Sau sự kiện bắt giam nguyên Phó Chánh VP Chính phủ kiêm trưởng ban điều hành Đề án 112, các báo hôm nay tiếp tục có những bài điều tra quanh dự án tai tiếng này.
>>Ngừng ngay Đề án 112, nghiêm túc kiểm điểm cán bộ
Ông Thuần (đứng) người vừa mới bị khởi tố, tại lễ bế giảng đào tạo 500 cán bộ quản trị mạng cho các địa phương |
Dưới tiêu đề "Đốt tiền vì thiếu tầm, tư lợi", báo NLĐ cho biết tiền tỉ bị ném qua cửa sổ nhưng ban điều hành đề án này phủi tay: Do lỗi kỹ thuật và hành chính (?!).
Chứng minh cho quan điểm của mình: Tiền được “bơm” như nước, vẫn than ít, Báo này cho biết tại Đề án 112, đến trước khi chấm dứt sự tồn tại của Ban Điều hành, ban này đã xây dựng và triển khai chương trình đào tạo ứng dụng tin học cho 64.000 cán bộ công chức trong các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương.
Trong 13 trung tâm đào tạo mà Ban Điều hành đã hình thành đươc, Công ty ISA cũng chính là doanh nghiệp đã bán phần mềm Microsoft cho Ban Điều hành Đề án 112 với giá 9 tỉ đồng. Trong đó, 3 tỉ đồng đã bị chia chác.
Trái lại, khi sơ kết nhiệm vụ đào tạo tại TP Hạ Long ngày 14-8-2004, Ban Điều hành Đề án 112 vẫn kêu: Khó khăn hiện tại mà Ban Điều hành Đề án 112 Chính phủ gặp phải là kinh phí đào tạo chưa phù hợp. Các đơn giá đào tạo (áp dụng tạm thời) tương đối thấp, các chế độ tài chính đối với học viên chưa thỏa đáng. Ban Điều hành sẽ cùng Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất một số định mức đào tạo mới trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Vai trò của “hai nhân vật” chính?
Đề cập đến vai trò của hai nhân vật chính, Tiền Phong đã sơ lược lại quá trình hình thành của Ban Điều hành Đề án. Mới đầu, Ban điều hành Đề án có 6 người, với Trưởng ban là ông Vũ Đình Thuần ủy viên là các Thứ trưởng một số bộ liên quan và Ủy viên thư ký là ông Lương Cao Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm tin học Văn phòng Chính phủ.
Trong 4 tháng bị tạm giam, với trình độ tiến sĩ, cả hai “nhân vật chính” là ông Vũ Đình Thuần và ông Lương Cao Sơn, sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi của cơ quan điều tra.
Đặc biệt là ông Vũ Đình Thuần, bởi vì theo Quy chế làm việc của Ban điều hành Đề án 112, Trưởng Ban Vũ Đình Thuần chính là người chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Ban trước Thủ tướng Chính phủ và Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, chỉ đạo chung hoạt động của Ban, thông qua kế hoạch công tác, chủ trì các cuộc họp của Ban, thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư, chủ tài khoản của Ban điều hành.
Theo tìm hiểu, ông Lương Cao Sơn, bên cạnh việc phụ trách Tổ thư ký Ban Điều hành 112, còn giữ nhiều chức danh quan trọng khác trong tổ chức của Ban điều hành Đề án 112.
“Bộ máy” của Ban điều hành Đề án 112 được chia làm 9 tổ. Trong đó, Tổ Kế hoạch gồm 9 người, do ông Lương Cao Sơn làm Tổ trưởng, có nhiệm vụ giúp Ban Điều hành Đề án 112 xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án.
Tổ hành chính của Ban Điều hành Đề án 112 gồm 6 người, trong đó có 4 người chuyên trách, cũng do ông Lương Cao Sơn làm Tổ trưởng.
Như vậy, một mình ông Lương Cao Sơn đã là người phụ trách ba Tổ trong Ban điều hành Đề án 112. Các tổ còn lại trong Ban điều hành Đề án 112 là: Tổ chuyên môn gồm 26 người; Tổ Hệ thống thông tin, gồm 12 người; Tổ Website gồm 3 người; Tổ Chuẩn hóa Hệ thống gồm 11 người; Tổ Đào tạo gồm 4 người; Tổ cơ sở dữ liệu quốc gia gồm 8 người.
"Dễ ăn nhất" là phần mềm, giải pháp
Đề cập đến những mảng công việc màu mỡ, dễ "ăn" nhất của Đề án 112, báo Lao Động chỉ ra đó chính là mảng làm phần mềm. Theo một vị GĐ Cty CNTT ở Hà Nội, có lý do để cho là như vậy, vì một phần mềm giá thực trên thị trường nếu 100 triệu đồng, khi đưa vào dự án có thể tăng lên 1 tỉ đồng nhưng vẫn có thể có những "lời giải thích hợp lý".
Vả lại, có ai kiểm tra các phần mềm đó giá trị thực như thế nào đâu. Chỉ biết rằng, các phần mềm dùng chung, bỏ ra tiền tỉ để mua sắm, nhưng lại không thể dùng chung được, thậm chí chúng còn tệ hơn các phần mềm sẵn có ở các địa phương. Khả năng nâng giá trong việc cung cấp phần mềm càng tạo ra nhiều tiêu cực phí để "bôi trơn".
Từ phần mềm, tích hợp với phần cứng và một số dịch vụ, các đơn vị cung cấp giải pháp cũng là mảng "béo bở" không kém, vì khung giá cũng vô chừng và cũng dễ tìm được "lời giải thích hợp lý".
Theo một vị GĐ Cty ở TPHCM, cung cấp thiết bị phần cứng như máy chủ hay máy trạm, giá cả trên thị trường tương đối rõ, cùng cấu hình thì giá có xê xích giữa các thương hiệu cũng không nhiều, có thể kiểm tra. Về mức học phí đào tạo, như đã triển khai trong Đề án 112 là khoảng 2 triệu đồng/người/khoá. Giá này được cho là "trên trời" nhưng theo một vị GĐ Cty CNTT ở Hà Nội, "cao thì cũng đến một mức nào đó thôi vì Nhà nước cũng đã có quy định về định mức".
"Tuy nhiên, ở những mảng miếng, hạng mục càng dễ có "lời giải thích hợp lý" thì bóng đen tiêu cực, tham nhũng càng lớn cần phải làm rõ trước tiên, để thấy họ đã cùng "nhúng chàm" như thế nào với những vị đã bị bắt giam" bài báo kết luận.
(Tổng hợp từ các báo)