221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
1000048
Kiểm toán 112: Chưa thể định rõ thất thoát?
1
Article
null
Kiểm toán 112: Chưa thể định rõ thất thoát?
,
(VietNamNet) - Theo đại diện Kiểm toán nhà nước, nhiệm vụ của quá trình kiểm toán Đề án 112 tại một số bộ ngành, tỉnh, địa phương chọn mẫu tiêu biểu là nhằm phát hiện những khoản chi bất hợp lý, chưa thể quyết toán để làm cơ sở cho Thanh tra Chính phủ và Cơ quan công an tiếp tục điều tra, chứ chưa thể xác định rõ mức độ sai phạm, thất thoát trong chi tiêu ngân sách.
 
 
Phó tổng Kiểm toán nhà nước Lê Minh Khái trả lời báo chí.
Phó tổng Kiểm toán nhà nước Lê Minh Khái (giữa) trả lời báo chí.

Ngay sau khi công bố Kết quả Kiểm toán Đề án Tin học hoá Quản lý hành chính Nhà nước (Đề án 112) giai đoạn 2001- 2005 vào sáng  30/10/2007, đại diện Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và báo giới đã có cuộc trao đổi hỏi đáp rất sôi nổi về quá trình thực hiện kiểm toán đối với Đề án có nhiều dấu hiệu lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước này.

Mở đầu cuộc trao đổi, Phó Tổng KTNN Lê Minh Khái đã chia sẻ với báo giới về những khó khăn khi thực hiện quá trình kiểm toán Đề án 112. Đây là cuộc kiểm toán rất khó khăn với KTNN bởi Đề án 112 chưa có quyết toán tổng thể. Việc tổ chức thực hiện kiểm toán gặp nhiều khó khăn do năng lực nhân sự tham gia vào công tác kiểm toán không thể vừa nắm sâu về lĩnh vực đầu tư CNTT, vừa nắm rõ về quản lý hành chính.

Theo ông Khái, do quy mô của Đề án 112 rất rộng lớn, nhân lực của KTNN chỉ có hạn nên quá trình kiểm toán được thực hiện tại các BĐH 112 của 15/64 tỉnh, 8/52 bộ, ngành trung ương để đánh giá công tác điều hành, thực hiện và hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn của Đề án. Tổng cộng đã kiểm toán tại 23/116 đơn vị tham gia thực hiện Đề án 112.

Cuộc họp báo công bố kết quả kiểm toán Đề án 112 đã thu hút 55 cơ quan thông tấn báo chí trong nước tham dự.
Cuộc họp báo công bố kết quả kiểm toán Đề án 112 đã thu hút 55 cơ quan thông tấn báo chí trong nước tham dự.
Chưa thể xác định cụ thể con số thất thoát

Ngay trong phần đầu cuộc trao đổi, đại diện báo SGGP đã đặt câu hỏi về phạm vi kiểm toán chỉ chiếm 23/116 đơn vị tham gia thực hiện Đề án 112, vậy các đơn vị chưa kiểm toán có "thoát" hay không nếu có sai phạm, thất thoát ngân sách? Phó tổng KTNN Lê Minh Khái cho biết trong khoảng thời gian có hạn và quy mô rất lớn của Đề án, nên không thể kiểm toán hết 100% các đơn vị thực hiện. KTNN sẽ đề xuất Thanh tra Chính phủ và Cơ quan điều tra tiếp tục xác minh các điểm có khả năng dẫn đến thất thoát, sai phạm trong quá trình thực hiện tại BĐH 112 các tỉnh chưa được kiểm toán lần này.

Tổng KTNN Vương Đình Huệ cũng trả lời bổ sung rằng "Đã là kiểm toán thì bao giờ cũng phải theo nguyên lý chọn mẫu, không thể kiểm toán hoàn toàn 100% được. Các mẫu chọn của KTNN để tiến hành kiểm toán là tương đối đại diện trong các đơn vị triển khai Đề án 112 và có đủ các đơn vị cấp nguồn vốn triển khai". Tổng KTNN cũng nhấn mạnh kết quả kiểm toán lần này không phải là kiểm toán quyết toán, mà là để phục vụ cho công tác quyết toán Đề án 112. Trên cơ sở kết luận kiểm toán này, KTNN kiến nghị Bộ Tài chính thực hiện quyết toán.

Cũng theo Tổng TKNN, "trên cơ sở kiểm toán đã có, KTNN kiến nghị các cơ quan kiểm tra tiếp tục xem xét các vấn đề có khả năng sai phạm và sai phạm đến đâu. Với các bộ ngành chưa kiểm toán thì phải tiến hành kiểm tra. Do đó sẽ không có cơ quan, đơn vị nào được "nằm ngoài" công tác kiểm tra kiểm soát. Còn để nói sai phạm đến đâu thì còn phải chờ tiếp công tác quyết toán và kết quả điều tra của Bộ Công an".

’Tổng
Tổng kiểm toán Vương Đình Huệ: "Không phải toàn bộ hơn 200 tỉ chưa quyết toán được đều là thất thoát".

Về con số hơn 220 tỉ đồng chưa đủ điều kiện quyết toán, (mới chỉ là kết quả kiểm toán tại các bộ ngành địa phương được kiểm toán, bao gồm 55.702 triệu từ nguồn kinh phí Đầu tư XDCB từ ngân sách Trung ương (NSTƯ), 43.099,4 triệu đồng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên từ NSTƯ (do BĐH Đề án 112 Chính phủ thực hiện), 103.848 triệu từ nguồn kinh phí vay ADB và 1.315 triệu tử nguồn ngân sách địa phương), Tổng KTNN Vương Đình Huệ nhấn mạnh "không phải tất cả số tiền này đều là thất thoát hết".

Cụ thể, trong các khoản chi sai phân cấp 55.702 triệu lấy từ kinh phí đầu tư XDCB của NSTƯ để đầu tư các hạng mục địa phương như các hệ thống mạng LAN, máy tính cá nhân... Việc đầu tư các hệ thống mạng LAN, máy tính... tại các tỉnh là đúng, nhưng việc chi bằng nguồn vốn NSTƯ là sai. KTNN đã đề nghị các địa phương phải hoàn trả khoản đầu tư này cho NSTƯ và lấy từ nguồn ngân sách địa phương.

Các khoản chi chưa có đơn giá, định mức chi tiêu (33.428,6 triệu của NSTƯ gồm 17,2 tỷ đào tạo quản trị mạng, 15,4 tỷ chi triển khai dịch vụ cơ bản tại các trung tâm tích hợp dữ liệu...) và 73.636 triệu trong nguồn kinh phí vay ADB (chi đào tạo ứng dụng tin học) cũng chưa thể đánh giá là thất thoát, lãng phí đến đâu. Khi nào có đơn giá, định mức chi tiêu chính thức của các nhóm dự án đầu tư CNTT như Đề án 112 thì mới có thể xác định được là có thất thoát, lãng phí hay không, và nếu có thì thất thoát cũng chỉ là phần lệch giữa đơn giá, định mức với con số đã chi cho Đề án 112, chứ không phải là tất cả số tiền này.

"KTNN đã làm hết trách nhiệm!"

Ngay trong phần đầu của báo cáo kết quả kiểm toán Đề án 112, KTNN cũng nêu rõ do "BĐH 112 chưa có báo cáo quyết toán, nên KTNN tiến hành kiểm toán theo báo cáo thực hiện, sổ kế toán, chứng từ kế toán, tài liệu liên quan do các đơn vị được kiểm toán cung cấp. Do điều kiện về thời gian và nhân sự, đoàn kiểm toán không trực tiếp đối chiếu, xác nhận các khoản công nợ, không quan sát việc kiểm kê, kiểm quỹ của đơn vị; Không kiểm tra chất lượng thiết bị mua sắm, không đối chiếu xác nhận với đơn vị cung cấp tài sản, dịch vụ cho Đề án; không chứng kiến khối lượng công việc nghiệm thu hoàn thành".

Về khả năng đánh giá hiệu quả của các phần mềm dùng chung đã triển khai, đang triển khai ứng dụng, hay chất lượng thiết bị phần cứng, Tổng KTNN cho biết kiểm toán viên nhà nước không thể đánh giá cụ thể được. KTNN không có mặt khi các đơn vị tiếp nhận sản phẩm mà chỉ có thể kiểm tra trên các hồ sơ đấu thầu, hồ sơ mua bán, hợp đồng, xuất xứ sản phẩm... 

Chẳng hạn, với các phần mềm dùng chung đang được triển khai dở dang, nếu không được sử dụng thì sẽ là lãng phí lớn, nhưng nếu đưa vào sử dụng được thì còn phải cần các đơn vị như Bộ Thông tin - Truyền thông đánh giá về tính hiệu quả. Một trung tâm tích hợp dữ liệu theo hồ sơ gồm có những thành phần, thiết bị nào, KTNN sẽ kiểm tra, ghi nhận khả năng hiện tại có kết nối được với các trung tâm dữ liệu khác hay không, chứ cũng không thể đánh giá là hiệu quả đến đâu.

Trả lời câu hỏi của VietNamNet về việc Các khoản chi mua thiết bị phần cứng chiếm tỉ lệ rất lớn trong NSTƯ cho Đề án 112, nhưng khi KTNN không kiểm tra được về chất lượng thiết bị mua sắm như đã nêu thì có thể phát hiện được các trường hợp nâng khống giá thiết bị lên để "ăn" chênh lệch trong các hợp đồng mua thiết bị hay không? Phó tổng KTNN Lê Minh Khái cho biết:

"Trong các khoả chi đầu tư xây dựng cơ bản mua các thiết bị phần cứng tin học, trong báo cáo kết quả kiểm toán, những gì đã làm được chúng tôi đã nói, những gì chưa làm được chúng tôi đã giới hạn phạm vi kiểm toán. Đây là quy định về chuyên môn nghiệp vụ, quy trình thực hiện kiểm toán. Những gì phát hiện ra thì chúng tôi đã trình bày như trong báo cáo. Còn nếu muốn đánh giá có việc "khống" giá hay không thì còn phải kiểm tra, đối chiếu, với chức năng thực hiện điều tra (của thanh tra, cơ quan điều tra) thì mới có thể kết luận đầy đủ. Chúng tôi đã gửi tất cả các kết quả kiểm tra được về những sai phạm, cũng như các giới hạn và phạm vi kiểm toán để cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ."

Trả lời câu hỏi báo chí về việc đã có một bản báo cáo kiểm toán Đề án 112 xuất hiện trước đây một thời gian ngắn nhưng sau đó có chỉnh sửa lại để thành bản báo cáo này. Vậy kết quả kiểm toán có thay đổi gì không? Phó tổng KTNN Lê Minh Thái cho biết "khi chúng tôi chưa ký văn bản thì đó chưa phải là kết luận kiểm toán, mà chỉ là bản dự thảo còn đang trong quá trình lấy ý kiến của các bên được kiểm toán. Đó là quy trình kiểm toán và thủ tục theo Luật về phát hành báo cáo kiểm toán. Về mặt số liệu, toàn bộ nội dung kết luận và kiến nghị đều không có gì thay đổi so với ban đầu. Có chăng chỉ là các chi tiết cụ thể về mặt kỹ thuật liên quan tới CNTT cần xác định rõ hơn".

Tổng kiểm toán Vương Đình Huệ trong phần trả lời báo chí của mình cũng đã khẳng định: "Phạm vi của Đề án 112 rất rộng lớn. Bản thân tin học hoá đã là một lĩnh vực đặc thù, tin học hoá quản lý hành chính lại càng mang tính đặc thù cao, chưa từng có tiền lệ nên công tác kiểm toán rất khó khăn. Hiện tại chưa thể có được đội ngũ nhân lực vừa hiểu sâu về lĩnh vực CNTT, vừa nắm vững về cải cách hành chính để đảm nhiệm công việc này. Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ và giới hạn kiểm toán được giao, cùng những khó khăn nói trên, KTNN đã làm hết trách nhiệm của mình".

’Không
Không nằm trong dự kiến trả lời báo chí, nhưng trước những câu hỏi "nóng", Tổng KTNN Vương Đình Huệ đã đứng dậy trả lời ngay tại hàng nghế đại biểu.

Kiểm toán "những thành quả đạt được" của Đề án 112

Trả lời câu hỏi của VietNamNet về việc vì sao KTNN đánh giá một trong những kết quả đã đạt được của Đề án 112 là "Xây dựng được cổng thông tin điện tử của Chính phủ, hình thành được hệ thống thông tin điện tử triển khai rộng tới các bộ, ngành, địa phương", trong khi trên thực tế Cổng thông tin này (www.egov.gov.vn) đã không hoạt động được như yêu cầu đặt ra, cũng như không hề có khả năng tổng hợp, chia sẻ thông tin giữa các bộ ngành, dữ liệu nghèo nàn, không được cập nhật...? Phó tổng KTNN Lê Minh Khái cho biết:

"Về việc cổng thông tin điện tử Chính phủ này hoạt động hiệu quả như thế nào, cần phải có đánh giá cụ thể và đầy đủ của Chính phủ một cách tổng thể. Nói gì thì nói, Đề án 112 cũng đã có những kết quả bước đầu. Trong báo cáo của Uỷ ban khoa học công nghệ của Quốc hội về Đề án 112 cũng đã ghi nhận kết quả về nội dung và cổng thông tin điện tử của Chính phủ".

Tổng KTNN Vương Đình Huệ đánh giá sau 5 năm thực hiện Đề án 112, công bằng mà nói, có 4 kết quả đáng ghi nhận:

1. Bước đầu tạo ra được hạ tầng CNTT phục vụ công tác cải cách hành chính nhà nước ở các cấp, các ngành từ Trung Ương đến địa phương. Điều này đặc biệt tốt đối với các bộ ngành mới thành lập. Một số bộ đã thực hiện được họp, trao đổi trực tuyến từ nhiều nơi cách xa nhau.

2.Thiết lập được một số hệ thống cơ sở dữ liệu. Tất nhiên việc tích hợp các dữ liệu này còn phải tiếp tục.

3. Đào tạo được 51.000 lượt cán bộ về CNTT, trong đó có 40.000 cán bộ đang công tác tại các địa phương và các trung tâm tin học các bộ ngành.

4. Thành của quan trọng nhất là tạo nên một chuyển biến trong nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, công chức về ứng dụng CNTT nói chung và ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính Nhà nước nói riêng.

Tổng KTNN đề nghị các bộ, cơ quan chức năng tiếp tục đánh giá, phân tích, tiếp thu các vấn đề liên quan đến Đề án 112 để khắc phục, tiếp tục triển khai một cách hiệu quả, kiểm toán chặt chẽ để điều hành được tốt hơn. Còn để xác định được cụ thể mức độ sai phạm, gây thất thoát lãng phí NSTƯ trong Đề án 112, cần phải có quá trình điều tra tiếp theo của Thanh tra, cơ quan công an.

  • Bình Minh (thực hiện)
    Ảnh: Lê Anh Dũng

    Quan điểm của quý độc giả:

     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,