221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
1274718
Kỳ cuối: Hoàng Sa, khắc khoải mảnh đất thiêng giữa trùng khơi
1
Article
null
Tường trình từ Hoàng Sa:
Kỳ cuối: Hoàng Sa, khắc khoải mảnh đất thiêng giữa trùng khơi
,

- Tôi đã có những giờ phút nghẹt thở, những đêm trắng lo sợ tàu tuần tra Trung Quốc bắt giữ... Nhưng tất cả nỗi sợ ấy vẫn không làm tôi cũng như hàng nghìn ngư dân đang ngày đêm bám biển Hoàng Sa chùn bước. Dẫu biết rằng những hiểm nguy đang chực chờ phía trước, nhưng máu thịt Hoàng Sa vẫn từng phút, từng giây thổn thức trong triệu triệu trái tim yêu thương của con dân đất Việt…

>> Những hình ảnh phóng viên VietNamNet ghi trực tiếp từ Hoàng Sa
>> Kỳ 1:
10 ngày nghẹt thở trên vùng biển Hoàng Sa
>> Kỳ 2: Nín thở đi qua vùng biển "tử thần"
>> Kỳ 3: Hiểm nguy giữa biển Hoàng Sa
>> Kỳ 4: Bỏ vùng biển Hoàng Sa là có tội với cha ông
>> Kỳ 5: Đêm dưới lòng biển Hoàng Sa
>> Kỳ 6: Hoàng Sa, nơi cuộc sống không có chỗ cho sự yếu hèn
>> Kỳ 7: Tựa vào nhau để sống với Hoàng Sa
>> Kỳ 8: Hoàng Sa, 36 năm vẫn cách một nhịp chèo

Hoàng Sa, ngay trong tâm thức Việt

Giữa những ngày cuối tháng 3/2010, từ Hoàng Sa trở về, tôi lại nhận được những dòng thông tin khi phòng trưng bày những tư liệu, hình ảnh về Hoàng Sa mở cửa đã thu hút hàng nghìn người dân tìm về để mà thổn thức, mà tự hào với quá khứ hào hùng một thuở của cha ông.

Những sắc phong vua ban cho những giòng tộc có công khai phá và bảo vệ Hoàng Sa vẫn còn tươi nguyên nét mực, dù lớp bụi thời gian đã phủ mấy trăm năm. Những chiến thuyền căng buồm ra Hoàng Sa vẫn còn đó. Những thuỷ binh đội Hoàng Sa can trường, dũng mãnh một thời đã tạo nên hào khí Hoàng Sa bất tử trong lòng con dân đất Việt và hôm nay, mãi mãi sau này vẫn thế.

Tượng đài đội hùng binh Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) luôn nhắc nhở con dân đất Việt nhớ về Hoàng Sa với những đội hùng binh đi mở cõi, giữ đất.

Những đứa con đất Việt vẫn bất chấp hiểm nguy của bao thế lực bạo tàn ngày đêm bám biển Hoàng Sa như là minh chứng sống khẳng định chủ quyền của tổ quốc Việt Nam. Những chiến thuyền trọng trận hải chiến năm 1974 của những “chiến binh” dưới thời chế độ cũ đã sẵn sàng xả thân vì vùng biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.

Lão “chiến binh” Phạm Khôi đã bật khóc khi kể về quá khứ những ngày ông đặt chân lên đất đảo Hoàng Sa trong tâm thế của người con nước Việt ra thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa dưới thời chế độ cũ. Ông bảo với tôi rằng, cho dù chế độ nào, đã là con dân đất Việt thì việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa là nhiệm vụ thiêng liêng nhất.

Ngay những người trẻ tôi đã gặp, khi nói với họ rằng tôi từ biển Hoàng Sa trở về, mắt họ lại rực sáng lên niềm tin yêu. Cậu học trò lớp 9 ở xã ven biển Bình Châu, (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) Phạm Quang Liêm gặp tôi nơi cảng Sa Kỳ ngày từ Hoàng Sa trở về đã cầm tay tôi bảo rằng: "Em sẽ cố học thật giỏi, để đóng những con tàu to ra Hoàng Sa".

Ông Phạm Khôi ôn lại những kỷ niệm về Hòang Sa.
Ngay tôi, đã có những giây phút hạnh phúc, xen lẫn hồi hộp khi được đặt chân lên vùng biển Hoàng Sa để hoà cùng nhịp đập thổn thức yêu thương của triệu triệu trái tim con dân đất Việt đang ngày đêm hướng về Hoàng Sa, Trường Sa - Vùng đất thiêng của tổ quốc.

Đất thiêng giữa trùng khơi

Khoảng thời gian 4 ngày 5 đêm được sống nơi vùng biển Hoàng Sa không là nhiều so với một đời ngư dân bám nơi vùng biển này. Nhưng khoảng thời gian ít ỏi ấy đã cho tôi những trãi nghiệm, lòng yêu thương, sự bọc đùm và lòng can đảm, kiên cường trước những hiểm nguy. Một niềm tin rực cháy trong lòng tôi cũng như triệu triệu con dân đất Việt vẫn tin một ngày không xa, biển đảo Hoàng Sa sẽ không còn trong tay của ngoại bang.

Lời thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn trong những đêm trắng nơi vùng biển Hoàng Sa đầy suy tư: “Đã hơn 35 năm đất nước được thống nhất, giang sơn thu về một mối. Nhưng phần đất máu thịt Hoàng Sa vẫn còn trong tay của ngoại bang. Chúng tôi, những con dân đất Việt vẫn ngày đêm kiên cường bám chặt Hoàng Sa đến hơi thở cuối cùng. Đời con cháu chúng tôi cũng sẽ tiếp nối bước chân của cha ông, dẫu vùng đất thiêng bây giờ vẫn chưa được bình yên…”.

Lời tâm sự đầy yêu thương với vùng biển đảo Hoàng Sa của thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn đã giúp tôi hiểu được vì sao trải qua bao nhiêu hiểm nguy, đối mặt với cái chết, anh cũng như hàng nghìn ngư dân vẫn kiên cường bám biển suốt mấy chục năm sau ngày giải phóng.

Những ngư dân Quảng Ngãi chưa một lần có ý nghĩ bỏ biển Hoàng Sa, bởi điều đó là "có tội" với cha ông.

Trong chuyến từ Hoàng Sa trở về, tôi theo tàu của thuyền trưởng Tiêu Viết Hồng. Trong miên man bao câu chuyện biển trời Hoàng Sa mà anh đã có hơn 20 năm cưỡi sóng đạp gió bám nơi vùng biển này: “Những ngày biển động lên bờ là không ngủ được vì nhớ biển. Chắc anh sẽ thắc mắc hỏi rằng tại sao chúng tôi không chọn vùng biển Trường Sa an toàn hơn mà lại chọn Hoàng Sa đầy hiểm nguy bất trắc? Tôi có thể khẳng định rằng: Hoàng Sa đối với tôi cũng như hàng nghìn ngư dân nơi vùng đất Lý Sơn, hay Bình Sơn…đã là máu thịt, là nơi chốn không thể thiếu trong tiềm thức của mỗi con người nơi đây. Chúng tôi không thể sống nếu thiếu biển đảo Hoàng Sa… Không bảo vệ được vùng biển đảo Hoàng Sa là có tội với tiền nhân".

Chủ nước Nguyễn Minh Triết trong chuyến ra thăm vùng biển đảo Bạch Long Vĩ hôm ngày 2-4 đã khẳng định: “Đối với biên giới, lãnh hải, chúng ta luôn muốn hòa bình hữu nghị giữa hai dân tộc, giữa các dân tộc có biên giới với chúng ta, đó là mong muốn của nhân dân. Có hòa bình, hữu nghị thì nhân dân mới có cuộc sống ổn định, đó là thiện chí của cả dân tộc Việt Nam suốt hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước… Không để bất cứ ai xâm lấn bờ cõi của mình, biển đảo của mình... Khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, quyết tâm không gì lay chuyển được của Đảng, Nhà nước. Chúng ta không tham của ai, nhưng một tấc đất quê hương chúng ta cũng không nhân nhượng”.

Đó là lời khẳng định không phải chỉ hôm nay, mà mãi mãi về sau cháu con phải ghi nhớ tạc lòng…

Tàu nhỏ nhưng NIỀM TIN không nhỏ


Suốt trong những ngày đêm cùng bà con ngư dân ngang dọc vùng biển Hoàng Sa trên những chiếc tàu đánh bắt nhỏ, tôi khát khao và mơ về những con tàu lớn hàng nghìn tấn hiên ngang đi giữa biển trời Hoàng Sa. Như đọc được nỗi khát khao của tôi, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn cười bảo: “Chú có biết tại sao đến giờ bà con mình vẫn hiên ngang tồn tại nơi vùng biển đầy hiểm nguy này không? Tàu nhỏ, nhưng NIỀM TIN không nhỏ. Đó là điểm tựa vững chắc nhất để bà con ngư dân tồn tại trên vùng biển Hoàng Sa mấy chục năm nay mà các thế lực bạo tàn không thể nào khuất phục được…”

Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn đang liên lạc qua máy bộ đàm gửi gắm phóng viên VNN cho thuyền trưởng Tiêu Viết Hồng, giữa biển Hoàng Sa.

Không riêng gì thuyền trưởng Tuấn, mà hàng trăm ngư tôi gặp giữa biển Hoàng Sa, tất cả đều bảo với tôi rằng, chính ý chí và niềm tin quật cường của dân tộc đã cho họ sức mạnh để đối mặt với sự bạo tàn của ngoại bang. “Bão tố cuồng phong, chúng tôi không hề biết run sợ. Vậy không hà cớ gì chúng tôi lại run sợ trước thế lực hung bạo của kẻ ngoại bang. Họ chỉ cậy tàu to, súng lớn để làm càn. Nhưng họ không dễ gì khuất phục được ý chí và chà đạp được sự thật của lịch sử. Bởi Hoàng Sa là của Việt Nam. Điều đó là sự thật hiển nhiên.”, Thuyền trưởng Tiêu Viết Hồng khẳng định với tôi như vậy.

Điều chúng tôi cần nhất là sự có mặt của các cơ quan chức năng để kịp thời can thiệp và hỗ trợ bà con ngư dân khi bị tàu tuần tra Trung Quốc vây bắt khi đánh bắt vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Xin đừng để chúng tôi với hai bàn tay trắng đơn độc giữa biển Hoàng Sa…”, lời khẩn cầu của lão kình ngư Trương Văn Công trong cái đêm trắng cô độc nơi đảo Bom Bay gửi về đất liền.

Tôi đã bật khóc, nhưng nước mắt không chảy trong buổi chiều tắt nắng nơi đảo Bom Bay, bởi câu hỏi của bao ngư dân như hàng nghìn mũi kim xoáy vào lòng.

Từ trong bóng đêm nơi đảo Bom Bay, theo tay chỉ của thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn, chỉ cách khoảng chừng 0,5 hải lý, hiện ra trước mắt tôi là những chiếc tàu đánh bắt to lớn của ngư dân Hồng Kông, Trung Quốc… điện bật sáng cả một vùng biển.

Giữa biển Hoàng Sa của Việt Nam, những ngư dân không khỏi có phút chạnh lòng khi đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của đất nước mình mà như... kẻ ăn cắp!

Họ hiên ngang đánh bắt không hề biết lo sợ như những ngư dân Việt Nam. Bởi họ được cả một lực lượng tàu kiểm ngư, tàu tuần tra Trung Quốc bảo vệ. Còn tàu đánh bắt của bà con ngư dân Việt Nam thì đơn thương độc mã giữa đại dương mênh mông, hỏi sao không chạnh lòng tủi thân giữa biển mênh mông máu thịt Hoàng Sa.

Nhiều lúc làm ăn, sinh sống trên vùng biển của Tổ quốc mà thấy mình như kẻ ăn cắp. Biết đến bao giờ mới hết cảnh này…?”, tiếng thở dài của thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn giữa đêm đen nghe sao mà tê tái lòng!

Tất cả những tàu ngư dân mà tôi gặp, và những ngày sống cùng họ trên mặt biển mênh mông. Họ cũng như tôi, chỉ hai bàn tay trắng giữa biển Hoàng Sa đang ngày đêm bám biển để mưu sinh. Tôi đã trãi qua những ngày đêm nghẹt thở, phập phồng. Những đêm trắng âu lo bị tàu tuần tra Trung Quốc bắt giữ.

Những ngư dân trẻ đang diễn lại hành động phải làm của họ khi bị tàu Trung Quốc bắt giữ trên biển Hoàng Sa, với câu hỏi "như ri làm sao không đau cho được".

Hơn 60 năm trước của thế kỳ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Án hùng văn bất tử ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tôi đã gần như thuộc từng chữ. Để rỗi giữa đêm đen nơi vùng biển Hoàng Sa tôi nhẩm đọc lại mà lòng rưng rưng:

"Hỡi đồng bào cả nước! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng…! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc... Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên…

Lời kêu gọi máu thịt ấy đã được hun đúc từ ý chí quật cường của con dân đất Việt suốt hơn 4.000 năm lịch sử không bao giờ chịu khuất phục trước sức mạnh bạo tàn. Đó là NIỀM TIN - Một niềm tin bất diệt mà tôi cũng như triệu triệu trái tim của con dân đất Việt ngày đêm ghi nhớ tạc lòng.

Hướng về Hoàng Sa máu thịt

Trở về từ vùng biển Hoàng Sa, khi đặt chân lên bờ nơi cảng Lý Sơn, mắt tôi đã chứng kiến cảnh hàng trăm chiếc tàu đang hối hả chuẩn bị để ra Hoàng Sa bất chấp những hiểm nguy rập rình.

Tôi đã nhìn thấy trên gương mặt của họ vẫn rạng nụ cười mà nói như thuyền trưởng Tiêu Viết Hồng cùng anh em trên tàu bảo rằng, sẽ mãi mãi bám nơi đầu sóng ngọn gió này và sẽ không một ngày thiếu vắng bóng dáng những người con đất Việt nơi vùng biển Hoàng Sa.

Trong giấc mơ của hàng vạn ngư dân vùng biển miền Trung, là có những con tàu to để ra khơi đánh bắt sản vật, bảo vệ chủ quyền.

Bởi ở đó là nhà, là cuộc sống, là máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc mà họ đã gắn chặt bao đời nay. Bỏ nơi ấy cũng có nghĩa là có tội với tiền nhân, với những người đã nằm xuống. Chính điều đó đã cắt nghĩa vì sao, dù bão tố, dù bị kẻ bạo tàn rình rập bắt bớ, nhưng với họ, Hoàng Sa vẫn mãi mãi là nơi chốn đi-về của hàng vạn ngư dân Quảng Ngãi. Dù họ thừa hiểu rằng, đặt chân đến nơi ấy, nhiều khi chính họ phải trả giá bằng mạng sống của mình.

Con số thống kê của tỉnh Quảng Ngãi, chỉ tính trong gần 5 năm lại đây, riêng các làng chài các xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), xã Tịnh Kỳ ( huyện Sơn Tịnh) và ngư dân huyện đảo Lý Sơn đã bị nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) bắt giữ khi đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa (phần lớn bắt giữ tại đảo Phú Lâm), Trường Sa lên đến 33 tàu cùng với 373 ngư dân. Đó là chưa kể hàng trăm ngư dân khác bị "tàu lạ" đâm chìm, hoặc tàu tuần tra cướp tài sản rồi cho về…Một con số đau lòng mà đến tận bây giờ vẫn đang tiếp diễn.

Chiếc tàu QNg-50362, tài sản cuối cùng của ông Tiêu Viết Là cùng 12 thuyền viên ở Quảng Ngãi đang bị giam giữ tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hôm ngày 22-3 vừa qua là một minh chứng. Một hành động vô lý mà những ngư dân Việt Nam phải cam chịu từ nhiều năm nay. Ngư dân vẫn tiếp tục bị bắt giữ, người thân khó nghèo trên bờ đang nháo nhác chạy vạy, cầm cố nhà cửa để nộp tiền chuộc cứu người thân.

Đội thuyền đang chuẩn bị ra Hoàng Sa ở cảng Sa Kỳ.
Tôi đứng nơi cửa biển Sa Kỳ nhìn về hướng Đông. Chính nơi đây, hơn 300 năm trước đội Hoàng Sa đã “vâng mệnh vua ban” lên thuyền trực chỉ Hoàng Sa vào mỗi dịp sau tiết thanh minh. Dấu tích những dấu chân mở cõi của cha ông vẫn còn đó: Miếu Hoàng Sa - nơi còn giữ bộ xương cá ông được ngư dân mang về từ Hoàng Sa; là Vườn Đồn - nơi làm lễ xuất quân ra Hoàng Sa hàng năm, được cháu con gìn giữ tại xã Tịnh Kỳ ngày nay là một minh chứng không thể xoá nhoà trong tim của con dân vùng đất này.

Vẫn còn đó những dấu tích nơi vùng đất đảo Lý Sơn với miếu thờ những người con xả thân vì Hoàng Sa, để rồi mãi đến hôm nay cháu con vẫn còn lưu truyền bằng những lễ hội hàng năm. Tôi đã nhói lòng trong buổi sáng trước Âm Linh Tự khi nghe lời khấn của bao ngư dân chuẩn bị lên tàu ra Hoàng Sa, hay lời cầu khẩn trước mỗi chuyến ra khơi của những ngư dân với lễ lạt lòng thành trước biển....

Còn đó triệu triệu trái tim con dân đất Việt vẫn ngày đêm hướng về Hoàng Sa máu thịt. Bởi ở đó, một phần đất máu thịt của Tổ quốc vẫn nằm trong tay ngoại bang...

  • Vũ Trung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,