221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1276378
Ra Lý Sơn nghe kể chuyện Hoàng Sa
1
Article
null
Ra Lý Sơn nghe kể chuyện Hoàng Sa
,

- Hơn 300 năm đã trôi qua kể từ ngày những con dân vùng đất đảo Lý Sơn “vâng mệnh vua ban” lên tàu cưỡi sóng đạp gió vượt trùng dương làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bỏ mình nơi đảo Hoàng Sa.

Lớp cha trước, lớp con sau nối bước cha ông vượt sóng dữ ra Hoàng Sa. Hàng năm, một lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức để tri ân những con dân đã bỏ mình nơi vùng đất giữa trùng dương của Tổ quốc.

Quá khứ hào hùng

Mặc dù lớp bụi thời gian đã phủ lấp cùng chiến tranh loạn lạc, nhưng trong ký ức của người dân nơi vùng đất đầu sóng ngọn gió này vẫn mãi mãi không lãng quên quá khứ hào hùng một thuở của cha ông.

Trong buổi sáng ngày rằm tháng 3 đúng dịp tết thanh minh, hôm qua (28/4), hàng nghìn người dân của huyện đảo Lý Sơn lại áo mão chỉnh tề tụ hội về Âm Linh Tự để rước linh vị các hùng binh Hoàng Sa về đình làng An Vĩnh để tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

Những công dân trẻ Lý Sơn say sưa ngắm mô hình chiến thuyền vượt biển ra Hoàng Sa của cha ông thuở trước

Những công dân trẻ Lý Sơn say sưa ngắm mô hình chiến thuyền vượt biển ra Hoàng Sa của cha ông thuở trước

Với người dân nơi huyện đảo này, đây là lễ thức quan trọng hàng năm. Cụ Phạm Quang Tĩnh, hậu duệ đời thứ 5 của cai đội lãnh binh đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh kể, những con dân của vùng đất đảo Lý Sơn coi quá khứ hào hùng là điểm tựa vững chắc để tiếp bước chinh phục và bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng.

Giữa buổi sáng tiết thanh minh ấy, lớp cháu con kính cẩn trước linh vị của các bâc tiền nhân đã bỏ mình khi mệnh nước cần người hùng dám xông pha nơi đầu sóng ngọn gió ra quần đảo Hoàng Sa xác lập chủ quyền. Phạm Quang Ảnh được chọn phong làm cai đội lãnh quân ra đi. Ông đã cùng hải đội đã đi mãi không về. Con cháu làm nấm mộ chiêu hồn tập thể cho ông cùng 10 người lính của mình để tưởng nhớ...

Những cụ già kể chuyện đội hùng binh Hoàng Sa cho cháu con nghe tại đính làng An Vĩnh

Không phải chỉ mỗi mình Phạm Quang Ảnh “vâng mệnh vua ban” xông ra nơi đầu sóng ngọn gió này, mà còn đó hàng nghìn người con của vùng đất đảo Lý Sơn tiếp bước xuống thuyền đạp sóng ra khơi. Trong số ấy, phần đông đi mãi không về. Không biết có phải từ đó mà trong tâm thức của mỗi người con nơi vùng đất đảo Lý Sơn này vẫn truyền tai nhau câu thơ bi tráng: “Hoàng Sa, trời nước mênh mông; Người đi thì có, người về thì không...”.

Khu lưu niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa được trùng tu tại đảo Lý Sơn

Mảnh đất Lý Sơn nơi đầu sóng ngọn gió chỉ vỏn vẹn 9,97 km2, nằm cách bờ biển Quảng Ngãi 18 hải lý về phía đông bắc, có dày đặc những di tích. Trong số đó, phần lớn là lăng thờ những người con của đất đảo đã xả thân vì đất nước. Lễ Khao lề thế lính là một lễ hội văn hóa cổ truyền, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du Lịch Quảng Ngãi Nguyễn Đăng Vũ, trong những năm tới, sẽ nâng tầm lễ hội này thành lễ hội quốc gia với tên gọi Festival Biển đảo Việt Nam.

Niềm tự hào đất Việt

Ông Võ Hiến Đạt, đã bước sang tuổi 80, người được xem là “ông đồ” xứ đảo này kể lại những câu chuyện về đội hùng binh Hoàng Sa. Ông vẫn còn ghi nhớ những chiến thuyền được đóng bằng gỗ chò mà người xưa gọi là tiểu điếu thuyền.

Lễ rước linh vị những hùng binh Hoàng Sa từ Âm Linh Tự về đình làng An Vĩnh để tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Ghe chỉ rộng khoảng 3m, dài hơn 10m, chở được 10 người. Nương theo chiều gió, ghe căng ba cánh buồm cùng với sức chèo đi khoảng ba ngày ba đêm thì thấy quần đảo Hoàng Sa. Ngoài lương thực, nước uống được mang theo tạm đủ dùng trong sáu tháng.

Hành trang mang theo bên mình của những hùng binh Hoàng Sa là một thẻ bài ghi rõ danh tính, phiên hiệu hải đội, bản quán. Họ đã biết trước chuyến hải hành đầy hiểm nguy nhưng không ai từ nan. Mỗi người một chiếc chiếu, bảy nẹp tre và dây mây để khi chết sẽ bó xác mình, thả xuống biển, mong có ngày trôi dạt về đất quê hương hoặc ghe thuyền nào đó vớt được cũng biết quê quán để đưa về.

Lễ cầu siêu cho những hùng binh đội Hoàng Sa

Theo luật vua ban, con trai trưởng được ở nhà thờ tự cha mẹ, các con trai thứ chưa có gia đình đều vào hải đội, việc đó cứ kéo dài nhiều đời vua.

Tất cả các tộc họ ở Lý Sơn mỗi năm đều quấn vành tang trắng, hiến dâng con cái của mình cho quần đảo ngoài biển xa. Tất cả những Hùng Binh đều giống nhau vì Tổ quốc ra đi không về!

Cụ Phạm Quang Tĩnh kể rằng: Ngoài cai đội Phạm Quang Ảnh, các tộc họ Phạm ở Lý Sơn còn có rất nhiều tráng đinh tham gia đội hùng binh Hoàng Sa. Đa số họ ra đi không về.

Ở thôn Tây, xã Lý Vĩnh, nấm mộ gió của cai đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết vẫn nằm đó giữa bời bời cát trắng bên những ruộng hành, tỏi xanh ngắt. Con cháu đời sau dựng cả một nhà thờ người anh hùng xưa. Trong ký ức lưu truyền của các cụ già kể lại, Võ Văn Khiết được người dân sánh ngang với Phạm Quang Ảnh.

Nhà thờ họ Phạm trên đất Lý Sơn đang thờ tự những người con bỏ mình vì Hoàng Sa

Các bậc anh hùng khác của đất đảo Lý Sơn đã “vâng mệnh vua ban” như Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh, Phạm Văn Nhiên, Phạm Văn Nguyên... bỏ lại phía sau tất cả để lên thuyền ra Hoàng Sa.

Trong đó, Phạm Văn Nguyên theo lệnh vua Minh Mạng, vào năm thứ 16 (1835) chở vật liệu ra xây dựng một ngôi miếu chủ quyền trên đảo Hoàng Sa. Quanh miếu, họ còn gieo hạt cây mang theo từ đất liền để đem lại sinh khí cho đảo và làm dấu hiệu cho tàu thuyền biết chỗ vào tránh khi gặp bão tố cuồng phong...

Nhân lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay, Thư viện Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi đã sưu tầm, bổ sung một lượng lớn hình ảnh, tư liệu quý có liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các tư liệu này được “trình làng” tại Nhà trưng bày các tư liệu quý về đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa (xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi).

Ông Nguyễn Đăng Vũ cho biết: Hiện đang trưng bày 70 ảnh, 50 hiện vật và 60 tài liệu quý: mô hình thuyền đi biển và các vật dụng đi kèm như nồi đồng, nồi đất, lu đựng nước ngọt của Đội Hoàng Sa mang theo sử dụng và các vật dụng tùy thân của mỗi người lính gồm nẹp tre, dây mây, thẻ tre...

Mẫu thuyền của các chiến binh trong lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được nghệ nhân Võ Hiển Đạt cùng các nghệ nhân tại huyện đảo Lý Sơn phục dựng nguyên trạng và các vật đi kèm như bài vị, linh vị, chiếu, các hiện vật của nền văn hóa Sa Huỳnh được khai quật từ di chỉ Suối Chình, xã An Hải, huyện Lý Sơn.

Các tài liệu thời Chúa Nguyễn (bằng chữ Hán) về việc điều binh phu của xã An Hải và An Vĩnh đi Hoàng Sa làm nhiệm vụ, các văn bản thời Pháp thuộc về việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng được trưng bày.

  • Vũ Trung - Hữu Việt
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,