221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
1271151
Kỳ 5: Đêm dưới lòng biển Hoàng Sa
1
Article
null
Tường trình từ Hoàng Sa:
Kỳ 5: Đêm dưới lòng biển Hoàng Sa
,

- Những ngày lênh đênh theo tàu ra Hoàng Sa cùng ngư dân bám biển, tôi đã có những đêm trắng xuống lòng đại dương mênh mông để săn tìm sản vật, chứng kiến cuộc mưu sinh cơm áo nhọc nhằn của bao ngư dân.

>> Kỳ 1: 10 ngày nghẹt thở trên vùng biển Hoàng Sa
>> Kỳ 2: Nín thở đi qua vùng biển "tử thần"
>> Kỳ 3: Hiểm nguy giữa biển Hoàng Sa

>> Kỳ 4: Bỏ vùng biển Hoàng Sa là có tội với cha ông

Hằng đêm họ đối mặt với bao hiểm nguy giữa lòng biển bao la. Bất chợt tôi nhớ câu đùa vui của thuyền viên Nguyễn Văn Nam nói về cái nghề của mình: “Ngày lên dương gian ngủ; Tối xuống âm phủ làm bạn với hà bá” mà quặn thắt lòng…

Nhọc nhằn mưu sinh nơi lòng biển

Tôi đã từng theo tàu ra biển, từng đối mặt với sóng gió đại dương. Nhưng chuyến ra Hoàng Sa lần này khi tận mắt chứng kiến mới cảm nhận hết những gian khó nhọc nhằn của những ngư dân lặn bắt hải sản nơi vùng biển Hoàng Sa.

Miếng cơm, manh áo của họ đang được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả bằng tính mạng của mình.

Ngày ngủ, đêm xuống lòng đại dương mênh mông đối mặt với hiểm nguy bủa vây quanh mình. “Mỗi lần ngậm ống hơi lặn xuống lòng biển là rùng mình. Trời yên biển lặng còn dễ chịu. Những hôm trời nổi gió, lạnh thấu xương, lại bị sức ép của nước, nên thường xuyên xảy ra tai nạn. Nhẹ thì chảy máu lỗ tai, trào máu mũi. Nặng thì bị co cơ, tê liệt. Dưới lòng biển còn ấm, nhưng khi lên tàu thì rét run cầm cập…” thuyền viên Trương Văn Trưởng trên tàu Qng-95821-TS kể.

hs 27.JPG

Từ lòng biển Hoàng Sa lên sau khi bắt đầy tôm cá trong chiếc túi nhựa mang theo bên mình. Kết thúc 1 ca lặn kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ

Mỗi lần xuống lòng biển giữa đêm khuya kéo dài từ 1 đến 2 giờ đồng hồ. Tuỳ độ sâu mà mỗi thợ lặn sau khi bắt đầy cá trong chiếc túi lưới mang theo bên mình trồi lên mặt nước.

Nếu độ sâu khoảng 15-20m nước thì có thể lên ngay trong vòng 10 phút. Nếu độ sâu trên 30m nước thì sau khi lên mặt nước phải thực hiện qui trình giảm áp tuỳ mỗi người có thể kéo dài hơn 30 phút. Nếu thợ lặn nào làm sai một chút thì hậu quả chết người hoặc bại liệt toàn thân là khó tránh khỏi…”, Thuyền phó Trương Văn Á, một thợ lặn giàu kinh nghiệm giải thích.

Để được xuống lòng biển Hoàng Sa, tôi phải mất hai đêm thực tập. Ngậm ống hơi, mang bộ đồ lặn biển, đeo dây chì vào thắt lưng, tôi theo thuyền viên Trương Văn Nam lặn xuống lòng biển Hoàng Sa ở độ sâu hơn 15m nước.

Trong ánh đèn điện được nối từ máy phát trên tàu cùng ống dẫn hơi, lòng biển Hoàng Sa đen thẫm hiện ra trong ánh sáng mờ ảo của chiếc đèn điện 110W.

Cả rặng san hô đủ màu sắc như những cánh rừng bạt ngàn giữa đại dương hiện ra trước mắt trong ánh điện mờ ảo. Theo tay chỉ của Nam và cái gật đầu ra hiệu, tôi bám theo phía sau bắt đầu đêm săn bắt cá giữa lòng biển Hoàng Sa.

Lách qua những rặng san hô mọc chen chúc, những con hải sâm nằm trơ mình, cứ thế nhặt bỏ vào túi lưới mang bên mình. Những con cá to ngủ đêm trong hang được Nam dùng xiên đâm. Nhiều con cá to, người và cá vật nhau giữa lòng biển mới bắt được.

hs 10.JPG
Ngư dân lặn đêm dưới lòng biển Hoàng Sa

Tôi cố chịu đựng bám theo Nam. Nhưng trước sức ép của nước, cũng như thiếu dưỡng khí, ngực tôi bắt đầu tức, khó thở. Hai lỗ tai đau nhức và hai chân gần như không điều khiển được. Bỏ chuyến săn bắt cá, Nam đưa tôi lên mặt nước.

Thú thật, lần đầu tiên tôi nếm mùi của đau đớn vì bị co cơ do sức ép của nước. “May lên kịp, và sức khoẻ tốt. Nếu không thì hậu quả chảy máu lỗ tai, hộc máu mũi và bại liệt là khó tránh khỏi…”, Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn bảo với tôi như vậy.

Nằm trong khoang tàu tôi thấy mùi mặn chát không phải của nước biển. Mà cái mùi mặn ấy thấm tận trong lòng của máu, mồ hôi và nước mắt trong cuộc mưu sinh cơm áo giữa lòng đại dương mênh mông đầy bất trắc.

Luật của biển

“Đã ra biển là đối mặt với hiểm nguy, bất cứ nghề nào ở biển cũng phải đổ mồ hôi và máu mới có được miếng cơm manh áo cho vợ con trên bờ. Biển hào phóng ban tặng cho con người cuộc sống. Nhưng biển cũng lấy cuộc sống của con người. Luật biển rất sòng phẳng và công tâm…”. Lời triết lý của thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn sau 22 năm bám biển như khẳng định cuộc mưu sinh nhọc nhằn của những ngư dân giữa đại dương mênh mông là tất yếu phải chấp nhận.

ms6.JPG

Luật của biển là đức tin nhiệm màu của Mẹ biển. Mỗi chuyến ra khơi, ngư dân sắm lễ vật cúng trước biển trước khi đánh bắt

Suốt chuyến hải hành ra Hoàng Sa, tôi mới hiểu ra thế giới tâm linh với biển mà mỗi ngư dân mang trong mình khi ra với Mẹ biển.

Trước mỗi tai ương cướp đi bao sinh mạng con người, nhưng bao giờ những con dân của biển cũng tôn trọng và coi biển như lòng mẹ bao dung. Không bao giờ oán trách, bởi Mẹ biển đã cho họ cuộc sống miếng cơm manh áo hàng ngày.

Những lúc cuồng phong, bão tố, những ngư dân như anh Tuấn, anh Quang, anh Hồng và hàng nghìn ngư dân khác đều chắp tay trước ngực nguyện cầu và tự hỏi mình đã làm gì để Mẹ biển nổi cơn thịnh nộ?!

Mãi đến khi đã vào bờ, tôi mới kịp hiểu ra tại sao trước và sau mỗi chuyến đi biển, rất nhiều lễ nghi thành kính được ngư dân bày ra trước biển để nguyện cầu với lòng thành kính. Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Quang đã từng đoán chắc với tôi rằng: “Không có luật nào nghiêm bằng luật của biển. Cái luật bất thành văn ấy vẫn nghiễm nhiên tồn tại trong tâm mỗi con người sống ở biển. Đã hứa là làm, cho dù lời hứa ấy chỉ ở trong tâm chẳng ai hay….

Còn nhớ sau trận bão số 9 hồi năm ngoái khi tôi về các làng chài ở Bình Châu, huyện Bình Sơn và An Hải, đảo Lý Sơn. Đi qua những làng chài xơ xác vì bão quật tan tành, nhà cửa đổ sập chưa kịp dựng lại, nhưng bà con ngư dân lại mổ heo ăn mừng.

Hỏi ra mới biết họ vừa mới thoát chết trở về từ Hoàng Sa. Tận mắt chứng kiến cảnh những ngư dân liêu xiêu trở về nhà sau bão tôi mới hiểu ra tại sao nhà sập không lo dựng lại, mà lo mổ heo ăn mừng.

Họ bảo không phải mổ heo để ăn mừng mình sống sót trở về mà mổ heo để cúng thần biển mà mình đã nguyện cầu khi gặp tai ương bão tố.

ms2.JPG
Chút lòng thành sau chuyến biển trở về

“Anh em đi biển tụi tui, cứ mỗi lần gặp tai ương là cầu nguyện trong tâm. Ai cầu nguyện và hứa điều gì trước biển là phải thành tâm. Thoát nạn trở về, cho dù có nghèo khó cũng phải thực hiện cho bằng được lời mình đã hứa trước biển…” - thuyền trưởng Nguyễn Thanh Quang giải thích cho tôi hiểu cái luật bất thành văn ấy.

“Ngay anh em bạn tàu, bất kỳ người nào gặp tai nạn trên biển trong lúc đánh bắt thì chủ tàu phải lo chu toàn. Không chỉ lo cho bản thân người bị nạn mà cả vợ con, cha mẹ của họ. Nếu họ không còn ra biển được nữa, thì chủ tàu cứ thế phải lo cho cuộc sống của họ đúng 1 năm. Luật biển là vậy…”, chủ tàu Nguyễn Thanh Tuấn kể.

Nhiều lắm những luật biển bất thành văn như thế được những lão ngư kể cho tôi nghe trong những đêm trắng giữa biển Hoàng Sa. Lòng chân thành, tính cương trực, thẳng thắn và can trường được hun đúc từ những hiểm nguy mà Mẹ biển dạy họ.

Từ những đêm trắng giữa biển Hoàng Sa với bao câu chuyện về biển, tôi đã thấu hiểu vì sao suốt mấy trăm năm nay, dù có phải đối mặt với hiểm nguy của bão tố, của tàu tuần tra Trung Quốc giữa biển Hoàng Sa, những ngư dân tay trắng vẫn đương đầu chống chọi không hề biết run sợ…

  • Vũ Trung
    (Còn tiếp)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,