221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
999458
"Xài tiền" ở Đề án 112: Sai phạm nghiêm trọng
1
Article
null
'Xài tiền' ở Đề án 112: Sai phạm nghiêm trọng
,

(VietNamNet) - Hàng trăm tỷ đồng bị chi sai nguồn, sai nguyên tắc, gây lãng phí, thất thoát từ Đề án 112. Báo cáo do Kiểm toán Nhà nước công bố hôm nay (30/10) cho thấy, đã có những sai phạm nghiêm trọng về thu - chi ngân sách tại Ban điều hành (BĐH), kể cả ở các bộ, ngành, địa phương khi thực hiện Đề án 112.

>>Công bố kết quả kiểm toán Nhà nước về Đề án 112>>

Kết quả này được Kiểm toán Nhà nước công bố sau hơn 2 tháng kiểm tra, từ 11/4-21/6, tại Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, BĐH và kiểm toán Đề án 112 tại 15/64 tỉnh, thành; 8/52 bộ, ngành, Trung ương. 

KTNN cho biết sắp tới sẽ kiểm toán các chương trình lớn mang tầm quốc gia (ảnh Lê Anh Dũng).

Chi hàng nghìn tỷ, kết quả... còn phải xem

Theo Kiểm toán Nhà nước, tổng mức đầu tư được duyệt cho cả giai đoạn (2001-2005) của Đề án 112 là 3.836 tỷ 85 triệu đồng. Tổng kinh phí đã được cấp phát là 1.534 tỷ 325 triệu đồng. Tổng kinh phí đã sử dụng cho Đề án là 1.159 tỷ 636 triệu đồng. 

Qua kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước phát hiện đã có gần 250 tỷ đồng mà những người tham gia thực hiện Đề án 112 đã sử dụng sai; trong đó, hơn 55,7 tỷ đồng chi sai nguồn, sai phân cấp (lẽ ra, mạng LAN, máy tính cá nhân... các tỉnh phải chi từ ngân sách địa phương thì "hồn nhiên" lạm vào NSNN); 146,673 tỷ đồng phải giảm quyết toán do chi sai chế độ; 21 tỷ đồng phải thu hồi, nộp lại NSNN do chi không đúng nhiệm vụ chi; 22,45 tỷ chưa sử dụng phải thu hồi nộp ngân sách; và gần 1,3 tỷ đồng chi sai chế độ phải nộp lại ngân sách địa phương.

Đó là việc chi cả trăm tỷ đồng, cả núi giáo trình (riêng tiền in giáo trình đào tạo là 8,429 tỷ đồng, nay hơn 600 triệu đồng bị lãng phí vì tài liệu vẫn xếp xó), tổ chức hơn 2.600 lớp học với 5,1 vạn học viên, nhưng việc đào tạo lại được đánh giá là không đạt yêu cầu. 

Đó là chưa kể, số tiền 169,9 tỷ đồng vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mà Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm quyết toán 103,84 tỷ đồng những khoản chi sai này của Đề án 112. Đáng chú ý, khoản bị chi trùng lên tới hơn 30 tỷ đồng; chi chưa đủ điều kiện quyết toán tới 73 tỷ đồng...

Việc chi sai này, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, hầu hết được thực hiện “ồ ạt” từ 2003 đến 2005, bởi Đề án 112 đã mất 2 năm để xác định định hướng công nghệ, một số cơ chế đặc thù để triển khai đề án. Ông Vương Đình Huệ, Tổng Kiểm toán Nhà nước, cho rằng, đây là lĩnh vực mới, đặc thù, chưa có kinh nghiệm, lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam.

Song, không phải vì thế mà BĐH Đề án 112 của Chính phủ, các bộ ngành có thể chi tuỳ tiện, chi vượt mức, chi khống tiền ngân sách Nhà nước, gây thất thoát và lãng phí tiền của. Điều này thể hiện rõ ở kết quả triển khai đề án. Hầu hết các bộ, ngành, địa phương chỉ xây dựng và hình thành bước đầu hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (mạng nội bộ, LAN, trang web... ), chưa có hoặc chưa rõ nét một hệ thống thông tin phục vụ trực tiếp cho công tác chỉ đạo điều hành trong quản lý hành chính Nhà nước. 

Trong số 48 phần mềm được BĐH xây dựng, hầu hết mới chỉ ở dạng quản lý văn bản đi đến (mới dừng ở việc cập nhật, chưa áp dụng được quy trình xử lý), hoặc không sử dụng được. Có phần mềm làm xong nhưng chưa thí điểm nên vẫn chỉ nằm trên máy. Thậm chí, làm phần mềm ra còn đắt gần bằng 4 lần phần mềm đã có ở cùng thời điểm (BĐH 112 Bộ KH-ĐT); chi tiền làm trang web rồi bỏ, hoặc đặt gần nửa tỷ làm phần mềm cuối cùng chưa có sản phẩm, gây lãng phí tiền của Nhà nước (BĐH 112 Bộ GD-ĐT)...

Hệ thống thông tin của Đề án 112 hoạt động còn kém hiệu quả, chủ yếu được xây dựng là để phục vụ trao đổi thông tin nội bộ. Riêng về hạ tầng mạng tại Văn phòng Chính phủ, đã xây dựng được Trung tâm tích hợp dữ liệu nhưng đáng tiếc lại không có cơ sở kết nối, không chuẩn hóa được thông tin... nên Trung tâm này không hoạt động. 

Đáng lưu ý, mạng cục bộ (LAN) của Văn phòng Chính phủ không kết nối được với mạng diện rộng của Chính phủ đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của Đề án 112. Các mạng LAN của các bộ, ngành, địa phương không kết nối với mạng thông tin của Đảng (Đề án 47) do đó việc thống nhất chủ trương, đường lối, điều hành giữa các cơ quan Đảng, Chính phủ còn hạn chế.

Sẽ kiểm toán các chương trình quốc gia khác

Sự ra đời của Đề án 112, theo ông Vương Đình Huệ, là nhằm phục vụ chương trình tổng thể cải cách hành chính đến 2010, gồm cải cách về thể chế, tổ chức cán bộ, bộ máy, tài chính công. Việc xây dựng và triển khai đề án là đúng, cần thiết, không sai về chủ trương song đã có những sai phạm nghiêm trọng về sử dụng tiền ngân sách. 

Trước mắt, sau kết quả kiểm toán Đề án 112, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, xử lý trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức có liên quan với số tiền 247,19 tỷ đồng sử dụng sai, chi sai. Đến nay, cũng mới chỉ có Đồng Nai nộp trả ngân sách hơn 2 tỷ đồng tiền Đề án chưa sử dụng đến và xử lý hơn 500 triệu đồng do chi sai.

Ngoài lỗ hổng về quản lý và sử dụng ngân sách là sự báo động về những lỗ hổng từ cơ chế, bộ máy. Đến năm 2006 (khi đã kết thúc giai đoạn 1 Đề án 112), nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về sự thất bại của Đề án 112 và đề án cũng chưa triển khai giai đoạn tiếp theo nhưng Bộ KH-ĐT vẫn đồng ý "rót" cho BĐH 150 tỷ đồng. 

Ngay như Bộ Tài chính - cơ quan giám sát - không chỉ chậm ban hành các định mức, đơn giá chính thức áp dụng cho đề án, mà còn "mạnh tay" cho phép BĐH chi định mức cao hơn quy định hiện hành. Hơn thế, Bộ này còn đồng ý cho BĐH chi cả những khoản tiền trùng lắp, bất hợp lý như khấu hao máy tính, chi ngoài dự toán, chi ngoài mục đích đề án. 

Thậm chí, BĐH Đề án 112 - cơ quan thẩm định kỹ thuật cao nhất - lại được phép bắt tay với Bộ KH-ĐT - tạo ra quyền hạn lớn trong quản lý và điều hành (vừa thẩm định vừa cấp vốn), với cơ chế “xin - cho”. Chính vì vậy, nhiều đơn vị không có đề án hoặc có đề án nhưng chưa được duyệt cũng được nhận tiền (như ĐH Quốc gia TP.HCM, Quỹ Hỗ trợ phát triển, Hội Cựu chiến binh...); không cần có sản phẩm cũng chi tiền, không có đơn giá cũng bán hàng, không có dự án cũng giao vốn. 

Báo cáo Kiểm toán Nhà nước cho thấy, 43/116 đơn vị đầu mối (thuộc bộ, ngành, địa phương) được cấp vốn vượt mức tổng đầu tư của đề án được thẩm định. Nhiều tiền, các đơn vị cơ cở nghĩ đủ cách "xài", thậm chí xài sử dụng không hết, phải nộp trả NSNN 13,6 tỷ đồng; một số đơn vị khác không sử dụng hoặc sử dụng chưa hết còn để tồn đến 31/12/2006 là 56 tỷ đồng. 

Ông Vương Đình Huệ cho biết, việc kiểm toán mới chỉ thực hiện ở những đơn vị mẫu, song tới đây, sẽ rà soát và kiểm tra lại ở tất cả các bộ, ngành, địa phương khác trong cả nước. Sai phạm cụ thể như thế nào còn phải chờ kết quả điều tra của cơ quan điều tra. Chính vì có quá nhiều sai sót trong các dự án nhóm A, ông Huệ nói rằng cần phải thẩm định lại kỹ càng mục tiêu, nội dung các chương trình này; cần tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và kể cả việc lấy ý kiến người dân.

"Sắp tới, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiến hành kiểm toán các chương trình mục tiêu quốc gia khác, điển hình như Chương trình 135 (đã tiến hành 1 năm 1 lần, sẽ báo cáo các nhà tài trợ vào cuối năm); Chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường; Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục... để rà soát, kiểm tra thường xuyên quá trình quản lý, điều hành về sử dụng NSNN.

  • Hà Yên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,