- Việc tách bạch 2 quy trình: khi công nhận thì xét từ dưới xét lên, đến khi bổ nhiệm thì quay lại "từ dưới đề xuất lên" một lần nữa vừa hình thức, vừa nặng nề với những cơ sở khoa học trình độ cao. Bởi hội đồng cơ sở của họ tự xét còn hơn các hội đồng bậc cao hơn.
Ngược lại, những cơ sở yếu dựa vào chỗ đấy để "lách".
Vừa qua, chúng ta có đội ngũ GS, PGS rất đông nhưng ít người đúng chuẩn. Bây giờ, với kiểu làm như thế này, tôi e rằng lại sẽ lặp lại nguy cơ đó. Có thể mức độ đỡ hơn một chút nhưng chưa thể thay đổi cơ bản.
Ta làm thế này thì tiêu chuẩn cao quá hoặc là thấp quá, kết cục lại không quản được cái gì cả. Việc quản lý tập trung quan liêu, ở trên nắm hết vì cái quyền đi với lợi.
- GS nói vậy không e làm chạnh lòng những người có liên quan sao?
- Tôi không dám khẳng định quyền lợi về vật chất ở đây, tuy rằng người ta có lời ra tiếng vào. Nhưng tôi khẳng định thế này, ít nhất việc "ôm" quyền sẽ tạo cho anh uy tín, trọng lượng nào đấy, thậm chí là mác "oai" trong nhiều hoạt động khác.
Tôi rất làm lạ cách đây mấy năm vấn đề này đã được thoả thuận, không ngờ hôm nay lại ra kết quả ngược lại.
- Hạ Anh (Thực hiện)
Phần 2: Tiêu chuẩn GS, PGS: "Bất chấp"quốc tế hay "bất chấp" thực tế?
Thủ tục công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS | |
|