221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1176594
Cải cách hành chính, khó phân biệt thủ tục "mẹ", "con"
1
Article
null
Cải cách hành chính, khó phân biệt thủ tục 'mẹ', 'con'
,

 - Nhân cuộc gặp với Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng mới đây để "gỡ khó" cho việc thống kê, rà soát các thủ tục không cần thiết, một thành viên trong Tổ công tác Đề án 30 của Hà Nội than: "Có xã báo cáo chỉ có 30 thủ tục, nhưng sau khi nhắc nhở, họ mới thống kê lên 50".

Xếp hàng trước bộ phận một cửa tại Sở Kế hoạch và Đầu tư HN. Ảnh: LN
Sở dĩ có những con số khác nhau này, theo Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 30 TP Hà Nội, Chánh Văn phòng UBND thành phố Nguyễn Thịnh Thành, là do nhiều đơn vị vẫn gộp quá nhiều thủ tục vào trong một mà không tách nhỏ theo đối tượng, thành phần hồ sơ, yêu cầu, điều kiện pháp lý…

Chẳng hạn, Sở Xây dựng chỉ thừa nhận một thủ tục hành chính (TTHC) là cấp giấy phép xây dựng, nhưng thực tế có nhiều loại thủ tục "con", "cháu" liên quan.

Đây cũng là lý do khiến Hà Nội bị "phê bình" là chậm thống kê thủ tục theo tiến độ yêu cầu của Đề án 30. Kết quả mới chỉ đạt 1/6 trên tổng số khoảng 3.000 TTHC.

Ngay các thành viên trong Tổ công tác Đề án 30 của Hà Nội cũng than rằng, dù đã tham gia các lớp tập huấn, nhưng cán bộ dưới quận, huyện và ở nhiều sở, ngành còn chưa phân định rõ chỉ thống kê các thủ tục "mẹ" hay phải liệt kê tất cả các thủ tục "con", "cháu" đi kèm. Chưa kể, nhiều cán bộ cơ sở không được tiếp cận mạng Internet cũng như chưa nhận thức hết tầm quan trọng của việc thống kê đầy đủ TTHC hiện có.

Ông Ngô Hải Phan, Tổ phó thường trực Tổ công tác chuyên trách của Thủ tướng cho rằng, số lượng TTHC đã thống kê tại các đơn vị cũng như của toàn thành phố còn quá ít. Trong khi đó, nếu không có đề án cải cách của Chính phủ, tự thân Hà Nội mở rộng đã phải làm công tác rà soát để thống nhất TTHC ở hai địa bàn Hà Nội và Hà Tây (cũ).

Thủ tục phức tạp mang lại lợi ích cho một số người

Hà Nội chỉ mới thống kê xong 1/6 số lượng thủ tục hành chính trong khi thời hạn "chốt" lại việc thống kê đang đến gần. Mới đây, Quảng Ngãi đã bị Thủ tướng phê bình do chưa kịp thời tổ chức hoạt động cho tổ công tác rà soát TTHC tại địa phương. Trong khi đó, theo dự kiến, tháng 6 tới, các tỉnh và bộ, ngành sẽ phải hoàn tất việc rà soát và công bố công khai bộ TTHC chung.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng Ban Nghiên cứu vĩ mô, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế TƯ, nếu vẫn không thể làm rõ khái niệm "thủ tục hành chính", sẽ rất khó thống kê để cắt bỏ. Đến nay, thống kê trên cả nước hiện có tới 6.500 TTHC liên quan đến người dân và doanh nghiệp nhưng nhiều bộ vẫn khăng khăng họ chỉ có vài chục thủ tục.

Ông Nguyễn Đình Cung minh họa, chỉ riêng "cây" TTHC về đầu tư - xây dựng đã có tới 14 cành, với nhiều nhánh, hoa, lá. Có thống kê cả năm trời cũng không liệt kê hết các nhánh phụ.

Trong khi chưa thể lên được danh mục TTHC hiện có, khó lòng nói tới chuyện cân nhắc xem nên giữ, hay loại bỏ thủ tục nào. Cải cách TTHC, theo ông Cung, là phải giảm được số lượng thủ tục theo hướng hợp lý hóa điều kiện, trình tự áp dụng để mang lại thuận lợi tối ưu cho người dân và doanh nghiệp.

Ngoài những lực cản mang tính kỹ thuật, nhóm cải cách phải đối phó với một lực cản là việc công chức xem các TTHC phức tạp là cơ hội để làm giàu, để đòi hỏi tiền bôi trơn.

Bà Phạm Chi Lan, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển IDS, cho rằng: “Việc cải cách hành chính đã loay hoay suốt 10 năm nay phải chăng do bộ máy trì trệ, liên quan đến những nhóm lợi ích riêng”.

Theo một nghiên cứu mới đây của GS Martin Painter và TS Hà Hoàng Hợp, Chu Quang Khởi trong khuôn khổ dự án của UNDP về cải cách hành chính, Đề án 30 đã vạch ra một mục tiêu đầy tham vọng là nhằm loại bỏ những gì không phù hợp, gây ra phiền hà và dẫn tới lạm dụng quyền lực hay tham nhũng. Việc phát sinh "giấy phép con" là bất hợp pháp nhưng khó kiểm soát bởi năng lực giám sát hạn chế của bộ, ngành TƯ.

Nhóm chuyên gia cũng thẳng thắn cảnh báo: "Thành công của Đề án 30 là một thí nghiệm quan trọng cho việc thực hiện thành công quá trình cải cách hành chính ở Việt Nam. Nhưng nếu thất bại, đây sẽ là bước thụt lùi lớn và khuyến khích những quyền lợi bất di bất dịch chống cải cách".

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,